Nghị quyết 93/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế

Nghị quyết số 93/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế do chính phủ ban hành ngày 15 tháng 12 năm 2014. Mời các bạn tham khảo!

Nghị quyết 93/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế

CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 93/NQ-CP Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2014

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN Y TẾ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;

Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2014 (Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2014),

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đồng ý đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách sau nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường đại học y dược công (sau đây gọi chung là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công) được hợp tác, đầu tư để thực hiện dự án theo những phương thức sau:

a) Vay vốn để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khuôn viên đất hiện có và được quyết định tổ chức bộ máy, phương thức quản lý phù hợp.

b) Liên doanh, liên kết (góp vốn bằng: tiền; cơ sở vật chất; năng lực, chất lượng, uy tín của đơn vị) với các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Thời gian liên doanh, liên kết do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật.

- Đối với các dự án xây dựng trên đất được giao của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công. Hết thời gian liên doanh, liên kết thì tài sản trên đất thuộc về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công.

- Đối với các dự án xây dựng trên đất không thuộc quyền sử dụng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới được mang tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công; tên gọi cụ thể do các bên thỏa thuận.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được cử công chức, viên chức (gọi tắt là người lao động) làm việc tại bệnh viện tư.

3. Cơ chế về vốn, tín dụng đầu tư

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được vay vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo các phương thức quy định tại Khoản 1 Điều này.

b) Trường hợp vay vốn của tổ chức tín dụng sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng và lãi suất cho vay đầu tư phát triển của nhà nước.

c) Vốn góp, vốn vay của các tổ chức, cá nhân (kể cả công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị); Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

d) Vốn góp bằng giá trị năng lực, chất lượng và uy tín của đơn vị: Phải được đánh giá tương xứng với giá trị, do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và nhà đầu tư thỏa thuận trong Đề án liên doanh, liên kết và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỷ lệ này được ổn định trong suốt quá trình hoạt động của liên doanh, liên kết, kể cả trong trường hợp mở rộng quy mô hoặc tăng vốn hoạt động của cơ sở liên doanh, liên kết.

4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được cử người lao động sang làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này theo nguyên tắc công khai, dân chủ, tự nguyện của người lao động. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công chịu trách nhiệm và có phương án bảo đảm nhân lực cho hoạt động bình thường của đơn vị.

5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu tại Khoản 1 Điều này được áp dụng chế độ khấu hao của doanh nghiệp; được áp dụng chính sách và mức thuế thu nhập ưu đãi nhất theo quy định của pháp luật.

6. Giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo nguyên tắc tính đủ chi phí và có tích lũy. Thủ trưởng đơn vị y tế công quyết định mức giá cụ thể trong phạm vi khung giá do Liên Bộ Y tế - Tài chính quy định. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp được quyền quyết định mức giá. Các đơn vị phải thực hiện kê khai và niêm yết giá dịch vụ theo quy định.

7. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công chưa được cấp có thẩm quyền xác định toàn bộ giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý sử dụng như đối với doanh nghiệp nhà nước thì phải xác định giá trị của các tài sản sử dụng làm vốn góp theo quy định trước khi thực hiện các dự án đầu tư theo quy định tại Nghị quyết này.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công có các dự án vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, của các tổ chức tín dụng khác theo các phương thức quy định tại Khoản 1 Điều 1 trước ngày ban hành Nghị quyết này xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt để được hưởng các chế độ, chính sách quy định tại Nghị quyết này.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công thực hiện các phương thức đầu tư theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 phải xây dựng Đề án trình người có thẩm quyền: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công do trung ương quản lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các đơn vị y tế công do địa phương quản lý phê duyệt trước khi thực hiện.

3. Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng và ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc tính đủ chi phí và có tích lũy./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiệm sát nhân dân tối cao;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng
Ngày:09/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM