Dự thảo pháp lệnh về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của toà án
Pháp lệnh này quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân, Toà án quân sự các cấp (sau đây gọi chung là Toà án) kể từ khi Toà án thụ lý vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. Mời các bạn cùng tìm hiểu
Mục lục nội dung
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI -------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Pháp lệnh số: /2013/UBTVQH13 |
Hà Nội, ngày tháng năm 2013 |
DỰ THẢO
PHÁP LỆNH
XỬ LÝ CÁC HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG CỦA TOÀ ÁN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Điều 93 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;
Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Pháp lệnh này quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân, Toà án quân sự các cấp (sau đây gọi chung là Toà án) kể từ khi Toà án thụ lý vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động tố tụng của Toà án là hoạt động giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án các cấp do Toà án nhân dân các cấp thực hiện hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của Toà án.
2. Hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là hành vi có lỗi do cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện nhằm cản trở các hoạt động tố tụng của Toà án mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là việc người có thẩm quyền áp dụng hình thức cảnh cáo, phạt tiền hoặc hình thức xử lý khác, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
1. Mọi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức chỉ bị xử lý khi có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án quy định tại Pháp lệnh này.
Một hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án chỉ bị xử lý một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án thì mỗi người thực hiện đều bị xử lý.
Một người thực hiện nhiều hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án thì bị xử lý về từng hành vi.
3. Việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Pháp lệnh này.
4. Việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức, mức độ xử lý thích hợp.
5. Không xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc cản trở hoạt động tố tụng của Toà án trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; người thực hiện hành vi chưa đủ tuổi bị xử lý theo quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này.
6. Người có thẩm quyền xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án có trách nhiệm chứng minh vi phạm. Cá nhân, cơ quan, tổ chức bị áp dụng hình thức xử lý có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm.
Điều 4. Đối tượng và hình thức bị xử lý
1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án thì bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo.
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án thì có thể bị xử lý bằng hình thức quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh này. Trong trường hợp họ không có tiền hoặc không đủ tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ của họ phải nộp thay.
3. Người từ đủ 18 tuổi trở lên, cơ quan, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án thì bị xử lý bằng mọi hình thức quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh này.
4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án bị xử lý theo quy định của Pháp lệnh này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều 5. Những hình thức xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
1. Đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án, cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi đó phải chịu một trong các hình thức xử lý chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Mức phạt tiền tối đa quy định tại Chương II của Pháp lệnh này được áp dụng đối với cá nhân. Đối với cơ quan, tổ chức thì mức phạt tiền tối đa bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án, cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi đó còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung sau đây:
a) Buộc rời khỏi phòng xử án;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
c) Buộc phải cải chính trên báo chí theo quy định của Luật báo chí.
4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các tài liệu, chứng cứ cho Tòa án;
b) Buộc sửa đổi đơn, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án theo quy định của pháp luật;
c) Buộc tham gia hoặc cử đại diện tham gia theo yêu cầu của Toà án;
d) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm phòng, chống hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
1. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án; có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố cáo hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.
Các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục thành viên của cơ quan, tổ chức mình về việc phòng, chống hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án; có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện phát sinh hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án trong cơ quan, tổ chức mình.
2. Người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án phải xử lý các hành vi đó theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 7. Thời hiệu xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
1. Thời hiệu xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là thời hạn mà người có thẩm quyền xử lý được quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền xử lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hạn xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là 01 năm, kể từ ngày hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án được thực hiện.
3. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi của cá nhân đó có dấu hiệu cản trở hoạt động tố tụng của Toà án thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ, người đã ra quyết định đó phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án; trong trường hợp này, thời hạn xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là 03 tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ việc.
4. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà cá nhân, cơ quan, tổ chức lại thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử lý thì không áp dụng thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; trong trường hợp này, thời hạn xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử lý.
Điều 8. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
Cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý bằng hình thức cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý bằng hình thức khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không thực hiện hành vi mới cản trở hoạt động tố tụng của Toà án thì được coi như chưa bị xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.
Điều 9. Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
1. Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp trong Pháp lệnh này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc.
2. Thời gian ban đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau.
Điều 10. Tình tiết giảm nhẹ
Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:
1. Người thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả;
2. Người thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ Toà án phát hiện, xử lý vi phạm;
3. Người thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
4. Người thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
5. Người thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
6. Người thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
7. Người thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án do trình độ lạc hậu;
8. Những tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Tình tiết tăng nặng
1. Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng:
a) Cản trở hoạt động tố tụng của Toà án có tổ chức;
b) Cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhiều lần; tái phạm;
c) Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
d) Sử dụng người biết rõ là đang bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
e) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
g) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính;
h) Tiếp tục thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
i) Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.
2. Tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này đã được quy định là hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Điều 12. Bồi thường thiệt hại
1. Người thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
2. Người có thẩm quyền xử lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều 13. Khiếu nại, tố cáo trong xử lý hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án có quyền khiếu nại theo quy định của Pháp lệnh này.
2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 14. Trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
1. Toà án nhân dân tối cao thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong phạm vi cả nước.
2. Toà án nhân dân tối cao thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chủ trì hoặc phối hợp trong việc đề xuất, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
b) Thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
c) Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc thực hiện pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
d) Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
đ) Định kỳ sơ kết, tổng kết công tác xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Toà án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Toà án các cấp quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án tại địa phương, có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
b) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án;
c) Báo cáo Toà án nhân dân tối cao về tình hình xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án tại địa phương.
Điều 15. Giám sát công tác xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và mọi công dân giám sát hoạt động của Toà án, người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án; khi phát hiện hành vi trái pháp luật của Toà án, người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án thì có quyền yêu cầu, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.
Toà án, người có thẩm quyền xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án phải xem xét, giải quyết và trả lời yêu cầu, kiến nghị đó theo quy định của pháp luật.
Chương II
HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG CỦA TOÀ ÁN, HÌNH THỨC, MỨC XỬ LÝ
Điều 16. Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án
1. Hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên toà.
2. Hành vi không chấp hành yêu cầu triệu tập của Toà án.
3. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khoẻ của những người tiến hành tố tụng và những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Toà án.
4. Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Toà án.
5. Hành vi cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Toà án.
6. Hành vi cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng theo yêu cầu của Toà án.
7. Hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.
8. Hành vi đưa tin sai sự thật về việc giải quyết vụ việc của Toà án;
9. Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Xử lý các hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên toà
1. Cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Gây mất trật tự tại phiên toà;
b) Tự ý phát ngôn tại phiên toà khi chưa được chủ toạ phiên toà đồng ý;
c) Gây mất trật tự ngoài phòng xử án nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Toà án;
d) Mang vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất phóng xạ, các chất khác gây nguy hại đến sức khoẻ của con người vào phòng xử án;
đ) Mặc quần áo quá ngắn, hở hang không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc;
e) Không chấp hành sự điều khiển của chủ toạ phiên toà;
g) Ghi âm, ghi hình tại phiên toà mà không được sự đồng ý của Chánh án Toà án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ toạ phiên toà giải quyết vụ án;
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này nếu có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này hoặc đã bị cảnh cáo, nhắc nhở về hành vi đó mà còn vi phạm trong cùng một phiên toà.
3. Người có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 5 của Pháp lệnh này.
Điều 18. Xử lý các hành vi không chấp hành yêu cầu triệu tập của Toà án
1. Cảnh cáo đối với hành vi không có mặt theo triệu tập hợp lệ của Toà án lần thứ nhất mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt theo triệu tập hợp lệ của Toà án lần thứ hai mà không có lý do chính đáng.
Điều 19. Xử lý hành vi xúc phạm uy tín của Toà án, danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khoẻ của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Toà án
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng ngôn ngữ, hành động xúc phạm uy tín của Toà án, danh dự, nhân phẩm, uy tín của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Toà án.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe doạ hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng.
3. Người có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 5 của Pháp lệnh này.
Điều 20. Xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Toà án
1. Cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối, trừ trường hợp việc khai báo liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình;
b) Không cung cấp hoặc cản trở việc cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật;
c) Không sửa đổi đơn, bổ sung tài liệu hoặc quá hạn trong việc sửa đổi đơn, bổ sung tài liệu theo yêu cầu của Tòa án.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này nếu có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này hoặc đã bị cảnh cáo, nhắc nhở về hành vi đó mà còn vi phạm;
b) Không thi hành hoặc cản trở việc thi hành quyết định trưng cầu giám định;
c) Không thi hành hoặc cản trở việc thi hành quyết định định giá, thẩm định giá tài sản, xem xét, thẩm định tại chỗ;
d) Làm giả hoặc huỷ hoại bằng chứng, chứng cứ;
đ) Lừa dối hoặc mua chuộc nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;
e) Lừa dối hoặc mua chuộc nhằm ngăn cản người giám định thực hiện việc giám định hoặc buộc người giám định kết luận giám định sai sự thật;
g) Lừa dối hoặc mua chuộc nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện việc phiên dịch hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa khi dịch.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đe doạ hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;
b) Đe doạ hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện việc giám định hoặc buộc người giám định kết luận giám định sai sự thật;
c) Đe doạ hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện việc phiên dịch hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa khi dịch.
4. Người có một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này còn có thể bị áp dụng hình thức xử lý bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Pháp lệnh này.
Điều 21. Xử lý hành vi cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Toà án
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc giao, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Toà án theo yêu cầu của Toà án;
b) Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về việc giao, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Toà án;
c) Từ chối nhận văn bản tố tụng của Toà án được giao, cấp, tống đạt hoặc thông báo;
d) Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về việc nhận văn bản tố tụng của Toà án được giao, cấp, tống đạt hoặc thông báo.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Toà án.
3. Người có hành vi quy định tại khoản 2 Điều này còn có thể bị áp dụng hình thức xử lý bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Pháp lệnh này.
Điều 22. Xử lý hành vi cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng theo yêu cầu của Toà án
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đe doạ, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức đến phiên toà, phiên họp theo triệu tập của Toà án.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này nếu có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này.
3. Người có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 5 của Pháp lệnh này.
Điều 23. Xử lý hành vi cản trở việc thành lập, tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật phá sản theo yêu cầu của Toà án
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi của đại diện chủ nợ, đại diện công đoàn, đại diện người lao động, đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã, đại diện cơ quan chuyên môn được cử nhưng không tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của Toà án.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của các cơ quan chuyên môn, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không cử người tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của Toà án hoặc cử không đúng thành phần theo yêu cầu của Toà án.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử lý bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Pháp lệnh này.
--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----
Tham khảo thêm