Phân tích nhân vật nhân vật lão Hạc trong tác phẩm Lão Hạc - Nam Cao

Lão Hạc là một người nông dân nhiều cơ cực trong một làng quê nghèo trước Cách mạng, cái nghèo đói dường như là nguyên nhân trực tiếp hoặc đôi khi gián tiếp gây nên nỗi bất hạnh. Nhưng sau tất cả, ngời sáng lên trong bóng tối đói nghèo là phẩm chất tươi đẹp ẩn giấu trong con người lão. Để hiểu rõ hơn về nhân vật lão Hạc mời các em tham khảo bài văn mẫu dưới đây. Chúc các em học tập tốt.

Phân tích nhân vật nhân vật lão Hạc trong tác phẩm Lão Hạc - Nam Cao

1. Dàn ý phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao

a. Mở bài:

  • Giới thiệu khái quát về truyện ngắn “Lão Hạc” và tác giả Nam Cao
  • Giới thiệu chung về nhân vật lão Hạc

Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực phê phán xuất sắc của làng văn học Việt Nam. Một cách rất gần gũi, truyện ngắn, tiểu thuyết của ông khiến người đọc nhiều thế hệ phải trăn trở, suy ngẫm khi bắt gặp những phận người, phận đời đầy éo le. Nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên có lẽ đã khiến bao người phải xót xa, cảm thông nhưng cũng đầy trân trọng mỗi khi nghĩ về hay nhắc đến.

b. Thân bài:

1. Cuộc đời, số phận của nhân vật lão Hạc:

  • Lão Hạc cũng giống rất nhiều người nông dân nghèo trong xã hội Việt Nam thuở ấy khi phải chịu cái nghèo, cái đói dai dẳng, họ như ngọn đèn lay lắt trong bóng tối của cuộc sống cơ cực, lầm than trước Cách mạng.
  • Nhưng lão Hạc cũng có hoàn cảnh riêng vô cùng bất hạnh.
  • Vợ lão chết sớm, gắng gượng sống trong cảnh gà trống nuôi con những mong con lớn, lấy vợ rồi làm ăn, xây cái nhà, mua mảnh vườn. Nhưng rồi lớn lên, có một ngày con trai lão phẫn chí vì nghèo không có tiền cưới vợ nên đã bỏ làng đi phu đồn điền cao su, lão chỉ còn có mỗi con Vàng ngày đêm làm bạn. Lão giờ đã có tuổi, nhưng khổ một nỗi, lão phải sống quãng ngày tuổi già trong cảnh cô đơn, không bàn tay chăm sóc của vợ con. Sự cô đơn, trống vắng ấy phần nào khiến cho cuộc đời lão càng thêm bất hạnh hơn.
  • Đã cô đơn, đói nghèo, lão Hạc mỗi ngày còn phải một mình đối diện với bệnh tật ốm đau, với cái cảnh ảm đạm, thê lương khi làng không có việc, hoa màu bị bão phá sạch.
  • Con chó Vàng con trai để lại được lão coi như người thân của mình, chia sẻ nỗi buồn, cô đơn với mình vậy. Lão coi nó như đứa con, đứa cháu trong nhà mà vừa yêu thương, trò chuyện, chăm sóc vừa mong ngóng thằng con trai lão trở về.
  • Ấy vậy mà cái cơ cực của cuộc sống cũng đẩy lão đến đường cùng. Lão phải dứt ruột bán đi con chó Vàng mà lão yêu thương nhất.Lão bán con chó trong niềm khổ đau tột cùng: “Mặt lão co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu nghẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít”, “lão hu hu khóc”…
  • Lão bán chó không phải để có tiền duy trì sự sống, tiền bán chó lão cũng để vào phần tiền gửi lại cho con trai. Cuộc sống những ngày sau khi bán con Vàng vẫn tiếp diễn, nhưng “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai” rồi khoai cũng hết, lão nhặt nhạnh con trai, con ốc, ăn củ chuối, rau má…
  • Lão phải chịu một cái chết vô cùng đau đớn, dữ dội khi đã bị dồn đến đường cùng: lão ăn bả chó. Lão biết đó là bả chó, lão quyết định ăn nó, quyết định chủ động tìm đến cái chết. Cái chết quằng quại ấy khiến người đọc rùng mình nhận ra rằng cái chết ấy đâu khác gì cái chết của một con chó. Đó chẳng phải là quá đáng thương, bất hạnh sao?!...

2. Những phẩm chất tốt đẹp của lão Hạc:

  • Đói nghèo, khổ đau là vậy nhưng không vì thế mà lão Hạc đánh mất nhân phẩm của mình. Ẩn sâu trong con người đầy đáng thương ấy vẫn chan chứa những phẩm cách tốt đẹp, đáng trân trọng.
  • Lão là một người cha thương con hết mực. Dù vợ mất sớm, cảnh gà trống nuôi con muôn trùng vất vả nhưng lão vẫn chăm sóc, nuôi nấng con mình trưởng thành. Con Vàng là kỉ vật thằng con để lại cho lão, mỗi khi nhìn ngắm, trò chuyện với con Vàng là lão lại nhớ đến thằng con trai, luôn mong ngóng ngày nó trở về. Lão chấp nhận cảnh sống cô đơn, cái nghèo đói, rồi cuối cùng là cả cái chết chắt chiu từng đồng bạc để lại cho con.
  • Lão Hạc là một người sống đầy tự trọng trước cuộc đời đầy cám rỗ, khó khăn thời đó. Ở hoàn cảnh như lão, phải chăng sẽ có người lựa chọn cái cảnh ăn bám người khác, hay đi ăn trộm, ăn cắp nhưng lão không làm vậy. Khi thấy ông giáo đề nghị giúp đỡ, lão “ từ chối gần như hách dịch” khiến ông giáo nhiều khi cũng chạnh lòng. Lòng tự trọng ở lão khiến người ta khâm phục ngay cả khi hình dung ra cái đớn đau, dữ dội lão phải chịu đựng sau khi ăn bả chó. Lão chấp nhận cái chết để giữ tâm hồn mình trong sạch, giữ trọn cái tình nghĩa với mọi người, ngay cả với con chó Vàng.

3. Đánh giá:

  • Nam Cao đã sử dụng nghệ thuật xây dựng nhân vật một cách rất tài tình, khiến người đọc cảm tưởng như lão Hạc là một người nông dân có thực ngoài đời.
  • Qua nhân vật lão Hạc, nhà văn đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc.
  • Lão Hạc là hình ảnh tượng trưng cho một lớp người trong bối cảnh làng quê trước Cách mạng – những người nông dân nghèo đói, thấp cổ bé họng, chịu nhiều cơ cực…

c. Kết bài:

  • Đánh giá chung về nhân vật lão Hạc
  • Nêu cảm nhận bản thân

Nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao là một trong những nhân vật tiêu biểu, có số phận bất hạnh nhưng họ cũng mang trong mình những phẩm chất cao quý, đáng trân trọng. Qua nhân vật, ta cũng thêm khâm phục và trân quý hơn đôi mắt nhìn cuộc đời, ngòi bút sâu sắc của nhà văn Nam Cao.

2. Phân tích  nhân vật lão Hạc trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao

Nam Cao là một nhà văn lớn của người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông vẫn cảm nhận được những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn của họ trước bờ vực của cái đói, cái nghèo. Truyện ngắn "Lão Hạc" của nhà văn là một tác phẩm như thế. Nhân vật chính của tác phẩm - nhân vật lão Hạc - dù có một hoàn cảnh bất hạnh, đau đớn nhưng lão vẫn giữ được tình yêu thương đối với những người thân yêu và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc.

Lão Hạc cũng như bao người nông dân Việt Nam khác phải đối mặt với cái nghèo, cái đói của cuộc sống cơ cực, tăm tối trước Cách mạng. Nhưng lão còn có những hoàn cảnh riêng vô cùng bất hạnh. Vợ lão chết sớm. Con trai lão phẫn chí vì nghèo không lấy được người mình yêu nên bỏ đi đồn điền cao su. Lão chỉ có con Vàng là kỷ vật của con để làm bạn. Vậy là cùng một lúc lão phải đối mặt với bao đau khổ: cái đói, sự cô đơn và tuổi già với ôm đau, bệnh tật. Rồi cuộc đời cực khổ, dồn lão đến mức hết đường sinh sống. Lão phải dứt ruột bán đi con chó Vàng mà lão yêu thương nhất. Lão bán con chó trong niềm khổ đau tột cùng: "Mặt co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít", "lão hu hu khóc",...

Ban đầu là "luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai", "khoai cũng hết, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc". Rồi đến mức chẳng còn gì để ăn, để sống. Rồi điều gì đến sẽ phải đến. Không còn đường sinh sống, lão Hạc chỉ còn đường chết. Và đó là một cái chết thật đau đớn, thật tủi nhục: chết "nhờ" ăn bả chó tự tử...! Cái chết của lão dữ dội vô cùng: lão sùi bọt mép, lão co giật phải hai người đàn ông lực lưỡng đè lên... Cái chết ấy khiến người đọc liên tưởng đến cái chết của con chó Vàng để rồi rùng mình nhận ra rằng cái chết của lão đâu khác gì cái chết của một con chó.

Đói nghèo như thế, khổ đau như thế nhưng lão không vì vậy mà tha hóa về nhân phẩm. Binh Tư đã tưởng lão xin bả chó để ăn trộm. Ông giáo cũng nghi ngờ lão. Nhưng không, Lão Hạc vẫn giữ được vẹn nguyên tâm hồn dào dạt yêu thương đáng quý, đáng trọng của người nông dân và cả sự tự trọng cao đẹp của mình.

Lão yêu thương con rất mực. Văn học Việt Nam đã có những "Cha con nghĩa nặng" của Hồ Biểu Chánh, "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng,... ngợi ca tình phụ tử. Và trong đó cũng cần nhắc đến "Lão Hạc" của Nam Cao. Vì thương con, lão chấp nhận đối mặt với cô đơn, với tuổi già để con ra đi cho thỏa chí. Con đi rồi, lão dồn cả yêu thương vào con chó Vàng. Đừng nghĩ đơn giản rằng lão cưng chiều "cậu" Vàng vì đó là con chó khôn, chó đẹp. Điều quan trọng nhất khiến lão yêu quý con Vàng đến mức chia với nó từng cái ăn, cho nó ăn vào bát như người, rồi đến lúc nó chết lão quằn quại, đau đớn,... là bởi con chó là kỉ vật duy nhất mà con trai lão để lại. Nhìn con chó, lão tưởng như được thấy con mình.

Không chỉ vậy, lão thương con đến độ chấp nhận cái đói, rồi cả cái chết chứ không chịu bán đi mảnh vườn của con. Nếu lão bán mảnh vườn, ắt lão sẽ đủ ăn tiêu để vượt qua thời khốn khó. Nhưng lão lại lo khi con trai về không có đất sinh sống làm ăn. Vậy là lão đã nhận lấy cái chết rồi nhờ ông giáo giữ đất cho con. Chao ôi! Tình yêu thương con của lão thật cảm động biết mấy!

Yêu thương những người thân yêu ruột thịt, lão Hạc còn là một người sống đầy tự trọng trước cuộc đời nhiều cám dỗ và tội lỗi. Vào hoàn cảnh như lão, người ta đã có thể ăn trộm, ăn cắp hay thậm chí ăn bám vào người khác (như Binh Tư chẳng hạn, hay người đàn bà trong "Một bữa no" của Nam Cao..) nhưng lão Hạc thì không. Với sự giúp đỡ của ông giáo (mà cũng có gì đâu, đó chỉ là củ khoai, củ sắn) lão "từ chối gần như hách dịch" khiến ông giáo nhiều khi cũng chạnh lòng. Binh Tư ngỡ rằng lão xin bả để ăn trộm chó "lão cũng ra phết đấy chứ chẳng vừa đâu". Đến lượt ông giáo cũng nghi ngờ: "con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn". Nhưng cuối cùng tất cả đều ngỡ ngàng, sửng sốt trước cái chết đột ngột của lão. Hay còn cách khác: lão có thể bán quách mảnh vườn đi. Nhưng lão lại nghĩ rằng đó là mảnh vườn của con lão. Và lão đã thà chết chứ không ăn của con!

Lòng tự trọng của lão Hạc rực sáng nhất ngay khi thân xác lão đau đớn nhất. Lão đã chọn cái chết, một cái chết khốc liệt để tâm hồn mình được trong sạch, được trọn vẹn tình nghĩa với tất thảy mọi người - kể cả với con chó Vàng tội nghiệp. Nhưng còn một chi tiết khác cũng cảm động vô cùng. Lão đã tính toán để ngay cả khi chết đi rồi cũng không làm phiền đến mọi người: lão đã gửi ông giáo mấy chục đồng bạc, định khi mình nằm xuống thì nhờ ông giáo lo liệu ma chay khỏi làm phiền hàng xóm! Hỡi ôi lão Hạc!

Xây dựng nhân vật lão Hạc, Nam Cao đã sử dụng nghệ thuật khắc họa nhân vật tài tình. Điều đó được thể hiện trong đoạn văn miêu tả bộ dạng, cử chỉ của lão Hạc khi kể cho ông giáo chuyện lừa bán cậu Vàng, trong đoạn miêu tả sự vật vã đau đớn dữ dội của lão Hạc trước lúc chết. Ngôn ngữ nhà văn sử dụng trong tác phẩm sinh động, ấn tượng, giàu tính tạo hình và hết sức gợi cảm.

Qua nhân vật lão Hạc, nhà văn đã thể hiện tinh thần nhân đạo tiến bộ sâu sắc.Nam Cao đã đồng cảm đến tận cùng với cái nghèo, cái đói của người nông dân Việt Nam trong nạn đói 1945. Thời cuộc đã dồn họ đến đường cùng và lối thoát nhanh chóng nhất là cái chết nghiệt ngã.

Nhưng trên hết, nhà văn đã biết nâng niu trân trọng vẻ đẹp tâm hồn cao khiết của người nông dân ngay cả khi họ bước vào đường cùng. Không chỉ giàu tình yêu thương, người nông dân còn sống đầy tự trọng. Trong cái đói, tự trọng là thứ gì đó xa xỉ vô cùng. Vì miếng ăn, người ta có thể tàn nhẫn, dã man, thậm chí mất hết nhân tính. Nhưng đáng trọng thay lão Hạc, lão không chỉ giữ được tình thương tươi mát mà còn giữ được lòng tự trọng vàng đá của mình.
Và chính nhờ vẻ đẹp tươi sáng ấy của lão Hạc mà Nam Cao đã chiệm nghiệm: "Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn". Chưa đáng buồn bởi còn có những con người cao quý như Lão Hạc. Viết câu văn ấy, nhà văn đã bày tỏ thái độ tin tưởng đối phẩm cách tốt đẹp của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Điều ấy đáng quý vô cùng bởi trước Cách mạng, người nông dân bị coi rẻ như cỏ rác, thậm chí có nhà văn còn nhận định người nông dân "như những con lợn không tư tưởng". Và bởi thế, tư tưởng của Nam Cao đáng ca ngợi biết bao!

Nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một nhân vật có nhiều đặc điểm đáng quý, đáng trân trọng. Từ lão Hạc, người nông dân Việt Nam có quyền tự hào về tâm hồn và phẩm cách của mình. Dựng lên nhân vật này, nhà văn Nam cao đã khẳng định một quan điểm giàu tính nhân đạo sâu sắc.

3. Cảm nghĩ về nhân vật lão Hạc trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao

“Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Giăng sáng). Quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh đó đã chi phối sáng tác cả đời của nhà văn Nam Cao. Những trang văn của ông được viết lên bởi tấm lòng nhân đạo cao cả, bởi trái tim không thôi trăn trở về số kiếp khổ đau của con người. Những Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận, những Thứ, Điền, Hộ,… đang ngụp lặn trong dòng đời nhiều cay đắng. Họ ám ảnh ta bằng chính cuộc đời của họ. Trong đó hình ảnh Lão Hạc cứ mãi chập chờn.

Cũng giống như biết bao nhân vật của văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, lão Hạc là một cố nông nghèo khổ. Cùng với nhân vật người trí thức, người nông dân là đối tượng mà tác giả dành nhiều sự ưu tâm nhất. Trong sáng tác của Nam Cao, môi trường, hoàn cảnh sống thường hiện hình qua cái đói, cái nghèo, miếng ăn và các định kiến xã hội. Lão Hạc sống suốt đời trong sự bủa vây của cái nghèo, cái đói. Đã nghèo, lại goá vợ, lão sống một mình trong cảnh “gà trống nuôi con”. Cũng như bao nhiêu cố nông nghèo khổ ở nông thôn, lão Hạc không có ruộng cày. Toàn bộ gia tài của lão chỉ có vẻn vẹn một con chó và một mảnh vườn. Mảnh vườn ấy có được là do vợ lão “cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu”. Đó là mảnh vườn còm cõi, hoa màu của nó cũng chỉ đủ để lão bòn mót. Cho nên, lão phải đi làm thuê, làm mướn, đem sức mình đổi lấy miếng ăn. Miếng ăn, cái đói, cái nghèo đã tạo nên gia cảnh, tạo nên cái số kiếp của lão. Lão rất thấm thìa cái cảnh tủi nhục của mình. Có lần lão chua xót nói với ông giáo kiếp người như lão chỉ nhỉnh hơn kiếp của một con chó.

Cũng vì nghèo đói, lão Hạc trở thành người cha phải bó tay trước hạnh phúc của người con trai độc nhất. Vì không có tiền cưới vợ nên con trai lão không lấy được người mình yêu. Anh tính bán mảnh vườn lo cưới vợ nhưng nghe lời bố lại thôi. “Lão thương con lắm. Nhưng biết làm sao được Đó là tình thương đầy bất lực của người cha. Rồi cũng chính cái đói, cái nghèo đã cướp đi mất đứa con trai duy nhất. Không chịu nổi cái nhục của kiếp nghèo, anh con trai lão phẫn chí bỏ làng, bỏ cha, “kí giấy xin đi làm đồn điền cao su…”. Ta không cầm nổi nước mắt khi nghe lão kể lại việc con đi : “Tôi chỉ còn biết khóc chứ còn biết làm sao được nữa ? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu có còn là con tôi Câu chuyện lão kể lại như đang xảy ra. Lão đã khóc, lão đang khóc, đang đau nỗi đau xé ruột của một người cha hoàn toàn bất lực trước cuộc sống của người con. Vì nghèo đói, lão cũng phải bán nốt cậu Vàng – người bạn duy nhất, điểm tựa tinh thần, sợi dây duy nhất gắn lão với thằng con trai. Và cũng vì nghèo đói, vì biết bao gánh nặng ở đời, lão đã phải lựa chọn, một sự lựa chọn đầy nghiệt ngã, bi đát : cách chết của một con chó. Cả cuộc đời của lão không có lấy một bữa no. Nghèo khổ cứ dần dần lấy đi của lão tất cả, đẩy lão vào bước đường cùng không có lấy một lối thoát. Số phận, cuộc đời của lão cũng là một điển hình cho số phận bi đát của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng.

Nếu chỉ dừng lại ở đây, Nam Cao cũng chỉ là một nhà văn tả thực bình thường. Chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao luôn làm ấm nóng trái tim người đọc, luôn làm cho người ta tin vào cuộc đời dù cuộc đời còn nhiều cay đắng, bất hạnh. Ở Lão Hạc là một niềm tin bất diệt vào con người. Dù trong hoàn cảnh nào thì các nhân vật của Nam Cao đều cố gắng vươn lên ánh sáng, đều khao khát được sống đúng là con người. Lão Hạc dù nghèo khổ, bất hạnh nhưng ta nhận ra ở người cha già ấy những nét nhân cách thật đáng trọng.

Trước hết, đó là một người cha giàu tự trọng, ở đời, nhiều khi nghèo đi với hèn. Cái nghèo đôi lúc làm méo mó nhân cách con người, làm họ bị tha hoá, biến chất. Những ngày tháng gần cuối cuộc đời, khi đã “có đồng nào, cụ nhặt nhạnh” đưa cả cho ông giáo, lão chỉ bòn củ khoai, củ chuối cho qua ngày. Ông giáo “giấu giếm vợ thỉnh thoảng giúp đỡ ngấm ngầm lão”. Nhưng lão từ chối sự giúp đỡ đó “một cách hách dịch”. Cũng vì tự trọng, vì thương con lão quyết không ăn vào một đồng của con. Cũng vì tự trọng mà trước khi chết, lão nhịn ăn để lại tiền làm ma vì không muốn liên luỵ đến hàng xóm, láng giềng. Sự tự trọng đó là nét nhân cách đẹp, đáng trân trọng của một lão bần cố nông. “Đói cho sạch, rách cho thơm” thật đúng với trường hợp của lão Hạc.

Nhưng điều quan trọng nhất làm cho nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao để lại niềm cảm động và cảm phục khôn nguôi nơi bạn đọc chính là tấm lòng yêu thương con hết mực của lão. Cả cuộc đời đói khổ chính là sự thử thách tình phụ tử của lão và cũng chính là cả cuộc đời lão dành trọn tình yêu thương cho con. Vì thương con, yêu con nên lão luôn bòn mót, dành dụm tất cả cho con. Trong từng nếp nghĩ của lão Hạc bao giờ cũng thấm đẫm đức hi sinh cao cả. Trước khi đi phu, anh con trai biếu lão ba đồng bạc, để lại cho lão con chó, dặn lão “bòn vườn đất với làm thuê làm mướn cho người ta thế nào cũng đủ ăn”. Nhưng lão đã tự xoá đi cái quyền sở hữu của mình đối với mảnh vườn ấy. Sau khi con đi, lão tự nhủ không động đến những gì là của con. Lão dành dụm tất cả với hi vọng gom góp để con lão khi trở về sẽ đủ tiền cưới vợ. Vì không đủ tiền cưới vợ, nên con lão phẫn chí bỏ đi làm đồn điền cao su. Vì vậy, lão Hạc rất thương con. Nhưng lão không thể làm gì cho con nên lão chỉ biết khóc. Những giọt nước mắt của một người đàn ông đau khổ, của một người bố giàu lòng thương yêu con nhưng bất lực trước đói nghèo khiến người đọc thấy xót xa, quặn thắt.

Tinh yêu thương con lão gửi cả vào cậu Vàng hay yêu thương, chăm sóc cậu Vàng cũng chính là biểu hiện của tình yêu thương con vô hạn. “Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một người giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn…, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó”. Với lão Hạc, cậu Vàng không những là một người bạn chia sẻ những vui buồn của cuộc sống mà quan trọng hơn, cậu Vàng chính là sợi dây duy nhất nối cha con lão gần nhau, nuôi dưỡng hình ảnh người con trai trong trái tim của lão. Tình cảm với cậu Vàng không chỉ là biểu hiện của tấm lòng nhân ái, yêu thương loài vật mà còn là biểu hiện xúc động của tình phụ tử cao đẹp. Vì thế ta càng thấu hiểu hơn nỗi đau khổ và những giọt nước mắt ân hận của lão sau khi bán cậu Vàng : “Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Lão nhận mình là kẻ bất nhân, tên lừa đảo đối với một con chó vốn tin yêu mình. Nếu không phải là người yêu thương cậu Vàng hết mực thì lão Hạc không thể có những tâm trạng dằn vặt như thế sau khi bán con chó.

Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con của lão Hạc là cái chết bi phẫn ở cuối thiên truyện. Đó là một cái chết không hề bình thường. Lão chọn cái chết tức tưởi, quằn quại trong đau đớn như cái chết của một con chó : “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên,… Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội”. Phải chăng, lão Hạc chọn cách chết đó như muốn trừng phạt chính bản thân mình khi đã bán cậu Vàng ?

Ngày:31/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM