Văn tự sự lớp 8
Mục lục nội dung
1. Giới thiệu bài văn tự sự lớp 8
2. Những yêu cầu khi làm bài văn tự sự lớp 8
2.2. Viết đoạn văn trong văn bản tự sự
2.4. Liên kết đoạn văn trong văn bản
3. Các kiểu bài văn tự sự lớp 8
3.1. Bài tự sự kể chuyện đời thường
3.2. Bài tự sự kể chuyện tưởng tượng
4. Bí quyết để đạt điểm cao trong bài văn tự sự lớp 8
1. Giới thiệu bài văn tự sự lớp 8
Trong nhà trường nói chung, trong trường THCS nói riêng, Ngữ văn là môn học trang bị cho học sinh những tri thức để đánh gia đúng các vấn đề văn học (bao gồm: tác phẩm, tác giả, các quá trình văn học … ) có nghĩa là góp phần tạo cho học sinh khả năng khám phá vẻ đẹp của tác phẩm văn học trong việc tiếp nhận cũng như khả năng biết đánh giá đúng đắn, khoa học các hiện tượng. Song song với nhiệm vụ trên là quá trình giúp học sinh hình thành và phát triển khả năng sản sinh văn bản mới ( nói và viết). Làm văn là phân môn hướng tới nhiệm vụ thứ hai này. Nó giúp học sinh hình thành những kĩ năng cần thiết để làm được bài văn. Người học sinh từ tiểu học đến trung học (kể cả vào đại học) đã và sẽ được làm văn theo ba dạng sau đây: Dạng sáng tác văn học như: miêu tả, tường thuật… và một số thể thơ quen thuộc như : thơ 5 chữ, thơ tứ tuyệt, thơ lục bát … Và một dạng văn khá quen thuộc đối với các em đó là văn tự sự. Dưới đây là những bài văn mẫu tự sự để các em tham khảo. Mời các em tham khảo nội dung từng bài văn chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.
2. Những yêu cầu khi làm bài văn tự sự lớp 8
2.1. Tìm hiểu đề
Để có một bài văn hoàn chỉnh người viết phải trải qua năm bước (Tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết bài văn, đọc và sửa bài), trong đó tìm hiểu đề là bước thứ nhất. Kĩ năng tìm hiểu đề là kĩ năng định hướng cho toàn bộ quá trình thực hiện một bài tập làm văn. Tuy vậy đa số học sinh thường không chú ý đến bước này. Vì vậy trong quá trình làm bài các em thường lạc đề hoặc lệch đề nên bài văn thường không có điểm cao.
Cũng chính vì lẽ đó hướng dẫn các em làm tốt bước này sẽ giúp học sinh tránh được việc lạc đề, lệch đề. Từ đó bài văn sẽ tốt hơn.
Nắm được hạn chế đó của học sinh nên tôi luôn hướng dẫn học sinh thực hiện thao tác này và nó được lặp đi lặp lại ở mỗi bài viết cũng như trước các đề trong bài học. Yêu cầu học sinh gạch chân vào các từ “khóa” của đề bài.Trên cơ sở đó các em sẽ biến nó thành một kĩ năng cần thiết trước khi viết bài.
Để học sinh xem tìm hiểu đề là một bước không thể thiếu khi làm bài thì giáo viên phải giúp các em thành thạo bước này trong quá trình dạy học. Người giáo viên nên tận dụng thời gian để cho các em luyện tập.
2.2. Viết đoạn văn trong văn bản tự sự
Thế nào là đoạn văn? Đoạn văn là đơn vị cấu tạo nên văn bản, bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng và thường biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh. Đoạn văn thường do nhiều câu tạo thành. Đoạn văn thường có câu chủ đề hoặc từ ngữ chủ đề. Ta thường có đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song hành, …
Đoạn văn là đơn vị cấu tạo nên văn bản. Vì vậy viết tốt đoạn văn là một trong những điều kiện để có một bài văn hay.
Trong chương trình Ngữ văn 8, học sinh được học cách xây dựng đoạn văn ở tiết 10 – Xây dựng đoạn văn trong văn bản, trong đó học sinh đã nắm được kiến thức về hình thức và nội dung của đoạn văn. Trên cơ sở bài này, các em đã có kiến thức về cách xây dựng đoạn văn. Từ đó tôi thường xuyên cho học sinh luyện tập nhận diện đoạn văn cũng như viết đoạn văn ở trên lớp và ở nhà.
Trước hết, sau khi học xong tiết 10 – Xây dựng đoạn văn trong văn bản giáo viên cho học sinh làm bài tập nhận điện đoạn văn. Đây là bước giúp học sinh nhận biết cũng như khắc sâu kiến thức về đoạn văn. Trong SGK Ngữ văn 8 có rất nhiều đoạn văn chuẩn, dựa vào ưu điểm này giáo viên cho học sinh làm bài tập nhận diện.
2.3. Phương pháp làm bài
- Sau khi nhận đề học sinh tuyệt đối không nên làm bài ngay, sẽ dễ bị lạc đề. Điều trước tiên là các em dùng bút (nên dùng bút chì) gạch dưới những từ ngữ quan trọng có trong đề bài để trên cơ sở đó bám sát yêu cầu của đề trong quá trình làm bài và tránh được lạc đề. Hiểu rõ và đúng nghĩa các từ này. Sau khi nắm vững yêu cầu của đề, các em tập trung cho công việc lập dàn bài chi tiết. Đọc đi đọc lại dàn bài để tìm xem có còn thiếu sót để bổ sung thêm. Tiếp theo tìm dẫn chứng để minh họa hoặc lồng ghép các minh chứng có liên quan vào các lý lẽ phân tích của mình. Dẫn chứng càng phong phú (có chọn lọc, tránh tham lam) và độc đáo sẽ nâng chất lượng bài làm của mình lên. Tránh viết lan man và quá dài gây nhàm chán, lạc lõng dễ đi đến việc phân tích không sát chủ đề. Những bài làm như thế này chắc chắn không thể đạt điểm trung bình, nếu không nói là điểm kém.
- Ngoài ra, phong cách thể hiện (là văn phong của mỗi học sinh) là điều vô cùng quan trọng, các em cần thể hiện sự sáng tạo trong bài làm. Cách viết hay cách thể hiện khác lạ dễ gây chú ý giám khảo, nếu sự khác lạ đó độc đáo chắc chắn các em sẽ đạt điểm cao.
- Với bài văn tự sự, học sinh khi sử dụng ngôn ngữ cần chọn những từ ngữ súc tích và lúc thể hiện cũng cần phải ngắn gọn nhưng phải đảm bảo đầy đủ ý và tránh giáo điều, khô khan. Tính liên kết giữa các câu và giữa các ý với nhau là điều bắt buộc để tránh sự rời rạc. Một bài văn bất cứ thể loại nào cũng luôn cần yếu tố lôi cuốn và văn phong nhẹ nhàng, có như vậy mới hấp dẫn.
- Tuy nhiên để đạt điểm tốt bài làm văn của mình, các em phải thường xuyên rèn kỹ năng viết bằng nhiều cách như: tự ra đề và làm bài, sau đó nhờ anh chị hay thầy cô xem lại và góp ý; tập viết văn những khi có thời gian rỗi.
2.4. Liên kết đoạn văn trong văn bản
Một bài văn được tạo thành bởi nhiều đoạn văn liên kết lại với nhau. Bài văn là một chỉnh thể hoàn chỉnh nên giữa các đoạn văn cần có sự liên kết với nhau. Liên kết đoạn văn nhằm mục đích làm cho ý của cả đoạn vừa phân biệt nhau vừa liền mạch với nhau một cách hợp lí, tạo tính chỉnh thể cho văn bản. Muốn vậy, phải tạo mối quan hệ ngữ nghĩa chặt chẽ, hợp lí giữa các đoạn văn với nhau và sử dụng các phương tiện liên kết phù hợp.
Trong chương trình ngữ văn 8 học sinh đã được học “Liên kết các đoạn văn trong văn bản” ở tiết 16, bài 4.
Trên cơ sơ bài học này giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành việc liên kết đoạn văn do các em tạo ra.
Trước hết giáo viên cho học sinh làm bài tập nhận diện các phương tiện liên kết đoạn văn.
3. Các kiểu bài văn tự sự lớp 8
3.1. Bài văn tự sự kể chuyện đời thường
- Biết sắp xếp sự việc theo một trình tự có ý nghĩa.
- Trình bày bài văn theo một bố cục mạch lạc 3 phần.
- Tuỳ theo yêu cầu đối tượng kể để lựa chọn tình huống và sắp xếp sự việc có ý nghĩa.
- Biết hình dung trình tự sự việc cho xác thực, phù hợp với thực tế.
- Sắp xếp sự việc theo thứ tự nhằm nổi bật ý nghĩa câu chuyện
- Lựa chọn ngôi kể cho đúng yêu cầu của bài văn.
3.2. Bài tự sự kể chuyện tưởng tượng
- Biết xây dựng cốt truyện tạo tình huống tưởng tượng hợp lý.
- Câu chuyện tưởng tượng phải có ý nghĩa và bố cục rõ ràng. (theo kết cấu 3 phần của bài tự sự).
- Thay đổi hay thêm phần kết của một câu chuyện dân gian.
- Hình dung gặp gỡ các nhân vật trong truyện cổ dân gian.
- Tưởng tượng gặp gỡ những người thân trong giấc mơ….
4. Bí quyết để đạt điểm cao trong bài văn tự sự lớp 8
4.1. Đảm bảo bố cục rõ ràng
Dù là bài văn thuộc dạng nào thì chúng ta cũng phải chia bố cục rõ ràng, đây không chỉ là vấn đề về hình thức mà nó còn là vấn đề về nội dung. Một bài văn với bố cục rõ ràng chứng tỏ người viết có tư duy logic và giúp bài văn mạch lạc, đồng thời đảm bảo được đầy đủ các phần của một bài văn như: dẫn dắt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết thúc vấn đề.
4.2. Bày tỏ cảm xúc của cá nhân
- Đối với bài văn tự sự việc bày tỏ cảm xúc, tình cảm của mình trong bài văn là vô cùng cần thiết. Điều đó làm cho bài văn tránh khô khan, có sức biểu cảm cao cho người đọc.
- Việc bày tỏ cảm xúc cá nhân vào bài văn tự sự nhằm khẳng định sự đồng tình hoặc không đồng tình với câu chuyện mà em kể, đây cũng là một tiêu chí để giáo viên cho điểm.
4.3. Luyện tập viết nhiều
Để viết văn tốt, tiến bộ nhanh thì học sinh phải thường xuyên luyện tập, viết nhiều, đọc nhiều sẽ giúp tăng vốn từ cũng như khả năng diễn đạt, kết hợp các phương pháp làm văn thuần thục hơn. Đặc biệt, trong quá trình viết, các em cũng thấy được những hạn chế của bản thân để khắc phục, triển khai bài tốt hơn trong các bài viết sau.
Tham khảo thêm
- docx
Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học
- docx
Người ấy (bạn, thầy, người thân,...) sống mãi trong lòng tôi
- docx
Kể lại một câu chuyện làm em cảm động
- docx
Kể lại một việc em đã khiến bố mẹ vui lòng
- docx
Kể lại một lần em mắc khuyết điểm làm thầy cô giáo buồn
- docx
Kể lại những kỉ niệm vui buồn của tuổi thơ em
- docx
Kể lại cảnh Lão Hạc thông báo việc bán chó
- docx
Em hãy kể lại truyện Cô bé bán diêm
- docx
Vào vai Giôn - xi kể lại câu chuyện Chiếc lá cuối cùng