Nghị luận về trò chơi điện tử
Nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em biết được hiện tượng mê game của giới trẻ hiện nay. Đồng thời giúp các em rèn luyện kĩ năng viết một bài văn nghị luận xã hội hay. eLib mời các em tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây, chúc các em học tập tốt.
Mục lục nội dung
1. Viết đoạn văn ngắn nghị luận về trò chơi điện tử
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ như hiện nay, trò chơi điện tử càng trở nên phổ biến trong xã hội, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh, thanh – thiếu niên. Trò chơi điện tử là các trò chơi giải trí được chơi trên các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, smartphone,… Trò chơi điện tử có hình thức khá đa dạng, độ hấp dẫn cao với hệ thống đồ họa kích thích thị giác, thao tác mượt mà, tạo hứng thú cho người chơi.. Như một tờ giấy có hai mặt, trò chơi điện tử khi được con người sử dụng vừa có những lợi ích tích cực, nhưng lại vừa tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực. Về mặt tích cực, trò chơi điện tử là một dạng của hoạt động giải trí, giúp con người có thể thư giãn, giảm stress sau những giờ học, giờ làm việc mệt mỏi. Không chỉ vậy, trò chơi điện tử cũng có tác dụng kích thích tư duy, trí não và sự nhay nhạnh, nhạy cảm trong phản xạ của con người. Thế nhưng, do cách sử dụng chưa hợp lý của con người mà vô tình, trò chơi điện tử đã gián tiếp tạo ra những tệ nạn , thói xấu trong xã hội. Có thể lấy ví dụ là tình trạng nghiện game, nghiện chơi điện tử ở lứa tuổi học sinh. Rất nhiều em học sinh dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử, thậm chí bỏ học, trốn học, ăn trộm tiền của bố mẹ, bạn bè để đi chơi điện tử, nạp thẻ game,… Tình trạng này gây ra hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình học tập của học sinh mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của con người, an ninh trật tự của xã hội. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn về trò chơi điện tử và tạo cho mình lối sống văn minh, cao đẹp.
2. Nghị luận về trò chơi điện tử - Bài tham khảo số 1
Cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những nhu cầu về ăn mặc, sinh hoạt thì nhu cầu giải trí của con người cũng tăng lên. Và để đáp ứng điều này, vô số trò chơi tiêu khiển đã ra đời. Nhưng đáng buồn thay, những trò chơi dân gian bổ ích và đậm đà bản sắc dân tộc lại mai một, rồi dần dần có nguy cơ biến mất, thay vào đó là sự bùng nổ và phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát của trò chơi điện tử. Thực trạng này đã gây ra rất nhiều hậu quả và hệ lụy bởi việc lạm dụng trò chơi điện tử và lún sâu vào thế giới ảo.
Trò chơi điện tử là những trò chơi giải trí được ra đời dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử. Một điều không thể phủ nhận là sự ra đời của mạng internet đã đem đến một số tiện ích cho cuộc sống con người như tìm kiếm thông tin nhanh hơn, giúp con người có thể kết nối với nhau dễ dàng, làm việc hiệu quả hơn,.... Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phát triển này còn tạo tiền đề và nền tảng tốt cho sự ra đời của trò chơi điện tử. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, hay máy tính, laptop kết nối internet thì người dùng có thể lựa chọn một trò chơi tiêu khiển mà mình yêu thích trong vô vàn những trò chơi bằng hình thức online. Và hiện nay, số lượng các quán game, quán net mọc lên hàng loạt, và cảnh tượng thường thấy tại các địa điểm này là sự đông đúc. Đặc biệt, tỉ lệ số người sử dụng trò chơi điện tử chủ yếu rơi vào đối tượng là các bạn học sinh, sinh viên, và chủ đề chính xuất hiện trong những cuộc nói chuyện giữa các bạn trẻ thường là những trò chơi điện tử nổi tiếng và có sức hấp dẫn như Liên quân, Liên minh huyền thoại,....
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, sự ra đời của trò chơi điện tử đã giúp con người giải tỏa bớt được những căng thẳng, mệt mỏi sau thời gian làm việc. Trò chơi điện tử cũng vô cùng phong phú và đa dạng, người dùng có thể thoải mái lựa chọn trò chơi phù hợp với nhu cầu cũng như độ tuổi của bản thân. Như vậy, khi biết cách sử dụng một cách hợp lí về cách thức cũng như quỹ thời gian, trò chơi điện tử sẽ đem đến những lợi ích nhất định cho người chơi. Tuy nhiên, trên thực tế, con người đang lạm dụng cũng như đầu tư nhiều thời gian cho những trò chơi điện tử và vô tình khiến chúng trở thành những mối nguy hại. Trước hết, nghiện chơi điện tử sẽ làm ảnh hưởng xấu đến kết quả công việc, còn đối với thế hệ trẻ, điều này sẽ làm giảm hứng thú, kết quả học tập. Khi dạo ngang qua các quán internet, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ tập trung cao độ vào màn hình máy tính, đắm mình trong những thế giới ảo. Không ít bạn học sinh sẵn sàng nói dối bố mẹ, thầy cô để trốn học, thậm chí, khi không còn tiền để đầu tư vào các trò game, các bạn sẵn sàng thực hiện những hành động vi phạm quy chuẩn đạo đức và pháp luật như trộm cắp, cướp giật tài sản. Như vậy, bắt nguồn từ nhu cầu giải trí, trò chơi điện tử lại trở thành những mối nguy hại và là một trong những con đường dẫn con người sa vào tệ nạn xã hội.
Trò chơi điện tử ngày càng gia tăng và phát triển cả về số lượng, chất lượng, khiến cho người dùng dễ dàng đắm mình vào thế giới ảo và quên đi thế giới thực tại. Lâu dần, con người sẽ không quản lí và làm chủ được quỹ thời gian của bản thân, rồi trở thành những con nghiện game. Sự cám dỗ của những trò chơi điện tử vô cùng hấp dẫn cũng như hậu quả mà nó để lại đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh và đáng báo động. Đứng trước thực trạng này, chúng ta cần có những biện pháp phù hợp để phòng tránh và ngăn chặn. Trước hết, ta cần tuyên truyền, phổ biến về những hậu quả mà trò chơi điện tử gây ra khi con người lạm dụng nó. Để tránh được điều này, con người cần biết sắp xếp và sử dụng quỹ thời gian hợp lí, không dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi tiêu khiển vô bổ. Đồng thời, chúng ta nên giải trí bằng những trò chơi có lợi cho sức khỏe như vận động thể dục thể thao. Giữa gia đình, nhà trường cần có sự phối hợp trong việc định hướng cho học sinh tìm đến những trò chơi bổ ích và tránh xa trò chơi điện tử.
Như vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin nói chung và của mạng truyền thông, thiết bị điện tử thông minh nói riêng, con người cần có bản lĩnh để vững vàng trong việc sắp xếp, sử dụng quỹ thời gian hợp lí. Là học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần nhận thức rõ hơn điều này để không sa vào tệ nạn xã hội.
3. Nghị luận về trò chơi điện tử - Bài tham khảo số 2
Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, con người sẽ tiếp cận với nhiều thứ mới mẻ hơn thông qua internet. Một trong số những vấn đề chúng ta, đặc biệt là các em học sinh được tiếp cận chính là trò chơi điện tử.
Chưa bàn đến lợi và hại, chúng ta cần tìm hiểu rõ trò chơi điện tử thực sự là gì? Hiểu một cách đơn giản, trò chơi điện tử là những trò chơi trên các thiết bị điện tử: điện thoại, laptop, tivi,…mà chúng ta quen gọi với tên “game”. Thông thường, những trò chơi điện tử được thiết kế rất sinh động, bắt mắt và thú vị như game hóa thân “thiện nữ u hồn”, pubg, liên quân, đua xe,…thu hút rất nhiều người chơi, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chúng ta không thể phủ nhận trò chơi điện tử với thiết kế rất sinh động dễ khiến người ta có cảm giác thích thú và say mê. Và quả thực, trong một giới hạn nhất định, những trò chơi điện tử cũng đem lại những tác dụng tích cực như: giúp con người thư giãn, giải tỏa căng thẳng đầu óc sau những giờ phút học tập và làm việc căng thẳng mệt mỏi. Thêm nữa, nhiều game được thiết kế có khả năng phát triển trí tuệ cho con người như candy crush, XO, cờ vua, cờ tướng,..đối với những trò chơi này, con người thực sự cần có trí tuệ mới có thể vượt qua. Trò chơi điện tử cũng rèn luyện khả năng phản xạ cho tay, mắt,…và khả năng ngôn ngữ. Thông qua những trò chơi online, mỗi chúng ta có thể tăng cường giao lưu kết nối, mở rộng mối quan hệ xã hội,…
Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích có thể nhìn ra được, trò chơi điện tử cũng tồn tại rất nhiều tác hại đối với đời sống con người nếu như không kiểm soát. Ví như người chơi chơi liên tiếp trong vòng nhiều tiếng hay nhiều ngày sẽ dẫn tới hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi,…nhiều em học sinh đã chết do chơi quá ham mê mà không để ý ăn uống. Chơi điện tử nhiều sẽ gây xao nhãng học tập, một số trò chơi mang tính chất bạo lực, con người rất dễ bắt chước. Nhiều vụ án mạng xảy ra khi các bạn trẻ học tập trong game. Rồi còn rất nhiều những tệ nạn xã hội nảy sinh từ đây như trộm cắp, cướp giật,…chỉ để có tiền chơi điện tử. Qúa chú tâm vào thế giới ảo sẽ làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp xã hội ngoài đời,…
Có rất nhiều tác hại của trò chơi điện tử mà nguyên nhân chủ yếu nhất chính là do người chơi không kiểm soát, làm chủ được bản thân. Gia đình quản lí không chặt chẽ hoặc không có sự quan tâm thỏa đáng đến con em mình để các em thiếu thốn về mặt tinh thần nên đành tìm đến trò chơi điện tử. Nhà trường chưa chú trọng đến giáo dục kĩ năng sống ngoài kiến thức,...Tất cả những điều ấy khiến tệ nạn nghiện game đang ngày càng phổ biến.
Bản thân trò chơi điện tử (trừ những trò chơi mang tính chất bạo lực) là không xấu và thực ra trò chơi điện tử còn được coi như một môn thể thao trí óc. Tuy nhiên, người chơi đang biến trò chơi điện tử trở thành có hại. Thiết nghĩ, để khắc phục điều này, mỗi chúng ta cần cân nhắc lựa chọn cho mình những trò chơi hợp lí. Nhắc nhở mình chơi với mức độ vừa phải. Gia đình cần quản lí và quan tâm đến con em mình nhiều hơn, nhà trường cần giáo dục kĩ năng sống cho các em bên cạnh việc dạy kiến thức,…có như vậy, mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi những tác hại của việc lạm dụng trò chơi điện tử đem lại.
Hãy làm trò chơi điện tử trở nên thực sự văn minh và đúng với ý nghĩa của nó khi xuất hiện. Hãy để chúng ta sau này, mỗi khi nhắc đến trò chơi điện tử sẽ mang một thái độ tích cực chứ không phải là cái cau mày ác cảm.