GDCD 9 Bài 1: Chí công vô tư
Bài học giúp các em hiểu rõ về chí công vô tư và các hành động chí công vô tư trong cuộc sống. Hi vọng đây là tài liệu bổ ích cho các em học sinh lớp 9. Mời các em cùng tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1 Đặt vấn đề
a. Tô Hiến Thành - một tấm gương về chí công vô tư
- Tô Hiến Thành dùng người là hoàn toàn chỉ căn cứ vào khả năng của từng người khi gánh vác công việc chung, chứ không vì tình thân mà tiến cử họ khi công việc không phù hợp.
- Tô Hiến Thành là người rất công bằng, không thiên vị, giải quyết công việc theo lẽ phải, xuất phát từ lợi ích chung.
b. Điều mong muốn của Bác Hồ
- Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng tuyệt vời, một con người dành trọn đời mình cho quyền lợi của dân tộc, của đất nước.
- Chính nhờ phẩm chất cao đẹp đó, Bác đã nhận tình cảm của nhân dân đó là sự tin yêu, lòng kính trọng, sự khâm phục, lòng tự hào, sự gắn bó vô cùng gần gũi, thân thiết.
⇒ Tô Hiến Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh là 2 tấm gương tiêu biểu của những con người luôn hoạt động, làm việc cho lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội, góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc.
1.2. Nội dung bài học
a. Khái niệm
- Chí công vô tư là phẩm chất đạo đức của con người thể hện ở sự công bằng, không thiên vị, giải quyết công việc theo lẽ phải, xuất phát từ lợi ích chung, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
b. Ý nghĩa
- Chí công vô tư đem lại lợi ích cho tập thể và cộng đồng xã hội, góp phần làm cho đất nước thêm giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Người có phẩm chất chí công vô tư sẽ được mọi người tin cậy và kính trọng.
c. Cách rèn luyện
- Học sinh cần có thái độ ủng hộ, học tập và quý trọng người có phẩm chất chí công vô tư.
- Đấu tranh với những hành vi vụ lợi cá nhân, thiếu công bằng khi giải quyết các công việc.
d. Danh ngôn
"Phải để việc công, việc nước lên trên, lên trước việc tư, việc nhà" (Hồ Chí Minh)
2. Luyện tập
Câu 1: Trong những hành vi sau đây, theo em, hành vi nào thể hiện phẩm chất chí công vô tư hoặc không chí công vô tư ? Vì sao ?
a) Mai là học sinh giỏi của lớp 9A, nhưng Mai không muốn tham gia các hoạt động tập thể của trường, lớp vì sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân ;
b) Là lớp trưởng, Quân thường bỏ qua khuyết điểm cho những bạn chơi thân với mình ;
c) Là cán bộ lãnh đạo nhà máy, ông Lợi cho rằng chỉ nên đề bạt những người luôn ủng hộ và bảo vệ ông trong mọi việc ;
d) Trong đợt bình xét thi đua cuối năm, Lan cho rằng chỉ nên bầu những bạn có đủ tiêu chuẩn đã đề ra ;
đ) Để chấn chỉnh nền nếp kỉ luật trong xí nghiệp, theo ông Đĩnh cần phải xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm của cán bộ cấp dưới ;
e) Nhà bà Nga ở mặt phố, rất thuận lợi cho công việc kinh doanh, nhưng khi Nhà nước có chủ trương về giải phóng mặt bằng để mở đường, bà Nga vui vẻ chấp hành.
Gợi ý trả lời
- Hành vi thể hiện phẩm chất chí công vô tư: (d), (đ), (e) vì:
+ Việc làm của Lan (d) thể hiện sự công bằng, không thiên vị.
+ Việc làm của bà Nga (e) là đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân.
- Hành vi không thể hiện phẩm chất chí công vô tư: (a), (b), (c) vì:
Việc làm của Mai, Quân và ông Lợi đều xuất phát từ lợi ích cá nhân hay do tình cảm riêng tư chi phôi mà giải quyết công việc một cách thiên lệch không công bằng.
Câu 2: Em tán thành hay không tán thành với những quan điểm nào sau đây ? Vì sao ?
a) Chỉ những người có chức, có quyền mới cần phải chí công vô tư ;
b) Người sống chí công vô tư chỉ thiệt cho mình ;
c) Học sinh còn nhỏ tuổi thì không thể rèn luyện được phẩm chất chí công vô tư;
d) Chí công vô tư là phẩm chất tốt đẹp của công dân ;
đ) Chí công vô tư phải thể hiện ở cả lời nói và việc làm.
Gợi ý trả lời
- Tán thành với quan điểm (d), (đ).
- Không tán thành với các quan điểm sau:
+ Quan điểm (a): Vì chí công vô tư là phẩm chất đạo đức đẹp và cần thiết đối với tất cả mọi người chứ không phải chỉ với người có chức, có quyền.
+ Quan điểm (b): Vì chí công vô tư đem lại lợi ích cho tập thể và cộng đồng xã hội. Mọi người đều chí công vô tư thì đất nước sẽ giàu mạnh, xã hội tốt đẹp, công bằng, cuộc sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
+ Quan điểm (c): Vì phẩm chất chí công vô tư được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ, khi còn là học sinh thông qua lời nói và việc làm hàng ngày, trong quan hệ đối xử với mọi người xung quanh (trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội...)
Câu 3: Em hiểu thế nào về chí công vô tư và tác dụng của nó đối với đời sống cộng đồng ?
Gợi ý trả lời
- Chí công vô tư là phẩm chất đạo đức của con người, thể hiện ở sự công bằng, không thiên vị, giải quyết công việc theo lẽ phải xuất phát từ lợi ích chung và đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân
- Tác dụng:
+ Chí công vô tư đem lại lợi ích cho tập thể và cộng đồng xã hội, góp phần làm cho đất nước thêm giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
+ Người có phẩm chất chí công vô tư sẽ được mọi người tin cậy và kính trọng.
3. Kết luận
- Qua bài học các em cần ghi nhớ:
+ Thế nào là chí công vô tư.
+ Biểu hiện của chí công vô tư.
+ Ý nghĩa của chí công vô tư.
- Qua đó, các em biết thể hiện chí công vô tư trong đời sống hằng ngày.
Tham khảo thêm
- doc GDCD 9 Bài 2: Tự chủ
- doc GDCD 9 Bài 3: Dân chủ và kỉ luật
- doc GDCD 9 Bài 4: Bảo vệ hòa bình
- doc GDCD 9 Bài 5: Tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới
- doc GDCD 9 Bài 6: Hợp tác cùng phát triển
- doc GDCD 9 Bài 7: Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc
- doc GDCD 9 Bài 8: Năng động, sáng tạo
- doc GDCD 9 Bài 9: Làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả
- doc GDCD 9 Bài 10: Lí tưởng sống của thanh niên