Dự thảo thông tư quy định việc đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Thông tư này quy định việc đăng ký thuốc (hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu) và nguyên liệu làm thuốc (dược chất, bán thành phẩm dược liệu, tá dược, vỏ nang) dùng cho người lưu hành tại Việt Nam, quy định về dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ đăng ký thuốc, tiêu chí để xác định trường hợp miễn thử, miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam, thuốc phải yêu cầu thử lâm sàng giai đoạn 4; quy định về tổ chức thẩm định và xét duyệt cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Mời các bạn cùng tham khảo 

Dự thảo thông tư quy định việc đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc

BỘ Y TẾ
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:         /2018/TT-BYT Hà Nội, ngày       tháng     năm 2018

DỰ THẢO 8
Họp 15/9/18

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC ĐĂNG KÝ THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC

Căn cứ Luật dược ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý dược,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định việc đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc đăng ký thuốc (hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu) và nguyên liệu làm thuốc (dược chất, bán thành phẩm dược liệu, tá dược, vỏ nang) dùng cho người lưu hành tại Việt Nam, quy định về dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ đăng ký thuốc, tiêu chí để xác định trường hợp miễn thử, miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng tại Việt Nam, thuốc phải yêu cầu thử lâm sàng giai đoạn 4; quy định về tổ chức thẩm định và xét duyệt cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN (ACTD) là bộ tài liệu hướng dẫn hồ sơ đăng ký thuốc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chung của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hồ sơ kỹ thuật chung ICH-CTD là mẫu hồ sơ chung của Hội nghị quốc tế về hài hòa các thủ tục đăng ký dược phẩm sử dụng cho con người.

3. Thay đổi lớn là những thay đổi có ảnh hưởng rõ rệt, trực tiếp đến chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc, được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Thay đổi nhỏ là những thay đổi không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến hiệu quả, chất lượng và an toàn của thuốc, được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc là cơ sở đứng tên nộp đơn đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

6. Cơ sở sản xuất thuốc là cơ sở thực hiện ít nhất một công đoạn sản xuất hoặc thực hiện việc xuất xưởng lô thuốc.

7. Cơ sở sản xuất nguyên liệu làm thuốc là cơ sở sản xuất ra nguyên liệu để sản xuất thuốc thành phẩm hoặc cơ sở thực hiện việc xuất xưởng lô nguyên liệu làm thuốc.

8. Chủ sở hữu giấy phép lưu hành thuốc (product license holder) đối với thuốc nước ngoài là cơ sở hợp pháp chịu trách nhiệm về sản phẩm và được ghi trên Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (CPP).

9. Cơ quan quản lý tham chiếu quy định trong Thông tư này bao gồm: Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA), Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Thụy Điển, Anh, Thụy Sỹ, Úc, Canada, Bỉ, Áo, Ai Len, Đan Mạch và Hà Lan.

10. Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA - Stringent Regulatory Authorities) là các cơ quan quản lý dược được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại thuộc danh sách SRA bao gồm:

a) Thành viên ICH trước 23 tháng 10 năm 2015, bao gồm: Cơ quan Quản lý Dược và thực phẩm Mỹ (US-FDA), Cơ quan quản lý dược của các nước thuộc Cộng đồng chung Châu Âu (EC- European Commission), Cơ quan quản lý dược và trang thiết bị y tê Nhật Bản (PMDA)

b) Thành viên quan sát của ICH trước ngày 23  tháng 10 năm 2015 bao gồm: Cơ quan quản lý Dược thuộc Hiệp hội thương mại tự do Châu Âu (EFTA- European Free Trade Association) với đại diện Cơ quan quản lý Dược Thụy Sỹ (Swissmedic) và Bộ Y tế Canada (Health Canada).

c) Thành viên có hiệp định liên kết, công nhận lẫn nhau với Thành viên ICH trước ngày 23 tháng 10 năm 2015 bao gồm: Australia, Iceland, Liechtenstein and Norway.

11. Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (CPP) là giấy chứng nhận được quy định theo hệ thống giấy chứng nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chất lượng của dược phẩm được sử dụng trong giao dịch thương mại quốc tế.

Điều 3. Quy định đối với cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật dược.

2. Thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định tại Điều 57, khoản 1 Điều 64, khoản 2 Điều 65, khoản 6 Điều 76, khoản 5 Điều 77 Luật dược và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Phối hợp với cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc (đối với thuốc nhập khẩu) thực hiện việc thay đổi, bổ sung nội dung nhãn, hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung trong văn bản yêu cầu cập nhật của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) trong thời gian giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực mà không phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung.

4. Trong thời gian giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực, cơ sở đăng ký phối hợp với cơ sở sản xuất phải thực hiện đăng ký thay đổi, bổ sung theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

5. Bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc, nguyên liệu làm thuốc và bảo đảm thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành đúng với hồ sơ đăng ký.

6. Cung cấp đầy đủ và chính xác tất cả các dữ liệu, báo cáo và thông tin liên quan đến thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

7. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành tại bất kỳ nước nào trên thế giới đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực, cơ sở đăng ký phải thông báo cho Cục Quản lý Dược biết và nêu rõ lý do.

8. Cơ sở đăng ký thuốc và cơ sở sản xuất thuốc phối hợp chặt chẽ, bảo đảm ít nhất một trong hai cơ sở này phải thực hiện các nghiên cứu hoặc cung cấp thêm các thông tin liên quan đối với thuốc đăng ký khi có nghi ngờ hoặc bằng chứng liên quan đến tính an toàn và hiệu quả của thuốc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

9. Thực hiện việc báo cáo theo dõi, đánh giá an toàn, hiệu quả của thuốc theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

10. Chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở đăng ký trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 11 Điều này.

11. Thực hiện việc thay đổi cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định sau:

a) Trường hợp cơ sở đăng ký tự nguyện đề nghị chuyển đổi cơ sở đăng ký: Việc thay đổi cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

b) Trường hợp cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc ngừng hoạt động hoặc bị chấm dứt hoạt động tại nước sở tại hoặc tại Việt Nam:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký ngừng hoạt động hoặc bị chấm dứt hoạt động, cơ sở đăng ký phải thông báo cho Cục Quản lý Dược về việc ngừng hoạt động hoặc bị chấm dứt hoạt động và phối hợp với chủ sở hữu giấy phép lưu hành hoặc cơ sở sản xuất tiến hành thủ tục thay đổi cơ sở đăng ký.

- Quá thời hạn nêu trên, cơ sở không thực hiện thủ tục chuyển đổi cơ sở đăng ký thì Cục Quản lý Dược ra quyết định thu hồi tất cả các giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở đăng ký.

c) Sau khi chuyển đổi cơ sở đăng ký: Cơ sở đăng ký mới được chuyển đổi phải chịu trách nhiệm có liên quan theo quy định của pháp luật đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở đăng ký, bao gồm cả các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được đưa ra lưu hành trước thời điểm có quyết định cho phép chuyển đổi bởi Cục Quản lý Dược.

12. Đối với các hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đang trong quá trình thẩm định, cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về Cục Quản lý Dược để cập nhật các thông tin liên quan đến an toàn, hiệu quả của thuốc so với hồ sơ đăng ký thuốc đã nộp.

13. Chịu trách nhiệm về sở hữu trí tuệ đối với thuốc do cơ sở đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Điều 4. Quy định đối với cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước

a) Thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định tại Điều 43 Luật dược và các văn bản pháp luật có liên quan;

b) Đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật dược và các văn bản pháp luật có liên quan;

c) Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc (viết tắt là GMP) theo lộ trình áp dụng GMP của Bộ Y tế có phạm vi được cấp phù hợp.

2. Cơ sở sản xuất xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài

Phải được đánh giá việc đáp ứng GMP theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

3. Phải sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại đúng cơ sở có giấy phép sản xuất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, không được sản xuất tại các cơ sở khác theo hình thức mượn giấy phép sản xuất (Loan Licence).

4. Được đề nghị thu hồi giấy đăng ký lưu hành của thuốc do cơ sở sản xuất trong trường hợp thuốc, nguyên liệu có vấn đề về chất lượng, an toàn và hiệu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng mà không nhất thiết phải có ý kiến đồng ý của cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Mẫu số 01/TT ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Phối hợp với cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc thực hiện quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 3 Thông tư này.

6. Phối hợp với cơ sở đăng ký thuốc thực hiện các yêu cầu về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền;

7. Chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

8. Chịu trách nhiệm về sở hữu trí tuệ đối với thuốc do cơ sở sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.

Điều 5. Yêu cầu đối với cơ sở đặt gia công và nhận gia công đối với thuốc sản xuất gia công

Đối với thuốc sản xuất gia công được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về hoạt động gia công thuốc.

Điều 6. Yêu cầu về phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc và việc thẩm định bằng thực nghiệm tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm trong đăng ký

1. Đối với thuốc hoá dược, thuốc dược liệu, sinh phẩm (trừ huyết thanh chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết tương người), nguyên liệu làm thuốc:

a) Trường hợp cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước chưa đáp ứng GMP, cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải tiến hành thẩm định bằng thực nghiệm tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm tại cơ sở kiểm nghiệm thuốc của nhà nước đáp ứng GLP hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với phạm vi hoạt động thực hiện.

Cơ sở đăng ký phải nộp kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm có xác nhận của cơ sở kiểm nghiệm trong hồ sơ đăng ký.

b) Đối với trường hợp quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này: Cục Quản lý Dược có văn bản yêu cầu cơ sở đăng ký thuốc tiến hành thẩm định bằng thực nghiệm tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm bởi cơ sở kiểm nghiệm khác do Cục Quản lý Dược chỉ định (bao gồm: cơ sở kiểm nghiệm thuốc của nhà nước đáp ứng GLP hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với phạm vi hoạt động).

Cơ sở đăng ký phải nộp kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm có xác nhận của cơ sở kiểm nghiệm trong hồ sơ đăng ký.

2. Đối với vắc xin, huyết thanh có chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết tương người: Cơ sở đăng ký phải tiến hành gửi mẫu để kiểm tra chất lượng tại Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.

Cơ sở đăng ký phải nộp phiếu kiểm nghiệm, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm có xác nhận bởi Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế trong hồ sơ đăng ký.

3. Yêu cầu đối với kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm nộp trong hồ sơ đăng ký:

a) Kết quả thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và phiếu kiểm nghiệm phải là bản chính và có dấu xác nhận của cơ sở kiểm nghiệm hoặc kiểm định đối với trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều này;

b) Phiếu kiểm nghiệm phải đáp ứng quy định sau:

- Phải được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Trường hợp Phiếu kiểm nghiệm chưa được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, phải có bản dịch công chứng ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh;

- Phải bao gồm các thông tin sau: Thông tin hành chính (tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, số Phiếu kiểm nghiệm, tên và chữ ký của người được giao trách nhiệm, ngày phát hành phiếu kiểm nghiệm) và thông tin về mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc (tên sản phẩm, số lô, hạn dùng, tiêu chuẩn chất lượng áp dụng, chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu chất lượng, kết quả kiểm nghiệm, kết luận về chất lượng lô sản phẩm).

Điều 7. Quy định về báo cáo theo dõi, đánh giá an toàn, hiệu quả trong quá trình lưu hành thuốc

1. Cơ sở đăng ký, sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc phải tổ chức hệ thống, bố trí nhân sự thực hiện việc theo dõi, giám sát, thu thập, tổng hợp, đánh giá và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông tin các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn Thực hành tốt cảnh giác dược (Good Pharmacovigilance Practices) theo lộ trình do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, hướng dẫn quốc gia cảnh giác dược và các quy định có liên quan.

2. Cơ sở đăng ký thuốc phải báo cáo định kỳ 6 tháng một lần và khi nộp hồ sơ đăng ký gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Mẫu 3A/TT (đối với thuốc) hoặc Mẫu 3B/TT (đối với vắc xin) và phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng thuốc báo cáo tình hình sử dụng thuốc theo Mẫu 3C/TT ban hành kèm theo Thông tư này đối với thuốc có thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành là 3 năm và gửi về Cục Quản lý Dược.

Điều 8. Ngôn ngữ, hình thức hồ sơ, mẫu thuốc và phí đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc

1. Ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ đăng ký

Hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và Tóm tắt đặc tính sản phẩm phải được viết bằng tiếng Việt.

2. Hồ sơ đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải được chuẩn bị trên khổ giấy A4, đóng chắc chắn (trừ hồ sơ nộp trực tuyến). Hồ sơ phải được sắp xếp theo đúng trình tự của mục lục, có phân cách giữa các phần. Các phần phân cách phải được đánh số thứ tự để dễ tham khảo và có dấu xác nhận của cơ sở đăng ký hoặc cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở trang đầu tiên của mỗi phần trong toàn bộ hồ sơ (chấp nhận dấu của văn phòng đại diện đối với thuốc nước ngoài). Đối với tiêu chuẩn chất lượng, phương pháp kiểm nghiệm, phiếu kiểm nghiệm và hồ sơ nghiên cứu độ ổn định (áp dụng đối với cả phần hồ sơ dược chất và thuốc thành phẩm) phải có chữ ký và dấu xác nhận của cơ sở sản xuất, trường hợp cơ sở nộp bản sao các phần hồ sơ này thì phải có dấu xác nhận của cơ sở đăng ký (chấp nhận dấu của văn phòng đại diện đối với thuốc nước ngoài).

3. Các thuốc (trừ vắc xin) có chung tất cả các yếu tố sau có thể đăng ký trong cùng một hồ sơ:

- Tên thuốc;

- Dạng bào chế và đường dùng;

- Công thức bào chế;

- Tiêu chuẩn chất lượng thuốc;

- Tên và địa chỉ nhà sản xuất;

- Có cùng hàm lượng tính theo đơn vị chia liều đối với các thuốc dạng rắn;

- Có cùng nồng độ hoặc hàm lượng, chất liệu bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc đối với các thuốc tiêm, truyền.

4. Số lượng các tài liệu phải nộp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành cụ thể như sau:

a) 01 (một) bản gốc có đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8 Điều 27 Thông tư này đối với thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm và hồ sơ quy định tại khoản 1, 2 Điều 32, khoản 1, 2 Điều 35 Thông tư này đối với thuốc dược liệu, nguyên liệu làm thuốc, trong đó mỗi tài liệu trong hồ sơ gồm 01 bản;

b) 02 (hai) bản sao các tài liệu gồm đơn đăng ký thuốc, tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc; riêng đối với vắc xin nộp thêm 01 bản sao đầy đủ hồ sơ;

c) 02 (hai) bộ mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc dự kiến có dấu xác nhận của cơ sở đăng ký (chấp nhận dấu của văn phòng đại diện đối với thuốc nước ngoài) hoặc cơ sở sản xuất. Các nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gắn, thiết kế trên khổ giấy A4.

5. Số lượng các tài liệu phải nộp trong hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành:

a) 01 (một) bản gốc có đầy đủ các tài liệu tùy nội dung đăng ký thay đổi lớn, thay đổi nhỏ theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Thông tư này đối với thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm và khoản 3 Điều 32, khoản 3 Điều 35 Thông tư này đối với thuốc dược liệu, nguyên liệu làm thuốc.

b) 02 (hai) bộ mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc dự kiến đối với trường hợp thay đổi nhãn, hướng dẫn sử dụng, có dấu xác nhận của cơ sở đăng ký (chấp nhận dấu của văn phòng đại diện đối với thuốc nước ngoài) hoặc cơ sở sản xuất. Các nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gắn, thiết kế trên khổ giấy A4.

6. Mẫu vắc xin, huyết thanh có chứa kháng thể, dẫn xuất của máu và huyết tương người: Cơ sở đăng ký gửi mẫu tới Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế để được kiểm nghiệm và cấp phiếu kiểm nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này nhằm phục vụ việc nộp hồ sơ đăng ký.

7. Quy định về việc áp dụng hồ sơ trực tuyến:

a) Không áp dụng nộp hồ sơ trực tuyến đối với:

- Thuốc mới, vắc xin lần đầu đăng ký lưu hành, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự lần đầu đăng ký lưu hành;

- Thuốc có hồ sơ lâm sàng, tài liệu chứng minh tương đương sinh học.

b) Đối với các hồ sơ áp dụng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến: phải nộp kèm hồ sơ hành chính dạng bản giấy.

Điều 9. Phí đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải nộp phí liên quan đến đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc (GMP) và thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm quy định tại Điều 6 Thông tư này theo quy định của pháp luật hiện hành về phí và lệ phí.

Điều 10. Quy định cụ thể đối với các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đăng ký thuốc

1. Đối với các giấy tờ do cơ quan quản lý nước ngoài cấp phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật.

2. Các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ phải còn hiệu lực tại thời điểm tiếp nhận ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và phải được thể hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt.

3. Các giấy tờ pháp lý có thể nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực đáp ứng các quy định như sau:

a) Trường hợp nộp bản chính: Bản chính phải có đầy đủ chữ ký trực tiếp, tên người ký và dấu xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của nước cấp giấy chứng nhận, giấy phép;

b) Trường hợp nộp bản sao: Bản sao do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về chứng thực bản sao từ bản chính. Trong trường hợp cần thiết xuất trình bản chính để đối chiếu.

c) Trường hợp giấy tờ pháp lý được cấp là bản điện tử không thể hiện đầy đủ chữ ký, tên người ký và dấu xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của nước cấp giấy chứng nhận, giấy phép thì cơ sở đăng ký phải nộp công văn giải trình kèm thông tin về đường dẫn truy cập website (website  tiếng Anh) của cơ quan cấp giấy chứng nhận, giấy phép và cam kết chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các giấy chứng nhận, giấy phép nêu trên.

4. Quy định đối với CPP:

a) Thời hạn hiệu lực ghi trên CPP: không chấp nhận CPP có thời hạn hiệu lực dưới 01 năm.

b) Thời hạn hiệu lực còn lại của CPP tại thời điểm nộp hồ sơ

- Đối với CPP có thời hạn hiệu lực 1 năm: chỉ chấp nhận CPP còn hiệu lực tối thiểu 6 tháng;

- Đối với CPP có thời hạn hiệu lực trên 1 năm: chỉ chấp nhận CPP còn hiệu lực tối thiểu 12 tháng;

- Trường hợp CPP không ghi thời hạn hiệu lực: chỉ chấp nhận CPP được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.

c) CPP phải có chữ ký, tên người ký, ngày cấp và dấu của cơ quan cấp CPP;

d) CPP phải được cấp bởi cơ quan quản lý về dược phẩm có thẩm quyền cấp quốc gia.

Trường hợp cơ quan cấp CPP không phải là cơ quan quản lý về dược phẩm cấp quốc gia hoặc không phải là cơ quan quản lý về dược phẩm, phải cung cấp tài liệu chứng minh là cơ quan có thẩm quyền được cấp CPP và cơ quan quản lý về dược phẩm tại nước đó không thực hiện việc cấp CPP.

đ) Phải có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước sở tại về tính xác thực của chữ ký, tên người ký và dấu của cơ quan cấp CPP; Trường hợp nội dung xác nhận này không được thể hiện bằng tiếng Anh thì phải dịch công chứng sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

e) CPP nộp phải là bản chính có chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự.

g) Nội dung của CPP:

- CPP phải có đầy đủ thông tin theo các mục quy định tại Mẫu 01/ACTD ban hành kèm theo Thông tư này;

- Phải kèm công thức bào chế của thuốc có xác nhận bởi cơ quan cấp CPP, trong đó nêu rõ tên, thành phần, nồng độ, hàm lượng của từng dược chất, tá dược;

- Đối với dạng bào chế viên nang mềm, viên nang cứng phải có thêm mô tả chi tiết thành phần công thức của vỏ nang;

- Trường hợp thuốc có sự tham gia sản xuất bởi nhiều cơ sở sản xuất khác nhau thì CPP phải ghi rõ tên, địa chỉ, vai trò của từng cơ sở;

- Trường hợp CPP không có thông tin cơ sở sản xuất thuốc đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), cơ sở đăng ký phải nộp kèm giấy chứng nhận GMP của tất cả các cơ sở sản xuất đáp ứng quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này;

h) Đối với thuốc generic, thuốc dược liệu nhập khẩu: CPP xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất. Trường hợp thuốc không được cấp phép lưu hành ở nước sản xuất hoặc được cấp phép nhưng không lưu hành thực tế ở nước sản xuất, cơ sở đăng ký phải cung cấp CPP có xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở một trong các nước quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư này.

i) Đối với thuốc hóa dược mới và sinh phẩm nhập khẩu

- CPP xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất. Nếu nước sản xuất không thuộc một trong các nước quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư này thì phải có thêm CPP xác nhận thuốc được cấp phép ở một trong các nước quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư này.

- Trường hợp thuốc không lưu hành tại nước sản xuất thì phải có CPP do cơ quan quản lý ở một trong các nước quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư này xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành thực tế.

k) Đối với vắc xin nhập khẩu

- CPP xác nhận vắc xin được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất. Nếu nước sản xuất không thuộc một trong các nước quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này phải có thêm CPP xác nhận vắc xin được cấp phép bởi một trong các cơ quan quản lý quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này.

- Trường hợp vắc xin không lưu hành tại nước sản xuất thì phải có CPP do một trong các cơ quan quản lý quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này xác nhận vắc xin được cấp phép và lưu hành thực tế.

- Trường hợp nước sản xuất thuộc Châu Âu và CPP do Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp thì chỉ cần cung cấp CPP thể hiện vắc xin được cấp phép và lưu hành thực tế tại Châu Âu (không yêu cầu thêm CPP từ bất kỳ nước nào khác).

l) Đối với thuốc generic nhập khẩu có báo cáo tương đương sinh học

- Phải có CPP xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất. Nếu nước sản xuất không thuộc một trong các nước quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư này thì phải có thêm CPP xác nhận thuốc được cấp phép bởi một trong các nước quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư này.

- Trường hợp thuốc không được cấp phép bởi một trong số các nước quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư này: ngoài yêu cầu CPP xác nhận thuốc được cấp phép và lưu hành ở nước sản xuất thì phải có báo cáo tương đương sinh học của thuốc đã được thực hiện tại cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc tại Việt Nam hoặc tại các cơ sở thử tương tương sinh học mà Việt Nam công nhận theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc theo các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

m) Đối với thuốc, vắc xin, sinh phẩm nhập khẩu không cung cấp được CPP đáp ứng quy định tại điểm a, h, i, k, l khoản này, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi được cấp phép lưu hành bởi ít nhất một cơ quan quản lý trên thế giới và thuộc một trong các trường hợp sau:

- Thuốc, vắc xin, sinh phẩm để đáp ứng nhu cầu cho quốc phòng, an ninh; phòng, chống dịch, bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa mà trên thị trường chưa có sẵn các thuốc khác có khả năng thay thế về mặt số lượng, chất lượng, an toàn, hiệu quả hoặc chi phí sử dụng;

- Vắc xin dùng cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mà trên thị trường không sẵn có vắc xin khác có khả năng thay thế về mặt số lượng, chất lượng, an toàn, hiệu quả hoặc chi phí sử dụng vắc xin.

n) Các thông tin thể hiện trên CPP phải thống nhất với các thông tin có liên quan trong hồ sơ đăng ký thuốc.

7. Đơn đăng ký và các hồ sơ, tài liệu khác trong phần hồ sơ hành chính  có liên quan phải do Chủ tịch hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc cơ sở hoặc người được những người có chức danh nêu trên ủy quyền trực tiếp để ký và đóng dấu. Không chấp nhận chữ ký dấu.

8. Giấy ủy quyền thực hiện theo Mẫu 05/TT ban hành kèm theo Thông tư này và được yêu cầu nộp trong các trường hợp sau đây:

- Ủy quyền được đứng tên cơ sở đăng ký theo Mẫu 5A ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy ủy quyền đứng tên cơ sở đăng ký đối với thuốc nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

Mỗi hồ sơ phải nộp kèm một giấy ủy quyền bản chính hoặc bản sao do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về chứng thực bản sao từ bản chính.

- Ủy quyền ký tên trên hồ sơ đăng ký theo Mẫu 5B ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp người được ủy quyền ký tên trên hồ sơ không phải  trưởng văn phòng đại diện, trên giấy ủy quyền phải có dấu và chữ ký xác nhận của trưởng văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Mỗi hồ sơ phải nộp kèm một giấy ủy quyền bản chính hoặc bản sao có dấu xác nhận của văn phòng đại diện (trường hợp là cơ sở đăng ký nước ngoài), hoặc dấu xác nhận của sơ sở đăng ký trong nước).

9. Bản sao hợp đồng chuyển giao công nghệ có dấu xác nhận của bên nhận chuyển giao đối với thuốc chuyển giao công nghệ.

10. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu là bản sao có chứng thực (đối với cơ sở đăng ký của Việt Nam).

11. Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam là bản sao có chứng thực.

Trường hợp tên, địa chỉ của cơ sở đăng ký trên Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam khác với tên, địa chỉ trên Giấy tờ pháp lý của cơ sở đăng ký do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải cung cấp tài liệu chứng minh.

12. Giấy tờ pháp lý do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp cho phép thực hiện ít nhất một trong các hình thức kinh doanh sau: sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc (đối với cơ sở đăng ký của nước ngoài).

Trường hợp cơ sở đăng ký thuốc đồng thời là cơ sở sản xuất thuốc ghi trên CPP thì không yêu cầu phải nộp Giấy tờ pháp lý theo quy định tại khoản này.

Trường hợp các nước không cấp giấy phép sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, phải có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh có phạm vi kinh doanh là ít nhất một trong các hình thức sau: sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc kèm theo giấy chứng nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền chứng nhận cơ sở đáp ứng điều kiện và đang hoạt động về dược hoặc một trong các giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc, thực hành tốt phân phối thuốc, thực hành tốt cung cấp thuốc, thực hành tốt bảo quản thuốc.

Đối với cơ sở đăng ký nguyên liệu làm thuốc, trường hợp nước sở tại không cấp giấy phép kinh doanh dược cho các cơ sở kinh doanh nguyên liệu làm thuốc, chấp nhận các giấy phép theo quy định của nước sở tại trong đó có nội dung xác định phạm vi kinh doanh của cơ sở là một trong các hình thức: sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc.

13. Trường hợp cơ sở đăng ký đã có tên trong danh mục cơ sở đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược thì không yêu cầu phải nộp giấy tờ quy định tại khoản 10, 11, 12 Điều này.

14. Giấy tờ pháp lý của cơ sở sản xuất dược chất, tá dược, vỏ nang, bán thành phẩm dược liệu chứng minh đáp ứng thực hành tốt sản xuất nguyên liệu làm thuốc (GMP). Giấy tờ pháp lý có thể là một trong các loại giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận GMP;

b) Giấy phép sản xuất có xác nhận nội dung cơ sở sản xuất đáp ứng GMP;

c) CPP đối với dược chất có nội dung đáp ứng GMP;

d) Chứng nhận phù hợp chuyên luận Dược điển Châu Âu (CEP).

15. Mẫu nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thực tế của thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành tại nước cấp CPP có dấu xác nhận của văn phòng đại diện hoặc cơ sở đăng ký hoặc cơ sở sản xuất. Tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh hoặc bản dịch công chứng sang tiếng Việt để tham khảo.

16. Mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc dự kiến lưu hành tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và yêu cầu cụ thể như sau.

a) Mẫu nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng dự kiến lưu hành phải có dấu xác nhận của văn phòng đại diện hoặc cơ sở đăng ký hoặc cơ sở sản xuất.

b) Nhãn bao bì ngoài của thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải được in mã vạch (Bar code) hoặc mã QR (Quick response) theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 50 Thông tư này.

Điều 11. Hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký gia hạn

1. Thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc là 05 năm kể từ ngày cấp hoặc gia hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều này.

2. Các thuốc có yêu cầu tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả có thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc là 03 năm kể từ ngày cấp, bao gồm:

a) Thuốc mới, vắc xin lần đầu cấp giấy đăng ký lưu hành, sinh phẩm tham chiếu lần đầu cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam;

b) Thuốc được cấp phép lưu hành trong thời gian thuốc mới hoặc sinh phẩm tham chiếu chưa được cấp giấy đăng ký với thời hạn 05 năm;

c) Thuốc thuộc trường hợp quy định tại điểm a và b khoản này nhưng tại thời điểm nộp hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành mà chưa có báo cáo an toàn, hiệu quả vì lý do thương mại, có báo cáo an toàn, hiệu quả nhưng số lượng thuốc sử dụng, số lượng bệnh nhân, thời gian sử dụng còn hạn chế hoặc có khuyến nghị của cơ sở khám chữa bệnh về việc cần tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả.

d) Các trường hợp tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả theo ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

3. Các thuốc thực hiện đóng gói thứ cấp tại Việt Nam có thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc là 03 năm kể từ ngày cấp.

4. Trong thời hạn 12 tháng trước khi giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực, cơ sở đăng ký có thể nộp hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành. Sau ngày giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực, cơ sở nộp hồ sơ theo hình thức cấp giấy đăng ký lưu hành.

Điều 12. Yêu cầu đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc gia hạn giấy đăng ký lưu hành

1. Thuốc được xem xét gia hạn khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. Đối với thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm hồ sơ đăng ký đã thực hiện theo bộ hồ sơ ACTD hoặc ICH-CTD.

b) Đã nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này.

c) Đã cập nhật tiêu chuẩn chất lượng thuốc hoặc đã nộp hồ sơ cập nhật tiêu chuẩn chất lượng thuốc và đang được thẩm định trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký gia hạn theo Thông tư quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

d) Đã cập nhật nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

đ) Hồ sơ gia hạn không có bất kì thay đổi so với hồ sơ đăng ký đã được Bộ Y tế phê duyệt, trừ thay đổi phần hồ sơ hành chính.

2. Nguyên liệu được xem xét gia hạn khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Nguyên liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành.

b) Đã nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này.

c) Đã cập nhật tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu làm thuốc hoặc đã nộp hồ sơ cập nhật tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu làm thuốc và đang được thẩm định trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký gia hạn theo Thông tư hướng dẫn việc quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

d) Hồ sơ gia hạn không có bất kì thay đổi so với hồ sơ đăng ký đã được Bộ Y tế phê duyệt, trừ thay đổi phần hồ sơ hành chính.

3. Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đáp ứng các yêu cầu tại khoản 1, khoản 2 Điều này nếu muốn tiếp tục lưu hành thì phải nộp hồ sơ theo hình thức cấp giấy đăng ký lưu hành.

4. Thuốc, nguyên liệu làm thuốc có thể được gia hạn nhiều lần nếu đáp ứng điều kiện gia hạn.

Điều 13. Yêu cầu đối với thuốc đề nghị phân loại biệt dược gốc

1. Thuốc đề nghị được phân loại biệt dược gốc (không áp dụng đối với sinh phẩm tương tự) phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

a) Có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả theo quy định tại Điều 17 Thông tư này;

b) Được cấp phép lưu hành bởi một trong các cơ quan quy định tại khoản 9, 10 Điều 2 Thông tư này, trừ thuốc mới sản xuất tại Việt Nam.

2. Đối với thuốc đã được Bộ Y tế công bố biệt dược gốc, sau đó chuyển sang sản xuất một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn tại cơ sở sản xuất thuốc tại Việt Nam phải bảo đảm biệt dược gốc và thuốc sản xuất tại Việt Nam đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Cùng công thức bào chế;

b) Cùng quy trình sản xuất;

c) Cùng tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu;

d) Cùng tiêu chuẩn chất lượng thuốc thành phẩm;

đ) Bất kỳ thay đổi liên quan đến yêu cầu tại điểm a, b, c, d khoản này, cơ sở đăng ký phải cung cấp dữ liệu chứng minh chất lượng, an toàn, hiệu quả tương tự biệt dược gốc.

Điều 14. Điều kiện đăng ký thuốc sản xuất tại Việt Nam theo hình thức chuyển giao công nghệ, đóng gói thứ cấp tại Việt Nam.

1. Thuốc đăng ký theo hình thức chuyển giao công nghệ phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

a) Việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc có thể được thực hiện theo hình thức chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn của quy trình sản xuất thuốc thành phẩm, không áp dụng đối với trường hợp chỉ chuyển giao công đoạn đóng gói thứ cấp.

b) Thuốc đăng ký phải có cùng tiêu chuẩn chất lượng với thuốc trước khi chuyển giao công nghệ.

c) Đối với thuốc generic có tác dụng toàn thân, thuốc trước khi chuyển giao công nghệ phải đã được chứng minh tương đương sinh học.

d) Hồ sơ đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 27 Thông tư này.

2. Thuốc thực hiện đóng gói thứ cấp tại Việt Nam

a) Sau 03 năm kể từ ngày thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành đóng gói thứ cấp tại Việt Nam: cơ sở đăng ký, cơ sở sản xuất phải thực hiện chuyển giao công nghệ toàn bộ các công đoạn của quy trình sản xuất theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Hồ sơ đáp ứng quy định tại khoản 6 Điều 27 Thông tư này.

Điều 15. Yêu cầu bảo mật dữ liệu đối với hồ sơ đăng ký thuốc

Cơ sở đăng ký thuốc có nhu cầu bảo mật dữ liệu đối với hồ sơ đăng ký thuốc thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2010/TT-BYT ngày 01/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn bảo mật dữ liệu thử nghiệm trong đăng ký thuốc và phải nêu rõ đề nghị trong đơn đăng ký theo Mẫu 6A/TT ban hành kèm Thông tư này.

Điều 16. Quy định về xác minh tính xác thực của các thông tin trên giấy tờ pháp lý

Các trường hợp thực hiện thủ tục xác minh tính xác thực của giấy tờ pháp lý:

1. Xác minh CPP đối với tất cả các hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc.

2. Xác minh giấy phép sản xuất, kinh doanh dược của cơ sở đăng ký nước ngoài lần đầu đăng ký thuốc tại Việt Nam.

Thời hạn xác minh sẽ không được tính vào thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật dược. Cục Quản lý Dược thông báo cho cơ sở đăng ký biết rõ lý do trường hợp chưa cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Chương II

YÊU CẦU VỀ DỮ LIỆU LÂM SÀNG VÀ TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH TRƯỜNG HỢP MIỄN THỬ, MIỄN MỘT SỐ GIAI ĐOẠN THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG, THUỐC PHẢI THỬ LÂM SÀNG GIAI ĐOẠN 4 TẠI VIỆT NAM

Điều 17. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành đối với thuốc hóa dược mới, vắc xin, sinh phẩm

1. Phải có đầy đủ hồ sơ lâm sàng để chứng minh an toàn, hiệu quả theo quy định của ASEAN (ACTD) theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc ICH-CTD.

2. Các nghiên cứu lâm sàng của thuốc, các dữ liệu trong hồ sơ lâm sàng phải phù hợp với hướng dẫn của ICH, Bộ Y tế Việt Nam hoặc hướng dẫn của các tổ chức khác mà Việt Nam công nhận (bao gồm: hướng dẫn của tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hướng dẫn cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này). Trong trường hợp nghiên cứu được thực hiện trước thời điểm có quy định, hướng dẫn nêu trên về nghiên cứu phát triển thuốc thì được xem xét chấp nhận dữ liệu của nghiên cứu này để thẩm định.

3. Hồ sơ phải bao gồm nội dung phân tích, biện giải về ảnh hưởng của yếu tố chủng tộc người châu Á liên quan đến an toàn, hiệu quả của thuốc nhằm ngoại suy dữ liệu lâm sàng trên chủng tộc người châu Á.

Điều 18. Tiêu chí xác định miễn giảm dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc

Thuốc, vắc xin, sinh phẩm thuộc các trường hợp sau được Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc miễn giảm dữ liệu lâm sàng so với quy định tại Điều 17 Thông tư này trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc:

1. Thuốc, vắc xin, sinh phẩm đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa mà trên thị trường chưa có sẵn các thuốc khác có khả năng thay thế.

2. Thuốc, vắc xin, sinh phẩm đã được cấp phép lưu hành bởi ít nhất hai trong số các cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này hoặc đã được cấp phép lưu hành bởi Mỹ (US FDA) hoặc bởi EMA dựa trên hồ sơ lâm sàng miễn giảm theo quy định của các cơ quan này.

3. Thuốc dùng để điều trị các bệnh hiếm gặp; bệnh hiểm nghèo do Bộ trưởng Bộ Y tế công bố.

4. Vắc xin, sinh phẩm được sản xuất tại Việt Nam theo hình thức chuyển giao công nghệ một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn của quy trình sản xuất thành phẩm.

Điều 19. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành đối với thuốc có sự kết hợp mới của các dược chất

Thuốc có sự kết hợp mới của các dược chất phải có hồ sơ lâm sàng đầy đủ theo quy định tại Điều 17 Thông tư này và phù hợp theo hướng dẫn của US FDA, EMA hoặc WHO về phát triển lâm sàng thuốc phối hợp cố định liều theo Phụ lục… ban hành kèm Thông tư này.

Điều 20. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành đối với sinh phẩm tương tự

Sinh phẩm tương tự phải có hồ sơ lâm sàng đầy đủ theo quy định tại Điều 17 Thông tư này và phù hợp theo hướng dẫn về phát triển sinh phẩm tương tự của Bộ Y tế Việt Nam; US FDA, EMA, hoặc WHO theo Phụ lục… ban hành kèm Thông tư này.

Điều 21. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc hóa dược mới không phải là biệt dược gốc và thuốc có hàm lượng, nồng độ, đường dùng, cách dùng, liều dùng, chỉ định, đối tượng bệnh nhân khác so với biệt dược gốc

1. Đối với thuốc hóa dược mới không phải là biệt dược gốc: phải được cấp phép lưu hành bởi ít nhất một cơ quan quản lý tham chiếu quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư này và cung cấp hồ sơ lâm sàng theo quy định của ASEAN (ACTD) hoặc ICH-CTD trên cơ sở dữ liệu lâm sàng của sản phẩm đăng ký (bao gồm cả dữ liệu về nghiên cứu tương đương sinh học (nếu có)) và của biệt dược gốc (theo thỏa thuận với chủ sở hữu biệt dược gốc) hoặc dữ liệu lâm sàng tập hợp từ các công trình nghiên cứu công bố trong y văn.

2. Đối với thuốc hóa dược có hàm lượng, nồng độ, đường dùng, cách dùng, liều dùng, chỉ định, đối tượng bệnh nhân khác so với biệt dược gốc hoặc có dạng bào chế mới ảnh hưởng đến sinh dược học của thuốc phải có hồ sơ lâm sàng theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

Điều 22. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành đối với thuốc dược liệu

1. Phải có đầy đủ hồ sơ lâm sàng để chứng minh tính an toàn, hiệu quả của thuốc theo quy định của Phụ lục… ban hành kèm theo Thông tư này hoặc theo quy định của ASEAN (ACTD), ICH-CTD.

2. Các nghiên cứu lâm sàng của thuốc, các dữ liệu trong hồ sơ lâm sàng phải phù hợp với Hướng dẫn nghiên cứu phi lâm sàng và lâm sàng thuốc đông y, thuốc từ dược liệu của Bộ Y tế hoặc của tổ chức khác mà Việt Nam công nhận, bao gồm: Hướng dẫn nghiên cứu đánh giá an toàn và hiệu quả của thuốc dược liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (Research guidelines for evaluating the safety and efficacy of herbal medicines) hoặc cơ quan quản lý quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư này. Trong trường hợp nghiên cứu được thực hiện trước thời điểm có quy định, hướng dẫn nêu trên về nghiên cứu phát triển thuốc thì được xem xét chấp nhận dữ liệu của nghiên cứu để thẩm định.

3. Thuốc dược liệu có tài liệu sau được xem xét là nguồn dữ liệu trong quá trình thẩm định hồ sơ chứng minh tính an toàn, hiệu quả của thuốc:

a) Các chuyên luận liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đề cập trong các dược điển, dược thư của Việt Nam hoặc của các nước trên thế giới.

b) Các bài báo đánh giá về tính an toàn, hiệu quả của thuốc được đăng tải trên các tạp chí thuộc danh mục SCI (Science Citation Index) - Chỉ số trích dẫn khoa học.

c) Báo cáo nghiệm thu đánh giá tính an toàn, hiệu quả của cấp có thẩm quyền đối với thuốc dược liệu được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ hoặc cấp tỉnh.

4. Thuốc dược liệu được miễn thử lâm sàng nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Thuốc dược liệu có cùng thành phần, khối lượng dược liệu, chỉ định, đường dùng với một thuốc dược liệu khác đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và không có chỉ định đối với các bệnh thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

b) Thuốc dược liệu đã được cấp giấy phép lưu hành bởi một trong các cơ quan quản lý quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư này.

5. Phải có kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 đối với các trường hợp sau:

a) Thuốc có sự phối hợp mới của các dược liệu đã từng sử dụng làm thuốc tại Việt Nam và không có chỉ định thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

b) Thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và có chỉ định đối với các bệnh thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

6. Phải có kết quả nghiên cứu lâm sàng đầy đủ các giai đoạn 1, 2 và 3 đối với các trường hợp sau:

a) Thuốc có dược liệu lần đầu tiên được sử dụng làm thuốc tại Việt Nam;

b) Thuốc có sự kết hợp mới của dược liệu đã từng sử dụng tại Việt Nam và có chỉ định thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Điều 23. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hồ sơ đăng ký lưu hành đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thay đổi, bổ sung liên quan đến dữ liệu lâm sàng so với hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt

Thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam có thay đổi, bổ sung liên quan đến dữ liệu lâm sàng so với hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt, cơ sở đăng ký phải bổ sung dữ liệu lâm sàng theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 24. Tiêu chí để xác định trường hợp được miễn thử lâm sàng tại Việt Nam

1. Thuốc generic có cùng dược chất, hàm lượng, nồng độ, đường dùng, cách dùng, liều dùng, chỉ định, đối tượng bệnh nhân, dạng bào chế với một thuốc khác đã được cấp giấy đăng ký lưu hành.

2. Thuốc mới (trừ vắc xin) đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới và có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

3. Vắc xin đã được cấp phép lưu hành đáp ứng quy định tại điểm k khoản 4 Điều 10 Thông tư này và có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----

Ngày:07/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM