Thông tư 83/2018/TT-BTC chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước
Thông tư số 83/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2018 hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước
BỘ TÀI CHÍNH ------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 83/2018/TT-BTC | Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2018 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC CHUYỂN GIAO QUYỀN ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TẠI TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/07/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;
Căn cứ Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 147/2017/NĐ-CP ngày 25/12/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 148/2017/NĐ-CP ngày 25/12/2017 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp từ các bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi là Bộ), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (sau đây gọi là SCIC) và việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp SCIC đã tiếp nhận về các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
2. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
3. Doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại Thông tư này;
4. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
5. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Đối tượng chuyển giao
SCIC thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các loại hình doanh nghiệp sau (không bao gồm các công ty nông, lâm nghiệp sau khi thực hiện phương án sắp xếp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; doanh nghiệp có hoạt động chủ yếu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật, có tỷ trọng doanh thu từ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên tổng doanh thu của doanh nghiệp 03 năm liên tiếp liền kề trước thời điểm xem xét chuyển giao đạt từ 50% trở lên; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xổ số kiến thiết và một số doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ):
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập trực thuộc các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trực thuộc các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
3. Công ty liên doanh có vốn góp nhà nước do các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu;
4. Công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc mới thành lập trực thuộc các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
5. Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các trường hợp khác, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC được thực hiện theo quyết định hoặc văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chương II
CHUYỂN GIAO QUYỀN ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
Điều 4. Nguyên tắc chuyển giao
1. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC phải đảm bảo nguyên tắc: công khai, minh bạch, có kế thừa, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có sự phối hợp giữa các bên liên quan để cùng xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định của pháp luật.
2. Việc tổ chức chuyển giao được thực hiện theo từng doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Trường hợp sau khi chuyển giao, nếu số liệu tại Hồ sơ chuyển giao có thay đổi, các bên liên quan theo quy định tại Điều 6 Thông tư này phối hợp làm rõ nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý và điều chỉnh lại số liệu chuyển giao chính thức.
4. SCIC chỉ thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC theo quy định tại Điều 3 Thông tư này và còn vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm hoặc quý gần nhất (giá trị vốn chủ sở hữu tại mã số 410 trên bảng cân đối kế toán lớn hơn 0) với thời điểm chuyển giao.
Điều 5. Giá trị vốn chuyển giao
1. Đối với công ty cổ phần là giá trị cổ phần nhà nước (tính theo mệnh giá) đầu tư tại doanh nghiệp và các khoản tiền của Nhà nước còn phải thu hồi (nếu có).
2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh là giá trị sổ sách phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và các khoản tiền của Nhà nước còn phải thu hồi (nếu có).
Điều 6. Thành phần chuyển giao
1. Bên giao là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được ủy quyền bằng văn bản.
2. Bên nhận là người đại diện theo pháp luật của SCIC hoặc người được ủy quyền bằng văn bản.
Điều 7. Thời gian thực hiện chuyển giao
Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC theo thời hạn sau:
1. Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các trường hợp khác theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này: thực hiện chuyển giao theo thời hạn ghi tại quyết định, văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối với công ty cổ phần được chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư này: thực hiện chuyển giao trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành việc công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
3. Đối với các doanh nghiệp còn lại thuộc đối tượng chuyển giao quy định tại Điều 3 Thông tư này: thực hiện chuyển giao trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Nghị định số 147/2017/NĐ-CP có hiệu lực hoặc trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
4. Trong thời hạn chuyển giao nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu thì thực hiện chuyển giao giá trị vốn nhà nước theo giá trị được phê duyệt tại Phương án cổ phần hóa hoặc quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Sau khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với SCIC và doanh nghiệp thực hiện xử lý các tồn tại về tài chính của doanh nghiệp, quyết toán, công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và điều chỉnh giá trị phần vốn nhà nước đã chuyển giao (nếu có).
Điều 8. Căn cứ xác định số liệu chuyển giao
1. Số liệu chuyển giao được xác định là số liệu trên báo cáo tài chính năm hoặc quý đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất với thời điểm chuyển giao được lập theo đúng chế độ quy định.
2. Trường hợp doanh nghiệp chưa có báo cáo tài chính năm hoặc quý đã kiểm toán thì số liệu chuyển giao được xác định là số liệu trên báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất của doanh nghiệp. SCIC được lựa chọn, thuê đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Sau khi có kết quả kiểm toán, SCIC phối hợp cùng các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh số liệu chuyển giao (nếu có) theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này hoặc ghi nhận các nội dung kiểm toán ngoại trừ vào Biên bản chuyển giao.
3. Trường hợp báo cáo tài chính năm hoặc quý đã kiểm toán của doanh nghiệp có kết luận về nội dung ngoại trừ (không chấp nhận toàn phần), SCIC xem xét yêu cầu kiểm toán làm rõ để làm cơ sở điều chỉnh số liệu chuyển giao (nếu có) hoặc ghi nhận các nội dung kiểm toán ngoại trừ vào Biên bản chuyển giao.
Điều 9. Hồ sơ chuyển giao
Hồ sơ chuyển giao được lập theo từng doanh nghiệp, bao gồm:
1. Báo cáo giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này.
2. Báo cáo các khoản tiền nhà nước còn phải thu hồi từ doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này.
3. Báo cáo tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này. Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng lập Báo cáo tài chính hợp nhất, số liệu nêu tại Phụ lục số 03 là số liệu theo Báo cáo tài chính hợp nhất.
4. Thông tin về Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục số 04 kèm theo Thông tư này.
5. Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ Sở hữu nhà nước theo mẫu tại Phụ lục số 05 kèm theo Thông tư này. Trong Biên bản chuyển giao phải xác định rõ nguyên nhân phát sinh chênh lệch giảm giá trị phần vốn nhà nước (nếu có); trách nhiệm tập thể, cá nhân của các bên liên quan đến việc giảm giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm lập hồ sơ làm cơ sở chuyển giao; các tài liệu còn thiếu trong Hồ sơ chuyển giao (nếu có) theo quy định tại Điều này; những vấn đề tồn tại cần tiếp tục phối hợp giải quyết sau chuyển giao.
6. Tài liệu pháp lý của doanh nghiệp (bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để các bên đối chiếu, xác nhận) bao gồm:
a) Quyết định thành lập công ty hoặc quyết định chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
b) Quyết định và biên bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
c) Văn bản xác nhận của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên doanh nghiệp về số vốn, số cổ phần đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phiếu hoặc giấy chứng nhận cổ đông hoặc sổ cổ đông của nhà nước (đối với công ty cổ phần); giấy chứng nhận góp vốn hoặc sổ thành viên của nhà nước (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên);
d) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và các lần thay đổi (nếu có);
đ) Danh sách Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty;
e) Điều lệ hiện hành về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp;
g) Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất (đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng lập báo cáo tài chính hợp nhất) năm hoặc quý của doanh nghiệp đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất với thời điểm chuyển giao hoặc báo cáo tài chính được lập tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu (đối với những doanh nghiệp thực hiện chuyển giao trong năm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu). Trường hợp doanh nghiệp chưa có báo cáo tài chính năm hoặc quý đã được kiểm toán thì sử dụng Báo cáo tài chính năm hoặc quý tại thời điểm gần nhất với thời điểm chuyển giao;
h) Các tài liệu liên quan đến quá trình cổ phần hóa đối với doanh nghiệp được chuyển đổi theo hình thức cổ phần hóa, cụ thể:
- Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa;
- Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và các quyết định, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tồn tại về tài chính (công nợ, vốn góp, sản phẩm dở dang và hàng hóa, tài sản không cần dùng...), lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa;
- Phương án cổ phần hóa và Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền;
- Quyết định giá khởi điểm bán cổ phần lần đầu và hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu, thông báo thu tiền bán đấu giá cổ phần và bán thỏa thuận cho người lao động;
- Các hồ sơ tài liệu liên quan đến xử lý các vấn đề tài chính, lao động phát sinh từ thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
- Quyết định công bố giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần (nếu có);
- Các hồ sơ liên quan đến việc góp vốn liên doanh, nhận vốn với nhà nước trong trường hợp góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất;
- Các tài liệu liên quan đến việc tăng giảm vốn điều lệ, tăng giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ thời điểm chuyển sang công ty cổ phần đến thời điểm chuyển giao;
- Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến các khoản thu từ cổ phần hóa, thu cổ tức phần vốn nhà nước và các khoản thu khác phải nộp, đã nộp Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp phát sinh trước thời điểm chuyển giao.
Điều 10. Trình tự chuyển giao
1. Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc các bộ phận chuyên môn (đối với doanh nghiệp không có Người đại diện) lập Hồ sơ chuyển giao theo quy định tại Điều 9 Thông tư này gửi các đơn vị có liên quan.
2. Căn cứ Hồ sơ chuyển giao, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với SCIC và doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao thẩm định thông tin, số liệu tại Hồ sơ chuyển giao; lập Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại từng doanh nghiệp và báo cáo lãnh đạo các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được ủy quyền ký Biên bản chuyển giao.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hồ sơ chuyển giao từ các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, SCIC ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.
3. Đối với các trường hợp chưa thống nhất về Hồ sơ chuyển giao, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận Hồ sơ chuyển giao, SCIC phải có ý kiến bằng văn bản gửi các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để bổ sung Hồ sơ chuyển giao theo quy định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của SCIC, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ phận chuyên môn phối hợp với doanh nghiệp để hoàn thiện Hồ sơ chuyển giao theo quy định hoặc có ý kiến bằng văn bản về việc bổ sung Hồ sơ chuyển giao.
4. Trường hợp cần thiết, SCIC phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức họp để trao đổi thống nhất về nội dung của Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.
5. Hồ sơ chuyển giao được doanh nghiệp gửi các bên có liên quan sau khi ký Biên bản chuyển giao, cụ thể:
- 01 bộ Hồ sơ gửi Bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- 01 bộ Hồ sơ gửi SCIC;
- 01 bộ Hồ sơ lưu tại doanh nghiệp;
- 01 bộ Phụ lục kèm theo Thông tư này gửi Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).
6. Khi hoàn tất việc chuyển giao, SCIC gửi Biên bản chuyển giao cho bên giao (01 bản), doanh nghiệp (01 bản) và Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) (01 bản).
7. Trường hợp sau khi chuyển giao, nếu có phát sinh điều chỉnh số liệu tại Biên bản chuyển giao thì SCIC có trách nhiệm gửi Biên bản chuyển giao đã điều chỉnh cho các cơ quan nêu tại khoản 5 Điều này.
Điều 11. Chuyển giao lại quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước từ SCIC về các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. SCIC phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai công tác chuyển giao lại quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các doanh nghiệp SCIC đã tiếp nhận và đang thực hiện quyền đại diện chủ Sở hữu nhà nước.
2. Việc chuyển giao lại quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp từ SCIC về các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện tương tự như việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp từ các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về SCIC theo các quy định tại Thông tư này.
SCIC chủ trì giải quyết các vấn đề tồn tại của doanh nghiệp phát sinh trước thời điểm chuyển giao lại quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC và các cơ quan có liên quan phối hợp với SCIC và doanh nghiệp hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo đúng thời hạn quy định tại Điều 7 Thông tư này.
2. Đối với những doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ Sở hữu nhà nước về SCIC, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Lấy ý kiến SCIC bằng văn bản về việc lựa chọn Người đại diện phần vốn nhà nước góp tại công ty cổ phần;
b) Chỉ đạo Ban chỉ đạo cổ phần hóa xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính (nếu có) của doanh nghiệp trước khi chuyển giao, hoàn thành việc xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo quy định của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
3. Chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp xử lý các tồn tại liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước trước khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước và lập Hồ sơ chuyển giao theo quy định tại Thông tư này.
4. Thẩm định Hồ sơ chuyển giao và ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư này.
5. Chủ trì, phối hợp cùng SCIC tiếp tục xử lý nội dung nêu tại Khoản 4 Điều 7. Thông tư này; các vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; các tồn tại về tài chính (nếu có) phát sinh trước thời điểm ký Biên bản chuyển giao (bao gồm các vấn đề đã nêu hoặc chưa được nêu tại Biên bản chuyển giao) và bổ sung các tài liệu trong Hồ sơ chuyển giao còn thiếu (nếu có) theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
6. Sắp xếp, giải quyết chế độ cho Người đại diện phần vốn nhà nước do các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cử khi không đảm nhiệm chức năng đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.
7. Trường hợp các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thực hiện chuyển giao theo thời hạn quy định tại Điều 7 Thông tư này thì chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và những phát sinh về tài chính, tổn thất có liên quan (nếu có) theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhận chuyển giao lại theo quy định tại Điều 11 Thông tư này và theo các quy định của pháp luật có liên quan.
9. Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao có kết quả kinh doanh thua lỗ (bao gồm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh năm gần nhất bị lỗ và doanh nghiệp kinh doanh năm gần nhất có lãi nhưng có lỗ lũy kế) nhưng còn vốn nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xác định rõ nguyên nhân phát sinh chênh lệch giảm giá trị phần vốn nhà nước (nếu có), các vấn đề tồn tại, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; Chủ trì giải quyết các vấn đề tồn tại của doanh nghiệp (trước thời điểm chuyển giao) và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân không chấp hành quy định của pháp luật để gây ra tổn thất cho Nhà nước (nếu có).
10. Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước nhưng chưa thực hiện chuyển giao, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Người đại diện xem xét, biểu quyết các nội dung sau:
a) Không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp, ngoại trừ việc điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ theo định tại khoản 7 Điều 21 và khoản 2 Điều 39 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;
b) Không bán vốn tại các công ty con, công ty liên kết.
11. Xác định và thông báo cho SCIC danh sách các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
12. Định kỳ, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tài chính, SCIC tình hình thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ Sở hữu nhà nước. Báo cáo cần nêu rõ tình hình triển khai (bao gồm việc quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu); kết quả thực hiện, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có); danh sách doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC nhưng chưa chuyển giao tính đến thời điểm kết thúc năm và thời gian dự kiến chuyển giao.
Điều 13. Trách nhiệm của Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp
1. Lập hồ sơ chuyển giao theo hướng dẫn tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu tại các báo cáo: Báo cáo giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Phụ lục số 01); Báo cáo giá trị các khoản tiền Nhà nước còn phải thu hồi (Phụ lục số 02); Báo cáo tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (Phụ lục số 03); Báo cáo thông tin về người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Phụ lục số 04).
2. Phối hợp với doanh nghiệp:
a) Làm thủ tục đăng ký lại sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp của Nhà nước từ các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về SCIC.
b) Thực hiện nội dung quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 12 và khoản 5 Điều 14 Thông tư này.
3. Đôn đốc doanh nghiệp nộp các khoản thu từ cổ phần hóa và khoản lợi nhuận, cổ tức thuộc phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định (bao gồm cả các khoản phạt chậm nộp (nếu có)).
4. Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cử trước đây, sau khi chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Người đại diện theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định của SCIC cho đến khi SCIC có quyết định mới.
5. Trường hợp không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì cơ quan có thẩm quyền xem xét thay thế Người đại diện khác để thực hiện nhiệm vụ. Nếu cố tình chậm trễ trong việc triển khai các công việc có liên quan đến chuyển giao phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất phát sinh (nếu có).
6. Chủ động báo cáo các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc SCIC xử lý các tồn tại liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu trước khi chuyển giao.
Điều 14. Trách nhiệm của SCIC
1. Phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc đối tượng chuyển giao khi được lấy ý kiến theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này.
2. Thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp kể từ thời điểm chuyển giao; chủ trì giải quyết các vấn đề tồn tại của doanh nghiệp phát sinh sau thời điểm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC.
3. Tại các doanh nghiệp SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, SCIC phối hợp với các Cơ quan đại diện chủ sở hữu cử bổ sung, thay thế Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi cần thiết.
4. Theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp mà SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước nộp các khoản thu theo quy định về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi quý báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện.
5. Chỉ đạo Người đại diện và các bộ phận chức năng có liên quan:
a) Hoàn thiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo đúng thời hạn quy định tại Thông tư này.
b) Phối hợp với doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước:
- Lập hồ sơ quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, gửi các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
- Bổ sung các tài liệu trong Hồ sơ chuyển giao còn thiếu (nếu có) theo quy định của pháp luật, Thông tư này và những nội dung các bên thống nhất tại Biên bản chuyển giao.
6. Định kỳ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý, SCIC báo cáo Bộ Tài chính hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp; kế hoạch tổ chức tiếp nhận của quý tiếp theo. Báo cáo cần nêu rõ tình hình triển khai, kết quả thực hiện, danh sách các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC nhưng chưa thực hiện chuyển giao, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có).
7. Định kỳ, cùng thời hạn nộp báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính tình hình thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp đã tiếp nhận. Báo cáo cần nêu rõ tình hình triển khai, kết quả thực hiện; danh sách các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC nhưng chưa thực hiện chuyển giao; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có).
8. Phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và các tồn tại về tài chính (nếu có) phát sinh trước thời điểm ký Biên bản chuyển giao.
9. Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao lại quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi chưa thực hiện việc chuyển giao thì SCIC chỉ đạo Người đại diện xem xét, biểu quyết việc không thay đổi quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp; không bán vốn tại các công ty con, công ty liên kết.
10. Đối với các doanh nghiệp SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước nhưng chưa được các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thành việc xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, SCIC không thực hiện triển khai bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động khó khăn, kinh doanh thua lỗ, không bán vốn ngay dẫn đến nguy cơ mất vốn nhà nước, SCIC báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc triển khai bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều 15. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với Hồ sơ chuyển giao lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực và đang được các bên xem xét để ký Biên bản chuyển giao thì thực hiện chuyển giao theo các quy định tại Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.
2. Bãi bỏ Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí Thư; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Công báo; - Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, TCDN. |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Huỳnh Quang Hải |
--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Thông tư số: 83/2018/TT-BTC ----
Tham khảo thêm
- doc Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp
- doc Thông tư 48/2019/TT-BTC hướng dẫn xử lý giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư
- jpg Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT
- doc Thông tư 55/2019/TT-BTC chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước
- doc Thông tư 66/2020/TT-BTC quy định quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ doanh nghiệp