Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân

eLib xin gửi đến các em tài liệu dưới đây nhằm giáo dục các em về lòng nhân hậu, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh. Đồng thời, tài liệu này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội hay và sáng tạo nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân

1. Dàn ý giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân

a. Mở bài: Dẫn dắt để giới thiệu nội dung vấn đề và trích dẫn câu tục ngữ.

b. Thân bài:

- Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:

+ Thương thân: Yêu thương, chăm sóc, giữ gìn, quý trọng... bản thân mình.

+ Thương người: Yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ...những người xung quanh.

=> Lời nhắn nhủ: Yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương, trân trọng chính bản thân mình.

- Phải "Thương người như thể thương thân" bởi:

+ Không ai có thể sống đơn độc, lẻ loi mà cần phải có sự hòa nhập cộng đồng.

+ Nhiều người có hoàn cảnh đáng thương cần sự chung tay giúp đỡ của người khác, của cộng đồng để có thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.

+ Mọi người cùng tiến bộ, phát triển thì xã hội, đất nước cũng sẽ phát triển tốt đẹp hơn.

+ Giúp đỡ người khác là niềm hạnh phúc, nó sẽ khiến ta thấy thanh thản hơn.

+ Đây là nét đẹp truyền thống đạo đức của dân tộc ta.

- Tinh thần "thương người như thể thương thân" được thể hiện:

+ Xem việc quan tâm giúp đỡ người khác là lẽ sống và phải xuất phát từ tình cảm chân thành, tự nguyện, tự giác.

+ Giúp đỡ người khác bằng những việc làm thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

+ Cần lên án, phê phán những người có lối sống ích kỉ, hẹp hòi...

+ Nêu dẫn chứng về tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta trong chiến tranh; phong trào từ thiện hiện nay, đặc biệt là phong trào từ thiện của học sinh... để làm sáng tỏ những điều đã giải thích.

+ Những việc đã, đang và sẽ làm của bản thân.

c. Kết bài:

- Câu tục ngữ thể hiện một đạo lí đúng đắn.

- Lời khuyên.

2. Phân tích ý nghĩa câu Thương người như thể thương thân - Số 1

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đạo lí vô cùng tốt đẹp được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tư tưởng nhân đạo. Một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất đạo đức của con người chính là lòng nhân ái và lối sống vị tha. Từ xưa, ông cha ta đã quan tâm dạy dỗ con cháu những bài học làm người qua ca dao, tục ngữ mà câu: Thương người như thể thương thân là một ví dụ điển hình.

Muốn hiểu biết thấu đáo câu tục ngữ này, ta phải hiểu ý nghĩa của vế sau (thương thân) trước rồi từ đó hiểu nghĩa của vế trước (thương người). Đặt hai vế trong mối tương quan so sánh, ta sẽ thấy những nét nghĩa tương đồng, do vậy mà hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của câu tục ngữ.

Sở dĩ ông bà ta có lời khuyên này vì nhiều người trong xã hội có thói ích kỉ, ích kỉ đến độ tàn nhẫn và ngu ngốc. Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi là những câu thành ngữ, tục ngữ miêu tả loại người ấy. Do đó, câu tục ngữ thương người như thể thương thân như một hồi chuông đánh thức lương tri, lay động tâm hồn của con người.

Thật vậy, trong xã hội không ai sống lẻ loi, đơn độc mà tập hợp thành đoàn thể, cộng đồng. Trong gia đình, ta có mối quan hệ anh em, những người cùng huyết thống, cùng có những kỷ niệm vui buồn bên nhau. Họ chẳng khác nào như chân với tay trong cùng một cơ thể: Do đó khi gặp khó khăn, hoạn nạn ta làm sao có thể quay lưng làm ngơ cho được, bởi máu chảy ruột mềm.

Đây là một lời khuyên chí tình, chí nghĩa nhằm nhắc nhở con cháu phải biết yêu thương giúp đỡ người khác như yêu thương chính bản thân mình. Lời nói tự nhiên chân thành ngắn gọn, mà lại chứa chan bao điều giáo huấn. Câu tục ngữ được tách thành hai vế: Một bên là người "nhân loại", một bên là bản thân bởi cách so sánh "như thể''. Lời dạy trên muốn nhấn mạnh: Nếu ta thương thân ta như thế nào thì phải thương người xung quanh ta như thế ấy. Thân thể của ta thì ta phải quý trọng, phải chăm sóc. Chỉ một vết trầy xước nhỏ, một chứng đau nhẹ cũng khiến cho ta phải quan tâm lo sợ... cho tấm thân ta. Thấm được cái đau khi mình mắc phải sẽ giúp ta thông cảm với nỗi đau của người khác. Nếu như người chung quanh ta không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì ta nên giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc họ như yêu thương chăm sóc chính bản thân mình.

Trong những năm gần đây, chiến dịch mùa hè xanh của sinh viên các trường đại học mang kiến thức và khoa học kĩ thuật đến cho đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa đã có những kết quả tốt. Chiến dịch xóa cầu khỉ ở đồng bằng Nam Bộ tạo đà phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người nông dân. Chiến dịch đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, đem lại niềm vui cho những trẻ em tật nguyền, bất hạnh... Tất cả các dẫn chứng sinh động trên đã chứng minh cho sức mạnh của tình yêu thương con người.

Tóm lại, câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" đã đúc rút một bài học đúng đắn và vẫn còn giá trị to lớn trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Mỗi chúng ta cần giữ gìn và phát huy truyền thống "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc để xây dựng một cuộc sống tươi đẹp, văn minh. Câu tục ngữ cũng giúp ta hoàn thiện nhân cách, phát triển tâm hồn.

3. Giải thích nội dung câu Thương người như thể thương thân - Số 2

Tình yêu thương luôn là một truyền thống quý báu và tốt đẹp của dân tộc ta. Cuộc sống sẽ vô cùng lạnh giá và cô độc nếu thiếu đi tình thương. Tình yêu thương chính là sợi dây vô hình kết nối sức mạnh tinh thần vô cùng quý giá giữa đời sống. Bởi vậy, ông cha ta từ xưa đã răn dạy con cháu bài học về tình thương qua câu tục ngữ: "Thương người như thể thương thân".

Trước hết, ta cần hiểu về ý nghĩa của câu tục ngữ. "Thương thân" ở đây chính là thương bản thân, bản thể của mình. Bản thân rất yêu thương và quý trọng chính mình, biết tự chăm sóc khi ốm đau, biết trau dồi kiến thức, biết rèn luyện sức khỏe cho bản thân, biết lo lắng, sợ hãi, xót xa khi bản thân gặp thất bại hãy nản lòng. Ở đời, ai cũng muốn bản thân mình được hoàn thiện, được tốt đẹp, được vui khỏe mỗi ngày. "Thương người" chính là lòng thương cảm đối với người khác chứ không phải là cho riêng mình nữa, dân gian đặt hai vế "thương người" và "thương thân" ở vị trí ngang bằng nhau nhằm khuyên mọi người hãy yêu thương người khác như chính bản thân mình. Bản thân mình muốn được chăm sóc, quan tâm như thế nào thì hãy quan tâm người khác như thế ấy, tức là bằng tình cảm của chính mình để mà thấu hiểu, đồng cảm với những mất mát, nỗi đau của người khác. Đó là một cái tôi không chỉ sống và hoàn thiện mình mà còn biết sống vì người khác, sống hoà nhập và trân trọng bản thể mỗi người. Biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và cảm thông với họ, để yêu thương người khác như chính cách mình yêu thương bản thân.

Tình yêu thương con người là tình cảm thiêng liêng tốt đẹp đậm chất nhân văn của con người Việt Nam. Cùng sinh ra trên mảnh đất hình chữ S thiêng liêng, tuy không cùng huyết thống nhưng mỗi chúng ta đều có chung một tiếng nói một dòng màu một màu da. Tất cả điều ấy đã khiến con người trở nên gắn bó để yêu thương đùm bọc chở che cho nhau. Hơn thế mỗi người sinh ra đều thuộc về một tập thể nhất định không ai có thể tồn tại đơn độc lẻ loi một mình. Chính vì vậy, khi chúng ta biết quan tâm yêu thương lẫn nhau, cùng nhau đoàn kết tiến bộ thì xã hội mới có thể phát triển lớn mạnh. Một xã hội sẽ trở nên đóng băng, cô độc và nhanh chóng tan rã nếu như không có hơi ấm của tình yêu thương.

Đặc biệt cuộc sống với bao bộn bề lo toan khi bình yên khi sóng gió ta luôn luôn cần đến sự quan tâm giúp đỡ của những người xung quanh. Cho nên khi ta biết cho đi tình yêu thì mới mong nhận được lại sự chia sẻ yêu thương từ người khác. Những kẻ ích kỉ vụ lợi chỉ biết sống vì mình thì mãi mãi sẽ sống cô độc và không bao giờ có được sự đồng cảm giúp đỡ khi gặp khó khăn trở ngại. Cuộc sống quanh ta còn biết bao mảnh đời bất hạnh đang cần những cánh tay yêu thương che chở từ đồng loại vì thế mỗi chúng ta luôn cần mang trong mình tấm lòng vị tha cao cả. Giúp người cũng chính là cách để giúp mình được sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn với cuộc đời bởi mỗi khi làm được việc tốt chắc chắn tâm hồn của mình sẽ thanh thản và hạnh phúc hơn.

Tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ giúp đỡ người khác phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, vô tư, tự nguyện. Sự cho đi không phải là sự bố thí hàm ơn và đòi hỏi được nhận lại. Của cho không bằng cách cho, hãy “thương người” theo đúng cách và đúng ý nghĩa của nó. Những hành động mang danh giúp đỡ người khác nhưng xuất phát từ lợi ích cá nhân, có sự toan tính vụ lợi thật đáng bị lên án. Ngoài ra, tấm lòng nhân ái, yêu thương giúp đỡ người khác dựa trên khả năng của bản thân, không vì người khác mà ảnh hưởng đến quyền lợi đáng có của mình.

Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là lời nhắc nhở chân thành mà sâu sắc cho mỗi người về đạo lí tương thân tương ái yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này sẽ mãi được lưu truyền cho hôm nay và cả mai sau.

Ngày:29/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM