Bình luận về câu cổ ngữ Ngọc vô cùng quý giá, nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều
Nội dung bài văn mẫu dưới đây giúp các em hiểu được vẻ đẹp tâm hồn của một con người luôn là quý giá nhất. Đồng thời giúp các em rèn luyện kĩ năng viết và trau dồi vốn từ. eLib mời các em tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.
Mục lục nội dung
1. Dàn ý nghị luận câu cổ ngữ: "Ngọc vô cùng quý giá, nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều"
a. Mở bài: Giới thiệu về câu cổ ngữ: “Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều”.
b. Thân bài
- Giải thích
+ “Ngọc”: là một loại trang sức, có nhiều màu sắc hình dạng và kích thước, có giá trị kinh tế cao chỉ xếp sau kim cương.
+ “Tâm hồn”: thế giới bên trong con người, được hình thành và tác động bởi môi trường, xã hội.
+ “Ngọc tâm hồn”: hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp và giá trị của tâm hồn con người.
=> Câu cổ ngữ trên giúp con người hiểu và trân trọng hơn những giá trị của tâm hồn.
- Bình luận và chứng minh
+ Con người ai cũng có đời sống tâm hồn, nhưng không phải ai cũng có được một tâm hồn cao đẹp.
+ Biểu hiện của một tâm hồn cao đẹp thể hiện qua cách suy nghĩ, cách ứng xử và hành động của con người trong cuộc sống.
+ Cách nuôi dưỡng tâm hồn: không ngừng học hỏi, rèn luyện phẩm chất, tình cảm…
+ Bên cạnh đó, có một số người sống với một tâm hồn xấu xa, đê hèn. Đó là những con người đáng lên án.
- Liên hệ bản thân
+ Học sinh cần trau dồi phẩm chất, đạo đức.
+ Tích cực tham gia các hoạt động tập thể, đọc nhiều sách…
c. Kết bài
- Câu cổ ngữ trên là hoàn toàn đúng đắn, để lại cho mỗi người những bài học sâu sắc.
- Khẳng định lại giá trị to lớn của tâm hồn.
2. Nghị luận về câu cổ ngữ: "Ngọc vô cùng quý giá, nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều"
Cuộc sống hiện đại khiến con người dường như ngày càng coi trọng những giá trị vật chất hơn để rồi dần quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp. Và câu cổ ngữ: “Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều” giống như một lời cảnh tỉnh dành cho mỗi người.
“Ngọc” được biết đến trong cuộc sống là một loại trang sức quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Nó tồn tại ở nhiều hình dạng, màu sắc và kích thước khác nhau. Ở đây, ngọc chính là biểu tượng cho giá trị vật chất. Còn “tâm hồn” chính là những giá trị bên trong của con người, bao gồm toàn bộ những suy nghĩ, tình cảm… Tâm hồn của con người có được qua quá trình giáo dục từ khi chúng ta biết nhận thức về cuộc sống. Thế giới nội tâm của con người thường vô cùng phong phú, phức tạp và không có ai là giống nhau. Như vậy, hình ảnh “ngọc tâm hồn” chính là ẩn dụ cho giá trị của tâm hồn có sự cao quý và đẹp đẽ. Tóm lại, câu cổ ngữ trên muốn khẳng định giá trị của tâm hồn cao đẹp luôn quý giá hơn là thứ ngọc vật chất tầm thường.
Con người sinh ra, ai cũng có một đời sống tâm hồn. Điều đó chính là một yếu tố để phân biệt con người với các loài động vật khác trong thế giới tự nhiên. Nhưng có một thực tế rằng không phải ai cũng có những tâm hồn cao đẹp, trở thành thứ “ngọc tâm hồn” quý giá. Đạo đức và nhân cách của mỗi người chính là biểu hiện của tâm hồn. Một người có đạo đức, phẩm chất tốt chắc chắn phải là một người có tâm hồn cao đẹp. Và ngược lại, những người có tâm hồn xấu xa, đen tối sẽ bộc lộ ra qua cách ứng xử và hành động của họ.
Có lẽ có rất nhiều những tấm gương tiêu biểu cho một tâm hồn cao đẹp. Nhưng đối với tôi, tấm gương tiêu biểu nhất chính là chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Người chính là biểu tượng cho một nhân cách, đạo đức mà mỗi thế hệ sau này phải học tập và làm theo. Từ lối sống đến cách làm việc và trong quan hệ với mọi người. Không dừng lại ở đó, trong Người không chỉ tồn tại một nhân cách lớn mà còn là một tâm hồn lớn. Điều ấy thể hiện qua lòng yêu nước, thương dân sâu nặng của Bác Hồ: Người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tấm lòng ấy cũng không chỉ dành cho dân tộc Việt Nam mà còn cả nhân dân lao động nghèo khổ trên toàn thế giới: Bác luôn tích cực tham gia các hoạt động cách mạng quốc tế. Nhưng không chỉ có những con người vĩ đại mới có được “ngọc tâm hồn”. Mà ngay cả những con người hết sức bình thường, không phân biệt tuổi tác, địa vị cũng có một tâm hồn cao đẹp. Hình ảnh một cậu học sinh cõng bạn bị gãy chân đến tham dự kỳ thi. Hay một người họa sĩ tuổi đã cao nhưng vẫn hàng ngày vẽ tranh kiếm tiền dành dụm cho mái ấm tình thương cưu mang những em nhỏ mồ côi. Hình ảnh hàng trăm y bác sĩ tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn xung phong lên tuyến đầu chống dịch… Chỉ bằng những hành động vô cùng nhỏ bé nhưng đã thể hiện một tâm hồn thật cao đẹp.
Tuy nhiên, hiện nay có không ít người lại có một tâm hồn xấu xa, đê hèn. Họ chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất hào nhoáng bên ngoài chứ không để tâm đến việc tu dưỡng giá trị sâu bên trong. Một vài trường hợp tiêu biểu như: Những cô gái thích lấy chồng là đại gia. Hay những thanh niên sa ngã vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy. Những học sinh bỏ học để trốn đi chơi điện tử… Qua cách suy nghĩ, ứng xử và hành động của những con người đó, chúng ta thấy được tâm hồn của họ không phải là thứ ngọc tốt.
Quả thật, tâm hồn là một thứ vô cùng quý giá với mỗi người. Vì vậy, chúng ta cần phải không ngừng nuôi dưỡng và chăm sóc nó. Nhưng cần phải chăm sóc tâm hồn như thế nào? Có ai đó đã từng nói rằng, tâm hồn trẻ thơ giống như một tờ giấy trắng, chúng ta có thể vẽ lên đó hoa hồng, cũng có thể vẽ lên đó rắn rết. Chính vì vậy, muốn hình thành một nhân cách và tâm hồn đẹp ngay từ khi còn nhỏ, cần nhiều đến sự giáo dục đúng đắn từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đối với một học sinh, học tập những kiến thức thôi là chưa đủ. Chúng ta cần phải tích cực rèn luyện đạo đức, phẩm chất. Cũng như tích cực tham gia các hoạt động tập thể, các hoạt động xã hội để từ đó có một trái tim trong sáng hơn, biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn.
Như vậy, câu cổ ngữ: “Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều” quả thật đã đem đến cho chúng ta một lời khuyên vô cùng ý nghĩa trong cuộc sống. Tâm hồn chính là thứ đáng trân quý nhất của mỗi con người và chúng ta cần phải cố gắng để tâm hồn có thể trở thành một “viên ngọc quý”.
3. Bàn luận về câu cổ ngữ: "Ngọc vô cùng quý giá, nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều"
Balzac - nhà văn hiện thực nổi tiếng của Pháp ở thế kỉ XIX đã từng khẳng định: “Có lẽ đức hạnh không là gì hơn ngoài sự nhã nhặn của tâm hồn”. Lời khẳng định ấy đã đề cao giá trị của tâm hồn. Cũng đồng quan điểm ấy, câu cổ ngữ: “Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều” đã để lại cho mỗi người một bài học đáng giá.
Khi đọc câu cổ ngữ này, chắc hẳn ai cũng ấn tượng với hình ảnh “ngọc” được nhắc lại tới hai lần. Ngọc được coi là một biểu tượng của sự giàu có và quyền quý. Nó thường được con người chế tạo thành trang sức với đủ những hình dáng và màu sắc khác nhau. Có lẽ, ai cũng mong muốn sở hữu cho mình một viên ngọc quý giá ấy. Hình ảnh “ngọc” ở đây cũng chính là biểu tượng cho giá trị vật chất đối lập với “ngọc tâm hồn”. Phép ẩn dụ được sử dụng trong hình ảnh “ngọc tâm hồn” đã gợi cho con người hình dung về những giá trị tâm hồn đẹp đẽ, cao quý hơn hẳn với thứ “ngọc vật chất” kia. Như vậy có thể hiểu rằng câu cố ngữ “Ngọc vô cùng quý giá nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều” muốn nhấn mạnh vào vai trò, giá trị của tâm hồn trong mỗi con người.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể dễ dàng sở hữu một viên ngọc chỉ bằng cách trả một số tiền phù hợp với giá trị của nó. Nhưng để có một tâm hồn cao quý lại thể dùng tiền bạc mà mua được. “Ngọc tâm hồn” được biểu hiện ở cách sống đẹp. Họ là những con người biết suy nghĩ và chia sẻ với người khác, biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh, biết ứng xử và hành động chuẩn mực... Người có được một tâm hồn trong sáng, nhân cách tốt đẹp và lối sống đúng đắn sẽ có được thứ “ngọc” trong tâm hồn mình. Và khi “viên ngọc tâm hồn” càng sáng, thì con người càng có giá trị hơn cũng như được mọi người xung quanh yêu quý và trân trọng hơn.
Những thứ vật chất trong cuộc sống đôi khi chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, còn những giá trị tinh thần thì luôn tồn tại vĩnh cửu với thời gian. Chính vì vậy, mỗi người cần ý thức được điều đó để có thể tránh xa khỏi những cám dỗ về vật chất, tìm đến với những giá trị tinh thần tốt đẹp. Trong quá khứ, không ít những con người trẻ Việt Nam, họ đã sống với những lý tưởng thật cao đẹp. Họ đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Để rồi mãi mãi ra đi khi trong tim vẫn còn trong sáng với lòng hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc, đất nước. Đó đều là những con người trẻ tuổi trẻ lòng nhưng lại có một tâm hồn thật đáng quý đáng trân trọng. Thế hệ trẻ hôm nay cũng không khiến những người đi trước phải hổ thẹn. Hàng trăm sinh viên ý khoa ghi tên mình vào danh sách sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch. Nhiều bạn trẻ đạt được thành tựu trong lĩnh vực kinh doanh được vinh danh là gương mặt trẻ tiêu biểu… Những hành động ấy chính là biểu hiện cho một tâm hồn cao đẹp.
Thế kỷ XXI, với sự phát triển của khoa học công nghệ đã khiến cho con người có xu hướng chạy theo những giá trị vật chất tức thời. Họ chỉ nghĩ tới những lợi trước mặt, sống ích kỷ mà bỏ quên đi những điều tốt đẹp đang hiện hữu xung quanh mình. Đặc biệt là giới trẻ - những người dễ thích ứng với sự phát triển của xã hội và cùng dễ chịu ảnh hưởng của sự phát triển ấy . Chính vì vậy, câu cổ ngữ trên đã trở thành kim chỉ nam soi sáng con đường của mỗi người. Để họ có thể ý thức rằng bản thân cần vun đắp cho tâm hồn ngày càng hoàn thiện hơn, mạnh mẽ và trong sáng, giàu nghị lực và tình yêu thương hơn. Chỉ có một tâm hồn cao đẹp, con người mới có được một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Cũng như được đón nhận tình yêu thương và sự trân trọng đến từ mọi người xung quanh. Vẻ đẹp tâm hồn chính là “viên ngọc” sáng giá nhất có ý nghĩa hơn một viên ngọc bình thường.
Còn với một học sinh như tôi, có lẽ điều cần làm là tích cực rèn luyện đạo đức, phẩm chất. Cũng như tích cực tham gia các hoạt động tập thể, các hoạt động xã hội. Từ đó, rèn luyện cho bản thân một tấm lòng cao cả, những suy nghĩ tích cực và một lối sống lành mạnh. Tôi tin rằng bản thân sẽ có được một “viên ngọc tâm hồn” đẹp đẽ.
Câu cổ ngữ trên quả thật là đúng đắn khi nói đến những giá trị thuộc về tâm hồn con người. Nó đem đến cho người đọc những bài học thật quý giá để từ đó nhìn nhận lại bản thân. Đồng thời tìm ra cho mình một con đường bước đi thật đúng đắn.
Nhà văn, nhà khoa học, họa sỹ và chính khách người Đức - Johann Wolfgang von Goethe có một câu nói mà tôi vẫn còn nhớ mãi: “Hàng ngày, mỗi người đều nên nghe chút âm nhạc, đọc chút thơ ca, và xem tranh ảnh đẹp, để những lo toan trần tục không xóa đi cảm nhận về cái đẹp, thứ mà Chúa trời đã gieo mầm trong tâm hồn con người”. Quả vậy, mỗi người hãy tự rèn luyện cho mình một tâm hồn thật cao quý.
Tham khảo thêm
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lí về vấn đề tranh giành và nhường nhịn
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lí về đức tính khiêm nhường
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lí về câu tục ngữ Có chí thì nên
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lí về Đức tính trung thực
- docx Bình luận câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách
- docx Nghị luận về ý kiến Đúng giờ là một cử chỉ đẹp
- docx Bàn luận về câu tục ngữ Cái nết đánh chết cái đẹp
- docx Bàn luận về câu nói Tuổi trẻ cần có thói quen đẹp, đó là đọc sách. Có say mê đọc sách mới có thể trở thành...
- docx Nghị luận tư tưởng về câu nói Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm
- docx Nghị luận về sức mạnh của sự tử tế