Giải bài tập SBT Lịch Sử 11 Bài 6: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918)
Giải bài tập SBT Lịch sử 11 bài 6: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) được eLib sưu tầm và tổng hợp dưới đây là lời giải hay cho các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn Sử lớp 11. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các em học sinh.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1 trang 28 SBT Lịch sử 11
Khoanh tròn chữ in hoa trước ý trả lời mà em cho là đúng
1. Cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, kẻ hung hãn nhất trong cuộc đua giành giật thuộc địa là
A. Đế quốc Mĩ.
B. Đế quốc Anh.
C. Đế quốc Pháp.
D. Đế quốc Đức
2. Phe Liên minh được thành lập vào năm
A. 1880.
B. 1882.
C. 1885.
D. 1886.
3. Phe Hiệp ước ra đời trên cơ sở thoả thuận giữa các nước
A. Mĩ - Nga.
B. Áo - Nga.
C. Anh - Pháp - l-ta-li-a.
D. Pháp - Nga, Anh - Pháp, Anh - Nga.
4. Hai khối quân sự đối đầu nhau ở châu Âu được hình thành từ
A. giữa thế kỉ XIX.
B. cuối thế kỉ XIX.
C. cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
D. đầu thế kỉ XX.
5. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất là
A. nhằm tranh giành vị trí bá chủ thế giới giữa các nước đế quổc.
B. vì vấn đề thuộc địa.
C. vì vấn đề vũ khí hạt nhân.
D. vì vấn đề sắc tộc.
6. Ý nào sau đây không phải là kết cục của cuộc chiến ở giai đoạn đầu (1914 - 1916)?
A. Bọn trùm công nghiệp chiến tranh giàu lên nhanh chóng.
B. Nhân dân lao động lâm vào cảnh khốn cùng; mâu thuẫn xã hội trong các nuớc tham chiến ngày càng gay gắt.
C. Phong trào quần chúng phản đối chiến tranh liên tục diễn ra.
D. Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra và thắng lợi.
7. Đến năm 1917, yếu tố nào tác động để Mĩ quyết định đứng về phe hiệp ước trong Chiến tranh thế giới thứ nhất?
A. Mĩ có đủ khả năng chi phối Hiệp ước
B. Các nước Đức - Áo - Hung đã suy yếu
C. Phong trào cách mạng ở các nước dâng cao
D. Phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mĩ phát triển mạnh
8. Mĩ chính thức tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất bằng việc làm nào?
A. Kí Hiệp ước liên minh với Đức
B. Tuyên chiến với Pháp
C. Tuyên chiến với Đức
D. Tuyên chiến với Anh
9. Nội dung nào chi phối giai đoạn 2 của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất?
A. Cách mạng tháng Hai và cách mạng tháng Mười năm 1917 ở Nga
B. Đức dồn lực lượng, quay lại đánh Nga và loại Italia ra khỏi vòng chiến
C. Tàu ngầm Đức vi phạm quyền tự do trên biển, tấn công phe Hiệp ước
D. Mĩ tuyên chiến với Đức, chính thức tham chiến và đứng về phe Hiệp ước
10. Cuối tháng 9 – 1918, quân Đức ở vào tình thế như thế nào?
A. Liên tiếp thất bại, bỏ chạy khỏi lãnh thổ Pháp và Bỉ
B. Liên tiếp thất bại, bỏ chạy khỏi lãnh thổ Pháp và Thổ Nhĩ Kì
C. Rút khỏi lãnh thổ Pháp và Bungari
D. Rút khỏi lãnh thổ Pháp và Ba Lan
11. Trước nguy cơ thất bại, chính phủ mới được thành lập ở Đức (3 – 10 – 1918) đã làm gì?
A. Kí hiệp ước với Mĩ thừa nhận thất bại
B. Đề nghị thương lượng với Mĩ
C. Bắt tay liên minh với Mĩ
D. Chấp nhận bồi thường cho Mĩ
12. Ý nào không phải là hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất?
A. Khoảng 1,5 tỉ người bị lôi cuốn vào vòng khói lửa
B. 10 triệu người chết, hơn 20 triệu người bị thương
C. Nền kinh tế các nước Châu Âu trở nên kiệt quệ vì chiến tranh
D. Cách mạng tháng Mười Nga (1917) thành công, chặt đứt khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc
13. Sự kiện đánh dấu bước chuyển biến lớn của cục diện chính trị thế giới trong Chiến tranh thế giới thứ nhất là
A. Chính phủ mới được thành lập ở Đức
B. Cách mạng bùng nổ mạnh mẽ ở Đức
C. Đức kí hiệp định đầu hàng không điều kiện
D. Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi và Nhà nước Xô viết được thành lập
Phương pháp giải
Dựa vào nội dung về Quan hệ quốc tế cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, Nguyên nhân của chiến tranh, Giai đoạn thứ nhất (1914-1916), Giai đoạn thứ hai (1917-1918), diễn biến của chiến tranh và kết cục của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất được trình bày ở bài 6 SGK Lịch Sử 11 để lựa chọn câu trả lời chính xác.
Gợi ý trả lời
1.D 2.B 3.D 4.D
5.B 6.D 7.C 8.C
9.D 10.A 11.B 12.D 13.D
2. Giải bài 2 trang 30 SBT Lịch sử 11
Trình bày những nét nổi bật trong quan hệ quốc tế cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX?
Phương pháp giải
Xem lại mục 1. Quan hệ quốc tế cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX để trình bày những nét nổi bật trong quan hệ quốc tế cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
Gợi ý trả lời
Quan hệ quốc tế cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX:
- Chủ nghĩa tư bản phát triển theo quy luật không đều làm thay đổi sâu sắc so sánh lực lượng giữa các đế quốc ở cuối XIX đầu XX.
- Sự phân chia thuộc địa giữa các đế quốc cũng không đều. Đế quốc già (Anh, Pháp) nhiều thuộc địa. Đế quốc trẻ (Đức, Mĩ) ít thuộc địa.
- Mâu thuẫn giữa các đế quốc về vấn đề thuộc địa nảy sinh và ngày càng gay gắt.
- Các cuộc chiến tranh giành thuộc địa đã nổ ra ở nhiều nơi vào cuối thế kỷ XIX:
+ Từ năm 1894- 1895: Chiến tranh Trung-Nhật → Nhật chiếm Đài Loan, Triều Tiên, Mãn Châu, Bành Hồ
+ Năm 1898: Chiến tranh Mĩ-Tây Ban Nha → Mĩ cướp được Phi-lip-pin, Cu-ba, Ha-oai, Guy-a-na, Pu-éc-tô Ri-cô
+ Từ năm 1899-1902: Chiến tranh Anh -Bô ơ → Anh chiếm Nam Phi
+ Từ năm 1904-1905: Chiến tranh Nga-Nhật → Nhật thống trị Triều Tiên, Mãn Châu và một số đảo ở nam Xa-kha-lin
- Trong cuộc chạy đua giành giật thuộc địa, Đức là kẻ hiếu chiến nhất, lại ít thuộc địa. Đức đã cùng Áo - Hung, Italia thành lập “phe Liên Minh”, năm 1882 chuẩn bị chiến tranh chia lại thế giới.
- Để đối phó Anh đã ký với Nga và Pháp những Hiệp ước tay đôi hình thành phe Hiệp ước (đầu thế kỉ XX).
- Đầu thế kỉ XX ở châu Âu đã hình thành 2 khối quân sự đối đầu nhau, âm mưu xâm lược, cướp đoạt lãnh thổ và thuộc địa của nhau, điên cuồng chạy đua vũ trang, chuẩn bị cho chiến tranh, một cuộc chiến tranh đế quốc nhằm phân chia thị trường thế giới không thể tránh khỏi.
+ Khối Liên minh gồm: Đức, Áo, Hung.
+ Khối Hiệp ước gồm: Anh, Pháp, Nga.
- Hai khối quân sự ráo riết chạy đua vũ trang tích cực chuẩn bị chiến tranh.
3. Giải bài 3 trang 31 SBT Lịch sử 11
Trình bày diễn biến chính giai đoạn 1 của Chiến tranh thế giới thứ nhất theo các mốc thời gian sau:
- Ngày 28 - 7 - 1914
- Đầu tháng 8 - 1914
- Năm 1915
Phương pháp giải
Dựa vào nội dung mục II. Diễn biến của chiến tranh thế giới thứ nhất để hoàn thành bài tập.
Gợi ý trả lời
- Ngày 28-7-1914: Áo-Hung tuyên chiến với Xéc-bi.
- Đầu tháng 8-1914: 1/8/1914, Đức tuyên chiến với Nga; 3/8/1914, Đức tuyên chiến với Pháp; 4/8/1914, Anh tuyên chiến với Đức.
