GDCD 8 Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

Bài học giúp học sinh hiểu được một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mọi thành viên trong gia đình; ý nghĩa của những quy định đó. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 8. Mời các em cùng tham khảo!

GDCD 8 Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đặt vấn đề

a. Bài ca dao

Bài ca dao nói về công lao to lớn của cha mẹ đối với con cái, bổn phận của con cái phải kính trọng, có hiếu với cha mẹ.

b. Truyện đọc

- Đồng tình với cách cư xử của Tuấn vì những việc làm của Tuấn thể hiện lòng kính trọng ông bà.

- Không đồng tình với cách cư xử của con trai cụ Lam vì những việc làm đó thể hiện anh ta là đứa con bất hiếu.

=> Chúng ta phải biết kính trọng, yêu thương, chăm sóc ông bà, cha mẹ.

=> Trong gia đình, dù ở bất cứ cương vị nào, trong mối quan hệ nào thì chúng ta cũng cần phải cư xử đúng mực, kính trọng mọi người.

1.2. Nội dung bài học

a. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, ông bà

- Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dạy, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Không phân biệt đối xử, ngược đãi, xúc phạm con...

- Ông bà có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng cháu chưa thành niên.

b. Quyền và nghĩa vụ của con, cháu

- Con cháu có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ, ông bà.

- Con cháu có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà. Nghiêm cấm hành vi ngược đãi ông bà, cha mẹ.

c. Anh chị em

Có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau và nuôi dưỡng nhau nếu không còn cha mẹ.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy kể những việc làm thể hiện sự quan tâm của mọi thành viên trong gia đình em trong cuộc sống hàng ngày (chia sẻ, chăm sóc, giúp đỡ nhau trong công việc)

Gợi ý trả lời

- Cha mẹ chia sẻ với nhau trong công việc (góp ý, trao đổi, bàn bạc)

- Cha đón em bé sau giờ làm việc

- Cha mẹ cùng nhau đi siêu thị mua sắm

- Em giúp cha mẹ đón em, cho em ăn, tắm rửa và chơi với em

- Em quét dọn nhà cửa, rửa ấm trà cho cha

- Cha chăm sóc em khi mẹ đi công tác vắng

- Cha mẹ chăm sóc lo lắng cho em khi em đau ốm

- Cha mẹ đưa em về quê thăm ông bà

Câu 2: Em thử hình dung nếu không có tình yêu thương, sự chăm sóc dạy dỗ của ông bà cha mẹ thì em sẽ ra sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu em không làm tốt bổn phận và nghĩa vụ đối với cha mẹ, ông bà, anh chị em?

Gợi ý trả lời

- Nếu không có tình yêu thương, chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ thì cuộc đời em sẽ đầy khó khăn, vất vả và bất hạnh.

- Nếu không làm tốt bổn phận và nghĩa vụ đối với cha mẹ, ông bà, anh chị em là đứa con bất hiếu, sống không có đạo đức, gia đình bất hạnh, em sẽ bị xã hội lên án.

Câu 3: Chỉ là một nữ sinh lớp 8. Một lần, Chi nhận lời đi chơi xa với một nhóm bạn cùng lớp. Bố mẹ Chi biết chuyện đó can ngăn và không cho Chi đi với lí do nhà trường không tổ chức và cô giáo chủ nhiệm không đi cùng. Chi vùng vằng, giận dỗi và cho rằng cha mẹ xâm phạm quyền tự do của Chi. Theo em, ai đúng, ai sai trong trường hợp này? Vì sao? Nếu em là

Chi thì em sẽ ứng xử như thế nào?

Gợi ý trả lời

- Bố mẹ Chi đúng và họ không xâm phạm quyền tự do của con vì cha mẹ có quyền và nghĩa vụ quản lý, trông nom con.

- Chi sai vì Chi không tôn trọng ý kiến của cha mẹ

- Cách ứng xử đúng là nghe lời cha mẹ, không đi chơi xa mà không có cô giáo, nhà trường quản lý và nên giải thích lý do cho nhóm bạn hiểu.

Câu 4: Sơn sinh ra trong một gia đình giàu có và là con một nên bố mẹ rất chiều chuộng và thỏa mãn mọi đòi hỏi của Sơn. Sơn đua đòi ăn chơi, hút thuốc lá rồi bị nghiện ma túy....

Theo em, ai là người có lỗi trong việc này?

Gợi ý trả lời

- Theo em cả Sơn và cha mẹ Sơn đều có lỗi trong việc này.

Bởi vì Sơn đua đòi ăn chơi không làm đúng nghĩa vụ của một người con trong gia đình là phải học hành chăm ngoan, hiếu thảo với cha mẹ. Cha mẹ Sơn quá nuông chiều con, buông lỏng việc quản lý con, giáo dục con không đến nơi đến chốn cho nên Sơn đã sa vào con đường nghiện ngập.

Câu 5: Lâm 13 tuổi. Một lần Lâm đi xe máy vào đường ngược chiều và đâm phải một người đi xe đạp làm người đó bị thương và hỏng xe. Lâm bị cơ quan công an tạm giữ. Khi cơ quan công an mời bố mẹ Lâm đến giải quyết việc bồi thường cho người bị đâm xe thì bố mẹ Lâm không chịu đến và nói rằng mình không làm việc đó nên không chịu trách nhiệm.

Theo em bố mẹ Lâm xử sự như vậy có đúng không? Vì sao?

Gợi ý trả lời

- Bố mẹ Lâm cư xử như vậy là không đúng vì cha mẹ thì phải chịu trách nhiệm vì hành vi của con, phải bồi thường thiệt hại do con gây ra cho người khác vì Lâm 13 tuổi.

- Lâm vi phạm luật giao thông đường bộ do cha mẹ cho Lâm đi xe máy trong khi độ tuổi Lâm chưa cho phép và Lâm lại đi vào đường ngược chiều.

Câu 6: Đôi khi giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em có sự bất hòa. Trong trường hợp đó em sẽ xử sự như thế nào để khắc phục bất hòa, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình?

Gợi ý trả lời

Nếu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em có sự bất hòa, trong trường hơp đó cách xử sự tốt nhất để khắc phục sự bất hòa, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình là:

- Ngăn cản không cho mối bất hòa nghiêm trọng thêm.

- Khuyên hai bên thật bình tĩnh, lắng nghe để thấy được đúng sai.

Câu 7: Sưu tầm những câu tục ngữ, ca dao nói lên mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình?

Gợi ý trả lời

Tục ngữ:

- Con có cha mẹ đẻ, chẳng ai lỗ nẻ chui lên

- Một giọt máu đào hơn ao nước lã

- Của chồng công vợ

- Con dại cái mang

Ca dao:

"Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"

"Cá không ăn muối cá ươn

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư"

"Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn"

Câu 8: Ông B là người giầu có, ông có một người con trai và hai người con gái. Ông đã chia toàn bộ tài sản của mình cho anh con trai. Ông nghĩ rằng con trai mới thực sự là con mình còn con gái là con nhà người ta. Em có đồng ý với cách làm và suy nghĩ của ông B hay không? Tại sao?

Gợi ý trả lời

Em không đồng ý với cách làm và suy nghĩ của ông B bởi vì dù là con gái hay con trai đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trong gia đình

Câu 9: Sau khi mẹ mất được vài năm thì cha của Dũng tái hôn. Người mẹ kế đã đối xử rất tốt với Dũng. Bà yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng Dũng như con đẻ của mình. Tuy nhiên Dũng luôn tỏ thái độ vô lễ với bà. Dũng cho rằng mình chỉ có bổn phận yêu thương, kính trọng, chăm sóc cho cha mẹ đẻ, còn bố dượng và mẹ kế thì không cần vì không có quan hệ máu mủ gì. Em có đồng ý với thái độ và suy nghĩ của Dũng không? Tại sao?

Gợi ý trả lời

Em không đồng ý với thái độ và suy nghĩ của Dũng. Bởi vì dù có là bộ dượng hay mẹ kế thì vẫn là thành viên trong gia đình và ai cũng đều có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc lẫn nhau.

Câu 10: Bố mẹ Hoa sinh được hai chị em Hoa. Năm nay Hoa học lớp 8 còn cậu em trai học lớp 6. Cách đây vài ngày, Bố nói với Hoa: "Bố thấy con là con gái nên không cần phải học hành nhiều, em con là con trai thì nên để cho nó ăn học đến nơi đến chốn. Bố mẹ đã quyết định sau khi học xong lớp 8, con sẽ nghỉ học để phụ mẹ bán hàng giúp đỡ gia đình". Em có đồng ý với ý kiến của bố bạn Hoa hay không? Tại sao?

Gợi ý trả lời

Em không đồng ý với ý kiến của bố bạn Hoa. Bởi vì trong việc học tập cũng như bất cứ việc gì khác, mọi hành vi, suy nghĩ phân biệt đối xử giữa con cái trong gia đình đều là không đúng. Cả con trai và con gái đều có cơ hội học tập như nhau

Câu 11: Vợ chồng ông A rất giàu có. Ông có một người cha già đã ngoài 90 tuổi đau yếu thường xuyên. Ông đã đưa cho vào bệnh viện và thuê một người đến chăm sóc cụ. Toàn bộ thiền thuốc thang, viện phí, sinh hoạt phí của ông cụ, ông A đề lo đầy đủ. Việc chăm sóc người cha già thì được ông A khoán thẳng cho người giúp việc. Mặc dù bệnh viện ở gần nhà nhưng do bận việc nên mỗi tháng, ông A chỉ vào việc thăm cha 1 lần. Ông A rất tự hào vì mình đã thực hiện đúng bổn phận một người con đối với cha. Theo em, ông A đã thực hiện đúng bổn phần của một người con hay chưa? Tạo sao?

Gợi ý trả lời

Theo em, ông A chưa thực hiện đúng bổn phận của một người con. Bởi vì cái mà người cha cần lúc này không chỉ là tiền bạc để chữa trị bệnh tật mà quan trọng hơn là tình cảm, sự chăm sóc và thường xuyên gần gũi của người con để cảm thấy được an ủi, động viên lúc tuổi già, sức yếu

3. Kết luận

Qua bài học, cac em cần nắm các kiến thức sau:

- Hiểu được một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mọi thành viên trong gia đình ; ý nghĩa của những quy định đó.
- Có thái độ tôn trọng và tình cảm đối với gia đình ; có ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ với ông bà, cha mẹ, anh chị em.
- Biết ứng xử phù hợp với những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của bản thân trong gia đình ; biết đánh giá hành vi của mình và người khác theo quy định của pháp luật.

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM