Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt
Nội dung bài văn mẫu dưới đây giúp các em có thêm hiểu biết về danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt. Đồng thời giúp các em rèn luyện kĩ năng viết một bài văn thuyết minh hay. eLib mời các em tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.
Mục lục nội dung
1. Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt
Việt Nam là mảnh đất vô cùng tươi đẹp, không chỉ làm nên bởi lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất mà còn được tô điểm bởi vẻ đẹp của non sơn, gấm vóc.
Từ Bắc chí Nam, nơi đâu cũng toàn là thắng cảnh, những vùng đất xinh đẹp, cảnh vật nên thơ, rồi những núi đồi hùng vĩ. Tất cả làm nên một Việt Nam tươi đẹp, sinh động. Khi nhắc đến những địa danh nổi tiếng, không thể thiếu thành phố Đà Lạt – thành phố sương mờ, hay còn được gọi là thành phố Pari thu nhỏ.
Đà Lạt là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên thuộc vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ của Việt Nam.Nằm ở độ cao 1500m so với mực nước biển, Đà Lạt có khí hậu khá mát mẻ, trong lành, rất thích hợp cho hoạt động du lịch, tham quan,nghỉ dưỡng. Đây là một địa điểm du lịch độc đáo,lí tưởng ở khu vực miền Nam Việt Nam. Khi xưa, Đà Lạt là vùng đất nhỏ, khá nguyên sơ- là nơi sinh sống của người Lạch, người Chil. Những năm cuối của thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp mở rộng địa bàn xâm chiếm vào miền Nam Việt Nam thì đã cử một nhà thám hiểm người Thụy Sĩ nhưng mang quốc tịch Pháp là Alexandre Yersin lên thám hiểm vùng đất Tây Nguyên rộng lớn.
Đến năm 1893, Alexxandre Yersin đã phát hiện ra vùng đất nguyên sơ này và cái tên Đà Lạt cũng được bắt nguồn từ thời gian này. Ông đã có công lao thay đổi vùng đất hoang sơ, không ai biết đến và cũng chưa có mặt trên bản đồ thành một thành phố nổi tiếng được ghi trong cuốn từ điển bách khoa của nhiều nước như ngày nay.
Thành phố Đà Lạt đã có bề dày lịch sử 100 tuổi ( phát hiện năm 1893), hiện nay đã và đang trở thành địa danh du lịch hấp dẫn bậc nhất ở Việt Nam, là một trong những trọng điểm du lịch, thu hút đông đảo về đây không chỉ du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài.Đà Lạt nổi tiếng với những thác nước, những hồ nước thơ mộng và những rặng thông già, xanh mướt uốn quanh con đường đi vào thành phố.Về những hồ nổi tiếng ở Đà Lạt thì ta có thể kể tới những hồ như: Hồ Than thở, hồ Xuân Hương, hồ Đa Thiện,hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Chúng đều nằm trong thành phố với những nét thơ mộng, lãng mạn và đi cùng với tên gọi của những hồ này là những câu chuyện, những truyền thuyết xa xưa vô cùng độc đáo.
Đến với thành phố Đà Lạt, du khách không chỉ được tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn được thưởng thức những loại hoa quả đặc sản nơi đây như: hồng, mận, đào, bơ…. Các món ăn nổi tiếng, độc đáo và những món đồ lưu niệm xinh đẹp ở nơi đây.
Khi nhắc đến Đà Lạt, ta sẽ nghĩ ngay đến thành phố của những loại hoa.Thời tiết mát mẻ, vùng đất Đà Lạt thích hợp trồng rất nhiều loại hoa. Cứ mỗi độ xuân về, Đà Lạt lại được khoe sắc rực rỡ bởi hàng trăm loài hoa như: như hoa hồng, hoa bất tử, hoa đỗ quyên, hoa xác pháo, hoa tư tưởng, hoa trà mi, mi mô da, mai anh đào, thủy tiên trắng…Và Đà Lạt cũng là thành phố thường xuyên tổ chức những lễ hội, những fessival hoa lớn,có quy mô bậc nhất ở Việt Nam. Những lễ hội hoa này rất có sức hấp dẫn với những du khách.
Nhờ khí hậu ôn hòa, cảnh quan tươi đẹp, những di sản văn hóa có giá trị,người ta đã ưu ái gọi Đà Lạt với nhiều cái tên như: "Thành phố mù sương", "Thành phố ngàn thông", "Thành phố ngàn hoa", "Xứ hoa Anh Đào" hay "Tiểu Paris". Nói về Đà Lạt – thành phố sương mù là do đặc điểm khí hậu nơi đây. Do nằm ở độ cao 1500m so với mực nước biển nên khí hậu ở đây tương đối mát mẻ, Vào mỗi buổi sáng sớm, toàn cảnh Đà Lạt đều được bao phủ bởi lớp sương dày vô cùng huyền ảo, thi vị.
Viết về cái thơ mộng của Đà Lạt lúc có sương mù bao phủ, đã có rất nhiều lời thơ, tiếng hát viết về nó. Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng với bài hát “Đà Lạt mờ sương” lời thơ Phạm Minh Châu, nhạc Quỳnh Hợp, trong đó có câu:
“Cao cao thấp thấp
Ẩn hiện trong sương
Đà Lạt sớm mai
Đẹp như thiên đường”
Đà Lạt không chỉ là một địa danh đẹp, một danh thắng lâu đời của Việt Nam. Làm nên một Đà Lạt tươi đẹp như vậy không chỉ ở những truyền thống văn hóa lâu đời, những lễ hội truyền thống, những đặc sản mang đặc trưng vùng miền mà còn bởi vẻ thi vị, mơ mộng vốn có của nó.
2. Em hãy giới thiệu về một danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt
Theo tiếng của các dân tộc thuộc nhóm Cơho (ngữ hệ Môn-Khơme) thì ‘Đà’ có nghĩa là nguồn nước hay dòng suối. Còn ‘Lạt’ là tên một tộc người sống ở chân núi Lang Bian liền bên thành phố bây giờ. Vậy Đà Lạt tức là dòng suối của người Lạt – cái tên gợi cảm biết bao!
Ở độ cao chừng 1500m so với mặt biển, với những điều kiện tự nhiên tru ái, Đà Lạt thực sự là một trung tâm du lịch và dưỡng bệnh tuyệt vời. Với nhiệt độ trung bình 19°c và lượng mưa hàng năm khoảng 1500mm, vùng này có thể trồng được nhiều loại cây, rau, hoa, trái miền ôn đới.
Ai đó đã gọi Đà Lạt là xứ hoa, quả cũng không ngoa. Vào kì Giáng sinh, các ngả đường thành phố ngỢp sắc anh đào. Rồi suốt ca mùa khô trời xanh mây trắng nắng vàng là mùa của hoa Mimosa đua nở. Lạc bước vào các nhà vườn, khách lại đi như mộng du giữa muôn màu sắc, hương thơm. Nào là các loại cúc, các giống lay ơn, trà mi trắng, trà mi đỏ, đỗ quyên, móng rồng, thu hải đường, nhất chi mai, cẩm tú cầu… rồi cotmot, pensée… và đặc sắc nhất là hoa loa kèn đỏ. Chỉ cố nhớ tên các loài hoa cùng với sắc màu, hình dáng của chúng cũng đủ rối lòng! Đây hoa côcơlicô (hay còn gọi là mỹ nhân thảo), mong manh, đa sắc. Kia hoa souci của ta đơn cánh dịu dàng, còn loại da cam cánh kép này là souci lấy giống từ đảo Phù Tang. Từ Nhật Bản đến đây định cư còn có hoa súng với các màu đẹp, lạ như mỡ gà, phớt hồng, tím thắm. Ở Đà Lạt, khó có thể nói hoa nào đẹp nhất, bởi người yêu hoa cũng thể như người yêu vậy! Tuy nhiên, ở đây, lâu nay nhiều người thường mến mộ hoa hồng. Ngoài những giống hồng quen thuộc. Đà Lạt còn có nhiều giống hồng quí hiếm: hồng vàng Joséphine, hồng phân mang màu áo nữ hoàng tiểu quốc Grance de Monaco hồng Bngitte Bardot – tên của một nữ tài tử danh tiếng một thời, hồng chàm úc Đại Lợi tựa liễu mảnh mai… Và đặc biệt là hồng nhung đại đóa màu đỏ sẫm.
Đà Lạt dường như là nơi họp mặt của hàng trăm loài địa lan, phong lan và nhiều cây cảnh quý… Nếu biết khai thác, ươm trồng, chỉ riêng hoa phong lan thôi cũng đã là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
Ai đó đã gọi Đà Lạt là miền thông reo? Những cánh rừng ngút ngàn thông càng làm cho không gian thành phố trong sạch nhờ khí ôzone tỏa ra từ những vòm lá nhọn hình kim. Gần đây, mỗi năm Đà Lạt cho chừng 200 nghìn mét khối gỗ thông, đồng thời lại trồng bù vào đó hàng triệu thông con.
ít có thành phố trên cao nào lại có nhiều hồ rộng như Đà Lạt. Ngoài hai hồ lớn là Xuân Hương, Đa Thiện, trong thành phố còn có các hồ Than Thở, Vạn Kiếp, Mê Linh… Xứ này đã lắm hồ lại nhiều thác cách thành phố không xa, có các thác Liên Khương, Pren, Đatanla, CamLy. Xa chút nữa là các thác Pônggua, Guga.
"Đẹp nhất hồ xanh hay thác trắng?
Vừa hái hoa rừng vừa cãi nhau."
(Thơ Ca Lê Hiến)
Âu là đi chơi cả thác lẫn hồ. Khách du lịch có thể vãn cảnh bằng xe ngựa, một phương tiện đi lại thô sơ, ít nhiều nhắc nhở không khí cổ xưa. Những địa danh gợi cảm như rừng Ái Ân, đập Suôi Vàng, thung lũng Tình Yêu, đồi thông Hai Mộ… như còn lưu giữ những chuyện tình tương tư vơ vẩn…
Đến Đà Lạt, ai cũng dễ dàng nhận thấy thành phố hài hòa với cảnh sắc tự nhiên. Thay vì những khách sạn cao ngất, sang trọng, thành phố có hàng nghìn biệt thự xinh xắn một, hai tầng, đầy đủ tiện nghi, xây theo nhiều phong cách kiến trúc, nép trong bóng lá cây vườn. Ngày nay, ít ai còn nhớ là vào thập niên đầu của thế kỉ trước, Đà Lạt mới chỉ có độ ‘mươi nếp nhà tranh với mươi lưu dân Việt Nam’. Vậy mà, đến năm 1939, Đà Lạt đã có 427 biệt thư và hơn chục vạn dân. Tốc độ phát triển mau chóng đó tự nó đã nói lên vị trí của Đà Lạt trong đời sống kinh tế và văn hóa của cả nước.
Bạn mới lên thăm Đà Lạt lần đầu? Nếu đi bằng máy bay thì trước khi hạ cánh xuống sân bay Liên Khương bạn sẽ được nhìn ngắm toàn bộ cảnh quan Đà Lạt. Còn theo đường bộ, nếu lúc đi đã theo đường 11 từ Phan Rang ngược dòng Dinh lên thì khi về, nên xuôi đường 20 xuống đồng bằng Nam Bộ. Tình cờ đến Đà Lạt đang giữa mùa mưa thì bạn cũng đừng lấy đó làm buồn. Đà Lạt mùa mưa cũng không kém phần kì thú với mưa đèo vội vã, cảnh vật thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây với những vẻ đẹp bất ngờ. Mùa nào cũng được, nếu có điều kiện mời bạn qua thăm Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử và Văn khố Đà Lạt là nơi tàng trữ nhiều mộc bản, tài liệu liên quan đến lịch sử nước ta thời cận đại.
Người ta gọi Đà Lạt bằng nhiều tên đẹp: thành phố mộng mơ, xứ anh đào, hay thành phố cao nguyên… nhưng hợp hơn cả là thành phố sương mờ? Mai sớm và chiều hôm phố phường lãng đãng sương giăng, vầng mặt trời bồng bềnh trong mù sương khiến cả không gian thành phố như được rọi sáng bằng ánh đèn neon mờ đục.
Ai không vân vương khi giã từ Đà Lạt? Ấn tượng khó phai mờ về thành phố xinh đẹp này lại là sương mờ với loài hoa đơn sơ forget me not (đừng quên tôi nhé! ) chăng?
3. Viết đoạn văn ngắn thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt
Hồ Than Thở nằm cách trung tâm Đà lạt khoảng 6km về hướng Đông Nam, trên đường đi Chi Lăng-Thái Phiên. Thoạt đầu nơi đây chỉ là một hồ nhỏ, không rõ từ lúc nào được gọi là Hồ Than Thở. Về sau người Pháp đã làm đập chặn nước tạo thành hồ và đặt tên là Lac des Soupirs, mãi đến năm 1956 hồ mới được gọi lại theo tên cũ. Năm 1975, sau khi hòa bình lập lại, có lẽ cho rằng cái tên Than Thở ủy mị quá, đã có lúc hồ được đổi tên thành Sương Mai. Nhưng trong lòng người dân Đà lạt cũng như du khách đều lưu luyến tên cũ, không gọi Sương Mai nên đến năm 1990, chính quyền địa phương đã cho sử dụng lại tên cũ của hồ. Hồ Than Thở còn là nơi gắn liền với câu chuyện tình điễm lệ làm thổn thức lòng người. Đó là chuyện kể về mối tình của đôi trai gái, thường hẹn hò nhau bên bờ suối. Chàng trai lên đường tòng quân đánh giặc. Nơi quê nhà, cô gái nhận được tin chàng tử trận, liền quyên sinh theo người mình yêu. Không ngờ, chàng trai thắng trận trở về, giữ vẹn lòng chung thủy chàng cũng chết theo cô gái. Từ đó, hồ được mang tên là hồ Than Thở và cái tên ấy đã tồn tại từ 200 năm nay. Ngày nay hồ Than Thở được đầu tư tôn tạo thành một công viên giải trí với những bồn hoa thảm cỏ được chăm tỉa công phu, những trò chơi đu quay, xe đạp nước, cưỡi ngựa… tuy có thay đổi bộ mặt ảm đạm của hồ nhưng cũng vì thế làm mất đi nét trầm mặc huyễn hoặc vốn đã là cái “hồn” của hồ Than Thở.