Tin học 10 Bài tập và thực hành 2: Làm quen với máy tính

Nội dung của Bài tập và thực hành 2: Làm quen với máy tính các em sẽ được học dưới đây sẽ giúp các em củng cố lại các kiến thức về các bộ phận của máy tính và một số thiết bị; cách bật/tắt một số thiết bị như máy tính, màn hình, máy in,...; Mời các em cùng theo dõi nội dung chi tiết của bài học.

Tin học 10 Bài tập và thực hành 2: Làm quen với máy tính

1. Tóm tắt lí thuyết

1.1. Mục đích, yêu cầu

  • Quan sát và nhận biết được các bộ phận chính của máy tính và một số thiết bị khác như máy in, bàn phím, chuột, đĩa, ổ đĩa, cổng USB,...

  • Làm quen và tập một số thao tác sử dụng bàn phím,chuột;

  • Nhận thức được máy tính được thiết kế rất thân thiện với con người.

1.2. Nội dung

a. Làm quen với máy tính

  • Các bộ phận của máy tính và một số thiết bị khác như: ổ đĩa, bàn phím, màn hình, máy in, nguồn điện, cáp nối, cổng USB,...

  • Cách bật/tắt một số thiết bị như máy tính, màn hình, máy in,...

    • Khi tắt máy tính cần tắt theo đúng quy tắc: Chọn Start/Turn off Computer/ Turn off

    • Cách khởi động máy: Đóng cầu dao điện, bật công tắc trên case, trên màn hình

b. Sử dụng bàn phím

  • Phân biệt các nhóm phím

  • Phân biệt việc gõ một phím và gõ tổ hợp phím bằng cách nhấn giữ

  • Gõ một dòng kí tự tuỳ chọn

c. Sử dụng chuột

  • Di chuyển chuột:

    • Thay đổi vị trí của chuột trên mặt phẳng

    • Chuột có thể di chuyển mọi hướng theo yêu cầu của chúng ta

  • Nháy chuột:

    • Nhấn nút trái chuột rồi thả ngón tay

    • Để xem thông tin, thuộc tính hoặc thực thi 1 chương trình nào đó

  • Nháy đúp chuột:

    • Nháy chuột nhanh hai lần liên tiếp

    • Dùng để thực thi một chương trình (lệnh) nào đó

  • Kéo thả chuột:

    • Nhấn và giữ nút trái của chuột, di chuyển con trỏ chuột đến vị trí cần thiết thì thả ngón tay nhấn giữ chuột

    • Ứng dụng theo từng chương trình (lệnh) khác nhau

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Điền vào chỗ trống các thiết bị tương ứng:

A.... Thực hiện các phép toán số học và logic;

B..... Dùng để nhập thông tin vào;

C.... Lưu trữ thông tin lâu dài;

D.....Điều khiển hoạt động đồng bộ của các bộ phận trong máy tính và các thiết bị ngoại vi liên quan.

Hướng dẫn giải:

A. Bộ số học/ logic;

B. Thiết bị vào;

C. Bộ nhớ ngoài;

D. Bộ điều khiển.

Câu 2: Nhận định "Sự phát triển phần cứng máy tính độc lập với sự phát triển phần mềm máy tính" đúng hay sai? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

Nhận định trên là sai. Vì: Sự phát triển của phần cứng tạo điều kiện cho phát triển phần mềm và ngược lại. Xu hướng "mềm hóa" tạo phần mềm thay thế chức năng của một số bộ phận phần cứng; ngược lại xu hướng "cứng hóa" tạo phần cứng thay thế một số phần mềm đã có.

Câu 3: Hãy ghép mỗi thiết bị ở cột A với chức năng tương ứng ở cột B trong bảng dưới đây:

Cột A

Cột B

1) Thiết bị vào

A. để đưa thông tin ra.

2) Bộ nhớ ngoài

B. thực hiện các phép toán số học và lôgic.

3) Bộ nhớ trong

C. điều khiển hoạt động đồng bộ của các bộ phận trong máy tính và các thiết bị ngoại vi liên quan.

4) Bộ điều khiển

D. lưu trữ thông tin cần thiết để máy tính hoạt động và dữ liệu trong quá trình xử lí.

5) Bộ số học/lôgic

E. dùng để nhập thông tin vào.

6) Thiết bị ra

F. lưu trữ thông tin lâu dài.

Hướng dẫn giải:

1 - E; 2 - F; 3 - D; 4 - C; 5 - B; 6 - A.

Câu 3: Hãy đánh dấu vào cột tương ứng để phân loại thiết bị trong bảng sau:

Các thiết bị

Thiết bị vào

Thiết bị ra

Chuột

 

 

Màn hình

 

 

Máy quét

 

 

Máy in

 

 

Môđem

 

 

Máy chiếu

 

 

Loa

 

 

Hướng dẫn giải:

Các thiết bị

Thiết bị vào

Thiết bị ra

Chuột

X

 

Màn hình

 

X

Máy quét

X

 

Máy in

 

X

Môđem

X

 

Máy chiếu

 

X

Loa

 

X

Câu 4: Hãy nêu những điểm giống và khác nhau giữa ROM và RAM.

Hướng dẫn giải:

  • Giống nhau: Đều là bộ nhớ trong.

  • Khác nhau:

    • Với RAM có thể đọc/ghi dứ liệu, nhưng với ROM chỉ có thể đọc dữ liệu.

    • Khi tắt máy, dữ liệu trong RAM bị mất đi, dữ liệu trong ROM không bị mất đi.

Câu 5: Hãy nêu những điểm giống và khác nhau giữa đĩa cứng và đĩa mềm.

Hướng dẫn giải:

  • Giống nhau:

    • Đều là bộ nhớ ngoài.

    • Phủ vật liệu từ tính.

    • Tránh ẩm, nóng, bụi bẩn và từ trường mạnh.

  • Khác nhau:

    • Đĩa cứng cùng với đầu từ nằm trong ổ đĩa thường là một hệ cơ khí gắn kín. Đĩa cứng thường gồm nhiều đĩa đồng trục. Đĩa mềm thì tách rời khỏi ổ đĩa.

    • Dung lượng đĩa cứng lớn hơn (tới hàng chục, hàng trăm GB), đĩa mềm thường có dung lượng chỉ 1,44 MB.

    • Tốc độ đọc/ghi của đĩa cứng nhanh hơn đĩa   mềm hàng chục lần.

Câu 6: Hãy điền từ thích hợp trong các từ dãy bit, địa chỉ, mã nhị phân, chương trình vào chỗ trống (…) trong những câu sau:

A. Nguyên lí điều khiển bằng chương trình: "Máy tính hoạt động theo.........……….."

B.  Nguyên lí mã hóa nhị phân: "Thông tin có nhiều dạng khác nhau như số, văn bản, hình ảnh, âm thanh. Khi đưa vào máy tính chúng đều biến thành dạng chung - dãy bit,……...…đó là mã nhị phân của thông tin mà nó biểu diễn";

C. Nguyên lí lưu trữ chương trình: "Lệnh được đưa vào máy tính dưới dạng ..…………… để lưu trữ, xử lí như những dữ liệu khác";

D. Nguyên lí truy cập theo địa chỉ: "Việc truy cập dữ liệu trong máy tính được thực hiện thông qua…..……nơi lưu trữ dữ liệu đó".

Hướng dẫn giải:

A. chương trình

B. dãy bit

C. mã nhị phân

D. địa chỉ

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Một máy tính chưa có phần mềm có thể hoạt đông được hay không? Vì sao?

Câu 2: Hãy giới thiệu và vẽ sơ đồ cấu trúc tổng quát của máy tính.

Câu 3: Trình bày chức năng từng bộ phận: CPU, bộ nhớ trog, bộ nhớ ngoài, thiết bị vào, thiết bị ra.

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Thiết bị lưu trữ tạm thời  dữ liệu của máy tính là:

A. Đĩa cứng

B. ROM

C. RAM

D. Đĩa mềm

Câu 2: Chọn danh sách các thiết bị ra:

A. Con chuột, bàn phím, tai nghe

B. Màn hình, máy in, máy chiếu

C. Modem, loa và tai nghe

D. Tất cả câu trên đều sai

Câu 3: Bộ phận trong máy vi tính bao gồm Bộ phận nào sau đây?

A. Bộ nhớ trong

B. Thiết bị  vào/ ra

C. Bộ xử lý trung tâm

D. Các câu trên đều đúng

Câu 4: Hãy cho biết nguyên lý Phôn – Nôi – Man đề cập đến những vấn đề nào dưới đây?

A. Điều khiển bằng chương trình và lưu trữ chương trình

B. Mã hóa nhị phân

C. Truy cập theo địa chỉ

D. Tất cả đều đúng

Câu 5: Chọn danh sách các thiết bị vào:

A. Máy quét, webcam

B. Bàn phím, chuột

C. Hai câu A, B đều đúng

D. Hai câu A, B đều sai

Câu 6: ROM (Read-Only Memory) là:

A. Bộ xử lý trung tâm

B. Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên

C. Bộ nhớ ngoài

D. Bộ nhớ chỉ đọc

Câu 7: Trong các câu sau, câu nào sai?

A. Vùng ROM khi tắt điện không bị mất dữ liệu, còn vùng RAM thì ngược lại

B. Vùng ROM là vùng nhớ chỉ đọc, còn vùng RAM là vùng nhớ cho phép đọc, ghi và xóa

C. Vùng RAM chứa các chương trình do nhà sản xuất cài đặt sẵn trong vùng này

D. Vùng ROM và RAM được gọi chung là bộ nhớ trong

Câu 8: RAM (Random Access Memory) là:

A. Bộ nhớ chỉ đọc

B. Bộ nhớ ngoài

C. Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên

D. Bộ xử lý trung tâm.

Câu 9: Công cụ nào dưới đây đặc trưng cho nền văn minh thông tin?

A. Máy truyền hình

B. Điện thoại di động

C. Radio

D. Máy tính điện tử

Câu 10: Máy tính là một thiết bị có các đặc tính ưu việt:

A. Thay thế hoàn toàn con người trong lĩnh vực tính toán

B. Tốc độ tính toán cực nhanh và độ chính xác cao

C. Có khả năng thu thập và xử lý mọi dạng thông tin

D. Ba câu trên đều đúng

4. Kết luận

Sau khi học xong Bài tập và thực hành 2: Làm quen với máy tính, các em cần nắm vững các nội dung trọng tâm:

  • Các bước để tắt mở máy, các thao tác cơ bản với chuột và bàn phím.

  • Cấu trúc của một máy tính điện tử.

  • Hoạt động của máy tính.

Ngày:23/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM