GDCD 11 Bài 6: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Bài học dưới đây cung cấp kiến thức về nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua bài học này hi vọng các em học sinh học tập và phấn đấu rèn luyện, lao động và làm việc đáp ứng tốt yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

GDCD 11 Bài 6: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tính tất yếu khách quan và tác dụng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

a. Khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động kinh tế và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

b. Tính tất yếu khách quan và tác dụng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Tính tất yếu khách quan của công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

  • Do yêu cầu phải xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
  • Do yêu cầu phải rút ngắn khoảng cách tụt hậu xa về kinh tế, kỹ thuật và công nghệ giữa Việt Nam và thế giới.
  • Do yêu cầu phải tạo ra năng suất lao động xã hội cao, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của xã hội.

- Tác dụng to lớn và toàn diện của công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

  • Tạo tiền đề thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
  • Tạo tiền đề cho việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tăng cường vai trò của Nhà nước và mối quan hệ giữa công nhân, nông dân, trí thức.
  • Tạo tiền đề phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

1.2. Nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở đất nước

a. Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất

  • Thực hiện cơ khí hóa nền sản xuất xã hội
  • Áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế
  • Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

b. Xây dựng một cơ cấu kinh tếhợp lý, hiện đại và hiệu quả

  • Chuyển dịch, phát triển từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp lên cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp và dịch vụ hiện đại.
  • Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với phát triển tri thức.

c. Củng cố và tăng cường địa vị chủ đạo của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và tiến tới xác lập địa vị thống trị của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân

1.3. Trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

  • Nhận thức đúng đắn về tính tất yếu khách quan và tác dụng to lớn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Lựa chọn ngành, mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường
  • Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất
  • Học tập, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - công nghệ hiện đại

2. Luyện tập

Câu 1: Từ khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, em hãy cho biết tại sao ở nước ta công nghiệp hóa phải gắn liền với hiện đại hóa?

Gợi ý trả lời:

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động kinh tế và quản lí kinh tế - xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

Công nghiệp hóa phải gắn liền với hiện đại hóa là vì công nghiệp hóa là biến đổi cơ bản lao động thủ công thành lao động tiên tiến hiện đại, nhưng nếu dừng lại ở chổ này thì công nghiệp hóa không có giá trị mà chúng ta phải áp dụng công nghiệp hóa đó vào các ngành sản xuất, lưu thông, dịch vụ, quản lý thì sự công nghiệp hóa đó mới thật sự đúng nghĩa và đem lại lợi ích cho đất nước. Việc áp dụng công nghiệp hóa vào các mặt của đất nước ta gọi đó là hiện đại hóa, do đó công nghiệp hóa phải gắn liền với hiện đại hóa.

Câu 2: Trình bày tính tất yếu khách quan của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Gợi ý trả lời:

- Tính tất yếu khách quan của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

  • Do yêu cầu phải xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội. Cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền công nghiệp lớn hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lí, trình độ xã hội hóa cao, dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ tiên tiến, được hình thành và phân bố có kế hoạch trên toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
  • Do yêu cầu phải rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế, kĩ thuật – công nghệ giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới. Sau hơn 20 năm đổi mới, nhất là 10 năm 2001 – 2010, nền kinh tế nước ta đã đạt những thành tựu rất quan trọng, trong đó cơ sở vật chất – kĩ thuật bước đầu được tăng cường. Tuy nhiên, đất nước vẫn đang tồn tại nhiều yếu kém, sự yếu kém này đã và đang là nguyên nhân làm hạn chế chất lượng tăng trưởng, chất lượng cạnh tranh và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi nước ta là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
  • Do yêu cầu phải tạo ra năng suất lao động xã hội cao, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa xã hội. Xã hội sau muốn tiến bộ hơn xã hội trước, thì điều trước hết và chủ yếu là phải làm cho năng suất lao động của xã hội sau cao hơn hẳn năng suất lao động của xã hội trước, mà điều đó chỉ có thể trông chờ ở việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Câu 3: Trình bày tác dụng to lớn và toàn diện của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Gợi ý trả lời:

  • Tạo điều kiện để phát triển lực lượng sản xuất và tăng năng suất lao động xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân.
  • Tạo lực lượng sản xuất mới làm tiền đề cho việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tăng cường vai trò của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối quan hệ liên minh giữa công nhân – nông dân – trí thức.
  • Tạo tiền đề hình thành và phát triển nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa – nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Tạo cơ sở vật chất – kĩ thuật cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, củng cố và tăng cường quốc hòng an ninh

Câu 4: Phân tích nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Gợi ý trả lời:

- Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất:

  • Thực hiện cơ khí hóa nền sản xuất xã hội, bằng cách chuyển nền kinh tế từ chỗ dựa trên kĩ thuật thủ công sang dựa trên kĩ thuật cơ khí, chuyển nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp.
  • Áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào các ngành của nền kinh tế quốc dân. Thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại gắn với “hiện đại hóa”, gắn với cuộc cách mạng khoa học công ghệ hiện đại, gắn với bước chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh hậu công nghiệp.
  • Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện bằng cách gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức.

- Xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lí, hiện đại, hiệu quả:

  • Cơ cấu kinh tế là tổng thể hữu cơ giữa cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế và cơ cấu thành phần kinh tế, trong đó, cơ cấu ngành kinh tế là quan trọng nhất vì nó là cốt lõi của cơ cấu kinh tế. Thực hiện nội dung này thông qua quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự chuyển đổi từ cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả và bất hợp lí sang một cơ cấu kinh tế hợp kí, hiện đại, hiệu quả. Xu thế của sự chuyển dịch này là đi từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp lên cơ cấu kinh tế nông, công nghiệp và phát triển lên thành cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp và dịch vụ hiện đại.
  • Đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế tri thức là tiền đề chi phối xu hướng dịch chuyển cơ cấu lao động trong từng thời kì ở nước ta.

- Củng cố và tăng cường địa vị chủ đạo của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và tiến tới xác lập địa vị thống trị của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Như vậy, ba nội dung cơ bản của công ngiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thực chất của mối quan hệ này là mối quan hệ biện chứng nhân quả giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Câu 5: Cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội là gì? Em có nhận xét gì về cơ sở vật chất – kĩ thuật của nước ta hiện nay?

Gợi ý trả lời:

  • Cơ sở vật chất - kĩ thuật của xã hội chủ nghĩa là cơ sở hạ tầng như: hệ thống điện lưới, đường giao thông, hệ thống trường học, trạm y tế, bệnh viện, v.v...
  • Cơ sở vật chất chúng ta hiện nay còn yếu, đường sá bị quá tải, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên nhất là ở các thành phố lớn, điện lưới vẫn chưa thật đáp ứng được yêu cầu của đất nước vì phần nhiều là thủy điện lệ thuộc vào thời tiết. Hệ thống trường học, trung tâm y tế,… được mở rộng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Câu 6: Chọn ý kiến đúng trong các ý kiến sau về việc xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta và lí giải ngắn gọn vì sao lại chọn ý kiến đó.

a. Nước ta tự nghiên cứu và xây dựng.

b. Nhận chuyển giao kĩ thuật và công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến.

c. Kết hợp vừa tự nghiên cứu và xây dựng vừa nhận chuyển giao kĩ thuật và công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến.

Gợi ý trả lời:

Chọn đáp án C: Xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước là cần kết hợp vừa tự nghiên cứu và xây dựng, vừa nhận chuyển giao kĩ thuật và công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến.

Vì như vậy ta vừa có thể đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế phát triển, đồng thời vẫn tự lực để có thể phát triển, không phải dựa dẫm, không ỉ lại vào thế lực, đất nước nào, tăng cường địa vị của nước ta trên trường quốc tế, xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.

Câu 7: Trình bày xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Gợi ý trả lời:

  • Cơ cấu kinh tế là tổng thể hữu cơ giữa cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế và cơ cấu thành phần kinh tế, trong đó, cơ cấu ngành kinh tế là quan trọng nhất vì nó là cốt lõi của cơ cấu kinh tế. Thực hiện nội dung này thông qua quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự chuyển đổi từ cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả và bất hợp lí sang một cơ cấu kinh tế hợp lí, hiện đại và hiệu quả.
  • Xu hướng của sự chuyển dịch này là đi từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp lên cơ cấu kinh tế nông, công nghiệp và phát triển lên thành cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp và dịch vụ hiện đại.
  •  Đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế tri thức là tiền đề chi phối xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động trong từng thời kì ở nước ta.

Câu 8: Tại sao trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải đồng thời với chuyển dịch cơ cấu lao động? Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động ở nước ta hiện nay?

Gợi ý trả lời:

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm tăng mối quan hệ với các nước phát triển về các ngành sản xuất công nghiệp, sự giao lưu, trao đổi về các yếu tố sản xuất càng khăng khít hơn. 

  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm tăng việc làm trong công nghiệp và dịch vụ, mở rộng cơ hội tìm việc, đảm bảo hơn về thu nhập cho người lao động. 
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển, do vậy giúp cho người lao động có sự linh hoạt hơn trong lựa chọn các công việc phù hợp, tạo điều kiện mở rộng thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động cho khu vực kinh tế liên doanh và kinh tế tư nhân 
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế cùng với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ khí hoá nông nghiệp có tác dụng hạn chế dòng di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, giảm sức ép đáng kể cho nhu cầu lao động thành phố. 
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm tăng yêu cầu đối với chất lượng lao động. Nó đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn nhất định do phát triển một số ngành công nghiệp có trình độ cao như công nghệ thông tin, chế tạo máy. 

Vì những lý do trên nên chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động. 

Ở Việt Nam đang trong quá trình CNH-HĐH, nền kinh tế đang dần tăng tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp. Nhưng trước kia cơ cấu lao động nước ta phân bố chủ yếu ở ngành nông nghiệp, trình độ chuyên môn chưa cao. Vì vậy khi đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ thì phải chuyển dịch cơ cấu lao động cho phù hợp và đáp ứng được cơ cấu kinh tế, tức đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp,... 

Câu 9: Là một công dân, trong khi học và sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em phải làm gì để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Gợi ý trả lời:

Em cần:

  • Nhận thức đúng đắn về sự cần thiết khách quan và tác dụng to lớn của CNH – HĐH đất nước, một nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên CNXH
  • Xây dựng cho bản thân động cơ, quyết tâm, phương pháp học tập góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.
  • Biết lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, ra sức học tập nắm bắt kĩ thuật công nghệ để sau khi ra trường phục vụ trực tiếp sự nghiệp CNH – HĐH

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước GDCD 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Kết thúc bài học này, các em cần nắm các nội dung chính sau

  • Khái niệm và tính tất yếu của CNH - HĐH
  • Tác dụng to lớn của CNH - HĐH ở nước ta
  • Nội dung cơ bản của CNH - HĐH ở nước ta
  • Trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp CNH - HĐH
Ngày:24/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM