Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 24/2012/NĐ-CP

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Mời các bạn cùng tham khảo 

Dự thảo nghị định  sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 24/2012/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:       /2017/NĐ-CP Hà Nội, ngày      tháng     năm 2017

DỰ THẢO

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 24/2012/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 4 NĂM 2012 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

1. Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng.”.

2. Khoản 3, khoản 6, khoản 7 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Khoản 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản.”.

b) Khoản 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“6. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.”.

c) Khoản 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“7. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cần phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.”.

3. Điều 5 được sửa đổi như sau:

“Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng điều kiện là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.”.

4. Bổ sung Điều 11a sau Điều 11 như sau:

“Điều 11a. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

1. Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (theo mẫu tại Phụ lục 1 Nghị định này);

b) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ, tài liệu thể hiện doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đáp ứng điều kiện về mạng lưới quy định tại điểm đ khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định này.

c) Xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 02 (hai) năm liền kề trước đó (đối với doanh nghiệp).

2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; nếu không cấp thì phải có văn bản trả lời doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nêu rõ lý do; trường hợp cần có thêm thời gian để xem xét, thẩm định hồ sơ thì có thể kéo dài thời hạn nhưng không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc và phải có văn bản thông báo cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.”.

5. Bổ sung Điều 11b sau Điều 11a như sau:

“Điều 11b. Thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

1. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tự nguyện chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

a) Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng gửi 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước. Hồ sơ gồm:

(i) Văn bản đề nghị việc tự nguyện chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong đó nêu rõ lý do;

(ii) Bản chính Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng;

(iii) Bản chính các tài liệu là bộ phận không tách rời của Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (nếu có);

b) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có văn bản Quyết định chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

2. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức tín dụng bị yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

a) Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với những trường hợp sau đây:

- Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

- Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng trong thời gian 06 (sáu) tháng liên tục không hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.

b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có trách nhiệm nộp lại bản chính Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và bản chính các tài liệu là bộ phận không tách rời của Giấy phép (nếu có), đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng. Trường hợp vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi Giấy phép phải chấm dứt hoạt động tại thời điểm phát hiện vi phạm.”.

6. Khoản 8 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“8. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng, dây, tạp chất, phế phẩm tái chế và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm được thực hiện trong nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.”.

7. Khoản 4 Điều 17 được sửa đổi như sau:

“4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm xây dựng quy định, quản lý, kiểm tra, thanh tra quy định về đo lường trong kinh doanh vàng, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.”.

8. Khoản 6 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“6. Hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản trái với quy định tại Nghị định này.”.

Điều 2.Trách nhiệm hướng dẫn, thi hành

1. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày    tháng   năm 2018.

2. Bỏ cụm từ “Khoản 1” tại khoản 5 Điều 6, cụm từ “được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận” tại khoản 3 Điều 14 và cụm từ “và hoạt động kinh doanh vàng khác” tại khoản 5 Điều 16.

3. Bãi bỏ khoản 9 Điều 4, khoản 2 Điều 8, khoản 3 Điều 11, điểm a, điểm đ khoản 4 Điều 16, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).M

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

Ngày:08/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM