Phân tích và cảm nhận bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến
eLib xin gửi đến các em nội dung tài liệu dưới đây nhằm giúp các em hiểu về nhà thơ Nguyễn Khuyến. Đồng thời, tài liệu này còn giúp các em cảm nhận được tình bạn chân thành của tác giả. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý phân tích bài thơ Bạn đến chơi nhà
a. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Khuyến (những nét tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác…).
- Giới thiệu về bài thơ “Bạn đến chơi nhà” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…).
b. Thân bài:
- Cảm xúc khi bạn đến chơi nhà: Cách giới thiệu giản dị, gần gũi với đời sống:
+ Đã bấy lâu nay: chỉ thời gian đã lâu lắm rồi.
+ Bác tới nhà: chỉ sự việc bạn đến thăm.
- Giọng điệu: vồn vã, chân thành, cởi mở.
- Cách xưng hô: bác - một danh từ chỉ người, được dùng như đại từ, qua đó thể hiện thái độ niềm nở, thân tình, quý trọng của tác giả đối với bạn.
- Hai vế câu sóng đôi như một lời reo vui, đón khách, thể hiện sự xúc động ngọt ngào. Qua đó, cho thấy mối quan hệ gần gũi, thân mật giữa chủ và khách.
-> Câu nhập đề tự nhiên như một lời nói mộc mạc, như một tiếng reo vui, thể hiện sự chân tình, niềm xúc động của tác giả khi bạn đến chơi nhà.
- Hoàn cảnh của nhà thơ khi bạn đến chơi nhà: Tác giả đã tạo ra một tình huống, một hoàn cảnh rất đặc biệt khi bạn đến chơi nhà:
+ Muốn ra chợ thì chợ xa.
+ Muốn sai trẻ thì trẻ đi vắng.
+ Muốn bắt cá thì ao sâu.
+ Muốn đuổi gà thì vườn rộng, rào thưa.
+ Những thực phẩm như thịt, cá, rau đậu của vườn lại chưa ăn được.
+ Miếng trầu cũng không có.
=> Tình huống được tạo ra có tính bông đùa, có sẵn nhưng hóa ra lại không có gì, từ đó cho thấy hoàn cảnh éo le của tác giả.
- Nghệ thuật:
+ Nhịp thơ 3/4: tạo âm hưởng nhịp nhàng, chậm rãi, khoan thai.
+ Phép đối chặt chẽ, lặp cấu trúc cụm từ, sử dụng tính từ, từ phủ định…
=> Tạo dựng một tình huống éo le đó là cách nói hài hước, phóng đại về cuộc sống thiếu thốn vật chất của tác giả, qua đó thể hiện sự hóm hỉnh, hài hước của một nhà nho thanh bạch.
- Tình bạn thắm thiết của tác giả:
+ Sử dụng từ nhiều nghĩa “ta”: Ta (1): chủ nhà - nhà thơ; Ta (2): khách - bạn.
+ Sử dụng quan hệ từ “với” nối liền hai chữ ta, qua đó ta thấy giữa chủ và khách dường như không còn khoảng cách, tuy hai mà một, gắn bó, hòa hợp, vui vẻ, trọn vẹn.
=> Câu thơ đã đúc kết lại giá trị của toàn bài thơ, bộc lộ tình cảm sâu sắc của nhà thơ đối với bạn, khẳng định một tình bạn đậm đà thắm thiết, trọn vẹn mà trong sáng, vượt qua mọi thử thách tầm thường.
c. Kết bài:
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:
+ Nội dung: ca ngợi tình bạn chân thành, thắm thiết, mộc mạc của tác giả.
+ Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn bát cú, giọng thơ chất phác, hồn nhiên, tạo tình huống thú vị, bất ngờ, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ đời thường…
- Cảm nhận về bài thơ và liên hệ với tình bạn của bản thân.
2. Phân tích tác phẩm Bạn đến chơi nhà
Nguyễn Khuyến hay còn được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ là một trong những nhà thơ Nôm nổi tiếng nhất của Việt Nam. Thơ ông là sự kết hợp giữa vẻ đẹp tao nhã, trau chuốt với vẻ đẹp tự nhiên, hàm súc mà chân thành. Bạn đến chơi nhà là một bài thơ như vậy. Bài thơ đã cho thấy tình bạn thắm thiết sâu nặng, và đây cũng là một trong những chủ đề sáng tác nổi bật của ông.
Nội dung bao trùm bài thơ là tình bạn chân thành, thắm thiết, nó được bộc lộ qua hoàn cảnh tiếp đãi hết sức bất ngờ, thú vị. Mở đầu bài thơ cho thấy mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa hai người: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà”. Tiếng gọi “bác” thật gần gũi, dân dã mà vẫn thể hiện được sự kính trọng. “Đã bấy lâu nay” cách tính thời gian của tác giả cũng phần nào cho thấy Nguyễn Khuyến thường xuyên nghĩ đến bạn, mong gặp bạn nên mới nhớ được khoảng thời gian gặp gỡ từ lần trước đến lần này là bao lâu. Sau câu thơ mở đầu, hàng loạt tình huống éo le đã diễn ra.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Mới nghe ta như thấy rằng nhà thơ như tỏ ý lấy làm tiếc về việc bạn mới đến thăm mà chẳng có gì để tiếp bạn. Đây chính là cách nói cường điệu hoá, thi vị hoá cuộc sống vật chất trong gia đình Nguyễn Khuyến. Nói như vậy là đang đùa với bạn, trong lời nói ấy mang nụ cười ý vị vừa tỏ thái độ “mong chờ” những dịp bạn đến thăm như thế này. Hay chính trong lời phân trần ấy bộc lộ sự bất ngờ thăm hỏi của bạn. Hoàn cảnh sống của tác giả nơi miền quê kiểng rất đạm bạc, thanh bạch, giản dị gắn bó với làng xóm quê hương.
Tác giả đang phân trần với người bạn về những thiếu sót của mình. Qua đó bạn đọc cũng có thể cảm nhận được cuộc sống đạm bạc, giản dị, bình thường, luôn gắn bó với thiên nhiên của cụ Nguyễn Khuyến. Lời thơ nhịp nhàng với nhịp điệu 4/3 khiến cho đoạn thơ trở nên mềm mại, uyển chuyển, dễ đi sâu vào lòng người. Đoạn thơ còn cho ta thấy tác giả là một người có tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, tha thiết gắn bó với thiên nhiên xanh mát.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta
Tưởng chừng những sự thiếu thốn ở trên đã là quá đủ rồi nhưng khi đọc đến đây ta còn thấy rằng nhà thơ quả là người thật vui tính, biết trêu đùa người khác. Bạn đến chơi nhà mà miếng trầu cũng không có để cho bạn. Đây là sự thiếu sót của tác giả hay chỉ là những lời nói vui đùa với người bạn của mình? Điều quan trọng mà nhà thơ muốn nhấn mạnh đó chính là câu thơ cuối. Dù nghèo về vật chất nhưng tình cảm bạn bè lúc nào cũng đong đầy, chan chứa. Quan hệ bạn bè ở đây được xây dựng trên cơ sở tình cảm yêu thương chân thật chứ không phải là những thứ vật chất tầm thường. Nếu như người bạn của tác giả là một người ưa vinh hoa phú quý, ưa cuộc sống giàu sang thì chắc chắn sẽ không lặn lội tới miền quê nghèo để thăm nhà thơ.
Câu thơ đã thể hiện cách sử dụng từ ngữ tài tình của Nguyễn Khuyến. Đáng chú ý nhất là cụm từ ta với ta. Đại từ ta trong tiếng Việt vừa chỉ số ít, vừa chỉ số nhiều. Nguyễn Khuyến dùng cả hai nghĩa: Ta với ta tuy hai nhưng là một. Từ với gắn hai từ ta lại. Bạn và nhà thơ ngồi bên nhau thủ thỉ tâm tình, hai người hòa thành một. Quả là không gì có thể đánh đổi được tình bạn Thủy chung giữa hai ta.
Bài thơ Bạn đến chơi nhà là tấm lòng của nhà thơ và cũng là bức tranh phong cảnh nông thôn bình dị tràn đầy sức sống. Khu vườn với luống cà, giàn mướp; mặt ao sóng gợn, tiếng gà xao xác trưa hè... là hiện thân của mảnh hồn quê mộc mạc, đậm đà, sâu lắng. Màu xanh trong của nước ao, màu xanh mơn mởn của ngồng cải, màu tím hoa cà, màu vàng tươi hoa mướp... loại nào cũng đang độ tươi non, làm vui mắt và ấm lòng người.
3. Cảm nhận tác phẩm Bạn đến chơi nhà
Trong văn chương, tình bạn được xem là chủ đề gợi nhiều cảm hứng đối với các thi nhân. Ta hơn một lần xúc động trước tình bạn tri kỉ giữa Bá Nha, Tử Kì cùng nhau hòa hợp trong tiếng nhạc, tình cảm gắn bó thủy chung giữa Lí Bạch và Mạnh Hạo Nhiên trong cảnh đưa tiễn đầy nước mắt ở lầu Hoàng Hạc.
Văn học trung đại Việt Nam cũng có những mối tình tri âm như thế, trong đó phải kể đến tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê. “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến là bài thơ đặc sắc đầy hóm hỉnh nhưng chứa đựng tình bạn đậm đà, thắm thiết.
Niềm vui khi bạn đến chơi nhà: Đã bấy lâu nay bác tới nhà. Câu thơ vang lên như một tiếng reo vui thể hiện niềm vui hồ hởi khi có bạn đến chơi nhà. Thời gian “Đã bấy lâu ” không định rõ, nhưng có lẽ đã rất lâu nhà thơ mới được gặp bạn. Trạng ngữ chỉ có thời gian đứng ở đầu câu diễn tả sự xa cách, nhớ mong. Làm nổi bật nỗi niềm xúc động và vui sướng vô hạn của nhà thơ khi gặp lại bạn.
Cách xưng hô: “bác” thân mật, kính trọng. Đặt câu thơ trong hoàn cảnh Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn chốn hương thôn, ít bạn bè giao lưu. Có lẽ bạn đến chơi nhà là niềm mong mỏi, là nỗi chờ đợi khắc khoải trong lòng nhà thơ. Đằng sau câu thơ ta như cảm thấy những bước chân lập cập như ríu lại, những giọt lệ ứa nơi khóe mắt đôi người bạn già.
Thông thường theo phép tắc xã giao khi bạn đến nhà dù là thân hay sơ thì trước hết trầu nước sau là cơm rượu đãi bạn. Nhưng sau lời chào bạn Nguyễn Khuyến nhắc đến một loạt những khó khăn của gia đình:
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta
Nhà thơ như đang phân trần với bạn về sự tiếp đãi chưa chu đáo của mình. Phần thực, luận tính hệ thống của ngôn ngữ thơ rất chặt chẽ, nhất quán ở một cách nói. Có tất cả mà cũng chẳng có gì để đãi bạn thân. Có ao và có cá, có vườn và gà, có cà và cải, có mướp và bầu, nhưng... Bức tranh vườn hiện lên sống động vui tươi. Một nếp sống thôn dã chất phác, cần cù, bình dị đáng yêu. Một cuộc đời thanh bạch ấm áp cây đời và tình người. Ta cảm thấy Nguyễn Khuyến đang dắt tay bạn mình ra thăm vườn cây, ao cá và hơn thế mong bạn cảm thông với cuộc sống của mình chăng?
Tiếp đó Nguyễn Khuyến muốn tiếp bạn bằng phong tục thường ngày, bằng lễ nghi tiếp khách thông thường “miếng trầu mở đầu câu chuyện”, nhưng cũng không thành. Chính trong hoàn cảnh éo le này một tình bạn chân thật nhất, sâu sắc nhất mới được tỏa sáng:
“Bác đến chơi đây ta với ta”. Câu thơ như một tiếng cười xòa đùa vui bật lên của nhà thơ. Khác với hình ảnh “ta với ta” trong bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan: “Một mảnh tình riêng ta với ta”.
Chỉ một người, một tâm trạng, thể hiện sự cô đơn khi đối diện với chính mình và cũng là sự nhỏ bé trước thiên nhiên mênh mông nơi đất khách. “Ta với ta” ở bài thơ của Nguyễn Khuyến thể hiện sự hòa hợp, gắn bó, đồng nhất giữa hai người bạn, hai nhưng là một.
Tóm lại, bài “Bạn đến chơi nhà” của nhà thơ Nguyễn Khuyến được viết bằng lời thơ mộc mạc, giản dị, thật gần gũi và rất tự nhiên. Qua đó ta nhìn thấy một hồn thơ đẹp và tình bằng hữu thâm giao. Đó là tình bạn được xây dựng từ sự hiểu nhau, chia sẻ, cảm thông, tôn trọng lẫn nhau và không hề có sự vụ lợi. Bài thơ giúp chúng ta nhìn nhận lại chính bản thân mình, nhắc nhở rằng không để vật chất lôi kéo mà hãy luôn giữ được tình bạn cao đẹp, trong sáng thủy chung vốn là bản tính của người dân Việt.
Tham khảo thêm