- Năm 1915: Đức dồn binh lực sang Mặt trận phía Đông cùng Áo-Hung tấn công Nga quyết liệt. Cuối năm, Đức-Nga đều ở trong thế cầm cự trên một mặt trận dài 1 200km, từ sông Đơ-nhi-ép đến vịnh Ri-ga
- Năm 1916: Đức chuyển mục tiêu về phía Tây tấn công pháo đài Véc-doong.
4. Giải bài 4 trang 32 SBT Lịch sử 11
Lập niên biểu những sự kiện chính trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1916 - 1918).
Phương pháp giải
Từ các kiến thức đã học và nội dung mục II. Diễn biến của chiến tranh thế giới thứ nhất (1916 - 1918) được trình bày trong SGK Lịch Sử 11 để trả lời câu hỏi.
Gợi ý trả lời
- Tháng 2/1917: Cách mạng dân chủ tư sản ở Nga thành công. Chính phủ tư sản lâm thời ở Nga vẫn tiếp tục theo đuổi chiến tranh.
- Ngày 2/4/1917: Mĩ tuyên chiến với Đức, tham gia vào chiến tranh cùng phe Hiệp ước. Có lợi hơn cho phe Hiệp ước.
- Năm 1917: Chiến sự diễn ra trên cả 2 Mặt trận Đông và Tây Âu. Hai bên ở vào thế cầm cự.
- Tháng 11/1917: Cách mạng tháng 10 Nga thành công. Chính phủ Xô viết thành lập
- Ngày 3/3/1918: Chính phủ Xô viết ký với Đức Hiệp ước Bơrét Litốp. Nga rút khỏi chiến tranh đế quốc.
- Đầu 1918: Đức tiếp tục tấn công Pháp. Một lần nữa Pa-ri bị uy hiếp.
- Tháng 7/1918: Mĩ đổ bộ vào châu Âu, chớp thời cơ Anh - Pháp phản công. Đồng minh của Đức đầu hàng: Bungari (29/9), Thổ Nhĩ Kỳ (30/10), Áo - Hung (2/11).
- Ngày 9/11/1918: Cách mạng Đức bùng nổ, nền quân chủ bị lật đổ.
- Ngày 1/11/1918: Chính phủ Đức đầu hàng, chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc.
5. Giải bài 5 trang 32 SBT Lịch sử 11
Theo em, nét nổi bật trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ nhất là gì? Vì sao?
Phương pháp giải
Dựa vào nội dung mục II. Diễn biến của chiến tranh thế giới thứ nhất để nêu những nét nổi bật.
Gợi ý trả lời
* Nét nổi bật trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ nhất là:
-Tháng 2 - 1917, cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành công, Nga hoàng bị lật đổ nhưng chính phủ lâm thời trong tay giai cấp tư sản → vẫn tiếp tục theo đuổi chiến tranh.
- Lúc này Đức gây ra cuộc chiến tranh tàu ngầm làm anh nhiều thiệt hại. Viện cớ tàu ngầm đức tấn công cả tàu buôn cập bến các nước phe hiệp ước → Mỹ nhảy vào cuộc chiến.
- Ngày 2-4-1917 Mĩ tuyên chiến với Đức → có lợi cho Anh - Pháp - Nga
- Tháng 10/1917 Nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của Lênin, Đảng Bônsêvich làm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Xô Viết ra đời.
* Vì:
- Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã đánh dấu sự ra đời của một hệ thống chính trị đối lập với tư bản chủ nghĩa. Mang lại nguồn cổ vũ lớn lao đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
- Mĩ tham gia vào cuộc chiến đã giúp thay đổi tình hình chiến sự theo hướng có lợi cho phe Hiệp ước.
6. Giải bài 6 trang 33 SBT Lịch sử 11
Điền tiếp vào chỗ chấm (...) những thông tin về hậu quả nặng nề do cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất đã gây ra:
- Số người bị lôi cuổn vào chiến tranh: ...
- Số người chết: ...
- Số người bị thương: ...
- Nến kinh tế châu Âu: ...
- Nhiều thành phố, làng mạc, nhà máy: ...
Phương pháp giải
Xem lại mục III. Kết cục của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất để điền những thông tin cơ bản về hậu quả nặng nề do cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Gợi ý trả lời
- Số nguời bị lôi cuốn vào chiến tranh: 1,5 tỉ người
- Số người chết: 10 triệu người
- Số người bị thương: 20 triệu người
- Nền kinh tế châu Âu: kiệt quệ
- Nhiếu thành phố, làng mạc, nhà máy: bị phá huỷ
7. Giải bài 7 trang 33 SBT Lịch sử 11
Hãy cho biết những thay đổi của bản đồ châu Âu trước và sau chiến tranh thế giới thứ nhất.
Phương pháp giải
Dựa vào hiểu biết của bản thân và nội dung Bài 6. Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 để suy luận những thay đổi của bản đồ châu Âu trước và sau chiến tranh thế giới thứ nhất.
Gợi ý trả lời
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, bản đồ các nước châu Âu có sự thay đổi:
- Với những nội dung được kí kết tại Hội nghị Véc-xai, các nước thua trận phải chịu khá nhiều thiệt thòi, còn những nước thắng trận, đặc biệt là Anh và Pháp được hưởng nhiều quyền lợi.
- Đức: mất toàn bộ thuộc địa của mình.
+ Các thuộc địa của Đức ở châu Phi thuộc quyền ủy trị của Anh, Pháp, Bỉ và Liên bang Nam Phi.
+ Các thuộc địa của Đức ở châu Đại Dương chủ yếu thuộc quyền ủy trị của Nhật.
+ Đức phải trả lại cho Pháp hai tỉnh Andat và Loren mà Đức đã chiếm từ cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1870-1871), mặt khác phải nhượng vùng Xa cho Pháp trong thời hạn 15 năm.
+ Ngoài ra, Đức còn phải trả lại cho Bỉ, Đan Mạch và Ba Lan một số vùng đất đai mà trước đây Đức chiếm và sáp nhập vào lãnh thổ của mình.
→ Diện tích nước Đức so với trước chiến tranh giảm đi 1/3.
- Nước Ba Lan sau chiến tranh đã có một lối hẹp thông ra biển Ban Tích. Năm 1917 – 1918, lợi dụng lúc nước Nga Xô Viết gặp phải muôn vàn khó khăn, nhà nước địa chủ tư sản Ba Lan đã cho quân chiếm đóng miền Tây Ukraina và miền Tây Belarus, còn Rumani thì chiếm miền Betxarabi (thuộc Mondavia) và miền Bắc Bukovina (thuộc Ukraina).
- Tại miền Trung Âu, đế quốc Áo – Hung tan rã và các quốc gia mới đã ra đời là Tiệp Khắc, Áo, Hungari.
- Trên miền Tây bán đảo Bancăng, nước Nam Tư cũng đã xuất hiện trên cơ sở sự thống nhất lãnh thổ giữa Serbia và một số vùng đất đai của người Slavơ tại miền Nam đế quốc Áo – Hung trước đây.
- Bungari là đồng minh trong chiến tranh của Đức, ở vào địa vị nước thua trận nên đã bị cắt một phần đất phía nam cho Hy Lạp, do đó không còn lối thông ra biển Angiê nữa.
- Đế quốc Ôttôman mà trung tâm là Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã suy yếu từ thế kỷ XVII nay sụp đổ hoàn toàn. Là nước thua trận, Thổ Nhĩ Kỳ mất toàn bộ các thuộc địa cũ của mình.
- Anh và Pháp có thêm cơ hội để mở rộng hơn nữa các hệ thống thuộc địa của mình.
8. Giải bài 8 trang 34 SBT Lịch sử 11
Nêu cảm nghĩ của em về cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918).
Phương pháp giải
Dựa vào hiểu biết của bản thân và nội dung Bài 6. Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 để nêu lên cảm nghĩ của bản thân.
Gợi ý trả lời
Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918):
- Chiến tranh là mâu thuẫn của sự phát triển của các chủ nghĩa đế quốc cầm đầu ở châu Âu và chiến tranh có tính chất chiến tranh đế quốc: là sự phân chia lại thế giới của các đế quốc, là cuộc chiến tranh phi nghĩa đối với tất cả các phe tham chiến.
- Là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cuộc chiến tranh này nhằm mục đích là cướp bóc các nước khác bóp nghẹt các dân tộc thống trị thế giới về mặt chính trị và chia lại thuộc địa.
- Cuộc chiến tranh này là một trong những sự kiện lịch sử có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Đây là cuộc chiến tranh có chiến trường chính bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc châu Âu và Bắc Mỹ vào vòng chiến với số người chết trên 20 triệu người với sức tàn phá và ảnh hưởng về vật chất tinh thần cho nhân loại rất sâu sắc và lâu dài.
Tham khảo thêm