Dự thảo 2 thông tư quy định về tem bưu chính

Thông tư này quy định về đề tài, thời điểm và tần suất phát hành tem bưu chính kỷ niệm, ấn phẩm tem bưu chính kỷ niệm (dưới đây gọi là tem kỷ niệm). Mời các bạn cùng tham khảo 

Dự thảo 2 thông tư quy định về tem bưu chính

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:         /2017/TT-BTTTT Hà Nội, ngày      tháng      năm 2017

DỰ THẢO 2

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ TEM BƯU CHÍNH KỶ NIỆM, ẤN PHẨM TEM BƯU CHÍNH KỶ NIỆM

Căn cứ Luật Bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bưu chính,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định một số nội dung về tem bưu chính kỷ niệm, ấn phẩm tem bưu chính kỷ niệm.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về đề tài, thời điểm và tần suất phát hành tem bưu chính kỷ niệm, ấn phẩm tem bưu chính kỷ niệm (dưới đây gọi là tem kỷ niệm).

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến đề tài, thời điểm và tần suất phát hành tem kỷ niệm.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tem bưu chính kỷ niệm là tem bưu chính được phát hành nhân ngày kỷ niệm hoặc chào mừng sự kiện, có nội dung gắn với sự kiện lịch sử, sự kiện trong các lĩnh vực, nhân vật Việt Nam và nước ngoài.

2. Ấn phẩm tem bưu chính kỷ niệm là ấn phẩm tem bưu chính được phát hành nhân ngày kỷ niệm hoặc chào mừng sự kiện, có nội dung gắn với sự kiện lịch sử, sự kiện trong các lĩnh vực, nhân vật Việt Nam và nước ngoài.

3. Đề tài tem kỷ niệm là chủ đề về sự kiện và nhân vật được lựa chọn để phát hành tem kỷ niệm.

Chương II

ĐỀ TÀI TEM KỶ NIỆM VỀ SỰ KIỆN, NHÂN VẬT VIỆT NAM VÀ NƯỚC NGOÀI

Điều 3. Đề tài tem kỷ niệm

Đề tài tem kỷ niệm phải đề cập đến hoặc có liên quan đến các nội dung sau:

1. Sự kiện lịch sử Việt Nam và nước ngoài.

2. Sự kiện trong các lĩnh vực của Việt Nam và nước ngoài.

3. Nhân vật Việt Nam và nước ngoài.

Điều 4. Đề tài về sự kiện lịch sử

Đề tài tem kỷ niệm về sự kiện lịch sử Việt Nam và nước ngoài phải đề cập hoặc có liên quan đến:

1. Sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa to lớn trong quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới.

2. Sự kiện lịch sử tiêu biểu, nổi bật của từng thời kỳ, là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự phát triển của Việt Nam và các nước trên thế giới.

3. Sự kiện lịch sử tiêu biểu có ảnh hưởng lớn trên quy mô toàn cầu trong quá trình phát triển của nhân loại.

Điều 5. Đề tài về sự kiện trong các lĩnh vực

Đề tài tem kỷ niệm về sự kiện trong các lĩnh vực của Việt Nam và nước ngoài phải đề cập hoặc có liên quan đến:

1. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình quốc gia lớn trong các thời kỳ phát triển của Việt Nam.

2. Sự kiện trong các lĩnh vực tiêu biểu, có ý nghĩa và có ảnh hưởng to lớn trong từng thời kỳ xây dựng và phát triển của Việt Nam và của các nước trên thế giới.

3. Truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam và tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, ý chí của nhân dân Việt Nam.

4. Sự kiện trong các lĩnh vực có ý nghĩa, ảnh hưởng to lớn trên quy mô toàn cầu, là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự phát triển của nhân loại và có ảnh hưởng to lớn đến Việt Nam.

Điều 6. Đề tài về nhân vật

Đề tài tem kỷ niệm về nhân vật Việt Nam và nước ngoài phải đề cập hoặc có liên quan đến:

1. Nhân vật tiêu biểu trong các lĩnh vực có đóng góp to lớn cho đất nước, cho nhân loại.

2. Nhà cách mạng, chí sĩ yêu nước, anh hùng tiêu biểu trong các thời kỳ phát triển của Việt Nam và của các nước trên thế giới.

3. Nhà khoa học, nhà văn hóa tiêu biểu có đóng góp to lớn cho Việt Nam, nhân loại.

4. Nhà tư tưởng lớn, nhân vật tiêu biểu của các phong trào giải phóng dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới.

Chương III

THỜI ĐIỂM VÀ TẦN SUẤT PHÁT HÀNH TEM KỶ NIỆM

Điều 7. Thời điểm phát hành

Thời điểm phát hành tem kỷ niệm được quy định như sau:

1. Tem kỷ niệm về sự kiện lịch sử Việt Nam và nước ngoài được phát hành vào dịp kỷ niệm, vào ngày xảy ra, diễn ra, vào ngày thành lập hoặc ngày truyền thống của sự kiện lịch sử Việt Nam và nước ngoài.

2. Tem kỷ niệm về sự kiện trong các lĩnh vực của Việt Nam và nước ngoài được phát hành trước thời điểm, vào ngày xảy ra, diễn ra hoặc vào dịp kỷ niệm sự kiện trong các lĩnh vực của Việt Nam và nước ngoài.

3. Tem kỷ niệm về nhân vật Việt Nam và nước ngoài được phát hành vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất hoặc nhân dịp sự kiện có liên quan đến nhân vật Việt Nam và nước ngoài.

Điều 8. Tần suất phát hành

Tần suất phát hành tem kỷ niệm là bội số của 50, trừ các trường hợp phát hành tem kỷ niệm về sự kiện, nhân vật có tầm quan trọng đặc biệt do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày     tháng    năm 2017.

2. Kể từ ngày có hiệu lực, Thông tư này thay thế Quyết định số 90/2003/QĐ-BBCVT ngày 15/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc ban hành Quy định về việc phát hành tem bưu chính kỷ niệm.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);

- Văn phòng TW Đảng;

- Ban TGTW;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);

- Sở TTTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;

- Bộ TT&TT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ, Cổng thông tin điện tử Bộ;

- Lưu: VT, BC (3), HT (80).

BỘ TRƯỞNG




Trương Minh Tuấn
  • Tham khảo thêm

Ngày:17/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM