Nghị luận tư tưởng, đạo lí về bản chất của sự thành công trong cuộc sống

eLib xin gửi đến các em nội dung tài liệu dưới đây nhằm giúp các em có thể hiểu hơn về bản chất của sự thành công. Từ đó, các em sẽ có thêm ý chí phấn đấu để đạt đến thành công mà không phải bất chấp thủ đoạn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Nghị luận tư tưởng, đạo lí về bản chất của sự thành công trong cuộc sống

1. Dàn ý nghị luận về bản chất của sự thành công trong cuộc sống

a. Mở bài:

- Dẫn dắt và giới thiệu về vấn đề cần nghị luận đó là: Sự thành công trong cuộc sống.

- Ví dụ mở bài: Cuộc sống của con người luôn là bức tranh muôn màu sắc chứa đựng mật ngọt thành công xen lẫn cay đắng thất bại. Thành công, hạnh phúc là những điều tốt đẹp, ngọt ngào mà ai ai cũng khao khát hướng tới. Vậy bản chất của thành công là gì?

b. Thân bài:

- Giải thích: Thành công là đạt được kết quả, tốt đẹp như mình mong muốn.

- Biểu hiện của sự thành công:

+ Đối với một học sinh là thi đậu vào đại học.

+ Đối với một doanh nhân là kí được một hợp đồng béo bổ.

+ Đối với một người bình thường: Mua được một ngôi nhà như mơ ước cũng được coi là sự thành công.

- Phân tích vấn đề đúng, sai:

+ Khi nói đến sự thành công người ta hay nói đến danh vọng, vật chất, công ăn việc làm, vị trí xã hội.

+ Thành công với người này nhưng cũng có thể là thất bại với một người có quan niệm khác.

+ Nêu dẫn chứng minh họa: Sở hữu những thứ tiện nghi, sang trọng, đắt tiền hay vị trí xã hội mà nhiều người mơ tưởng thì gọi là thành công. Nhưng gia đình đổ vỡ, bạn bè xa lánh thì lại là thất bại và ngược lại. Bỏ mọi mối quan hệ, ăn thua đối với người khác cũng được gọi là thành công nhưng thất bại với chính mình.

+ Trong cuộc sống hiện đại thương trường trở thành chiến trường. Để thành công, con người trở thành cỗ máy vô tri, vô giác, luôn nghi kỵ, cạnh tranh, ganh ghét, chui vào vỏ bọc của sự cô đơn, lạnh lùng. Đó là sự thành công mang theo tính chất của sự huỷ diệt.

+ Một số người gặp thất bại, nhưng đối với họ, thất bại là mẹ thành công thành công vì chiến thắng với bản thân mình, tự tin, bước tiếp.

- Phê phán các biểu hiện ngược:

+ Một số bạn trẻ không dám bước vào đời, sợ va chạm với khó khăn và sợ thất bại, sợ thua kém người khác.

+ Những kẻ lười biếng.

+ Phê phán những kẻ tự đánh bóng tên tuổi của mình hoặc gây ra các vụ tai tiếng động trời mà vẫn ung dung, tự đắc cho là thành công.

+ Phê phán những kẻ luôn cố gắng kiếm thật nhiều tiền, cố gắng chứng tỏ tài năng mà đánh mất giá trị của cuộc sống.

- Nhận thức hành động đúng cần có

+ Không có sự thành công nào mà không nếm trắc trở, đắng cay, và cũng không có sự thành công vĩnh cửu nếu ta không cố gắng liên tục.

+ Không nên lầm lẫn giữa phương tiện sống và mục đích sống.

+ Phải sống tốt, thành công trong tình yêu thương, đầm ấm, sự thanh thản và tình yêu trong tâm hồn.

c. Kết bài:

- Khẳng định là vấn đề: Để thành công phải luôn nỗ lực nhưng không đánh mất giá trị chân thật của cuộc sống.

- Cuộc đời không có những thành công lớn hay nhỏ, chỉ có những cảm xúc chân thật nhất thời hay vĩnh cửu mà thôi.

2. Viết bài văn nghị luận về bản chất của sự thành công trong cuộc sống

Có thể thấy rằng trong cuộc sống này luôn xuất hiện rất nhiều những con người thành công trong sự nghiệp một cách vẻ vang. Họ đều có bí quyết, nhưng họ cũng không ngần ngại mà chia sẻ cho mọi người để học tập theo. Công thức thành công của họ cũng vô cùng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được: "Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình".

Thành công là thành tựu, kết quả tốt đẹp mà ai cũng mong muốn đạt được. Khi thành công, con người ta sẽ cảm thấy tự hào, hạnh phúc với chính bản thân mình. Muốn thành công đến, thì bạn ít nhất cũng phải trang bị cho chính mình hai yếu tố: Cố gắng hết sức và luôn hoàn thiện bản thân.

Trong cuộc sống, mỗi người đều muốn đạt được những mục ích nhất định. Có người cho rằng một cuộc sống bình dị hạnh phúc an nhiên là thành công. Những có người lại cho rằng thành công chính là có được sự nghiệp to lớn, thành đạt với một cơ ngơi tài sản khổng lồ. Cũng có người cho rằng thành công chỉ đơn giản là được sống là chính mình. Mỗi người đều có những định nghĩa riêng về thành công và xây dựng cho mình những tiêu chuẩn riêng để đo lường thành công của bản thân.

Mặc dù, chúng ta thấy yếu tố thành công chủ yếu là phụ thuộc vào cá nhân mỗi người, nhưng gói gọn lại những khái niệm thành công ấy đều có nét chung nhất định. Thành công chính là khi con người có được, đạt được điều gì đó mà bản thân ước mơ bằng chính mình và được công nhận cùng đó cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn. Thành công xuất hiện trên rất nhiều phương diện, thành công trong công việc, thành công trong học tập, thành công khi xây dựng được hạnh phúc, tình yêu…

Có rất nhiều tấm gương về quá trình dẫn đến thành công. Bác Hồ thân yêu của chúng ta là một trong những tấm gương sáng đó. Người đã phải trải qua bao nhiêu năm bôn ba nước ngoài, nhiều lần bị bắt vào tù, nhưng Người không hề nản chí mà vẫn tiếp tục đấu tranh tìm con đường giải phóng cho dân tộc. Trong những năm tháng đó, Người cũng không ngừng nỗ lực rèn luyện bản thân, học tập nhiều cái mới của đất nước phát triển để áp dụng cho dân tộc mình. Hay một nhân vật đang rất nổi tiếng trên thế giới hiện nay, ông Jack Ma - một tỷ phú người Trung Quốc là người đã phải trải qua hàng nghìn lần thất bại. Ông trượt đại học hai lần, nhưng ông vẫn không bỏ cuộc mà vẫn ôn thi tiếp và đỗ. Sau khi tốt nghiệp, ông đã nộp đơn cho hơn ba mươi công việc đều bị từ chối liên tiếp. Nhưng không dừng lại ở đó, ông tiếp tục nỗ lực và phát triển công ty của chính mình và giờ nó trở thành một tập đoàn lớn mạnh của Trung Quốc. Như vậy, những con người như Bác Hồ hay Jack Ma và vô số người thành công khác, tất cả họ đều là những người truyền cho ta cảm hứng. Ta học hỏi ở họ sự cố gắng bền bỉ, kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ để rồi ta cũng có thành công của riêng mình.

Cố gắng để thành công, không có nghĩa là bất chấp tất cả để đạt được. Nhiều người thường lợi dụng khát vọng thành công để làm ra những việc trái với đạo đức, pháp luật. Nhiều người vì muốn đạt được thành công đã tự biến mình trở thành những cỗ máy vô tri vô giác, luôn nghi kỵ cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí hãm hại nhau. Thành công như vậy, cũng có nghĩa là hủy hoại đi những tình cảm tốt đẹp của con người. Ngày hôm nay, khi xã hội ngày càng phát triển. Thế hệ trẻ Việt Nam đang biến mình trở thành những công dân toàn cầu, tự tin dấn thân. Không ít những bạn trẻ lại cảm thấy sợ hãi, không dám thoát khỏi sự bao bọc của gia đình. Họ lo sợ thất bại dù chưa từng thử sức. Cũng có nhiều người chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất, quyền lực - và cho đấy là thành công mà mình mong muốn. Những hành vi đó thật sự đáng lên án.

Như vậy, để thành công, chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ nhưng cũng không đánh mất đi những giá trị tốt đẹp. Ranh giới giữa thành công và thất bại vô cùng mong manh. Và con người cần biết cách để đạt được thành công mà mình mong muốn. Cũng như ai đó đã từng nói rằng: “Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại không phải ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết - mà chính ở ý chí”. 

3. Viết đoạn văn suy nghĩ về bản chất của sự thành công

Mỗi cá nhân cần phải hiểu muốn thành công thì cần phải cố gắng, phải có ý chí để thực hiện những mong muốn của bản thân để đạt tới thành công. Con người không thể lười biếng, ỷ lại vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Bản thân cần phải tự mình nỗ lực từng ngày. Cũng như lưu giữ trong tim ngọn lửa của sự đam mê, lòng nhiệt huyết và niềm tin vào chiến thắng ở phía cuối con đường. Một trong những tấm gương tiêu biểu của sự nỗ lực để bước tới thành công phải kể đến Arianna Huffington. Bà là một nữ doanh nhân, một chính trị gia, một nhà báo và là người phụ nữ quyền lực nhất giới truyền thông. Để có được thành công như vậy, bà từng nhận phải thất bại cay đắng khi chỉ có 0.55% phiếu bầu cho cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm 2003. Bà cũng đã cho xuất bản nhiều quyển sách nổi tiếng, được nhiều người đón nhận. Trước đó, cuốn sách đầu tiên là The Female Woman – xuất bản năm 1973 viết khi bà 23 tuổi được bán khá thành công, nhưng đến quyển sách thứ hai thì đã bị từ chối xuất bản 36 lần. Tuy nhiên, không vì thế mà Arianna Huffington nản lòng. Với lòng nhiệt huyết, quyết tâm cao độ dám vượt lên thất bại, bà đã tiếp tục viết và cho ra đời thêm 13 cuốn sách nữa, thường về các chủ đề quan điểm chính trị và viết tiểu sử. Hay không cần lấy ví dụ ở đâu quá xa xôi. Bạn có biết đến cái tên Nguyễn Công Phượng? Câu chuyện về chàng cầu thủ trẻ đã dám đương đầu với khó khăn để vượt qua chính giới hạn của bản thân. Trong kì thi đầu vào của lò đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An, cầu thủ này đã từng bị đánh trượt vì lý do không đủ thể lực. Nhận thức được mặt hạn chế của mình, anh đã nỗ lực rèn luyện để nâng cao thể lực. Đồng thời tiếp tục phát huy mặt mạnh về kỹ thuật. Đến ngày hôm nay, cái tên Nguyễn Công Phượng đã trở thành một trong những trụ cột không thể thiếu của đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam. Quả là thành công không từ bỏ một ai, khi người đó đủ cố gắng và kiên trì.

Ngày:25/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM