Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại

Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại do bộ trưởng ban hành có hiệu lực ngày 14 tháng 04 năm 2011. Mời các bạn cùng tham khảo.

Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 12/2011/TT-BTNMT Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUY ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này quy định về quản lý chất thải nguy hại, bao gồm:

1. Phân định, phân loại chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là CTNH).

2. Điều kiện hành nghề quản lý CTNH (sau đây viết tắt là QLCTNH); thủ tục lập hồ sơ, đăng ký chủ nguồn thải CTNH, cấp phép hành nghề, mã số QLCTNH; vận chuyển xuyên biên giới CTNH.

3. Kiểm tra, xác nhận việc thực hiện nội dung báo cáo Đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là ĐTM) và các yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý CTNH do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến việc phát sinh CTNH, quản lý CTNH trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thông tư này không áp dụng đối với chất thải phóng xạ; chất thải ở thể hơi và khí; nước thải phát sinh nội bộ trong khuôn viên của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung được xử lý tại công trình xử lý nước thải của cơ sở hoặc khu đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quản lý chất thải nguy hại là các hoạt động liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân định, phân loại, tái sử dụng trực tiếp, lưu giữ tạm thời, vận chuyển và xử lý CTNH.

2. Vận chuyển CTNH là quá trình chuyên chở CTNH từ nơi phát sinh đến nơi xử lý, có thể kèm theo việc thu gom, đóng gói, bảo quản, lưu giữ tạm thời, trung chuyển, sơ chế CTNH.

3. Xử lý CTNH là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm biến đổi, loại bỏ, cách ly, tiêu huỷ hoặc phá huỷ tính chất, thành phần nguy hại của CTNH (kể cả việc tái chế, tận thu, thiêu đốt, đồng xử lý, cô lập, chôn lấp) với mục đích cuối cùng là không gây tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ con người.

4. Sơ chế CTNH là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ-lý đơn thuần nhằm thay đổi tính chất vật lý như kích thước, độ ẩm, nhiệt độ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, xử lý hoặc nhằm phối trộn hoặc tách riêng các thành phần của CTNH cho phù hợp với các phương pháp xử lý khác nhau.

5. Đồng xử lý CTNH là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để xử lý CTNH, trong đó CTNH được sử dụng làm nhiên liệu, nguyên vật liệu bổ sung cho quá trình sản xuất này.

6. Tái sử dụng trực tiếp CTNH là việc trực tiếp sử dụng lại các CTNH có nguồn gốc là các phương tiện, thiết bị, sản phẩm hoặc vật liệu, hoá chất đã qua sử dụng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này theo đúng mục đích sử dụng ban đầu của phương tiện, thiết bị, sản phẩm hoặc vật liệu, hoá chất đó mà không qua bất kỳ khâu xử lý hay sơ chế nào.

7. Giấy phép QLCTNH là tên gọi chung cho các loại giấy phép sau:

a) Giấy phép hành nghề QLCTNH là Giấy phép được cấp cho dịch vụ vận chuyển và xử lý CTNH theo quy định tại Thông tư này;

b) Giấy phép hành nghề vận chuyển CTNH là Giấy phép được cấp cho dịch vụ vận chuyển CTNH theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT);

c) Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu huỷ CTNH là Giấy phép được cấp cho dịch vụ xử lý CTNH theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.

8. Chủ nguồn thải CTNH là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh CTNH (sau đây gọi tắt là cơ sở phát sinh CTNH).

9. Chủ hành nghề QLCTNH là tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hành nghề QLCTNH để thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý CTNH theo quy định tại Thông tư này.

10. Chủ vận chuyển CTNH là tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hành nghề vận chuyển CTNH còn giá trị sử dụng theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.

11. Chủ xử lý CTNH là tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hành nghề xử lý, tiêu huỷ CTNH còn giá trị sử dụng theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT.

12. Chủ tái sử dụng CTNH là tổ chức, cá nhân tiếp nhận CTNH để tái sử dụng trực tiếp.

13. Đại lý vận chuyển CTNH là tổ chức, cá nhân được chủ hành nghề QLCTNH uỷ quyền hoặc hợp đồng để thực hiện hoạt động vận chuyển CTNH.

14. Cơ quan quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại (sau đây viết tắt là CQQLCNT) là cơ quan có thẩm quyền quản lý các chủ nguồn thải CTNH theo quy định.

15. Cơ quan cấp phép (sau đây viết tắt là CQCP) là tên gọi chung của các cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép QLCTNH.

16. Mã số QLCTNH là mã số được cấp kèm theo Sổ đăng ký chủ nguồn thải hoặc Giấy phép QLCTNH.

17. Địa bàn hoạt động là phạm vi địa lý cho phép thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý CTNH được ghi trong Giấy phép QLCTNH.

Điều 4. Thẩm quyền cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH và cấp, thu hồi Giấy phép QLCTNH

1. CQQLCNT (Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Chi cục Bảo vệ môi trường được phân cấp) có thẩm quyền cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH cho các chủ nguồn thải CTNH có cơ sở phát sinh CTNH trong địa bàn tỉnh.

2. Tổng cục Môi trường có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép QLCTNH có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) trở lên.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp (sau đây gọi chung là CQCP địa phương) có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép QLCTNH có địa bàn hoạt động trong tỉnh.

Điều 5. Phân định, phân loại CTNH

1. Việc phân định, phân loại CTNH được thực hiện theo quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2009/BTNMT về Ngưỡng chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (sau đây viết tắt là QCVN 07:2009/BTNMT).

2. Nguyên tắc phân định CTNH bao gồm:

a) Xác định một chất thải là CTNH căn cứ vào quy định về ngưỡng CTNH;

b) Hỗn hợp chất thải được phân định là CTNH khi có ít nhất một chất thải thành phần trong hỗn hợp chất thải là CTNH;

c) Loại chất thải có khả năng là CTNH (ký hiệu *) quy định tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này khi chưa phân định được là không nguy hại theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT thì phải quản lý theo quy định như đối với CTNH.

Điều 6. Việc sử dụng Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH và Giấy phép QLCTNH đã được cấp theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT

1. Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH đã được cấp theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT tiếp tục được sử dụng trừ trường hợp phải cấp lại theo quy định tại Khoản 4 Điều 16 Thông tư này.

2. Giấy phép QLCTNH đã được cấp theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT trừ loại nêu tại Khoản 3 Điều này tiếp tục được sử dụng trong thời hạn hiệu lực ghi trên Giấy phép và được xác nhận gia hạn theo quy định tại Điều 21 Thông tư này nhưng không được cấp điều chỉnh.

3. Giấy phép QLCTNH đã được cấp cho chủ nguồn thải CTNH tự xử lý CTNH phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở phát sinh CTNH theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT bị huỷ bỏ sau khi chủ nguồn thải CTNH được cấp lại Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 16 Thông tư này.

Điều 7. Thời gian và đơn vị tính số lượng CTNH

1. Thời gian được quy định trong Thông tư này theo tháng hoặc theo năm thì khoảng thời gian đó được tính theo tháng, năm dương lịch, bao gồm cả ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.

2. Thời gian được quy định trong Thông tư này theo ngày thì khoảng thời gian đó được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.

3. Số lượng CTNH được ghi trong tất cả các hồ sơ, giấy phép, báo cáo, chứng từ và các giấy tờ khác theo quy định tại Thông tư này thống nhất sử dụng đơn vị tính là kilôgam (kg).

Điều 8. Các vấn đề liên quan đến xác thực hồ sơ, giấy tờ, chữ ký và uỷ quyền đối với tổ chức, cá nhân thực hiện Thông tư này

1. Bản sao giấy tờ có dấu trong hồ sơ, kế hoạch và báo cáo lập theo quy định tại Thông tư này không yêu cầu chứng thực theo quy định của pháp luật nhưng phải được tổ chức, cá nhân đóng dấu giáp lai hoặc dấu treo vào từng trang bản sao để tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của bản sao trước khi nộp cơ quan có thẩm quyền.

2. Các hồ sơ, kế hoạch và báo cáo được lập theo quy định tại Thông tư này phải được tổ chức, cá nhân đóng dấu giáp lai hoặc đóng dấu treo vào từng trang để xác thực trước khi nộp cơ quan có thẩm quyền.

3. Trường hợp không có dấu pháp nhân thì khi ký hợp đồng theo quy định tại Thông tư này phải có chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật.

4. Chủ nguồn thải CTNH, chủ hành nghề QLCTNH không được phép uỷ quyền cho các pháp nhân khác ngoài pháp nhân (nếu có) của cơ sở phát sinh CTNH hoặc cơ sở xử lý và đại lý vận chuyển CTNH ghi trong Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH hoặc Giấy phép QLCTNH để ký, đóng dấu các hồ sơ, hợp đồng, chứng từ, kế hoạch, báo cáo lập theo quy định tại Thông tư này.

Chương II

ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 9. Nội dung và trường hợp yêu cầu điều kiện hành nghề QLCTNH

1. Điều kiện hành nghề QLCTNH để được cấp phép theo quy định tại Thông tư này bao gồm các nội dung chính sau:

a) Các điều kiện về cơ sở pháp lý;

b) Các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật;

c) Các điều kiện về nhân lực;

d) Các điều kiện liên quan đến công tác quản lý;

đ) Các điều kiện khác.

2. Điều kiện hành nghề QLCTNH theo quy định tại Thông tư này yêu cầu đối với các trường hợp sau:

a) Các tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề QLCTNH (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề) phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hành nghề QLCTNH để được cấp phép theo quy định tại Thông tư này;

b) Các chủ hành nghề QLCTNH sau khi được cấp phép theo quy định tại Thông tư này phải đáp ứng các điều kiện có lộ trình thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 11 Thông tư này;

c) Các chủ vận chuyển CTNH đã được cấp phép theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT phải đáp ứng các điều kiện đối với phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc vận chuyển CTNH (bao gồm bao bì chuyên dụng, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển) theo quy định tại Khoản 1 và 4 Điều 11 Thông tư này trong thời hạn 03 (ba) tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực; đáp ứng điều kiện có lộ trình thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 11 Thông tư này;

d) Các chủ xử lý CTNH đã được cấp phép theo quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT phải đáp ứng các điều kiện đối với phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc xử lý CTNH (bao gồm khu vực lưu giữ tạm thời, hệ thống hoặc thiết bị sơ chế, xử lý CTNH), công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 1, 4 và 5 Điều 11 Thông tư này trong thời hạn 03 (ba) tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Điều kiện hành nghề QLCTNH và Giấy phép hành nghề QLCTNH theo quy định tại Thông tư này không yêu cầu đối với các trường hợp sau:

a) Vận chuyển xuyên biên giới CTNH;

b) Tái sử dụng trực tiếp CTNH;

c) Sử dụng công trình bảo vệ môi trường chỉ nhằm mục đích tự xử lý CTNH phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở phát sinh CTNH nơi có công trình này. Công suất của các công trình này phải phù hợp với số lượng CTNH phát sinh nội bộ dự kiến tự xử lý. Việc thay đổi, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của cơ quan đã phê duyệt hoặc xác nhận báo cáo ĐTM, Bản cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) hay Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường (trước đây) hoặc Đề án BVMT đối với dự án đầu tư cơ sở phát sinh CTNH nêu trên;

d) Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý CTNH trong môi trường thí nghiệm. Trường hợp có nhu cầu tiếp nhận CTNH để thử nghiệm, đánh giá công nghệ đang được nghiên cứu và phát triển thì phải lập kế hoạch vận hành thử nghiệm theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 (C) kèm theo Thông tư này gửi Tổng cục Môi trường để xem xét, chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện
thử nghiệm.

Điều 10. Các điều kiện về cơ sở pháp lý

1. Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh phù hợp trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ tương đương.

2. Có báo cáo ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý CTNH hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế như sau:

a) Văn bản hợp lệ về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với cơ sở xử lý CTNH đã đưa vào hoạt động trước ngày 01 tháng 7 năm 2006;

b) Đề án BVMT được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định đối với cơ sở xử lý CTNH đã đưa vào hoạt động;

c) Đối với cơ sở sản xuất đã đưa vào hoạt động có nhu cầu bổ sung hoạt động đồng xử lý CTNH mà không thay đổi quy mô, công suất hoặc công nghệ thì phải có văn bản chấp thuận phương án đồng xử lý CTNH của cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt hoặc xác nhận Báo cáo ĐTM, Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường (trước đây) hoặc Đề án BVMT đối với dự án đầu tư cơ sở sản xuất này.

3. Có Bản cam kết BVMT được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận cho dự án đầu tư các hạng mục công trình phục vụ hoạt động vận chuyển CTNH tại đại lý vận chuyển CTNH (nếu có) trong trường hợp các hồ sơ, giấy tờ nêu tại Khoản 2 Điều này chưa bao gồm các hạng mục đó.

4. Cơ sở xử lý CTNH phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc được Uỷ ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) cấp tỉnh chấp thuận về địa điểm bằng văn bản.

Điều 11. Các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật

1. Các phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc hành nghề QLCTNH bao gồm bao bì chuyên dụng, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển, hệ thống hoặc thiết bị sơ chế, xử lý CTNH phải đạt các yêu cầu kỹ thuật nêu tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.

2. Số lượng phương tiện vận chuyển CTNH được quy định như sau:

a) Trường hợp địa bàn hoạt động chỉ trong một tỉnh, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 có ít nhất 01 (một) phương tiện vận chuyển thuộc sở hữu chính thức của tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề, đại lý vận chuyển CTNH, lãnh đạo hoặc cá nhân khác có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ tương đương, hoặc phương tiện vận chuyển được góp vốn chính thức theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là phương tiện vận chuyển chính chủ);

b) Trường hợp địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 có ít nhất 03 (ba) phương tiện vận chuyển chính chủ;

c) Trường hợp địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên trong một vùng và đăng ký vận chuyển, xử lý không dưới hai nhóm CTNH có tính chất, phương án xử lý khác nhau, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 có ít nhất 05 (năm) phương tiện vận chuyển chính chủ; trường hợp địa bàn hoạt động từ hai vùng trở lên và đăng ký vận chuyển, xử lý không dưới hai nhóm CTNH có tính chất, phương án xử lý khác nhau, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 có ít nhất 08 (tám) phương tiện vận chuyển chính chủ;

d) Tổng số lượng phương tiện vận chuyển không chính chủ không được vượt quá tổng số lượng phương tiện vận chuyển chính chủ trừ các phương tiện vận chuyển đường thuỷ, đường sắt. Phương tiện vận chuyển không chính chủ phải có hợp đồng dài hạn về việc bàn giao phương tiện để vận chuyển CTNH giữa tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề và chủ sở hữu của phương tiện đó.

3. Phương tiện vận chuyển CTNH có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH theo lộ trình thực hiện như sau:

a) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, ít nhất 50% tổng số phương tiện vận chuyển có GPS;

b) Kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012, toàn bộ phương tiện vận chuyển có GPS;

c) Trường hợp địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên thực hiện theo quy định tại Điểm a và b Khoản này;

d) Trường hợp địa bàn hoạt động chỉ trong một tỉnh, việc trang bị GPS cho các phương tiện vận chuyển theo yêu cầu của CQCP địa phương.

4. Một phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho việc hành nghề QLCTNH chỉ được đăng ký cho một Giấy phép QLCTNH.

5. Có các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này để kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý CTNH và đại lý vận chuyển CTNH (nếu có).

Điều 12. Các điều kiện về nhân lực

1. 01 (một) cơ sở xử lý CTNH có ít nhất 02 (hai) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến hóa học hoặc môi trường.

2. 01 (một) đại lý vận chuyển CTNH có ít nhất 01 (một) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến hóa học hoặc môi trường.

3. Người nêu tại Khoản 1 và 2 Điều này phải được đóng bảo hiểm xã hội, y tế theo quy định của pháp luật; có hợp đồng lao động dài hạn trong trường hợp không có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc giấy tờ tương đương) hoặc không thuộc ban lãnh đạo hoặc biên chế của tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề.

4. Có đội ngũ vận hành và lái xe được đào tạo, tập huấn bảo đảm vận hành an toàn các phương tiện, thiết bị; đội trưởng đội ngũ vận hành có trình độ từ trung cấp kỹ thuật trở lên hoặc do người quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này kiêm nhiệm.

Điều 13. Các điều kiện liên quan đến công tác quản lý

1. Có quy trình vận hành an toàn các phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

2. Có các kế hoạch sau:

a) Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường;

b) Kế hoạch về an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ;

c) Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố;

d) Kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm;

đ) Kế hoạch xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường khi chấm dứt hoạt động.

3. Có chương trình giám sát môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý CTNH.

4. Lắp đặt các bản hướng dẫn dạng rút gọn hoặc dạng sơ đồ kèm theo các quy trình, kế hoạch quy định tại Khoản 1, Điểm a, b, c Khoản 2 Điều này ở vị trí phù hợp và với kích thước thuận tiện quan sát trên phương tiện vận chuyển, trong cơ sở xử lý và đại lý vận chuyển CTNH.

Điều 14. Các điều kiện khác

1. Có ít nhất một cơ sở xử lý CTNH. Đối với 01 (một) cơ sở xử lý CTNH, không thành lập quá 05 (năm) đại lý vận chuyển CTNH trừ các trường hợp sau:

a) Đại lý chỉ thực hiện vận chuyển CTNH cho các chủ nguồn thải CTNH trong cùng một tập đoàn, tổng công ty, nhóm doanh nghiệp có chung cổ đông sáng lập hoặc có quan hệ doanh nghiệp mẹ - con với nhau;

b) Đại lý chỉ thực hiện vận chuyển CTNH cho các chủ nguồn thải CTNH trong một khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;

c) Đại lý chỉ thực hiện vận chuyển CTNH cho các chủ nguồn thải CTNH tại các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi hoặc vùng chưa có cơ sở xử lý CTNH được cấp Giấy phép QLCTNH hoặc tỉnh chưa có chủ hành nghề QLCTNH thực hiện vận chuyển CTNH.

2. 01 (một) đại lý vận chuyển CTNH chỉ được nhận uỷ quyền vận chuyển từ hai tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề hoặc chủ hành nghề QLCTNH trở lên trong trường hợp các chủ hành nghề QLCTNH hoặc tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề là thành viên trong cùng một tập đoàn, tổng công ty, nhóm doanh nghiệp có chung cổ đông sáng lập hoặc có quan hệ doanh nghiệp mẹ - con
với nhau hoặc đại lý này chỉ có hoạt động vận chuyển trên biển.

3. Trường hợp đại lý vận chuyển CTNH là thành viên trong cùng một tập đoàn, tổng công ty, nhóm doanh nghiệp có chung cổ đông sáng lập hoặc có quan hệ doanh nghiệp mẹ - con với chủ QLCTNH hoặc tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề thì phải có văn bản uỷ quyền nội bộ; các trường hợp còn lại thì phải có hợp đồng đại lý dài hạn theo quy định.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ---

Ngày:04/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM