Dự thảo luật thỏa thuận quốc tế
Luật này không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo Bộ luật Dân sự; hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Mời các bạn cùng tham khảo
Mục lục nội dung
QUỐC HỘI -------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Luật số: /2020/QH14 | Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
DỰ THẢO 5
LUẬT
THỎA THUẬN QUỐC TẾ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật thỏa thuận quốc tế.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Luật này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.
2. Luật này không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo Bộ luật Dân sự; hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài, không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.
2. Bên ký kết Việt Nam bao gồm Nhà nước, Chính phủ; Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước ở trung ương); Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan cấp tỉnh); tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương của tổ chức); cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức).
3. Bên ký kết nước ngoài là Nhà nước, Chính phủ, cơ quan, chính quyền địa phương, cá nhân nước ngoài, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế.
4. Ký kết là những hành vi pháp lý do bên ký kết Việt Nam thực hiện, bao gồm ký, thông qua thỏa thuận quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài.
5. Ký là hành vi pháp lý của người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền dùng chữ ký của mình để chấp nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế đối với cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế.
6. Chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận quốc tế là hành vi pháp lý do bên ký kết Việt Nam thực hiện để từ bỏ hiệu lực của thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài.
7. Tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế là hành vi pháp lý do bên ký kết Việt Nam thực hiện để tạm ngừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài.
Điều 3. Nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế
Việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
1. Phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định về cùng một lĩnh vực; phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp với nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế;
2. Phù hợp với thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế;
3. Bảo đảm yêu cầu về đối ngoại và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế được ký kết, trong phạm vi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao hoặc tự chủ theo quy định của pháp luật;
4. Thỏa thuận quốc tế không được làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế;
5. Cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức không được ký kết thỏa thuận quốc tế ràng buộc Nhà nước, Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết thỏa thuận quốc tế đó;
6. Không ký kết thỏa thuận quốc tế về:
a) Thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội;
b) Thành lập, tham gia tổ chức quốc tế và khu vực nếu việc thành lập, tham gia, rút khỏi tổ chức đó ảnh hưởng đến chính sách cơ bản của quốc gia về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ;
c) Các vấn đề khác phải thực hiện thông qua việc ký kết điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật.
7. Bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận quốc tế được ký kết, đồng thời có quyền đòi hỏi bên ký kết nước ngoài cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận quốc tế.
Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế
1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế;
2. Bảo đảm việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật;
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế;
4. Tổ chức thống kê, lưu trữ thỏa thuận quốc tế;
5. Giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế;
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
2. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
3. Cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan đó và cơ quan trung ương của tổ chức.
Điều 6. Tên gọi, ngôn ngữ, hình thức của thỏa thuận quốc tế
1. Thỏa thuận quốc tế được ký kết với tên gọi là Thỏa thuận, Thông cáo, Tuyên bố, Ý định thư, Bản ghi nhớ, Biên bản thỏa thuận, Biên bản trao đổi, Chương trình hợp tác, Kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác, trừ tên gọi riêng của điều ước quốc tế (công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định).
2. Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Văn bản bằng tiếng Việt phải bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức với văn bản bằng tiếng nước ngoài của thỏa thuận quốc tế.
3. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.
Điều 7. Hình thức chấp nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế
Bên ký kết Việt Nam chấp nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế bằng một trong những hành vi sau đây:
1. Ký thỏa thuận quốc tế;
2. Thông qua thỏa thuận quốc tế;
3. Trao đổi văn kiện tạo thành thỏa thuận quốc tế.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Ký kết thỏa thuận quốc tế trái với Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Ký kết thỏa thuận quốc tế làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.
3. Ký kết thỏa thuận quốc tế không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.
4. Ký kết thỏa thuận quốc tế về các vấn đề quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật này.
Chương II
KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ
Mục 1. KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH NHÀ NƯỚC, CHÍNH PHỦ
Điều 9. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ
1. Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.
2. Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ.
Điều 10. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ
1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi hồ sơ lấy ý kiến Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức liên quan về việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ.
2. Cơ quan được lấy ý kiến theo quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Điều 30 của Luật này.
3. Sau khi hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở các ý kiến góp ý theo quy định tại khoản 2 Điều này, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Chính phủ quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.
4. Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
5. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền bằng văn bản và gửi bản sao thỏa thuận quốc tế đã được ký kết cho Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan để thông báo trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức việc ký kết.
Điều 11. Ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ
Trường hợp ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ không do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tiến hành ký, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi trình xin ý kiến về đề xuất ký kết cần kiến nghị việc ủy quyền cho lãnh đạo cơ quan ký thỏa thuận quốc tế. Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ.
Điều 12. Rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký
Trước khi tiến hành ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan rà soát, đối chiếu văn bản bằng tiếng Việt với văn bản bằng tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.
Mục 2. KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH QUỐC HỘI, CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI
Điều 13. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội
1. Chủ tịch Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội.
2. Cơ quan của Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan của Quốc hội.
Điều 14. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Điều 30 của Luật này.
3. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 13 của Luật này quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Trong trường hợp cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
a) Cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm trình Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;
b) Chủ tịch Quốc hội quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do cơ quan của Quốc hội trình theo quy định tại Điều 31 của Luật này;
c) Cơ quan của Quốc hội tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi có quyết định đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Quốc hội quy định tại điểm b khoản này.
5. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Quốc hội bằng văn bản, đồng thời gửi Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận quốc tế đã được ký kết để thông báo trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức việc ký kết.
Mục 3. KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Điều 15. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Điều 16. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Điều 30 của Luật này.
3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Trong trường hợp cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
a) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;
b) Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trình theo quy định tại Điều 31 của Luật này;
c) Ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
5. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bằng văn bản, đồng thời gửi Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận quốc tế đã được ký kết để thông báo trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức việc ký kết.
Mục 4. KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ
Điều 17. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Điều 18. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Điều 30 của Luật này.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Trong trường hợp cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;
b) Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ trình xin ý kiến do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình theo quy định tại Điều 31 của Luật này;
c) Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
5. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận quốc tế đã được ký kết để thông báo trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức việc ký kết.
Mục 5. KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH CƠ QUAN CẤP TỈNH
Điều 19. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 20. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Điều 30 của Luật này.
3. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 19 của Luật này quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Trong trường hợp cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này không đồng ý việc ký kết thỏa thuận quốc tế thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
a) Cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;
b) Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do cơ quan cấp tỉnh trình theo quy định tại Điều 31 của Luật này;
c) Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 19 của Luật này quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
5. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận quốc tế đã được ký kết để thông báo trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức việc ký kết.
Mục 6. KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH TỔNG CỤC, CỤC THUỘC BỘ, CƠ QUAN CHUYÊN MÔN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ
Điều 21. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.
--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----
Tham khảo thêm
- doc Dự thảo 2 về luật phòng chống ma túy
- doc Dự thảo tháng 04 2020 về luật dân số
- doc Dự thảo về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật công đoàn
- doc Dự thảo về luật công tác xã hội
- doc Dự thảo luật về sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế bảo vệ môi trường