Suy nghĩ của em về tình cảnh người nông dân trong truyện ngắn Lão Hạc - Nam Cao

Nội dung bài văn mẫu dưới đây giúp các em hiểu rõ về tình cảnh của người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám nói chung và trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao nói riêng. Đồng thời rèn luyện cho các em kĩ năng phân tích và bình luận một bài văn. Mời các em tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây nhé. Chúc các em học tốt.

Suy nghĩ của em về tình cảnh người nông dân trong truyện ngắn Lão Hạc - Nam Cao

1. Dàn ý phân tích tình cảnh của người nông dân trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao

a. Mở Bài

- Giới thiệu đôi nét về Nam Cao và truyện ngắn "Lão Hạc".

- Sơ lược về tình cảnh của người nông dân qua truyện ngắn "Lão Hạc".

b. Thân Bài

- Lão Hạc tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân trong xã hội cũ.

- Tình cảnh của Lão Hạc:

+ Gia cảnh nghèo khó, vợ mất, sống cùng con trai và con chó vàng.

+ Con trai vì nghèo, không cưới được vợ nên bỏ đi đồn điền cao su.

+ Lão Hạc có một mảnh vườn nhỏ, chắt chiu sống qua ngày nhưng bệnh tật cứ quấn thân, rơi vào túng

quẫn phải bán chó.

+ Lão chọn cái chết để giữ lại mảnh vườn - tài sản cuối cùng cho con.

+ Lão Hạc là người cha hết mực thương con, sẵn sàng chết để giữ lại phẩm chất cao cả.

=> Lão Hạc sống rất tình nghĩa, thủy chung và trung thực.

- Tình cảnh của những nhân vật khác:

+ Con trai lão Hạc: Một thanh niên trai tráng vì hoàn cảnh mà chán chường, bỏ đi đồn điền cao su.
+ Vợ ông giáo: Vì hoàn cảnh mà chỉ nghĩ đến bản thân, vô cảm trước nỗi đau của người khác.
+ Binh Tư: Tiêu biểu cho một bộ phận nông dân bị đẩy vào bước đường cùng mà trở nên biến chất, tha hóa.

- Truyện ngắn dựng lên bức tranh sống động về hiện thực xã hội của những người nông dân

trước cách mạng.

- Qua nhân vật Lão Hạc, tác giả bày tỏ cái nhìn cảm thông, thái độ trân trọng những người nông dân chân chất, hiền lành.

c. Kết Bài

Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật, giá trị hiện thực đã phác họa phần nào tình cảnh của người nông dân trong xã hội cũ.

2. Phân tích tình cảnh của người nông dân trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại, ngòi bút của ông hướng về người nông dân nghèo đói bị vùi dập nhưng ở họ vẫn toát lên những phẩm chất cao quý. Tình cảnh của lão Hạc trong truyện ngắn "Lão Hạc" cũng chính là tình cảnh chung của những người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Một hiện thực đáng buồn thời bấy giờ!

Lão Hạc tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân trong xã hội cũ: Gia cảnh nghèo khó, vợ mất, sống cùng con trai và con chó vàng. Nhưng người con trai vì nghèo, không có tiền cưới vợ nên phẫn chí bỏ đi làm phu đồn điền cao su, một năm rồi chẳng có tin tức gì. Lão Hạc có một mảnh vườn nhỏ, lão chắt chiu sống qua ngày nhưng bệnh tật cứ quấn thân, rơi vào túng quẫn phải bán chó. Lão Hạc day dứt, ăn năn vì đánh lừa một con chó. Hơn nữa, "cậu Vàng" còn là người bạn thân thiết, là kỉ vật của anh con trai mà lão rất thương yêu. Nghèo đói đeo bám làm con người ta lặn ngụp trong bế tắc, đau khổ. Nó đánh vào nỗi khổ vật chất, nó vùi dập con người trong day dứt, đau khổ về tinh thần. Lão Hạc chọn cái chết để giữ lại mảnh vườn- tài sản cuối cùng cho con và cũng là cách duy nhất lão giữ lại nhân cách, thể hiện tình thương của người cha dành cho con trai mình. Quả là một người cha hết mực thương con, sẵn sàng chết để giữ lại phẩm chất cao cả, giữ lại những gì tốt nhất cho con. Nhưng cái chết ấy quá đau đớn, nó đánh mạnh vào số phận con người như lão Hạc và đánh mạnh vào nhận thức, suy nghĩ của chúng ta. Lão Hạc sống rất tình nghĩa, thủy chung và trung thực. Chính vì vậy lão tự tử bằng cách ăn bả chó. Lão đau đớn, xót xa, ân hận vì bán "cậu Vàng" nên lão chọn cái chết dữ dội, đau đớn như muốn tự trừng phạt vì đã lừa một con chó. Trước khi chết lão còn âm thầm chuẩn bị chu đáo về mọi thứ: Nhờ ông giáo trông nom mảnh vườn cho con trai, gửi tiền lo ma chay khi lão chết.

Mỗi người mỗi cảnh và họ chọn cho mình những cách sống khác nhau. Con trai lão Hạc là một thanh niên trai tráng vì hoàn cảnh nghèo không cưới được vợ mà chán chường, bỏ đi đồn điền cao su biền biệt. Ông giáo thường tâm tình và chứng kiến hoàn cảnh sống của lão Hạc nên ông giáo càng trân trọng, cảm thông sâu sắc nỗi khổ của lão Hạc. Riêng vợ ông giáo vì cảnh khổ mà chỉ nghĩ đến bản thân, vô cảm trước nỗi đau khổ của người khác. Theo lý giải của ông giáo về vợ mình thì "Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?". Cuộc sống dồn ép làm con người ta đôi lúc mất đi cái gọi là tình thương giữa con người với con người, thậm chí có thể khiến một vài người bị tha hóa, bị bần cùng hóa. Binh Tư tiêu biểu cho một bộ phận nông dân bị đẩy vào bước đường cùng mà trở nên biến chất, tha hóa. Binh Tư làm nghề ăn trộm để sống qua ngày và hắn không ưa lão Hạc vì lão lương thiện quá. Mỗi nhân vật hiện lên trong truyện với những tính cách khác nhau đã dựng lên bức tranh sống động về tình cảnh của những người nông dân, về hiện thực xã hội trước cách mạng. Qua nhân vật lão Hạc, Nam Cao bày tỏ cái nhìn cảm thông, thái độ trân trọng những người nông dân chân chất, hiền lành.

Tình cảnh của những người nông dân được tái hiện qua truyện ngắn "Lão Hạc" một cách đầy đủ, tinh tế và sâu sắc. Truyện tố cáo xã hội cũ đã đẩy người dân lương thiện đến bước đường cùng, đồng thời tiếng kêu thê lương của những người cùng khổ, niềm tin về những phẩm chất tốt đẹp của con người sẽ còn mãi.

3. Suy nghĩ của em về tình cảnh của người nông dân trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao

Nói đến Nam Cao là phải nói đến Lão Hạc. Tác phẩm này được coi là một truyện ngắn hiện thực xuất sắc trong trào lưu hiện thực phê phán của thời kì 1930 - 1945. Truyện không những tố khổ người nông dân trước tai trời ách đất, trước xã hội suy tàn mà đáng chú ý hơn cả là đã nêu bật được hình ảnh một lão nông đáng kính với phẩm chất của một con người đôn hậu, giàu lòng tự trọng và rất mực yêu thương con, để lại trong lòng người đọc niềm xót xa, cảm thông và mến phục.

Cả đời thắt lưng buộc bụng lão cũng chỉ có nổi trong tay một mảnh vườn và một con chó. Sự sống lay lắt cầm chừng bằng số tiền ít ỏi do bòn vườn và làm thuê. Nhưng thiên tai, tật bệnh chẳng để lão yên ổn. Bao nhiêu tiền dành dụm được, sau một trận ốm đã hết sạch sành sanh, lão đã phải kiếm ăn như một con vật. Nam Cao đã dũng cảm nhìn thẳng vào nỗi khổ về vật chất của người nông dân mà phản ánh.

Đó là nỗi đau của người chồng mất vợ, người cha mất con. Những ngày tháng xa con, lão sống trong nỗi lo âu, phiền muộn vì thương nhớ con vì chưa làm tròn bổn phận của người cha. Còn gì xót xa hơn khi tuổi già gần đất xa trời lão phải sống trong cô độc. Không người thân thích, lão phải kết bạn chia sẻ cùng cậu vàng.

Nỗi đau, niềm ân hận của lão khi bán con chó. Đau đớn đến mức miệng lão méo xệch đi .... Khổ sở, đau xót buộc lão phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Lão đã chọn cái chết thật dữ dội. Lão Hạc sống thì mỏi mòn, cầm chừng qua ngày, chết thì thê thảm. Cuộc đời người nông dân như lão Hạc đã không có lối thoát.

Vì nghèo đói, không có được hạnh phúc bình dị như mình mong muốn khiến anh phẫn chí, bỏ làng đi đồn điền cao su với một giấc mộng viển vông có bạc trăm mới về. Nghèo đói đã đẩy anh vào tấn bi kịch không có lối thoát.

Không chỉ giúp ta hiểu được nỗi đau trực tiếp của người nông dân, truyện còn giúp ta hiểu được căn nguyên sâu xa nỗi đau của họ. Đó chính là sự nghèo đói và những hủ tục phong kiến lạc hậu

Con đi xa, bao tình cảm chất chứa trong lòng lão dành cả cho cậu vàng. Lão coi nó như con, cưu mang, chăm chút như một đứa cháu nội bé bỏng côi cút: lão bắt rận, tắm, cho nó ăn bằng bát như nhà giàu, âu yếm, trò chuyện gọi nó là cậu vàng, rồi lão mắng yêu, cưng nựng. Có thể nói tình cảm của lão dành cho nó như tình cảm của người cha đối với người con.

Nhưng tình thế đường cùng, buộc lão phải bán cậu vàng. Bán chó là một chuyện thường tình thế mà với lão lại là cả một quá trình đắn đo do dự. Lão coi đó là một sự lừa gạt, một tội tình không thể tha thứ. Lão đã đau đớn, đã khóc, đã xưng tội với ông giáo mong được dịu bớt nỗi đau dằng xé trong tâm can.

Tự huỷ diệt niềm vui của chính mình, nhưng lại xám hối vì danh dự làm người khi đối diện trước con vật. Lão đã tự vẫn. Trên đời có bao nhiêu cái chết nhẹ nhàng, vậy mà lão chọn cho mình cái chết thật đau đớn, vật vã...dường như lão muốn tự trừng phạt mình trước con chó yêu dấu.

Vợ mất, lão ở vậy nuôi con, bao nhiêu tình thương lão đều dành cho con trai lão. Trước tình cảnh và nỗi đau của con, lão luôn là người thấu hiểu tìm cách chia sẻ, tìm lời lẽ an ủi giảng giải cho con hiểu dằn lòng tìm đám khác. Thương con lão càng đau đớn xót xa khi nhận ra sự thực phũ phàng: Sẽ mất con vĩnh viễn "Thẻ của nó ...chứ đâu có còn là con tôi ". Những ngày sống xa con, lão không nguôi nỗi nhớ thương, niềm mong mỏi tin con từ cuối phương trời . Mặc dù anh con trai đi biền biệt năm sáu năm trời, nhưng mọi kỷ niệm về con vẫn luôn thường trực ở trong lão. Trong câu chuyện với ông giáo , lão không quên nhắc tới đứa con trai của mình

Lão sống vì con, chết cũng vì con : Bao nhiêu tiền bòn được lão đều dành dụm cho con. Đói khát, cơ cực song lão vẫn giữ mảnh vườn đến cùng cho con trai để lo cho tương lai của con.

Hoàn cảnh cùng cực, buộc lão phải đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã: Nếu sống, lão sẽ lỗi đạo làm cha. Còn muốn trọn đạo làm cha thi phải chết. Và lão đã quyên sinh không phải lão không quý mạng sống, mà vì danh dự làm người, danh dự làm cha. Sự hy sinh của lão quá âm thầm, lớn lao.

Đối với ông giáo người mà Lão Hạc tin tưởng quý trọng, cũng luôn giữ ý để khỏi bị coi thường. Dù đói khát cơ cực, nhưng lão dứt khoát từ chối sự giúp đỡ của ông giáo, rồi ông cố xa dần vì không muốn mang tiếng lợi dụng lòng tốt của người khác. Trước khi tìm đến cái chết, lão đã toan tính sắp đặt cho mình chu đáo. Lão chỉ có thể yên lòng nhắm mắt khi đã gửi ông giáo giữ trọn mảnh vườn, và tiền làm ma. Con người hiền hậu ấy, cũng là con người giàu lòng tự trọng. Họ thà chết chứ quyết không làm bậy. Trong xã hội đầy rẫy nhơ nhuốc thì tự ý thức cao về nhân phẩm như lão Hạc quả là điều đáng trọng. Binh Tư vì miếng ăn mà sinh ra làm liều bản chất lưu manh đã chiến thắng nhân cách trong sạch của con người. Vợ ông giáo vì nghèo đói cùng quấn mà sinh ra ích kỷ nhỏ nhen, tàn nhẫn, vô cảm trước nỗi đau của người khác .

- Có thể nói Lão Hạc là điển hình về cuộc đời và số phận của người nông dân trong xã hội cũ. Lão là người nghèo khổ bị đẩy vào bước đường cùng, bị ức hiếp bị chà đạp vùi dập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp dưới bàn tay của xã hội phong kiến. Hoàn cảnh của lão phải bán chó thâm chí phải tự kết liễu đời mình vì quá túng quẫn cơ cực. Dù trong hoàn cảnh nào lão vẫn ánh lên phẩm chất cao đẹp của người nông đân hiền lành lương thiện giàu tình yêu thương và giàu lòng tự trọng.

Ngày:03/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM