Thông tư số 33/2019/TT-BGTVT quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa

Thông tư số 33/2019/TT-BGTVT quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa do bộ trưởng bộ giao thông vận tải ban hành ngày 06 tháng 09 năm 2019

Thông tư số 33/2019/TT-BGTVT quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 33/2019/TT-BGTVT Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2019

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG NẠO VÉT TRONG VÙNG NƯỚC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa, bao gồm: nạo vét duy tu khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định; nạo vét duy tu đột xuất để đảm bảo an toàn giao thông; hợp đồng thi công công trình nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước và nội dung hợp đồng dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa, gồm Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở Giao thông vận tải.

2. Nạo vét duy tu đột xuất là công việc nạo vét theo các nhiệm vụ đột xuất do các nguyên nhân bất khả kháng gây ra, phải thực hiện ngay để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.

3. Sản phẩm thu hồi là các chất nạo vét được thu hồi từ hoạt động nạo vét vùng nước đường thủy nội địa.

4. Nhà đầu tư là doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn để thực hiện hợp đồng dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa.

Chương II

NẠO VÉT DUY TU LUỒNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Mục 1. NẠO VÉT DUY TU LUỒNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA THEO HÌNH THỨC KHOÁN DUY TRÌ CHUẨN TẮC TRONG KHOẢNG THỜI GIAN XÁC ĐỊNH

Điều 4. Nạo vét duy tu theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định

1. Nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định được thực hiện trên luồng đường thủy nội địa tại khu vực bãi cạn, đoạn cạn hoặc cửa sông thuộc các tuyến vận tải thủy chính, có hướng tuyến luồng ổn định tối thiểu 03 năm gần nhất và thường xuyên bị bồi lấp.

2. Bộ Giao thông vận tải phê duyệt các luồng đường thủy nội địa quốc gia thực hiện nạo vét duy tu theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định (tối thiểu 03 năm) trong kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm trên cơ sở đề xuất của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt các luồng đường thủy nội địa địa phương thực hiện nạo vét duy tu theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định (tối thiểu 03 năm) trong kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông vận tải.

Điều 5. Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán

1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình, dự toán kinh phí bảo vệ môi trường, đề cương nhiệm vụ và phương án kỹ thuật khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng, đề cương giám sát, đề cương nhiệm vụ và phương án kỹ thuật khảo sát nghiệm thu công trình nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 159/2018/NĐ-CP)

2. Thiết kế bản vẽ thi công được lập trên cơ sở:

a) Vị trí đổ chất nạo vét được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố, chấp thuận đảm bảo tiếp nhận chất nạo vét trong thời gian khoán duy trì chuẩn tắc;

b) Chuẩn tắc duy trì của luồng đã được Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tại kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hoặc chuẩn tắc luồng theo cấp kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền công bố;

c) Khối lượng nạo vét bao gồm: khối lượng nạo vét ban đầu (được chuẩn xác lại khi đo đạc bàn giao mặt bằng) và khối lượng nạo vét duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian từ sau đợt nạo vét ban đầu đến hết thời gian khoán duy trì chuẩn tắc;

d) Khối lượng nạo vét ban đầu được xác định trên cơ sở bình đồ khảo sát thông báo độ sâu luồng đường thủy nội địa gần nhất nhưng không quá 06 tháng tính đến thời điểm duyệt thiết kế. Trường hợp bình đồ khảo sát thông báo độ sâu luồng đường thủy nội địa quá 06 tháng hoặc không có số liệu bình đồ khảo sát thông báo độ sâu luồng đường thủy nội địa thì phải tiến hành khảo sát để tính toán khối lượng nạo vét ban đầu;

đ) Khối lượng nạo vét duy trì chuẩn tắc được xác định theo khối lượng nạo vét duy tu bình quân 03 năm gần nhất hoặc khối lượng tính toán trên cơ sở kết quả đo đạc sa bồi thực tế bình quân 03 năm gần nhất hoặc thông qua kết quả quan trắc và nghiên cứu mô hình.

3. Dự toán kinh phí nạo vét duy tu theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc được xác định theo khối lượng nạo vét tương ứng với chuẩn tắc thiết kế luồng, vị trí đổ đất nạo vét và thời gian duy trì chuẩn tắc.

Điều 6. Tổ chức lựa chọn nhà thầu và bàn giao mặt bằng thi công

1. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP

2. Việc bàn giao mặt bằng thi công thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP và phải tổ chức kiểm tra, xác nhận hiện trạng các công trình liên quan và đường bờ khu vực nạo vét trước khi thi công công trình.

Điều 7. Tổ chức quản lý thi công công trình

1. Nhà thầu thi công có trách nhiệm

a) Bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật;

b) Tiếp nhận và quản lý mặt bằng công trình, mốc tọa độ và cao độ trong suốt quá trình thi công công trình;

c) Đăng ký máy móc, thiết bị thi công, hệ thống thiết bị giám sát, danh sách nhân lực phục vụ thi công công trình với cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực và phải được tư vấn giám sát kiểm tra, xác nhận theo quy định;

d) Thông báo kế hoạch thực hiện thi công công trình (thời gian thi công, tiến độ thi công) trước mỗi đợi nạo vét duy tu đến cơ quan quản lý đường thủy nội địa, cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực, chính quyền địa phương, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và niêm yết công khai trên công trường thi công;

đ) Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó bao gồm công tác thả phao, cắm mốc giới phạm vi nạo vét trong suốt quá trình thi công để các cơ quan liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát;

e) Thực hiện thi công nạo vét theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật, bảo đảm duy trì yêu cầu chuẩn tắc thiết kế được phê duyệt (chiều dài, bề rộng luồng, cao độ đáy, mái dốc nạo vét, bán kính cong), thực hiện các yêu cầu về môi trường theo quy định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng;

g) Trong thời hạn chậm nhất 02 ngày, kể từ khi phát hiện các vị trí cạn hoặc theo phản ánh, yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền, nhà thầu thi công phải tổ chức lập phương án nạo vét, đồng thời thông báo cho đơn vị tư vấn giám sát để thực hiện giám sát thi công theo quy định; chậm nhất 05 ngày, kể từ khi phát hiện các vị trí cạn hoặc yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải tiến hành nạo vét các vị trí cạn để đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng, thời gian hoàn thành thi công không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Trường hợp bất khả kháng không thực hiện được việc khảo sát, nạo vét các vị trí cạn, nhà thầu thi công phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực để được hướng dẫn, xác nhận bằng văn bản và chậm nhất 02 ngày, kể từ ngày kết thúc sự kiện bất khả kháng, phải tổ chức lập phương án nạo vét và tiến hành nạo vét ngay các vị trí cạn đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng, thời gian hoàn thành thi công không quá 20 ngày;

h) Trường hợp nhà thầu thi công không hoàn thành việc nạo vét đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng đúng thời gian, tiến độ, chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định tại điểm g khoản này, cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao) xem xét quyết định giảm trừ chi phí trong hợp đồng tương ứng với phần thời gian không bảo đảm chuẩn tắc (kể từ thời điểm yêu cầu đến khi hoàn thành việc khắc phục);

i) Trường hợp nhà thầu thi công bị nhắc nhở, phản ánh bằng văn bản đến lần thứ hai mà vẫn không hoàn thành việc nạo vét theo quy định tại điểm g và h khoản này hoặc có hành vi đổ chất nạo vét không đúng vị trí, chuyển nhượng thầu trái quy định pháp luật thì cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, xử lý vi phạm, chấm dứt hợp đồng đã ký kết và thực hiện lựa chọn nhà thầu thi công khác đủ năng lực theo quy định để tiếp tục thực hiện công trình;

k) Ngoài các biện pháp quy định tại điểm c, điểm h và điểm i khoản này, nhà thầu thi công còn phải khắc phục hậu quả vi phạm, chịu trách nhiệm đối với các sự cố xảy ra đối với tàu thuyền do luồng tàu cạn và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật;

l) Lựa chọn đơn vị khảo sát đo đạc nghiệm thu nội bộ kết quả thi công công trình tại hiện trường theo quy định. Thực hiện khảo sát, đo đạc kết quả nạo vét các đoạn cạn bằng kinh phí của nhà thầu thi công trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

m) Lập hồ sơ quản lý chất lượng xây dựng công trình theo quy định;

n) Báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo quy định của hợp đồng xây dựng và yêu cầu đột xuất của chủ đầu tư.

2. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực có trách nhiệm

a) Thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên quá trình thực hiện thi công của nhà thầu, tư vấn giám sát và quá trình khảo sát đo đạc nghiệm thu công trình tại hiện trường;

b) Tổ chức đo đạc, khảo sát theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này để kiểm tra việc duy trì chuẩn tắc luồng của nhà thầu thi công. Trường hợp phát hiện các vị trí thuộc phạm vi dự án không bảo đảm chuẩn tắc, có văn bản yêu cầu nhà thầu thi công tiến hành nạo vét ngay, đồng thời thông báo cho đơn vị tư vấn giám sát thực hiện nhiệm vụ giám sát thi công thi công theo quy định;

c) Thông báo luồng đường thủy nội địa trên cơ sở kết quả khảo sát đo đạc theo quy định;

d) Định kỳ 02 tháng một lần hoặc khi hoàn thành giai đoạn và hoàn thành công trình, báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Ủy ban dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao) kết quả đo đạc, khảo sát và kết quả thực hiện thi công nạo vét duy tu;

đ) Tổ chức nghiệm thu hoàn thành giai đoạn, hoàn thành công trình theo quy định.

3. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa có trách nhiệm

a) Phê duyệt đề cương khảo sát đo đạc kiểm tra đột xuất cho từng luồng được nạo vét duy tu theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc với tần suất kiểm tra tối đa 06 tháng/01 lần. Phạm vi đo đạc khảo sát mỗi lần do chủ đầu tư chỉ định với diện tích khảo sát ít nhất bằng 30% diện tích mặt bằng đoạn luồng để kiểm tra việc duy trì chuẩn tắc thiết kế luồng của nhà thầu thi công;

b) Chỉ đạo cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đo đạc, khảo sát thường xuyên, định kỳ theo quy định để kiểm tra khả năng duy trì chuẩn tắc thiết kế luồng của nhà thầu;

c) Tổ chức kiểm tra chất lượng, tiến độ nạo vét duy tu công trình, an toàn đường thủy nội địa trong quá trình thi công; đình chỉ thi công và xử lý hành vi vi phạm (nếu có) của nhà thầu và tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công trình

1. Nội dung công tác kiểm tra, giám sát công trình nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP và các nội dung sau:

a) Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công có trách nhiệm ghi chép toàn bộ kết quả thi công theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03, Mẫu số 04, Mẫu số 05 và Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hàng tuần, tư vấn giám sát gửi báo cáo theo Mẫu số 07, Mẫu số 08, Mẫu số 09 và Mẫu số 10 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông, tư này, kèm theo bản sao nhật ký thi công đến cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực để phục vụ việc kiểm tra, theo dõi.

2. Nội dung công tác nghiệm thu công trình nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.

Điều 9. Thanh toán, quyết toán công trình

Công tác thanh toán, quyết toán công trình thực hiện theo quy định của pháp luật.

Mục 2. NẠO VÉT DUY TU ĐỘT XUẤT LUỒNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 10. Trình tự thực hiện

Nạo vét duy tu đột xuất luồng đường thủy nội địa thực hiện theo trình tự sau:

1. Trình, phê duyệt nhiệm vụ đột xuất.

2. Tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện.

3. Lập, phê duyệt thiết kế, dự toán công trình.

4. Bàn giao mặt bằng, tổ chức thi công công trình và kiểm tra giám sát.

5. Nghiệm thu, lập hồ sơ hoàn công công trình.

6. Tổng hợp, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa; giao dự toán chi ngân sách nhà nước.

7. Thanh toán, quyết toán công trình.

Điều 11. Trình, phê duyệt nhiệm vụ đột xuất

1. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý, bảo trì đường thủy nội địa khảo sát sơ bộ và báo cáo cơ quan quản lý đường thủy nội địa nhiệm vụ đột xuất nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa.

2. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện nhiệm vụ đột xuất nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa trên cơ sở đề xuất của cơ quan quản lý đường thủy nội địa hoặc quyết định chủ trương cho phép thực hiện nhiệm vụ đột xuất nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa.

Điều 12. Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công

1. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực có trách nhiệm:

a) Căn cứ chủ trương thực hiện nhiệm vụ đột xuất được giao, lựa chọn các đơn vị tư vấn (khảo sát, thiết kế, giám sát, môi trường) có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay các gói thầu đột xuất trình Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận chủ trương, tổ chức khảo sát bàn giao mặt bằng, lập thiết kế, dự toán; hoàn thiện thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công theo quy định của pháp luật trình Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao) tổ chức kiểm tra hiện trường, xác định, thống nhất vị trí đổ chất nạo vét;

2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, đề nghị của cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở Giao thông vận tải và ký kết hợp đồng với các nhà thầu được lựa chọn.

Điều 13. Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán, đề cương tư vấn

1. Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình được lập trên cơ sở kết quả khảo sát bàn giao mặt bằng nạo vét luồng đột xuất và quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khảo sát, thiết kế, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình, đề cương, dự toán các chi phí tư vấn, công tác bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.

Điều 14. Bàn giao mặt bằng, tổ chức thi công, kiểm tra giám sát và nghiệm thu công trình

1. Bàn giao mặt bằng

a) Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực chủ trì phối hợp với tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế tổ chức ngay công tác đo đạc, bàn giao mặt bằng (bao gồm mặt bằng nạo vét và vị trí đổ thải) cho nhà thầu thi công để tổ chức thực hiện thi công công trình, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra, xác nhận hiện trạng các công trình liên quan và đường bờ khu vực nạo vét.

2. Tổ chức thi công

a) Nhà thầu thi công tiếp nhận mặt bằng và tổ chức thi công công trình theo thiết kế, biện pháp thi công được duyệt;

b) Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra quá trình thực hiện của đơn vị thi công, tư vấn giám sát để bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình và thông báo luồng đường thủy nội địa theo quy định khi công trình hoàn thành;

c) Cơ quan quản lý đường thủy nội địa tổ chức kiểm tra đột xuất (nếu cần) trong quá trình thi công công trình hoặc có nghi ngờ về chất lượng, khối lượng công trình của nhà thầu.

3. Kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công trình thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Điều 15. Thanh toán, quyết toán công trình

Thanh toán, quyết toán công tác nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

MỤC 3. HỢP ĐỒNG THI CÔNG CÔNG TRÌNH NẠO VÉT DUY TU LUỒNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 16. Hình thức hợp đồng

Hợp đồng thi công nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa gồm 2 loại:

1. Hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc đơn giá điều chỉnh áp dụng cho hình thức nạo vét duy tu hàng năm, nạo vét duy tu đột xuất.

2. Hợp đồng trọn gói áp dụng cho nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định.

Điều 17. Nội dung hợp đồng thi công

Nội dung hợp đồng thi công nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Chính phủ về hợp đồng xây dựng; hướng dẫn của Bộ Xây dựng về hợp đồng thi công xây dựng công trình. Ngoài ra, còn phải có các nội dung sau:

1. Nhà thầu không được nghiệm thu, thanh toán và bị chấm dứt hợp đồng, chịu trách nhiệm đền bù toàn bộ thiệt hại, tổn thất của công trình cho Chủ đầu tư khi không hoàn thành việc nạo vét đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng đúng thời gian, tiến độ, chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng và sau 2 lần bị nhắc nhở bằng văn bản vẫn không khắc phục hoặc thi công hoàn thành.

2. Nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng và phải chịu trách nhiệm khắc phục những thiệt hại do mình gây ra, chịu trách nhiệm theo quy định khác có liên quan của pháp luật khi thi công vận chuyển đổ chất nạo vét không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường hoặc chuyển nhượng thầu trái quy định của pháp luật.

3. Đối với hợp đồng thi công nạo vét duy tu trọn gói, nội dung phải ghi rõ “không điều chỉnh kinh phí thực hiện”.

Chương III

NẠO VÉT VÙNG NƯỚC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA KẾT HỢP THU HỒI SẢN PHẨM

Điều 18. Lập danh mục khu vực nạo vét

1. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa tổ chức lập mới hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục khu vực nạo vét trình Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

2. Danh mục khu vực nạo vét phải có những nội dung chủ yếu theo quy định của khoản 3 Điều 26 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.

3. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi công bố danh mục khu vực nạo vét.

Điều 19. Hợp đồng dự án

1. Điều kiện để đàm phán, ký kết hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng và đảm bảo các điều kiện sau:

a) Quyết định công bố danh mục dự án nạo vét của cấp có thẩm quyền;

b) Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án của cấp có thẩm quyền;

c) Kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án;

d) Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định;

đ) Quyết định hoặc văn bản chấp thuận đăng ký sản phẩm thu hồi của cơ quan có thẩm quyền;

e) Bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án.

2. Một số nội dung chính của hợp đồng dự án xã hội hóa nạo vét vùng nước đường thủy nội địa thực hiện theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 20. Trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án

1. Bộ Giao thông vận tải

a) Tổ chức lập, công bố danh mục khu vực nạo vét theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.

b) Chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình tổ chức thực hiện dự án trong vùng nước đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đối với các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 23 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP;

b) Tổ chức hoặc chỉ đạo Sở Giao thông vận tải lấy ý kiến tham gia của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam theo quy định của pháp luật về đường thủy nội địa đối với các dự án trong vùng nước đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải;

c) Tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện các dự án nạo vét vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm.

3. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

a) Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định tại hợp đồng dự án và quy định của Thông tư này đối với các dự án trong vùng nước đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổ chức tiếp nhận, bàn giao dự án nạo vét vùng nước đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác theo quy định của pháp luật về xây dựng.

4. Sở Giao thông vận tải

a) Cung cấp hồ sơ dự án và thông báo cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kế hoạch, thời gian thực hiện các dự án nạo vét vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm trên luồng đường thủy nội địa quốc gia;

b) Chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của nhà đầu tư trong việc thực hiện các yêu cầu về quy mô, phạm vi nạo vét, chuẩn tắc thiết kế luồng, tiến độ thực hiện đối với các dự án vét vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm trên luồng đường thủy nội địa quốc gia;

d) Định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo tình hình và kết quả thực hiện dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.

4. Nhà đầu tư thực hiện dự án

a) Phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương để thực hiện việc giám sát cộng đồng; tuyên truyền, thông báo kế hoạch triển khai trước khi thi công dự án theo quy định;

b) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra, xác nhận hiện trạng các công trình liên quan và đường bờ khu vực thuộc phạm vi dự án;

c) Gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án và niêm yết công khai trên công trường trước khi thi công và trong suốt thời gian thi công dự án;

d) Cam kết thực hiện dự án đã được phê duyệt tuân thủ các quy định hiện hành, không chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án cho đơn vị khác thực hiện. Chịu mọi chi phí sửa chữa và khắc phục thiệt hại nếu thi công không đúng hồ sơ thiết kế được duyệt gây thiệt hại đến các công trình trong và ngoài phạm vi dự án theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức thi công, nghiệm thu, bàn giao các hạng mục và toàn bộ công trình theo hồ sơ dự án dược duyệt phù hợp với quy định của pháp luật;

e) Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện đảm bảo an toàn đường thủy nội địa trong quá trình thi công; thực hiện đăng ký phương pháp, khối lượng, thời gian nạo vét tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thực hiện chế độ thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

g) Trường hợp trong quá trình thi công dự án nếu có hiện tượng sạt lở đường bờ sông, kênh hoặc tiềm ẩn nguy hại đến công trình xung quanh thì phải tạm dừng nạo vét, đồng thời phối hợp với tư vấn giám sát báo cáo ngay chính quyền địa phương nơi gần nhất và cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực để kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động, ảnh hưởng, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp giải quyết;

h) Báo cáo về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo quy định của hợp đồng và yêu cầu đội xuất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.

5. Tổ chức tư vấn giám sát

a) Thực hiện công tác giám sát quá trình thi công dự án của nhà đầu tư theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình và bảo trì công trình xây dựng;

b) Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tại địa phương trong việc giám sát, xác nhận khối lượng sản phẩm thu hồi của nhà đầu tư;

c) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP về tình hình và kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư, theo quy định của hợp đồng và yêu cầu đột xuất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.

2. Công tác nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định thực hiện từ năm 2020.

3. Bãi bỏ Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT ngày 9 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm.

Điều 22. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:

- Như Điều 22;

- Bộ trưởng (để b/c);

- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;

- Các Sở Giao thông vận tải;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);

- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;

- Cổng TTĐT Bộ GTVT;

- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;

- Lựu: VT KCHT (05).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG



 

 



Nguyễn Nhật

Ngày:03/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM