Lý 8 Bài 6: Lực ma sát

Lực ma sát vừa có hại vừa có ích cho cuộc sống của chúng ta. Để hiểu kĩ hơn về lực ma sát, eLib xin chia sẻ bài Lực ma sát thuộc chương trình SGK lớp 8. Hi vọng với kiến thức trọng tâm và hướng dẫn trả lời câu hỏi một cách chi tiết, đây sẽ là tài liệu giúp các em học tập tốt hơn.

Lý 8 Bài 6: Lực ma sát

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Lực ma sát

Các lực cản trở chuyển động của một vật, tạo ra bởi những vật tiếp xúc với nó được gọi là lực ma sát.

a) Lực ma sát trượt

- Lực ma sát trượt sinh ra khi một vật trượt trên bề mặt của vật khác.

- Lực ma sát trượt luôn ngược hướng chuyển động.

Lực ma sát trượt
  • Ví dụ: Ở vĩ cầm (đàn violon), khi cọ xát cần kéo trên dây đàn thì giữa chúng xuất hiện lực ma sát trượt làm dây đàn dao động và phát ra âm thanh.

Vĩ cầm

b) Lực ma sát lăn

- Lực ma sát lăn sinh ra khi một vật lăn trên bề mặt của vật khác.

- Lực ma sát lăn thường rất nhỏ so với lực ma sát trượt.

  • Ví dụ: Lực ma sát lăn làm cản trở chuyển động của các vật lăn trên mặt phẳng như bánh xe đạp.

Lực ma sát lăn

c) Lực ma sát nghỉ

- Lực ma sát nghỉ giữ cho vật không trượt khi bị tác dụng của lực khác.

- Lực ma sát nghỉ có đặc điểm:

+ Cường độ (độ lớn) thay đổi tùy theo lực tác dụng lên vật có xu hướng làm cho vật thay đổi chuyển động.

+ Luôn có tác dụng giữ vật ở trạng thái cân bằng khi có lực tác dụng lên vật.

  • Ví dụ: Lực ma sát nghỉ giữ cho thùng hàng không bị trượt xuống khỏi xe.

Lực ma sát nghỉ

Chú ý:

  • Nếu vật đứng yên mà chịu tác dụng của các lực cân bằng thì không có lực ma sát nghỉ.

  • Nếu vật đứng yên mà chịu tác dụng của các lực không cân bằng thì có lực ma sát nghỉ.

1.2. Đo lực ma sát

- Để đo lực ma sát người ta có thể dùng lực kế.

Lực kế
  • Giả sử cần đo lực ma sát giữa vật với mặt bàn, ta móc lực kế vào vật rồi kéo cho vật chuyển động đều trên mặt bàn để số chỉ của lực kế không đổi. Số chỉ của lực kế khi đó bằng với độ lớn của lực ma sát. Điều này cũng có nghĩa là nếu một vật đang trượt (hoặc lăn) đều dưới tác dụng của một lực có độ lớn F thì lực ma sát trượt (hoặc lăn) trong trường hợp đó cũng có độ lớn là F.

Đo độ lớn lực ma sát

1.3. Lực ma sát trong đời sống và kĩ thuật

- Lực ma sát có thể có hại, có thể có ích:

+ Đối với ma sát có hại thì ta cần làm giảm ma sát.

  • Ví dụ: Ta có thể đặt thùng hàng lên các xe lăn (có con lăn) để di chuyển chúng được dễ dàng hơn hay để giảm ma sát ở các vòng bi của ổ trục, xích xe đạp thì ta phải thường xuyên tra dầu mỡ …

Lực ma sát có ích

- Đối với ma sát có ích, ta cần làm tăng ma sát:

  • Ví dụ: Tăng độ lớn lực ma sát nghỉ để giúp cho bánh xe vượt khỏi chỗ đất lầy lội (lắp miếng ván gỗ dưới lốp xe, đổ cát hay gạch vụn), để giúp cho người dễ di chuyển trên đường….

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Xác định lực ma sát tác dụng lên vật

Một ô tô chuyển động thẳng đều khi lực kéo của động cơ ô tô là 800N.

a) Tính độ lớn của lực ma sát tác dụng lên các ban1h xe ô tô (bỏ qua lực cản của không khí)

b) Khi lực kéo của ô tô tăng lên thì ô tô sẽ chuyển động như thế nào nếu coi lực ma sát là không thay đổi.

c) Khi lực kéo của ô tô giảm đi thì ô tô sẽ chuyển động như thế nào nếu coi lực ma sát là không thay đổi ?

Hướng dẫn giải

a) Ô tô chuyển động thẳng đều khi lực kéo cân bằng với lực ma sát:

Fms =  F= 800 N

b) Lực kép tăng (F> Fms) thì ô tô chuyển động nhanh dần

c) Lực kép giảm (Fk < Fms ) thì ô tô chuyển động chậm dần

2.2. Dạng 2: Giải thích hiện tượng do lực ma sát 

Hãy giải thích các hiện tượng "Khi đi trên sàn gỗ, sàn đá hoa mới lau dễ bị ngã" và cho biết trong các hiện tượng này lực ma sát có ích hay có hại.

Hướng dẫn giải

Khi đi trên sàn gỗ, sàn đá hoa mới lau dễ bị ngã vì lực ma sát với chân người rất nhỏ. Như vậy lực ma sát trong trường hợp này là có ích vì lực ma sát lúc này có tác dụng giữ người không bị ngã

3. Luyện tâp

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Một con ngựa kéo một cái xe có khối lượng 800kg chạy thẳng đều trên mặt đường nằm ngang

a. Tính lực kéo của ngựa biết lực ma sát chỉ bằng 0,2 lần trọng lượng của xe.

b. Để xe bắt đầu chuyển bánh, ngựa phải kéo xe bởi lực bằng 4000 N.

Câu 2: Hãy giải thích:

a. Tại sao bề mặt vợt bóng bàn, găng tay thủ môn, thảm rải trên bậc lên xuống thường dán lớp cao su có nổi gai thô ráp ?

b. Tại sao phải đổ đất, đá, cành cây hoặc lót ván vào vũng sình lày để xe vượt qua được mà bánh không bị quay tít tại chỗ ?

c. Tại sao phải dùng những con lăn bằng gỗ hay các đoạn ống sắt thép kê dưới những cổ máy nặng để di chuyển dễ dàng ?

d. Tại sao ô tô, xe máy, các công cụ, sau một thời gian sử dụng lại phải thay “dầu” định kỳ ?

Câu 3: Hãy tìm ví dụ về lực ma sát trượt trong đời sống và kĩ thuật.

Câu 4: Một phần đang nằm yên trên mặt phẳng nằm ngang khi tác dụng lên vật với một lực có phương nằm ngang, hướng từ trái sang phải, cường độ 2 N thì vật vẫn nằm yên. Lực ma sát nghỉ tác dụng lên vật khi đó có đặc điểm gì?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Có mấy loại lực ma sát?

A. 1        B. 2

C. 3        D. 4

Câu 2: Lực nào sau đây không phải là lực ma sát?

A. Lực xuất hiện khi bánh xe trượt trên mặt đường.

B. Lực xuất hiện khi lốp xe đạp lăn trên mặt đường.

C. Lực của dây cung tác dụng lên mũi tên khi bắn.

D. Lực xuất hiện khi các chi tiết máy cọ xát với nhau.

Câu 3: Khi xe đang chuyển động, muốn xe dừng lại, người ta dùng phanh để:

A. tăng ma sát trượt

B. tăng ma sát lăn

C. tăng ma sát nghỉ

D. tăng quán tính

Câu 4: Một ô tô đang chuyển động trên mặt đường, lực tương tác giữa bánh xe với mặt đường là:

A. ma sát trượt        B. ma sát nghỉ

C. ma sát lăn        D. lực quán tính

4. Kết luận

Qua bài giảng Lực ma sát này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đề ra như:

  • Nắm được đặc điểm của mỗi loại lực ma sát . Phân biệt được một số trường hợp lực ma sát có lợi, có hại trong đơì sống.
  • Nhận biết thêm được một loại lực cơ học nữa đó là lực ma sát.
Ngày:22/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM