Bài văn giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
eLib xin gửi đến các em nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em hiểu được đạo lí về lòng biết ơn trong cuộc sống. Từ đó, các em có thái độ sống tốt hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý phân tích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
a. Mở bài:
- Dẫn dắt, giới thiệu câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.
b. Thân bài:
- Giải thích: “Uống nước nhớ nguồn":
+ Uống nước: Thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động, đấu tranh của các thế hệ trước.
+ Nguồn: Chỗ xuất phát dòng nước. Nghĩa bóng: Nguyên nhân dẫn đến, con người hoặc tập thể làm ra thành quả đó.
+ Ý nghĩa: Lời nhắc nhở khuyên nhủ của ông cha ta đối với con cháu, những ai đã, đang và sẽ thừa hưởng thành quả công lao của người đi trước.
- Tại sao uống nước phải nhớ nguồn:
+ Trong thiên nhiên và xã hội, không có một sự vật, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức lao động tạo nên.
+ Của cải vật chất các thứ do bàn tay người lao động làm ra. Đất nước giàu đẹp do cha ông gầy dựng, gìn giữ tiếp truyền. Con cái là do các bậc cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Vì thế, nhớ nguồn là dạo lí tất yếu.
+ Lòng biết ơn là tình cảm đẹp xuất phát từ lòng trân trọng công lao những người “trồng cày"phục vụ cho biết bao người “ăn trái".
- Phải làm gì để “nhớ nguồn":
+ Tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, ra sức bảo vệ và tích cực học tập, lao động góp phần xây dựng đất nước.
+ Có ý thức gìn giữ bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình, và tiếp thu cỏ chọn lọc tinh hoa nước ngoài.
+ Có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người.
c. Kết bài:
- Khẳng định giá trị của câu tục ngữ trong tình hình thực tế đời sống hiện nay.
- Nhớ ở nguồn trước hết là nhớ ơn cha mẹ, thầy cô những người đã sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ chúng ta thành người hữu dụng. Ngoài ra, còn phải nhớ ơn xã hội đã giúp đỡ ta.
- Phải sống sao xứng dáng trọn nghĩa trọn tình theo đúng truyền thống đạo lí tốt đẹp của cha ông.
2. Em hãy phân tích ý nghĩa câu Uống nước nhớ nguồn - Số 1
Tục ngữ là một bộ phận trong kho tàng văn học dân gian, được xem là túi khôn của nhân loại, bời vì đó là những bài học trí tuệ sâu sắc của người xưa được đúc kết bằng những câu nói ngắn gọn. Chúng ta có thế tìm thấy ở đấy những kinh nghiệm sống trong thực tế và những bài học về luân lý đạo đức. Ngay từ xa xưa, cha ông ta vẫn thường nhắc nhở thế hệ đi sau phải có tình cảm trân trọng biết ơn đối với những người đã tạo dựng thành quả cho mình. Lời khuyên nhủ ấy được gởi gắm trong câu tục ngữ giàu hình ảnh:
"Uống nước nhớ nguồn"
Chúng ta có suy nghĩ như thế nào khi đọc lời khuyên dạy của tiền nhân? "Nguồn" là nơi xuất phát của dòng nước, mạch nước từ núi, từ rừng ra suối, ra sông rồi đổ ra biển cả mênh mông, không bao giờ cạn. Thứ nước khởi thủy đó trong mát, tinh khiết nhất. Khi ta uống dòng nước làm vơi đi cơn khát thì phải biết suy ngẫm đến nơi phát xuất dòng nước ấy. Từ hình ảnh cụ thể như vậy, người xưa còn muốn đề cập đến một vấn đề khái quát hơn."Nguồn" có thể được hiểu chính là những người đã tạo ra thành quả về vật chất, tinh thần cho xã hội. Còn "uống nước" đó chính là sử dụng, đón nhận thành quả ấy. Câu tục ngữ nhằm khuyên nhủ chúng ta phải biết ơn những người đã tạo dựng thành quả cho mình trong cuộc sống.
Bằng cách sử dụng hình ảnh "uống nước" nghĩa là khi được thưởng thức thứ nước trong lành, tinh khiết, mát mẻ, ta cần nhớ về nguồn nước. Cội nguồn chính là nơi bắt đầu của dòng nước đó. Cũng giống như con người, khi được hưởng thành quả tốt đẹp từ những thế hệ đi trước để lại, ta cần ghi nhớ, biết ơn những người đã tạo ra thành quả đồng thời phải biết trân trọng, gìn giữ, phát huy những điều tốt đẹp ta đã được hưởng. Với cách nói đầy ẩn ý đó, ông cha ta đã khuyên răn con cháu cần phải ghi nhớ công ơn, tôn trọng mọi thành quả mà người đi trước đã dày công, tốn sức tạo nên.
Bên cạnh đó, đạo lí Uống nước nhớ nguồn còn ở chỗ, chúng ta thể hiện lòng biết ơn những bậc tiền nhân có công khai thiên lập địa, những anh hùng dân tộc, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh liệt sĩ đã cống hiến mồ hôi, xương máu chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, cứ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3, khắp nơi trên mọi nẻo đường của đất nước đều hướng về đền Hùng (Phú Thọ) để thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ công lao của các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác Hồ trong lần hành hương về đất Tổ cũng đã căn dặn: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Hay mỗi dịp 27/7, Đảng và Nhà nước cũng tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi những bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng quà khen thưởng các thương binh, tổ chức thắp nến tri ân các liệt sĩ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người đã hi sinh tuổi thanh xuân, thậm chí tính mạng của mình vì nền độc lập dân tộc. Chúng ta cũng tổ chức những ngày lễ lớn để tri ân công lao của những người đã tạo dựng nên thành quả: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để tri ân thầy cô với sự nghiệp "trồng người" cao quý; ngày 8/3 Quốc tế Phụ nữ hay 20/10 ngày Phụ nữ Việt Nam để tôn vinh những cống hiến thầm lặng của người phụ nữ, của các bà, các mẹ, các chị...
Lòng nhớ ơn luôn mang một tình cảm cao đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn. Nó giáo dục chúng ta cần biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những anh hùng vĩ đại đã hi sinh, lấy thân mình, mồ hôi xương máu để bảo vệ nền độc lập cho đất nước, giữ vững bình yên vùng trời Tổ quốc cho chúng ta có những năm tháng sống vui, sống khoẻ và có ích cho xã hội, phần để thực hiện đúng trách nhiệm, bổn phận của chúng ta, phần vì không hổ thẹn với những người ngã xuống giành lấy sự độc lập. Có ai hiểu được rằng, một sự biết ơn được thể hiện như một đoá hoa mai ửng hé trong nắng vàng, một lòng kính trọng bộc lộ như một ánh sao đêm sáng rọi trên trời cao. Đó là những cử chỉ cao đẹp, những hành động dù chỉ là nhỏ nhất cũng đều mang một tấm lòng cao thượng. Những người có nhân nghĩa là những người biết ơn đồng thời cũng biết giúp đỡ người khác mà không chút tính toan do dự. Chính những hành động đó đã khơi dậy tấm lòng của biết bao nhiêu con người, rồi thế giới này sẽ mãi là một thế giới giàu cảm xúc.
Tóm lại hai câu tục ngữ trên giúp ta hiểu được về đạo lí làm người. Lòng tôn kính, sự biết ơn không thể thiếu trong mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta luôn phải trau dồi những phẩm chất cao quý đó, hãy biết rèn luyện, phấn đấu bằng những hành động nhỏ nhất vì nó không tự có trong mỗi chúng ta. Chúng ta cần phải biết ơn những người đã có công dẫn dắt ta trong cuộc sống nhất là đối với những người trực tiếp giúp đỡ chỉ bảo ta như cha mẹ, thầy cô. Bài học đó sẽ mãi là một kinh nghiệm sống ẩn chứa trong hai câu tục ngữ trên và nó có vai trò, tác dụng rất lớn đối với cuộc sống trên hành tinh này.
3. Em hãy giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn - Số 2
Dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc coi trọng đạo lí biết ơn từ xưa đến nay. Đó là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của ta từ ngàn đời nay, và trong thời kì đất nước phát triển hiện đại như hôm nay, đạo lí Uống nước nhớ nguồn vẫn được giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ.
Vậy Uống nước nhớ nguồn là gì? Chúng ta hiểu như thế nào về Uống nước nhớ nguồn? Có thể hiểu nôm na, ngắn gọn, “uống nước nhớ nguồn” tức là khi chúng ta được hưởng thành quả của những người khác đã làm, để cho mình có đc một cuộc sống, hoặc một điều gì đó tốt đẹp hơn, thì chúng ta cần phải nhớ đến công lao của những người đã hy sinh, để ta được hưởng những thành quả đó.
Câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" thật mộc mạc, súc tích mà hàm chứa thật nhiều ý nghĩa. "Uống nước" - một hành động mà chúng ta thường xuyên làm, đó là chỉ sự hưởng thụ, là hành động hưởng thành quả, kết quả mà người khác đã tạo dựng sẵn, chúng ta không cần phải lao động cũng có được. Còn "nguồn" tức là chỉ mạch nguồn, ngọn nguồn nơi xuất phát của dòng nước. Hay "nguồn" cũng là để chỉ những con người, tập thể đã tạo dựng lên thành quả cho chúng ta hưởng thụ "uống nước". Nguồn nước mà chúng ta hưởng thụ mỗi ngày đều là do thiên nhiên ban tặng, vậy nên chúng ta cần biết ơn thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho chúng ta nguồn nước quý giá ấy. Hay cũng là lời ông cha ta muốn khuyên dạy chúng ta rằng: Phải luôn ghi nhớ những hành động của người khác, của thế hệ trước đã giúp đỡ, hi sinh cho mình để mình có được niềm vui, hạnh phúc, được hưởng trái quả ngọt ngào. Đây là một đạo lý thật hàm súc, là nền tảng của một xã hội tốt đẹp.
Mỗi chúng ta sống ở cuộc đời này không ai là có thể tự tạo dựng cho mình một cuộc sống riêng mà không hưởng thành quả mà người khác đã gây dựng ra được. Như khi chúng ta sinh ra, chúng ta đã chịu ơn sinh thành, nuôi dưỡng của mẹ cha từ chín tháng mười ngày trong bụng mẹ. Vậy nên, chúng ta không thể không biết ơn cha mẹ của mình. Các thành quả trong xã hội, trong cuộc sống không phải tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, có được là do bàn tay khối óc của con người tạo dựng lên. Thế nên, chúng ta càng phải biết ơn những người đã tạo lên thành quả đó để mình được hưởng thụ ngày hôm nay.
Tuy thế, nhưng ngày nay vẫn có một số người sẵn sàng đánh mất đi cái đạo lý nền tảng con người ấy. Họ sẵn sàng đạp đổ nền tảng cơ bản của một con người. Chúng ta không thể nào quên những hình ảnh của Nguyễn Văn Mạnh (Thái Nguyên) đã dùng chày giết chết người bố ruột của mình chỉ vì tranh cãi về gia sản đất đai. Liệu những kẻ như vậy có hiểu có xứng với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc? Rồi những kẻ phản quốc tham gia hội Việt Tân, chúng có hiểu rõ đất nước ta đã phải khó khăn như thế nào mới giành lại được độc lập mà chúng dám đưa kẻ thù xâm nhập đất nước, hòng gây ra chiến tranh, loạn lạc? Những hành động đó của chúng sẽ phải trả những cái giá thật đắt cho lòng vô ơn của mình.
Nhớ nguồn không chỉ là biết ơn, giữ gìn, bảo vệ thành quả đã có mà bản thân mỗi người cần cố gắng cống hiến, bổ sung thêm những thành quả mới cho “nguồn nước” dân tộc luôn tràn đầy và bất diệt. Có như vậy mới phát huy được tinh hoa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, làm cho xã hội ngày một phát triển. Đó mới là nhớ nguồn một cách thiết thực. Ở lứa tuổi học sinh, chúng ta chưa làm ra của cải vất chất, tinh thần cho xã hội, do đó hãy bày tỏ lòng biết ơn chân thành với cha mẹ, thầy cô bằng lời nói, việc làm cụ thể của mình: phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng thành con ngoan, trò giỏi để trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này.
Qua câu tục ngữ trên, ta càng thầy được đạo lí tốt đẹp của con người Việt Nam. Suy nghĩ đến bốn chữ ngắn ngủi trong câu tục ngữ, "Uống nước nhớ nguồn, " tôi thấy những chữ này dạy ta những bài học vô cùng quý giá trong tinh thần biết ơn. Ta cần biết trân trọng, kính trên nhường dưới, sống có tình có nghĩa. Tôi và bạn hãy cố gắng học tốt để góp phần cồng hiến làm nên những thành quả cho lớp người đi sau.
Tham khảo thêm
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Tiên học lễ, hậu học văn
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Học, học nữa, học mãi
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
- docx Bài văn lập luận giải thích câu nói Rừng vàng biển bạc
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Chị ngã em nâng
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Thương người như thể thương thân
- docx Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn