Nghị luận tư tưởng, đạo lí về lời phát biểu nổi tiếng của nhạc sĩ Pháp S. Gunô

Bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em hiểu về giá trị của lòng khiêm tốn. Từ đó, các em có thái độ sống biết khiêm tốn hơn. Đồng thời, tài liệu dưới đây sẽ rèn luyện cho các em kĩ năng viết bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Nghị luận tư tưởng, đạo lí về lời phát biểu nổi tiếng của nhạc sĩ Pháp S. Gunô

1. Dàn ý nghị luận tư tưởng, đạo lí về lời phát biểu nổi tiếng của nhạc sĩ Pháp S. Gunô

"Năm hai mươi tuổi, tôi nói: Tôi và Mô-da

Năm ba mươi tuổi, tôi nói: Mô-da và tôi

Năm bốn mươi tuổi, tôi nói: Chỉ có Mô-da".

- Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề nghị luận: Câu nói của nhạc sĩ Pháp S.Gunô thể hiện quan niệm về cách đánh giá bản thân và để lại bài học về sự khiêm tốn của con người.

- Thân bài:

+ Giải thích nội dung câu nói của nhạc sĩ Pháp S.Gunô:

  • Không chỉ là lời ngợi khen đối với tài năng của Môda.
  • Thể hiện rất nhiều ý nghĩa sâu sắc về logic thay đổi, biến chuyển của nhận thức, tư duy. bằng việc đặt thời gian qua tuổi tác của con người: "hai mươi", "ba mươi", "bốn mươi", "bây giờ" trong sự sóng đôi, song hành với cách nói: "Tôi" , "Tôi và Môda", "Môda và tôi", "Môda". Đồng thời để lại bài học mang ý nghĩa giáo dục về khiêm tốn - một đức tính tốt đẹp mà con người cần có.

+ Bàn luận nội dung câu nói của S.Gunô:

  • "Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài": Tuổi trẻ là giai đoạn mà con người chưa có nhiều trải nghiệm, là độ tuổi của những nhận định bồng bột, dẫn đến việc quá đề cao cái tôi của bản thân.
  • Đến "Ba mươi tuổi", chúng ta có thể nhìn thấy tài năng của người khác bên cạnh điểm mạnh của bản thân, không còn nhìn thấy cái "tôi" duy nhất nhưng vẫn cho rằng bản thân mình hơn người khác.
  • Bước sang "Bốn mươi tuổi tôi nói : "Môda và tôi" - cách nói thể hiện rằng cái tôi cá nhân đã nhận ra những yếu kém của bản thân trước người khác và chịu lùi bước.
  • Cuối cùng, "Còn bây giờ tôi chỉ nói : "Môda" thể hiện sự chín chắn, trưởng thành, khiêm tốn trong cách suy nghĩ.

→ Quá trình biến chuyển và các giai đoạn thay đổi nhận thức.

+ Bài học nhận thức và hành động:

  • Để đánh giá đúng giá trị tồn tại của bản thân, con người cần đến yếu tố thời gian, cần đến sự trưởng thành.
  • Con người cần có đức tính khiêm tốn để tránh những bồng bột, kiêu căng trong cảm quan nhìn đời và đánh giá bản thân cũng như người khác.
  • Luôn khiêm nhường, học hỏi những người xung quanh.
  • Đánh giá người và việc vào hoàn cảnh cụ thể.

- Kết bài: Khẳng định và nhấn mạnh lại vấn đề cần nghị luận.

2. Từ lời phát biểu của nhạc sĩ Pháp S.Gunô, em hãy viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của bản thân về sự khiêm tốn trong cuộc sống

Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Quốc đã từng nói: "Lòng khiêm tốn có thể coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật”; bởi thế, lòng khiêm tốn là một thái độ rất cần thiết đối với mỗi người. Bất luận khi mình làm nghề gì, đảm nhiệm chức vụ cao thấp như thế nào, thì chúng ta phải lấy khiêm tốn làm trọng, bởi chỉ có lòng khiêm tốn, con người mới luôn có tinh thần cầu tiến, mới không ngừng học hỏi và tiến bộ. Khiêm tốn sẽ chỉ cho ta thấy những thiếu sót của bản thân mình để sửa đổi, không tỏ ra thái độ kiêu căng tự mãn, và giúp ta biết bình tĩnh và tiếp thu những ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh. Chỉ cần có lòng khiêm tốn, chúng ta sẽ ngày càng tốt hơn và được mọi người yêu quý. Khiêm tốn giúp con người ta không kiêu ngạo khi đứng trên đỉnh cao vinh quang, và người biết khiêm tốn sẽ lấy thành công đó làm động lực thúc đẩy họ tiếp tục tiến lên phía trước. Nhưng trái lại, những kẻ tự mãn, ngu ngốc đắm chìm trong thành công của mình mà quên mất rằng họ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo lập những thành quả mới. Những người đó sẽ dễ gặp thất bại và bị người đời xa lánh. Thực chất thì chúng ta không có đủ tư cách để có thể tỏ ra kiêu ngạo trước những người khác, trí tuệ của chúng ta chỉ là một hạt cát nhỏ giữa cả một sa mạc tri thức rộng lớn, bởi lẽ "Đời người có hạn mà tri thức lại vô hạn”. Cho dù chúng ta có tài giỏi đến mức nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải tiếp tục học hỏi không ngừng để mở mang hiểu biết nhiều hơn nữa; có như thế, ta mới đạt được nhiều thành công trong tương lai.

3. Viết bài văn nghị luận tư tưởng, đạo lí về lời phát biểu nổi tiếng của nhạc sĩ Pháp S.Gunô

"Năm hai mươi tuổi, tôi nói: Tôi và Mô-da

Năm ba mươi tuổi, tôi nói: Mô-da và tôi

Năm bốn mươi tuổi, tôi nói: Chỉ có Mô-da".

Cuộc sống của con người luôn vận động theo vòng quay không ngừng nghỉ của thời gian và mọi giá trị đều trải qua sự đổi thay, không có bất cứ điều gì là vĩnh hằng, bất biến. Và nhận thức, hiểu biết của chúng ta cũng nằm trong trục biến chuyển đó. Bàn về vấn đề này, nhạc sĩ người Pháp S.Gunô từng nói: "Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài. Ba mươi tuổi tôi đã nói : "Tôi và Môda". Bốn mươi tuổi tôi nói: "Môda và tôi". Còn bây giờ tôi chỉ nói : Môda" để thể hiện quan điểm về quá trình thay đổi trong nhận thức của con người và đề cao đức tính khiêm tốn.

Câu nói của nhạc sĩ Pháp S.Gunô không đơn giản chỉ là lời ngợi khen đối với tài năng của Môda - một nhạc sĩ vô cùng vĩ đại với những bản nhạc nổi tiếng mà còn thể hiện rất nhiều ý nghĩa sâu sắc về quá trình nhận thức của con người. Qua sự độc đáo về cách diễn đạt, đặt thời gian qua tuổi tác của con người: "hai mươi", "ba mươi", "bốn mươi", "bây giờ" trong sự sóng đôi, song hành với cách nói: "Tôi" , "Tôi và Môda", "Môda và tôi", "Môda", tác giả đã làm nổi bật logic thay đổi, biến chuyển của nhận thức, tư duy. Đồng thời để lại bài học mang ý nghĩa giáo dục về khiêm tốn - một đức tính tốt đẹp mà con người cần có.

Có thể thấy trong cuộc sống thường nhật, xã hội ngày càng đi lên và phát triển, kéo theo đó là nhận thức của con người không ngừng thay đổi, theo thời gian, ngày một tiếp cận dần chân lí. Nhạc sĩ Pháp S.Gunỏ có lần đã nói: Hồi tôi hai mươi tuổi, tôi chỉ thừa nhận rằng tôi có tài. Ba mươi tuổi, tôi đã nói: "Tôi và Mô-da". Bốn mươi tuổi, tôi nói: "Mô-da và tôi". Còn bây giờ tôi chỉ nói: "Mô-da” cần phải có sự từng trải con người mới học được bài học khiêm tốn, ngày một đến gần chân lí, đó là điều Gunô muốn nói với chúng ta.

Trong lời phát biểu trên, ta thấy đầu tiên Gunô ở độ tuổi "hai mươi", đầy kiêu căng tự mãn “hồi hai mươi tuổi tôi chỉ thừa nhận tôi có tài”. Tuổi trẻ chưa từng trải, chưa được thực tế luyện rèn nhào nặn, chưa va vấp, chưa đi nhiều, chưa thấy nhiều... thì chưa biết rằng vũ trụ là vô tận, cuộc đời là không có điểm kết thúc, còn biết bao nhiêu chân trời hoàn toàn xa lạ và mới mẻ.

Mặc dù có là thiên tài, nhiều tài năng nhưng nếu lạm dụng quyền chính đáng ấy cũng sẽ dễ trở thành một kẻ kiêu ngạo đáng ghét. Điều đó cũng thật dễ gặp ở tuổi trẻ. Bởi tuổi trẻ nói chung thường bồng bột, hiếu thắng, chưa va chạm cọ xát vấp váp với đời, nên dễ chủ quan, tự hào vô lối thành tự mãn, để cái "tôi" trùm lên tất cả. Tuy nhiên, tuổi trẻ còn có những điều hay, những mặt tốt, tích cực. Như sự hăng hái say mê, giàu sinh lực, nhiệt tình, dám thách thức trở ngại khó khăn bằng tất cả khả năng mình...

Chúng ta thấy trong câu nói của nhạc sĩ người Pháp đi theo trình tự, có đến bốn bước chuyển trong quá trình nhận thức, thì đây là bước quan trọng nhất. Bởi chính ở bước này, cái "tôi" chủ quan đã phá vỡ thế độc tôn duy nhất. Từ đó những bước chuyển kế tiếp đã được mở ra: "Bốn mươi tuổi tôi nói: Mô-da và tôi”... Cái "tôi" đã nhượng bộ. Từ những lí giải trên đây, ta rút ra được điều gì bổ ích? Trước hết mỗi người chúng ta cần có lòng tự tin trong cuộc sống, trong học tập và lao động. Nhưng tự tin chứ không phải kiêu ngạo. Tự tin sẽ góp phần đem lại thành công, ngược lại kiêu ngạo sẽ dẫn đến thất bại chắc chắn.

Qua lời phát biểu nổi tiếng của nhạc sĩ người Pháp, chúng ta có thể thấy được một bài học sâu sắc: để đánh giá đúng giá trị tồn tại của bản thân, con người cần đến yếu tố thời gian, cần đến sự trưởng thành. Điều này cũng giống như việc khi chúng ta đọc một cuốn sách, ở mỗi độ tuổi khác nhau, ta sẽ hiểu nó với một ý nghĩa khác nhau và lần đọc sau luôn đem đến những chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc hơn lần đọc trước đó. Ngoài ra, câu nói trên còn để lại bài học sâu sắc về việc con người cần có đức tính khiêm tốn để tránh những bồng bột, kiêu căng trong cảm quan nhìn đời và đánh giá bản thân cũng như người khác.

Ngày:18/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM