Nghị luận xã hội lớp 7

Chương trình Ngữ văn lớp 7 xuất hiện một kiểu bài nghị luận hoàn toàn mới đối với các em học sinh lớp 7, đó là kiểu bài nghị luận xã hội. Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận rằng văn mẫu Nghị luận xã hội lớp 7 giúp các em thành thạo kĩ năng diễn đạt, lập luận logic, dẫn chứng thuyết phục. Từ đó hình thành năng lực tìm tòi khám phá ở các em, giúp các em hứng thú hơn đối với môn Ngữ văn. Nắm bắt được nhu cầu của các em, eLib đã biên soạn và tổng hợp những bài văn mẫu rất hay để các em có tham khảo, hỗ trợ cho việc học và các kì thi quan trọng. Chúc các em học tốt!

1. Giới thiệu văn mẫu nghị luận xã hội lớp 7

Lớp 7 là một giai đoạn đánh dấu bước trưởng thành về cả nhận thức và kỹ năng của tất cả các em học sinh. Chương trình Ngữ văn lớp 7 có thêm kiểu bài về nghị luận xã hội, đây là kiểu bài hoàn toàn mới đối với các em học sinh. Vì vậy, không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu cho các em học sinh. Hơn nữa Ngữ Văn 7 là một môn học khó và được tổng hợp từ nhiều kiến thức khác nhau về đọc - hiểu và làm văn. Vì vậy mà nhiều em vô cùng lo lắng, đặc biệt là trong các dạng đề nghị luận xã hội, các em thường lúng túng, không biết sẽ bắt đầu như thế nào và triển khai ra sao cho hợp lý, vừa đảm bảo đúng, đủ nội dung và thể hiện được sự sinh động và hấp dẫn trong bài viết của mình. Nắm bắt được những khó khăn đó, eLib đã tổng hợp và chia sẻ đến các em Hệ thống bài văn mẫu nghị luận xã hội lớp 7 với những bài văn hay nhất, sáng tạo nhất. Tin rằng, đây sẽ là tài liệu hữu ích hỗ trợ các em học tập, ôn luyện hiệu quả. Mời các em tham khảo nội dung từng bài văn chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 7

2.1. Dạng bài văn lập luận giải thích

- Đối với phép lập luận giải thích thì các em cần lưu ý giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc, người nghe hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ... cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.

- Văn nghị luận có các cách giải thích: Nêu định nghĩa, liệt kê các biểu hiện, so sánh đối chiếu, chỉ ra các mặt lợi và hại, nêu nguyên nhân.

- Ví dụ về đề bài: Nhân dân ta có câu tục ngữ "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Hãy giải thích nội dung câu tục ngữ đó", hướng dẫn làm dạng bài này như sau:

+ Bước 1 là bước triển khai tìm hiểu đề và tìm ý. Cụ thể, yêu cầu của đề là giải thích, vấn đề cần giải thích là "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", lưu ý gạch dưới từ then chốt. Các ý cần triển khai (giải thích nhiều mặt của vấn đề gồm nghĩa đen, nghĩa bóng), liên hệ với các câu ca dao, tục ngữ tương tự. Học sinh lưu ý tra từ điển, suy nghĩ kĩ, hỏi người hiểu biết hơn.

+ Bước 2 là lập dàn bài:

  • Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ với ý nghĩa sâu xa là đúc kết kinh nghiệm thể hiện khát vọng đi nhiều nơi để mở rộng hiểu biết.
  • Thân bài: Triển khai việc giải thích. Nghĩa đen "Đi một ngày đàng" nghĩa là gì? "Một sàng khôn nghĩa" là gì?. Nghĩa bóng là: Đi đây đó thì mở rộng tầm hiểu biết, khôn ngoan từng trải. Nghĩa sâu: Khát vọng của người nông dân xưa muốn mở rộng tầm hiểu biết. Liên hệ thêm các câu "Đi một buổi chợ, học một mớ môn", "Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn". Ở phần này, các em cần thao tác chứng minh: Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ này trong đời sống. Tuy nhiên thao tác chứng minh chỉ cần 1-2 dẫn chứng minh họa, còn quan trọng vẫn là thao thác giải thích.
  • Kết bài: Câu tục ngữ xưa vẫn còn ý nghĩa cho đến ngày hôm nay.

2.2. Dạng bài văn lập luận chứng minh

- Trong văn nghị luận, chứng minh là một phép lập luận đúng những lí lẽ, bằng chứng đã được thừa nhận để làm sáng tỏ quan điểm. Theo đó, các lí lẽ, bằng chứng dùng trong phép lập luận chứng minh phải được lựa chọn, thẩm tra, phân tích thì mới có sức thuyết phục.

- Ví dụ về đề bài: Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", hướng dẫn làm dạng bài này như sau:

+ Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ và khẳng định tính đúng đắn.

+ Thân bài:

  • Thứ nhất: giải thích nghĩa từng từ "một cây", "ba cây", "chụm lại", "núi cao" và nghĩa cả câu, Mục đích để đề cao sức mạnh của tinh thần đoàn kết và đem lại thành công.
  • Thứ hai: chứng minh câu tục ngữ trên thông qua việc xét về lí và xét về thực tế. Cụ thể.
  • Xét về lí: đoàn kết là điều cần thiết để con người có sức mạnh, động lực phấn đấu, không đoàn kết khó có thể đạt được thành công.
  • Xét về thực tế: đoàn kết là sức mạnh dẫn đến thành công (đưa ra dẫn chứng về chiến đấu chống giặc ngoại xâm, lao động sản xuất...). Bên cạnh đó, sức mạnh đoàn kết còn giúp con người vững bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống (dẫn chứng, chương trình truyền hình "Triệu trái tim - một tấm lòng", "Việc tử tế"...).

+ Kết bài: Nêu suy nghĩ về câu tục ngữ và liên hệ bài học rút ra là gì?

3. Những lưu ý quan trọng khi làm bài văn nghị luận xã hội lớp 7

3.1. Cần nắm vững yêu cầu của đề

- Trước khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề bài, phải chú ý từng từ ngữ, hiểu ý nghĩa của từng từ, từng câu; học sinh chú ý cả những dấu chấm hay ngắt câu trong đề bài để nắm rõ yêu cầu của đề bài.

- Đối với đề bài văn nghị luận xã hội lấy kiến thức, thông tin và cả những kinh nghiệm có trong cuộc sống để minh chứng cho lý lẽ của mình. Do vậy đòi hỏi học sinh cần có một kiến thức sống khá phong phú; có sự tinh tế và nhạy bén trong nhận định một vấn đề. Để làm tốt, học sinh phải thường xuyên thu nhận thông tin hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ghi chép lại những thông tin cần thiết làm tài liệu cho riêng mình (chú ý phải ghi nguồn xuất xứ thông tin để chú thích khi trích dẫn vào bài làm). Tất nhiên khi đưa dẫn chứng vào bài làm, học sinh phải sàng lọc chi tiết có liên quan, tránh dẫn chứng tràn lan, đi lệch hay đi quá xa vấn đề cần phân tích hay chứng minh. Nguồn kiến thức này tuyệt đối không được sai, không được tự sáng tác; tránh lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

3.2. Hình thức đoạn văn

Đoạn văn phải đảm bảo đúng dung lượng theo yêu cầu của đề bài, thông thường là 200 chữ (khoảng 20 tới 23 dòng), tránh viết quá dài hoặc quá ngắn. Đoạn văn có thể tùy ý lựa chọn các cấu trúc: song hành, móc xích, quy nạp, diễn dịch hay tổng phân hợp,... nhưng phải đúng cấu trúc đoạn văn: Không xuống dòng giữa đoạn; đoạn văn bắt đầu bằng chữ cái viết hoa và lùi vào một chữ ở đầu dòng và kết thúc bằng dấu ngắt câu - có thể là dấu chấm, chấm than, ba chấm hoặc chấm hỏi tùy theo kiểu câu phù hợp với nội dung kết đoạn.

3.3. Phương pháp làm bài phù hợp

- Sau khi nhận đề học sinh tuyệt đối không nên làm bài ngay, sẽ dễ bị lạc đề. Điều trước tiên là các em dùng bút (nên dùng bút chì) gạch dưới những từ ngữ quan trọng có trong đề bài để trên cơ sở đó bám sát yêu cầu của đề trong quá trình làm bài và tránh được lạc đề. Hiểu rõ và đúng nghĩa các từ này. Sau khi nắm vững yêu cầu của đề, các em tập trung cho công việc lập dàn bài chi tiết. Đọc đi đọc lại dàn bài để tìm xem có còn thiếu sót để bổ sung thêm. Tiếp theo tìm dẫn chứng để minh họa hoặc lồng ghép các minh chứng có liên quan vào các lý lẽ phân tích của mình. Dẫn chứng càng phong phú (có chọn lọc, tránh tham lam) và độc đáo sẽ nâng chất lượng bài làm của mình lên. Tránh viết lan man và quá dài gây nhàm chán, lạc lõng dễ đi đến việc phân tích không sát chủ đề. Những bài làm như thế này chắc chắn không thể đạt điểm trung bình, nếu không nói là điểm kém.

- Ngoài ra, phong cách thể hiện (là văn phong của mỗi học sinh) là điều vô cùng quan trọng, các em cần thể hiện sự sáng tạo trong bài làm. Cách viết hay cách thể hiện khác lạ dễ gây chú ý giám khảo, nếu sự khác lạ đó độc đáo chắc chắn các em sẽ đạt điểm cao.

- Với bài văn nghị luận xã hội, học sinh khi sử dụng ngôn ngữ cần chọn những từ ngữ súc tích có tính hình tượng cao và lúc thể hiện cũng cần phải ngắn gọn nhưng phải đảm bảo đầy đủ ý và tránh giáo điều, khô khan. Tính liên kết giữa các câu và giữa các ý với nhau là điều bắt buộc để tránh sự rời rạc. Một bài văn bất cứ thể loại nào cũng luôn cần yếu tố lôi cuốn và văn phong nhẹ nhàng, có như vậy mới hấp dẫn. Một bài văn nghị luận văn học thường dài hơn một bài văn nghị luận xã hội. Bài văn nghị luận xã hội không đòi hỏi phải viết thật dài mà cần những dẫn chứng thật sắc sảo và thuyết phục. Một bài viết sâu sắc luôn cuốn hút người đọc và rất dễ đi vào lòng người. Mỗi bài văn nghị luận, thời gian thường dành khoảng từ 90 đến120 phút ở lớp học và 150 phút ở các kỳ thi. Vì vậy, các em phải biết phân bổ thời gian thật khoa học.

- Tuy nhiên để đạt điểm tốt bài làm văn của mình, các em phải thường xuyên rèn kỹ năng viết bằng nhiều cách như: tự ra đề và làm bài, sau đó nhờ anh chị hay thầy cô xem lại và góp ý; tập viết văn những khi có thời gian rỗi,… Nhưng trên hết, các em cần nhận rõ vẻ đẹp của ngôn ngữ; thấy được giá trị của văn học; đặc biệt có tâm hồn với văn học, yêu văn học. Có được những yếu tố trên, chắc chắn các em luôn đạt điểm cao môn văn, trong đó có điểm bài làm văn nghị luận.

4. Cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 7 đạt điểm cao

4.1. Tích lũy kiến thức xã hội và nắm bắt thông tin

Nhiều giáo viên khi chấm bài làm của thí sinh đều cho rằng số rất ít thí sinh làm bài tốt ở câu nghị luận xã hội. Bởi lẽ, ở trường học, các em còn quá lệ thuộc vào cách học khuôn mẫu, thiếu tư duy, sáng tạo. Do vậy để đạt điểm cao, ngoài kiến thức được học tại trường, các em phải có lượng hiểu biết về xã hội. Thí sinh có thể ủng hộ hay phản đối một quan niệm nào đó song phải có khả năng lập luận sắc bén và cách hành văn trôi chảy, có sức thuyết phục. Văn nghị luận xã hội khác với nghị luận văn học ở chỗ nó là những kiến thức được tích lũy và lấy ra từ cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, bạn cần sự tìm kiếm, học hỏi và nắm bắt thông tin nhanh chóng. Muốn vậy, cần khai thác thông tin trên đài, báo, truyền hình hàng ngày; ghi chép lại những nhân chứng, bài học, tình huống hay và có ý nghĩa trong cuộc sốngđể làm tư liệu, dẫn chứng cho bài làm.

4.2. Cần nắm vững được dạng bài nghị luận xã hội

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn ra đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn theo hướng mở nhằm đánh giá được năng lực và phân loại trình độ của học sinh, nhất là ở mảng câu hỏi nghị luận xã hội. Điều này cũng giúp học sinh có khả năng vận dụng được những hiểu biết thực tế vào bài viết của mình. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vẫn có hiện tượng thí sinh làm xa đề, lạc đề, lan man,… Vì vậy, việc xác định kiểu dạng đề thi nghị luận là rất cần thiết, tránh cho thí sinh đi lạc hướng và làm sai đề. Muốn vậy, mỗi thí sinh phải đọc kỹ đề bài, chú ý những từ ngữ để nhận kiểu, dạng bài văn. Thông thường, ta dễ bắt gặp 2 kiểu, dạng đề đó là: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội.

4.3. Chú ý về mặt thời gian

Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên thí sinh cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, chúng ta cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM