Giải bài tập SBT Vật lý 6 Bài 8: Trọng lực - Đơn vị lực

Dựa theo nội dung SBT Vật lý 6 Bài 8 eLib xin giới thiệu đến các em học sinh nội dung giải bài tập Trọng lực - Đơn vị lực. Hi vọng sẽ giúp các em nắm vững được lý thuyết cũng như cách giải các bài tập đầy đủ, chi tiết và rõ ràng. 

Giải bài tập SBT Vật lý 6 Bài 8: Trọng lực - Đơn vị lực

1. Giải bài 8.1 trang 28 SBT Vật lý 6

Chọn những từ thích hợp trong khung để điền vào chỗ trống trong các câu sau:

- trọng lực      - lực kéo         - cân bằng

- biến dạng     - Trái Đất       - dây gầu

a) Một gầu nước treo đứng yên ở đầu một sợi dây. Gầu nước chịu tác dụng của hai lực........ Lực thứ nhất là ...... của dây gầu; lực thứ hai là ...........của gầu nước. Lực kéo do .......... tác dụng vào gầu. Trọng lực do .......... tác dụng vào gầu (H.8.1a) 

b) Một quả chanh nổi lơ lửng trong một cốc nước muối; lực đẩy của nước muối lên phía trên và ............ của quả chanh là hai lực ............... (H.8.1.b)

c) Khi ngồi trên yên xe máy thì lò xo giảm xóc bị nén lại, .............. của người và xe đã làm cho lò xo bị ...........

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức về trọng lực, lực tác dụng và lực cân bằng để xác định các hiện tượng trên là lực kéo, lực cân bằng hay biến dạng

Hướng dẫn giải

a) Một gầu nước treo đứng yên ở đầu một sợi dây. Gầu nước chịu tác dụng của hai lực cân bằng. Lực thứ nhất là lực kéo  của dây gàu: lực thứ hai là trọng lực của gầu nước. Lực kéo do dây gầu tác dụng vào gầu. Trọng lượng do Trái đất tác dụng vào gầu. (hình 8.1a) 

b) Một quả chanh nổi lơ lửng trong một cốc nước muối; lực đẩy của nước muối lên phía trên và trọng lực của quả chanh là hai lực cân bằng. 

c) Khi ngồi trên yên xe máy thì lò xò giảm xóc bị nén lại,  trọng lực  của người và xe đã làm cho lò xo bị biến dạng.

2. Giải bài 8.2 trang 28 SBT Vật lý 6

Hãy mô tả hiện tượng thực tế, trong đó ta thấy trọng lượng của một vật bị cân bằng bởi một lực khác.

Phương pháp giải

Vận dụng kiến thức về trọng lực, các lực tác dụng và liên hệ thực tế để mô tả hiện tượng

Hướng dẫn giải

Hộp phấn đặt nằm yên trên bàn, trọng lực tác dụng lên nó đã cân bằng bởi lực nâng của bàn tác dụng lên hộp phấn.

3. Giải bài 8.3 trang 28 SBT Vật lý 6

Người ta muốn đánh dấu ba điểm A, B,C trên một bức tường thẳng đứng để đóng định treo ảnh triển lãm. Bức tường cao 4m và có chiều ngang 6m (H8.2). Điểm A nằm đúng giữa bức tường. Hai điểm B và C nằm ở độ cao 2,5m, B cách mép tường trái 1m, C cách mép tường phải 1m. Em hãy tìm một cách làm đơn giản mà lại có thể đánh dấu được chính xác ba điểm A, B và C.

Phương pháp giải

Vận dụng lí thuyết về phương, chiều của trọng lực để xác định cách có thể đánh dấu được chính xác ba điểm A, B và C

Hướng dẫn giải

- Dùng thước đo và vạch lên nền nhà, sát mép bức tường cần treo tranh vạch 3 vạch A’, B’, C’ nằm ở chân đường thẳng đứng hạ từ A, B, C xuống. Tức là B’ và C’ cách các góc tường 1m, còn A’ cách đều 2 góc tường 3m

- Làm một sợi dây dọi dài 2,5m. Di chuyển điểm treo sợi dây dọi sao cho điểm dưới của quả nặng trùng với các điểm B’ và C’. Đánh dấu vào các điểm treo tương ứng của quả dọi. Đó chính là các điểm B và C

- Tương tự, làm sợi dây dọi dài 2m để đánh dấu điểm A

4. Giải bài 8.4 trang 28 SBT Vật lý 6

Hãy chọn câu lập luận đúng trong các câu dưới đây:

A. Một con tàu vũ trụ bay quanh Trái Đất thì không bị Trái Đất hút nữa. Vì nếu bị hút thì nó đã rơi ngay xuống Trái Đất.

B. Một con tàu vũ trụ bay quanh Trái Đất thì không bị Trái Đất hút. Vì ta thấy nhà du hành vũ trụ bị lơ lửng trong con tàu.

C. Một con tàu vũ trụ bay quanh Trái Đất vẫn bị Trái Đất hút. Nhưng lực hút này bị cân bằng bởi lực đẩy của động cơ.

D. Mặt Trăng luôn luôn bị Trái Đất hút. Nhưng Mặt Trăng không bị rơi vào Trái Đất, vì lực hút chỉ có tác dụng làm Mặt Trăng quay tròn quanh Trái Đất. Con tàu vũ trụ cũng ở vào tình trạng như Mặt Trăng. Con tàu vũ trụ khi đã bay vào quỹ đạo thì cũng như Mặt Trăng, không còn tên lửa đẩy nữa. Lực hút của Trái Đất lên con tàu chỉ làm nó quay tròn quanh Trái Đất.

Phương pháp giải

Dựa vào nguyên lí chuyển động của các vệ tinh nhân tạo và con tàu vũ trụ để chọn đáp án đúng.

Hướng dẫn giải

Mặt Trăng luôn luôn bị Trái Đất hút. Nhưng Mặt Trăng không bị rơi vào Trái Đất, vì lực hút chỉ có tác dụng làm Mặt Trăng quay tròn quanh Trái Đất. Con tàu vũ trụ cũng ở vào tình trạng như Mặt Trăng. Con tàu vũ trụ khi đã bay vào quỹ đạo thì cũng như Mặt Trăng, không còn tên lửa đẩy nữa. Lực hút của Trái Đất lên con tàu chỉ làm nó quay tròn quanh Trái Đất.

Đây cũng là nguyên lí chuyển động của các vệ tinh nhân tạo và con tàu vũ trụ.

Đáp án D 

5. Giải bài 8.5 trang 29 SBT Vật lý 6

Số liệu nào dưới đây là phù hợp với một học sinh THCS?

A. khối lượng 400g

B. trọng lượng 400N

C. chiều cao 400mm

D. vòng ngực 400cm

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức trọng lượng và khối lượng, dùng phương pháp loại trừ để chọn đáp án đúng

Hướng dẫn giải

- Ta thấy nếu chọn đáp án A thì khối lượng 400g = 0,4kg là quá nhỏ so với con người nên đáp án A sai

- Nếu chọn đáp án C chiều cao 400mm = 0,4m không phù hợp với học sinh THCS

- Chọn đáp án D cũng sai vì vòng ngực 400cm là quá lớn so với con người nên đáp án B trọng lượng 400N nghĩa là khối lượng khoảng 40kg là đáp án đúng.

Chọn B

6. Giải bài 8.6 trang 29 SBT Vật lý 6

Chỉ có thể nói về trọng lực của vật nào sau đây?

A. Trái Đất.                                     

B. Mặt Trăng.

C. Mặt Trời.                                      

D. Hòn đá trên mặt đất.

Phương pháp giải

Sử dụng định nghĩa trọng lực để chọn đáp án đúng: Trọng lực là lực hút của Trái Đất lên các vật đặt xung quanh Trái Đất

Hướng dẫn giải

Trọng lực là lực hút của Trái Đất lên các vật đặt xung quanh Trái Đất nên chỉ có thể nói về trọng lực của hòn đá trên mặt đất.

Chọn D

7. Giải bài 8.7 trang 29 SBT Vật lý 6

Một chiếc tàu thủy nổi được trên mặt nước là nhờ có những lực nào tác dụng vào nó?

A. Chỉ nhờ trọng lực do Trái Đất hút xuống phía dưới.

B. Chỉ nhờ lực nâng của nước đẩy lên phía trên.

C. Nhờ trọng lực do Trái Đất hút xuống và lực nâng của nước đẩy lên cân bằng nhau.

D. Nhờ lực hút của Trái Đất, lực nâng của nước và lực đẩy của chân vịt phía sau tàu.

Phương pháp giải

Sử dụng lí thuyết về lực tác dụng và hai lực cân bằng để xác định lực tác dụng khi chiếc tàu thủy nổi được trên mặt nước

Hướng dẫn giải

Một chiếc tàu thủy nổi được trên mặt nước là nhờ có những lực tác dụng vào nó là trọng lực do Trái Đất hút xuống và lực nâng của nước đẩy lên cân bằng nhau.

Chọn C 

8. Giải bài 8.8 trang 30 SBT Vật lý 6

Nếu so sánh một quả cân 1kg và một tập giấy 1kg thì:

A. tập giấy có khối lượng lớn hơn

B. quả cân có trọng lượng lớn hơn

C. quả cân và tập giấy có trọng lượng bằng nhau

D. quả cân và tập giấy có thể tích bằng nhau

Phương pháp giải

Dựa vào công thức liên hệ giữa trọng lượng và khối lượng: P=10m để so sánh trọng lượng của quả cân và tập giấy

Hướng dẫn giải

Vì trọng lượng của một vật là cường độ của trọng lực tác dụng lên vật đó.

Ta có trọng lượng P = 10m nên một quả cân 1kg và một tập giấy 1kg thì quả cân và tập giấy có trọng lượng bằng nhau.

Chọn C

9. Giải bài 8.9 trang 30 SBT Vật lý 6

Ba khối kim loại: 1kg đồng; 1kg sắt; 1kg nhôm. Khối nào có trọng lượng lớn nhất?

A. khối đồng

B. khối sắt

C. khối nhôm

D. ba khối có trọng lượng bằng nhau

Phương pháp giải

Để xác định khối kim loại có trọng lượng lớn nhất, ta sử dụng công thức liên hệ giữa trọng lượng và khối lượng: P=10m

Hướng dẫn giải

Vì trọng lượng P = 10m, do đó ba khối có khối lượng bằng nhau nên trọng lượng của chúng bằng nhau.

Chọn D

10. Giải bài 8.10 trang 30 SBT Vật lý 6

Lực nào sau đây không thể là trọng lực?

A. Lực tác dụng lên vật nặng đang rơi.

B. Lực tác dụng lên một quả bóng bay làm quả bóng hạ thấp dần.

C. Lực vật nặng tác dụng vào dây treo.

D. Lực mặt bàn tác dụng lên vật đặt trên bàn.

Phương pháp giải

Để chọn đáp án đúng cần nắm được định nghĩa trọng lực: Trọng lực là lực hút của Trái Đất

Hướng dẫn giải

Lực mặt bàn tác dụng lên vật đặt trên bàn không phải là lực hút của Trái Đất lên vật nên không thể là trọng lực

Chọn D

11. Giải bài 8.11 trang 30 SBT Vật lý 6

Thả một hòn bi bằng chì và một tờ giấy từ trên cao xuống, ta thấy hòn bi rơi theo phương thẳng đứng còn tờ giấy không rơi theo phương thẳng đứng.

a)  Hãy giải thích tại sao?

b)  Muốn làm cho tờ giấy cũng rơi theo phương thẳng đứng thì làm thế nào? Tại sao?

Phương pháp giải

a) Dựa vào kích thước, trọng lượng và diện tích của hòn bi và tờ giấy để giải thích vì sao hòn bi rơi theo phương thẳng đứng còn tờ giấy không rơi theo phương thẳng đứng

b) Từ những nguyên nhân trên ta cần giảm lực cản của không khí tác dụng lên tờ giấy để rơi theo phương thẳng đứng

Hướng dẫn giải

a. Hòn bi và tờ giấy đang rơi đều chịu tác dụng của hai lực là trọng lực và lực cản của không khí. Kích thước của hòn bi nhỏ và trọng lượng của hòn bi lớn hơn nên lực cản của không khí coi như không đáng kể so với trọng lượng của hòn bi. Do đó hòn bi rơi theo phương thẳng đứng là phương của trọng lực.

Diện tích của tờ giấy lớn hơn còn trọng lực của nó nhỏ nên lực cản của không khí là đáng kể so với trọng lượng của tờ giấy. Dưới tác dụng của những lực này, tờ giấy không thể rơi theo phương thẳng đứng là phương của trọng lực.

b. Muốn làm cho tờ giấy rơi theo phương thẳng đứng thì phải làm giảm lực cản của không khí tác dụng lên tờ giấy, bằng cách làm cho diện tích của nó nhỏ lại như vo tờ giấy lại. 

Ngày:27/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM