Dự thảo nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về lĩnh vực thuỷ sản
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản. Mời các bạn cùng tham khảo
CHÍNH PHỦ -------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: /NĐ-CP | Hà Nội, ngày … tháng … năm 201… |
DỰ THẢO
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH VỀ LĨNH VỰC THUỶ SẢN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản
1. Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 6 được sửa đổi như sau:
"Điều 6. Thủ tục và trình tự cấp giấy phép
1. Hồ sơ xin cấp giấy phép một (01) bộ, bao gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép;
b) Các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP (bản sao chụp).
2. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép một (01) bộ, bao gồm:
a) Đơn xin gia hạn giấy phép;
b) Giấy chứng nhận an toàn của tàu cá (bản sao chụp).
3. Tổ chức cá nhân xin cấp lại giấy phép trong trường hợp giấy phép bị mất hoặc giấy phép bị rách, nát, hư hỏng, nộp đơn theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, xét cấp, cấp lại giấy phép trong thời hạn năm (05) ngày làm việc và gia hạn giấy phép trong hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trong trường hợp không cấp hoặc không cấp lại hoặc không gia hạn giấy phép thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.”
2. Điều 7 được sửa đổi như sau:
"Điều 7. Cơ quan cấp giấy phép
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân có tàu cá đăng ký tại tỉnh."
Điều 2. Bãi bỏ một số điều, khoản của Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản
1. Bãi bỏ Khoản 5 Điều 1.
2. Bãi bỏ Khoản 6 Điều 1.
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển
1. Khoản 4 và Khoản 5 và bổ sung khoản 6, khoản 7 Điều 2 được sửa đổi như sau:
“Điều 2. Giải thích thuật ngữ
4. Vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam là vùng biển cả, vùng biển của quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
5. Biển cả là tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo.”
6. Hệ thống giám sát tàu cá – VMS(Vessel Monitoring System): là hệ thống quản lý, theo dõi quá trình hành trình, khai thác thủy sản, cập bến của tàu cá dựa trên việc ứng dụng hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh, hoặc tích hợp hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và sóng HF; hệ thống bao gồm thiết bị trạm bờ và thiết bị trên tàu cá.
7. Hệ thống nhận dạng tự động – AIS (Automatic Indentification System) là một hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ”
2. Bổ sung thêm Chương IV-A vào Nghị định 33 như sau:
“Chương IV-A
QUY ĐỊNH VỀ THIẾT BỊ THÔNG TIN VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN
ĐỐI VỚI TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN
Điều 8 – A. Thiết bị thông tin liên lạc trang bị trên tàu cá
1. Tàu cá hoạt động trên vùng biển ven bờ: Không quy định bắt buộc trang bị thiết bị thông tin. Khuyến khích trang bị điện thoại di động để nhận cảnh báo về thời tiết trên biển.
2. Tàu cá hoạt động trên vùng lộng phải trang bị đủ các thiết bị sau: thiết bị thu phát thoại vô tuyến sóng cực ngắn (VHF), la bàn từ. Khuyến khích trang bị điện thoại di động để nhận cảnh báo về thời tiết trên biển, định vị vệ tinh GPS.
3. Tàu cá hoạt động trên vùng khơi phải trang bị đủ các thiết bị sau: Thiết bị định vị vệ tinh (GPS), thiết bị giám sát hành trình (VMS); thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF); thiết bị sóng cực ngắn VHF; la bàn từ; đối với tàu cá lắp máy có chiều dài từ 24 m trở lên trang bị phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB). Đối với tàu cá trang bị thiết bị VMS bằng biện pháp tích hợp hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh và sóng HF thì không yêu cầu trang bị riêng 01 thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF).
4. Tàu cá hoạt động trên vùng biển cả và vùng biển thuộc quốc gia khác phải trang bị các thiết bị sau: thiết bị định vị vệ tinh (GPS); thiết bị giám sát hành trình (VMS) bằng công nghệ vệ tinh; thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF); thiết bị sóng cực ngắn VHF; thiết bị thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB); la bàn từ; phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB).
5. Đối với các tàu cá được đóng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, hoạt động trên các vùng biển khơi, vùng biển quốc tế và vùng biển thuộc quốc gia khác phải bổ sung trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, chậm nhất trước ngày 31 tháng 12 năm 2017.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định đăng ký, quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ và người dân sử dụng dịch vụ thông tin HF, VMS, AIS.
Điều 9-A. Chế độ thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển
Trong điều kiện thời tiết bình thường, các tàu cá phải:
Bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ trong ngày, tự động báo vị trí tàu cá về trạm bờ tối thiểu 03 giờ/lần.
Duy trì chế độ trực canh tự động 24/24 giờ trong ngày, đối với các thiết bị:
Thu thoại đơn biên trên tần số 7906 kHz để tiếp nhận các bản tin thời tiết do các đài thuộc Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam phát.
Thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF), trên tần số 7903 kHz của Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam (đối với các tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra).
Khi có áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc tin thời tiết nguy hiểm trên biển:
Duy trì chế độ trực canh như quy định tại Khoản 1, Điều này;
Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc thời tiết nguy hiểm trên biển qua thiết bị trên tàu, các phương tiện, hệ thống thông tin; liên hệ chặt chẽ với các tàu cá hoạt động trên biển trong tổ và các tàu cá hoạt động trên biển gần nhất để chủ động phối hợp phòng tránh;
Khi bão gần, bão đã vào Biển Đông
Duy trì chế độ trực canh quy định tại Khoản 1, Điều này;
Thông báo kịp thời cho các tàu cá khác đang hoạt động trong khu vực;
Chấp hành chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Khi tàu cá đang trong vùng ảnh hưởng của bão:
Duy trì chế độ trực canh quy định tại Khoản 1, Điều này;
Khi bão tan:
Duy trì chế độ trực canh quy định tại Khoản 1, Điều này;
Thông qua các thiết bị thông tin liên lạc trên tàu thông báo tình hình thiệt hại (nếu có) của tàu mình và các tàu khác trong khu vực vùng biển hoạt động cho Bộ đội Biên phòng, Hệ thống Trạm bờ của ngành thủy sản, hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam, chính quyền địa phương.
Khi phát hiện có hiện tượng thiên tai trên biển, thông báo ngay cho Hệ thống Trạm bờ của ngành thủy sản, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam và hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng để các cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai đề ra những biện pháp xử lý kịp thời.
Khi tàu cá hoạt động trên biển bị tai nạn:
a) Trường hợp tàu cá của mình (hoặc tàu cá trong Tổ) bị tai nạn cần sự giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn phải kịp thời thông báo cho các tàu cá nơi gần nhất và đồng thời thông báo cho Hệ thống Trạm bờ của ngành thủy sản, Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam trên tần số 7903 kHz hoặc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng trên tần số sóng ngày 9339 kHz, sóng đêm 6973 kHz về vị trí tàu cá của mình đang hoạt động và có biện pháp ứng phó kịp thời.
b) Khi phát hiện tàu cá khác bị nạn, phải đưa tàu đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và nhanh chóng thông báo cho các tàu cá, Trạm bờ của ngành thủy sản, các đài thuộc Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc các đài thuộc Bộ đội Biên phòng nơi gần nhất biết để cùng hỗ trợ và phải chấp hành sự chỉ đạo, điều động của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về tìm kiếm cứu nạn trên biển.”
3. Điểm a, khoản 1, Điều 4 được sửa đổi như sau:
“Điều 4. Phân vùng khai thác thủy sản
a) Vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mực nước thuỷ triều thấp nhất và tuyến bờ. Đối với các địa phương có đảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào sự cần thiết và đặc điểm cụ thể của từng đảo quy định vùng biển ven bờ của các đảo đó, nhưng giới hạn không quá sáu (06) hải lý, tính từ mực nước thủy triều thấp nhất của đảo.”
4. Điều 6 được sửa đổi như sau:
“Điều 6. Điều kiện khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam
Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đối với tàu cá:
a) Tàu cá có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động hạn chế cấp I hoặc cấp không hạn chế. Trường hợp hoạt động tại vùng biển của quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á thì tàu cá phải có đủ tiêu chuẩn vùng hoạt động hạn chế cấp II trở lên;
b) Đã được đăng ký, đăng kiểm. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá phải còn thời gian hiệu lực ít nhất là 3 tháng;
c) Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn cho người và tàu cá, thông tin liên lạc tương ứng với vùng biển hoạt động theo quy định của pháp luật;
d) Có đủ biên chế thuyền viên theo quy định của pháp luật.
2. Đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá:
a) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Có bảo hiểm thuyền viên;
c) Có sổ thuyền viên tàu cá hoặc chứng chỉ nghiệp vụ thuyền viên tàu cá.
3. Đối với tổ chức, cá nhân đưa tàu cá đi khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác phải đáp ứng các điều kiện quy định đối với tàu cá, đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và các điều kiện sau:
a) Có hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản với tổ chức, cá nhân của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển, được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển đó chấp thuận hoặc theo nội dung của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa quốc gia và vùng lãnh thổ có biển với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Thuyền viên trên tàu phải có hộ chiếu phổ thông;
c) Trên tàu hoặc cùng một nhóm tàu phải có ít nhất một (01) người biết tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác;
d) Đáp ứng được điều kiện khác theo quy định của pháp luật nước sở tại (nếu có).
4. Đối với tổ chức, cá nhân tổ chức đưa tàu cá đi khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản với tổ chức, cá nhân của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển, được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển đó chấp thuận hoặc theo nội dung của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Đáp ứng các điều kiện về tàu cá, thuyền viên và người làm việc trên tàu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này;
c) Đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật nước sở tại (nếu có).”
5. Điều 7 được sửa đổi như sau:
"Điều 7. Thủ tục và trình tự cấp phép cho tàu cá khai thác thuỷ sản ở vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác và trả lại giấy tờ mà tổ chức, cá nhân đã nộp khi được cấp phép
1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cho Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ một (01) bộ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp phép cho tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác;
b) Hợp đồng hợp tác khai thác thuỷ sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia và lãnh thổ đó chấp thuận (bản công chứng);
c) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bản sao chụp);
d) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (bản sao chụp);
đ) Danh sách, ảnh và số hộ chiếu của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá;
e) Bằng thuyền trưởng, máy trưởng (bản sao chụp).
2. Trong thời hạn (05) năm ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thủy sản xem xét hồ sơ và cấp phép cho tàu cá đi khai thác thuỷ sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác (bằng tiếng Việt và tiếng Anh).
Trong trường hợp không cấp phép thì Tổng cục Thủy sản phải có văn bản trả lời chủ tàu cá và nêu rõ lý do.
3. Trong thời hạn (05) năm ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thủy sản xem xét hồ sơ, cấp phép cho tàu cá đi khai thác thuỷ sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác và các giấy tờ có liên quan (bằng tiếng Việt và tiếng Anh), gồm:
a) Giấy phép cho tàu cá khai thác thủy sản khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác;
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;
c) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;
d) Danh sách, ảnh và số hộ chiếu của thuyền viên và người làm việc trên tàu cá.
4. Sau khi cấp phép cho tàu cá đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác, trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày cấp phép, Tổng cục Thủy sản phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao biết để phối hợp theo dõi và quản lý.
5. Tổ chức, cá nhân khi nhận giấy phép cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác và các giấy tờ có liên quan phải nộp lại cho Tổng cục Thủy sản các giấy tờ sau:
a) Giấy phép khai thác thủy sản (bản chính);
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bản chính);
c) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (bản chính).
6. Để nhận lại các giấy tờ đã nộp, tổ chức, cá nhân gửi đơn đề nghị nhận lại các giấy tờ đến Tổng cục Thủy sản (theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này).
Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn theo quy định, Tổng cục Thủy sản phải trả lại các giấy tờ mà tổ chức, cá nhân đã nộp.”
6. Bổ sung Khoản 6, Khoản 7 vào Điều 9 như sau:
“Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam
6. Trước khi rời cảng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác về nước, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải thông báo cho Tổng cục Thủy sản hoặc cơ quan quản lý thủy sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký tàu cá, bằng phương tiện thông tin liên lạc hoặc bằng văn bản trước 05 ngày, kể từ ngày dự kiến về đến cảng Việt Nam.
7. Trách nhiệm tổ chức, cá nhân tổ chức đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác:
a) Chỉ được đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác ở vùng biển của quốc gia và vùng lãnh thổ khác khi đã được Tổng cục Thủy sản cấp phép cho tàu cá đi khai thác;
b) Hướng dẫn, phổ biến cho thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá về quyền và trách nhiệm của họ khi tiến hành khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác; ký kết hợp đồng lao động và tuân thủ pháp luật về lao động;
c) Phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết và xử lý các vụ việc xảy ra có liên quan đến người và tàu cá do tổ chức, cá nhân đưa đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác;
d) Tạm ứng chi phí để đưa thuyền trưởng, thuyền viên và người làm việc trên tàu cá về nước và các chi phí rủi ro khác (nếu có);
đ) Tuân thủ các quy định của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP, Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.”
6. Thay thế Phụ lục I của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 4. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều Nghị định số 32/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam
1. Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi như sau:
“Điều 3. Giải thích thuật ngữ
2. Vùng biển Việt Nam là các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Luật biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003.”
2. Sửa đổi Khoản 3 và bổ sung Khoản 5 vào Điều 4 như sau:
“Điều 4. Nguyên tắc hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam
3. Tàu cá nước ngoài chỉ được hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam khi có Giấy phép hoạt động thuỷ sản do cơ quan có thẩm quyền cấp và Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện do Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cấp (trừ tàu cá vận chuyển thủy sản).
5. Tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải treo cờ Việt Nam trong suốt quá trình hoạt động. Cờ Việt Nam phải được treo bên cạnh và có chiều cao bằng cờ quốc gia mà tàu treo cờ.”
3. Điều 5 được sửa đổi như sau:
“Điều 5. Giấy phép hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài
1. Giấy phép hoạt động thủy sản (sau đây gọi tắt là giấy phép) cấp cho từng tàu cá. Một chủ tàu cá có thể xin cấp Giấy phép cho nhiều tàu cá.
Nội dung Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 32/2010/NĐ-CP.
2. Đối với tàu cá vận chuyển thủy sản, thời hạn của giấy phép được cấp không quá 12 tháng. Đối với tàu cá hoạt động thủy sản khác, thời hạn của giấy phép theo thời hạn của dự án hợp tác nhưng không quá 36 tháng.
3. Giấy phép được gia hạn không quá hai (02) lần, thời gian gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng.”
4. Điều 8 được sửa đổi như sau:
“Điều 8. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép
1. Hồ sơ xin cấp Giấy phép lần đầu một (01) bộ, bao gồm:
a) Đơn xin cấp giấy phép cho tàu cá theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 32/2010/NĐ-CP);
b) Dự án hợp tác về điều tra, thăm dò nguồn lợi thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (bản sao chứng thực) hoặc dự án hợp tác về huấn luyện kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thủy sản được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt (bản sao chứng thực) hoặc dự án về thu gom, vận chuyển thủy sản được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt (bản sao chứng thực).
c) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bản sao chứng thực);
d) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (bản sao chứng thực);
đ) Bằng thuyền trưởng, máy trưởng (bản sao chứng thực);
e) Danh sách, ảnh và số hộ chiếu của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá (ghi rõ họ tên, chức danh, địa chỉ liên hệ).
2. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép một (01) bộ, bao gồm:
a) Đơn xin cấp lại giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 32/2010/NĐ-CP);
b) Giấy phép đã được cấp (đối với trường hợp giấy phép bị rách, nát);
c) Báo cáo về việc thay đổi tàu cá (nếu có), kèm theo các giấy tờ quy định tại các Điểm c, d, đ, e Khoản 1 Điều này;
d) Báo cáo về việc thay đổi cảng đăng ký hoặc thay đổi nghề nghiệp hoạt động (nếu có).
3. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép một (01) bộ, bao gồm:
a) Đơn xin gia hạn giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 32/2010/NĐ-CP);
b) Giấy phép đã được cấp (bản sao chụp);
c) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (bản sao chụp);
d) Báo cáo tình hình hoạt động của tàu cá trong thời gian được cấp giấy phép;
đ) Nhật ký khai thác thủy sản, đối với tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, trong thời gian được cấp giấy phép.
4. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép lần đầu, gia hạn giấy phép và cấp lại giấy phép, nộp hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện).
5. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép hoặc người được ủy quyền đến nhận kết quả tại Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc yêu cầu cơ quan cấp phép gửi trả kết quả theo đường bưu điện."
5. Bổ sung Khoản 5 vào Điều 10 như sau:
“Điều 10. Các trường hợp thu hồi giấy phép
5. Không thực hiện chế độ báo cáo, ghi, nộp nhật ký theo quy định.”
6. Điều 11 được sửa đổi như sau:
“Điều 11. Thẩm quyền, cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép
1. Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép đối với tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
2. Thời gian thực hiện việc cấp lần đầu, cấp lại, gia hạn giấy phép như sau:
a) Thời gian không quá (05) năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, đối với trường hợp cấp lần đầu;
b) Thời gian không quá (05) năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, đối với trường hợp cấp lại;
c) Thời gian không quá (03) ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, đối với trường hợp gia hạn.”
7. Khoản 9 Điều 13 được sửa đổi như sau:
“Điều 13. Trách nhiệm của chủ tàu cá nước ngoài
9. Tàu cá nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam chỉ được đậu tàu, thu gom, nhận hàng hoặc bán sản phẩm thủy sản tại cảng đã ghi trong giấy phép hoạt động thuỷ sản.”
8. Thay thế Phụ lục I của Nghị định số 32/2010/NĐ-CP bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
9. Thay thế Phụ lục II của Nghị định số 32/2010/NĐ-CP bằng Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 5. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều Nghị định số 52/2010/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về nhập khẩu tàu cá
1. Điều 2 được sửa đổi như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nhập khẩu tàu cá bao gồm các hình thức: mua tàu cá của nước ngoài, tiếp nhận tàu cá của Chính phủ hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam, thuê tàu cá trần có thời hạn và thuê mua tàu cá (là thuê tàu trần nhưng có kèm điều khoản mua lại tàu khi hết thời gian thuê).
2. Điều 4 được sửa đổi như sau:
“Điều 4. Điều kiện đối với tàu cá nhập khẩu
1. Có nguồn gốc hợp pháp.
2. Là tàu vỏ thép, vật liệu mới, tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.
3. Về tuổi tàu và tuổi máy chính tàu
a) Đối với tàu nhập không thời hạn: Tuổi của tàu không quá tám (08) tuổi (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu); máy chính của tàu (tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu) không quá hai (02) năm so với tuổi tàu (đối với tàu tàu cá đã qua sử dụng);
b) Đối với thuê tàu cá trần: Tuổi của tàu trần thuê hoạt động trong vùng biển Việt Nam không quá 12 tuổi (tính từ năm đóng mới đến hết thời điểm thuê tàu trần). Máy chính của tàu (tính từ năm sản xuất đến hết thời điểm thuê tàu trần) không quá hai (02) năm so với tuổi tàu.
c) Đối với tàu cá thuê mua: Tuổi tàu và tuổi máy chính tàu được quy như điểm a, khoản 3, Điều này.
4. Được cơ quan đăng kiểm tàu cá Việt Nam đăng kiểm trước khi đưa tàu về Việt Nam (đối với tàu cá đã qua sử dụng).
Các điều kiện này không áp dụng đối với trường hợp tàu cá do Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam.”
3. Bãi bỏ Điều 5 và Điều 6.
4. Điều 7 được sửa đổi như sau:
“Điều 7. Trình tự, thủ tục nhập khẩu tàu cá
1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu cá phải có đơn đề nghị nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 52/2010/NĐ-CP), kèm theo hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi tổ chức đặt trụ sở, văn phòng đại diện hoặc nơi cá nhân đề nghị nhập khẩu tàu cá có hộ khẩu thường trú. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn một (01) ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị nhập khẩu tàu cá để bổ sung hồ sơ.
2. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có ý kiến và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản.
3. Sau năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thủy sản xem xét và có văn bản cho phép nhập khẩu tàu cá (theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này). Trường hợp không cho phép nhập khẩu tàu cá, trong thời gian (03) ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thuỷ sản phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Văn bản cho phép nhập khẩu tàu cá gửi cho tổ chức, cá nhân xin nhập khẩu tàu cá, đồng thời gửi đến các cơ quan liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi chủ tàu cá đăng ký hộ khẩu thường trú, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.”
--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----