GDCD 10 Bài 1: Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng
Bài học dưới đây giúp các em làm quen với các khái niệm liên quan tới thế giới quan, phương pháp luận, hiểu được nội dung cơ bản của Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa duy tâm. Các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Thế giới quan và phương pháp luận
a. Vai trò thế thới quan và phương pháp luận của Triết học
- Triết học là hệ thống các quan điểm lý luận chung nhất về thế giới và vị trí của con người trong thế giới đó.
- Đối tượng nghiên cứu của Triết học: Là những quy luật chung nhất, phổ biến nhất về sự vận động và phát triển của giới tự nhiên, đời sống xã hội và tư duy.
- Triết học có vai trò là thế giới quan, phương pháp luận chung cho mọi hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức của con người.
b. Thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm
Thế giới quan là toàn bộ những quan điểm và niềm tin định hướng hoạt động của con người trong cuộc sống.
Vấn đề cơ bản của Triết học là giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức:
- Mặt thứ nhất : Giữa vật chất (tồn tại, tự nhiên) và ý thức (tư duy, tinh thần) cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào ?
- Mặt thứ hai: Con người có thể nhận thức được thế giới khách quan không ?
Dựa vào cách giải quyết vấn đề cơ bản của Triết học mà người ta phân chia thành thế giới quan duy vật hay thế giới quan duy tâm.
- Thế giới quan duy vật cho rằng: Giữa vật chất và ý thức thì vật chất là cái có trước, cái quyết định ý thức. Thế giới vật chất tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người, không do ai sáng tạo ra và không ai tiêu diệt được. Ví dụ: Con người tiến hóa từ loài vượn cổ.
- Thế giới quan duy tâm cho rằng: ý thức là cái có trước và là cái sản sinh ra giới tự nhiên. Ví dụ: Con người được tạo ra từ chúa hay được sinh ra như truyền thuyết mẹ Âu Cơ…
Tóm lại: Thế giới quan duy vật là thế giới quan khoa học. Nó cung cấp cho chúng ta quan điểm tiến bộ và ý chí để cải tạo thế giới, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Còn thế giới quan duy tâm là chỗ dựa về lý luận cho các lực lượng xã hội lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của lịch sử.
c. Phương pháp luận biện chứng và phương pháp luận siêu hình
Phương pháp: Là cách thức đạt tới mục đích đặt ra.
Phương pháp luận là học thuyết về phương pháp nhận thức khoa học và cải tạo thế giới (bao gồm một hệ thống các quan điểm chỉ đạo việc tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương pháp cụ thể)
Phương pháp luận biện chứng: Xem xét sự vật hiện tượng trong sự ràng buộc lẫn nhau giữa chúng, trong sự vận động và phát triển không ngừng. Ví dụ: Cây có mối quan hệ với các yếu tố khác của tự nhiên như đất, nước, không khí, ánh sáng, nhiệt độ…
Phương pháp luận siêu hình: Xem xét sự vật, hiện tượng một cách phiến diện, chỉ thấy chúng tồn tại trong trạng thái cô lập, không vận động, không phát triển. Ví dụ: Chỉ cho rằng cây muốn tồn tại và phát triển chỉ cần 1 yếu tố duy nhất là nước.
⇒ Phương pháp luận biện chứng cho chúng ta cái nhìn khách quan về sự vật, hiện tượng; giúp chúng ta đánh giá chính xác về thế giới và trên cơ sở đó tiến hành cải tạo thế giới khách quan.
Phương pháp luận chung nhất, bao quát các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy là phương pháp luận triết học.
1.2. Chủ nghĩa duy vật biện chứng - sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng
⇒ Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng thống nhất hữu cơ với nhau: Thế giới vật chất là cái có trước, phép biện chứng phản ánh nó có sau; thế giới vật chất luôn vận động và phát triển theo những quy luật khách quan. Thế giới quan duy vật và phường pháp luận biện chứng gắn bó với nhau, không tách rời nhau. Sự thống nhất này đòi hỏi chúng ta trong từng vấn đề, trong từng trường hợp cụ thể:
- Về thế giới quan: Phải xem xét chúng với quan điểm duy vật biện chứng.
- Về phương pháp luận: Phải xem xét chúng với quan điểm biện chứng duy vật.
2. Luyện tập
Câu 1: Hãy phân tích sự khác nhau giữa đối tượng nghiên cứu giữa Triết học với các môn khoa học cụ thể, cho ví dụ.
Gợi ý trả lời
- Đối tượng nghiên cứu của các môn khoa học cụ thể: Mỗi môn khoa học cụ thể đi sâu nghiên cứu một bộ phận, một lĩnh vực riêng biệt nào đó có thế giới.
Ví dụ:
Hóa học nghiên cứu sự cấu tạo, tính chất, sự biến đổi của các chất.
Lịch sử nghiên cứu lịch sử của xã hội loài người nói chung hoặc nghiên cứu lịch sử của một quốc gia, một dân tộc nói riêng.
- Đối tượng nghiên cứu của triết học: Triết học nghiên cứu những vấn đề chung nhất, phổ biến nhất của thế giới, là hệ thống các quan điểm lí luận chung nhất về thế giới và vị trí của con người trong thế giới đó.
Ví dụ: Triết học nghiên cứu mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, giữa lí luận và thực tiễn, nghiên cứu các quy luật chung nhất về sự vận động và phát triển của sự vật và hiện tượng.
Câu 2: Ở các ví dụ sau, ví dụ nào thuộc kiến thức khoa học cụ thể, ví dụ nào thuộc kiến thức triết học? Vì sao?
Bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh góc vuông.
Mọi sự vật và hiện tượng đều có quan hệ nhân quả.
Ngày 3/2/1930 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh
Gợi ý trả lời
Các ví dụ thuộc khoa học cụ thể:
Bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương của 2 cạnh góc vuông.
Ngày 3-2-1930 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
⇒ Vì nó nếu lên được những sự việc sự vật cụ thể
Ví dụ thuộc kiến thức Triết học:
Mọi sự vật và hiện tượng đều có quan hệ nhân quả.
Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh
⇒ Vì nó chỉ nêu lên nét khái quát của các sự việc sự vật
Câu 3: Dựa vào cơ sở nào để phân chia các hệ thống thế giới quan trong Triết học?
Gợi ý trả lời
Cơ sở để phân chia các hệ thống thế giới quan trong Triết học dựa trên nguyên tắc giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, giữa tư duy và tồn tại, xem cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào và con người có nhận thức được thế giới hay không để phân chia các hệ thống thế giới quan: Thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm.
Câu 4: Phân tích các yếu tố duy vật, duy tâm về thế giới trong truyện và câu dẫn sau:
Truyện thần thoại Thần Trụ trời.
“Sống chết có mệnh, giàu sang do trời”. (Khổng tử)
Gợi ý trả lời
- Truyện thần thoại "Thần Trụ trời":
- Yếu tố duy vật: đất đá, cột chống trời, cách làm cột,...
- Yếu tố duy tâm: thần linh (thần Trụ trời)
⇒ Thế lực siêu nhiên, có sức mạnh và tài phép
- "Sống chết có mệnh, giàu sang do trời."
Yếu tố duy vật: sống, chết, giàu, sang.
Yếu tố duy tâm: mệnh, trời
⇒ Sự giàu sang và cái chết của con người là do Trời định, tất có sự xắp đặt
Câu 5: Hãy nêu ý kiến của mình về các yếu tố biện chứng, siêu hình về phương pháp luận trong truyện, các câu tục ngữ và thành ngữ sau:
Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi.
Tục ngữ, thành ngữ: Rút dây động rừng, Tre già măng mọc, Môi hở răng lạnh, Nước chảy đá mòn.
Gợi ý trả lời
Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi: Phương pháp luận siêu hình vì nhìn nhận sự vật phiến diện chỉ thấy chúng tồn tại trong trạng thái cô lập, máy móc, áp đặt, không nhìn một cách tổng thể.
Các câu tục ngữ thành ngữ : Rút dây động rừng, Tre già măng mọc, Môi hở răng lạnh, Nước chảy đá mòn: Phương pháp luận biện chứng vì các sự vật trong câu có sự ràng buộc với nhau trong sự phát triển vận động không ngừng của chúng.
3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng GDCD 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
Qua bài học này các em cần khái quát lại hai nội dung chính sau
-
Nhận biết được chức năng thế giới quan, phương pháp luận của triết học
-
Nhận biết được nội dung cơ bản của Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa duy tâm
Tham khảo thêm
- doc GDCD 10 Bài 2: Thế giới vật chất tồn tại khách quan
- doc GDCD 10 Bài 3: Sự vận động và phát triển của thế giới vật chất
- doc GDCD 10 Bài 4: Nguồn gốc vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng
- doc GDCD 10 Bài 5: Cách thức vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng
- doc GDCD 10 Bài 6: Khuynh hướng phát triển của sự vật và hiện tượng
- doc GDCD 10 Bài 7: Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức
- doc GDCD 10 Bài 8: Tồn tại xã hội và ý thức xã hội
- doc GDCD 10 Bài 9: Con người là chủ thể của lịch sử, là mục tiêu phát triển của xã hội