Luật Tài chính - Ngân hàng

Chuyên mục Luật Tài chính - Ngân hàng được eLib chia sẻ sau đây tổng hợp các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Thông tư,... của cơ quan nhà nước về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán công nợ, kế toán, kiểm toán,.... Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Luật Tài chính

1.1 Khái niệm

Luật Tài chính là tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ, các nguồn vốn tiền tệ gắn liền với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và hoạt động của các chủ thể kinh tế xã hội khác.

1.2 Đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính

Trong điều kiện của nền kinh tế hàng hoá vận hành theo cơ chế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đối tượng điều chỉnh của luật tài chính đã vượt ra ngoài phạm vi tài chính công, tài chính nhà nước. Đối tượng điều chỉnh của Luật Tài chính hiện nay bao gồm cả những quan hệ tài chính giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, quan hệ tài chính của các tổ chức, cá nhân trên thị trường tài chính. Những quan hệ này không nhất thiết phải có sự tham gia của nhà nước với tư cách là bên chủ thể. Như vậy, có thể nói, các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của luật tài chính rất đa dạng, có nhiều chủ thể tham gia ở nhiều cấp độ khác nhau.

Các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của luật tài chính thường được phân chia theo 2 cách dựa vào những tiêu chí khác nhau:

- Căn cứ vào lĩnh vực mà các quan hệ tài chính được hình thành, đối tượng điều chỉnh của luật tài chính được phân biệt thành:

  • Các quan hệ tài chính – ngân sách. Đây là nhóm quan hệ tài chính phát sinh gắn liền với việc hình thành, phân phối, sử dụng quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất của nhà nước là quỹ ngân sách nhà nước.
  • Các quan hệ tài chính doanh nghiệp. Đây là nhóm quan hệ phát sinh trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Các quan hệ tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm. Những quan hệ liên quan đến việc các tổ chức kinh doanh bảo hiểm huy động được nguồn vốn và đưa chúng tham gia vào thị trường tài chính bằng các hình thức khác nhau đáp ứng nhu cầu về vốn của nền kinh tế.
  • Các quan hệ tín dụng. Các quan hệ liên quan đến hoạt động huy động vốn, cho vay vốn của các tổ chức trung gian tài chính trong quá trình hình thành các nguồn tài chính đáp ứng cho nhu cầu vốn của nền kinh tế sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật tài chính.
  • Các quan hệ tài chính trong khu vực dân cư, các tổ chức xã hội.

- Căn cứ vào hệ thống các chủ thể tham gia các hoạt động tài chính, đối tượng điều chỉnh của luật tài chính bao gồm:

  • Quan hệ tài chính giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với cơ quan nhà nước ở địa phương trong hoạt động thu, chi phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
  • Quan hệ tài chính giữa cơ quan tài chính, tổ chức tín dụng với nhau phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tiền tệ khác.
  • Quan hệ tài chính giữa cơ quan tài chính, tổ chức tài chính với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Các quan hệ này phát sinh trong việc cấp phát vốn, thu nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
  • Các quan hệ tài chính giữa các cơ quan tài chính, tổ chức tài chính với dân cư.
  • Nhóm quan hệ tài chính giữa các doanh nghiệp.

1.3 Phương pháp điều chỉnh của Luật Tài chính

Luật tài chính sử dụng hai phương pháp điều chỉnh chủ yếu là phương pháp mệnh lệnh bắt buộc và phương pháp bình đẳng thỏa thuận.

  • Phương pháp mệnh lệnh: thể hiện mối quan hệ bất bình đẳng giữa các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật tài chính, một bên nhân danh nhà nước có quyền ra lệnh buộc chủ thể bên kia phải thực hiện những hành vi nhất định như trong quan hệ thu nộp thuế, cấp phát kinh phí.
  • Phương pháp bình đẳng thỏa thuận: thể hiện các chủ thể tham gia trong quan hệ tài chính bình đẳng về địa vị pháp lý. Sự bình đẳng thể hiện ở quyền và nghĩa vụ tài chính mà các bên phải thực hiện hoặc trong trường hợp các bên không phải thực hiện nghĩa vụ và thể hiện quyền tự quyết định trong khuôn khổ pháp luật của các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật tài chính như các quan hệ phát sinh trong quá trình phân phối nguồn tài chính do các tổ chức kinh tế tạo ra trong quá trình hình thành, sử dụng quỹ tiền tệ của các chủ thể khác nhau trong xã hội.

2. Luật Ngân hàng

2.1 Khái niệm

Để có thể hiểu rõ về luật ngân hàng, chúng ta cần phải xét đến vị trí của luật ngân hàng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Xu hướng chung ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam là tách bạch giữa luật tài chính và luật ngân hàng. Tuy đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của luật ngân hàng có thể được xác định cụ thể nhưng chưa hẳn luật ngân hàng được thừa nhận là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, luật ngân hàng với các quy phạm pháp luật của nó có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thị trường.

Xét theo phương diện là một ngành luật trong hệ thống pháp luật thì khái niệm luật ngân hàng phụ thuộc vào tiêu chí phân định ngành luật, do vậy, có nhiều cách hiểu khác nhau về nội hàm của khái niệm này. Từ những quan điểm phổ biến và chung nhất, luật ngân hàng có thể được hiểu như sau:

Luật ngân hàng là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh và quy định về địa vị pháp lý của ngân hàng trung ương và của các tổ chức tín dụng; các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước và các quan hệ giao dịch có liên quan đến hoạt động lưu thông tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, các hoạt động ngân hàng và các dịch vụ ngân hàng của các tổ chức tín dụng và những chủ thể khác trong lĩnh vực ngân hàng và thị trường tiền tệ.

2.2 Đối tượng điều chỉnh của Luật Ngân hàng

Đối tượng điều chỉnh của luật ngân hàng là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước cũng như các quan hệ xã hội nảy sinh từ hoạt động lưu thông tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và các chủ thể khác tham gia vào lĩnh vực ngân hàng.

Căn cứ vào khái niệm, đối tượng điều chỉnh của luật ngân hàng bao gồm hai nhóm:

  • Các quan hệ quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.
  • Các quan hệ về tổ chức và hoạt động kinh doanh ngân hàng của các tổ chức tín dụng và những chủ thể khác có tham gia vào lĩnh vực này.

Căn cứ vào nội dung điều chỉnh các quan hệ pháp luật ngân hàng, đối tượng điều chỉnh của luật ngân hàng có thể được phân biệt thành những nhóm quan hệ xã hội như sau:

  • Nhóm các quan hệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng nhà nước Việt Nam
  • Nhóm các quan hệ tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng
  • Nhóm các quan hệ kinh doanh ngân hàng của các tổ chức khác, tuy không phải là tổ chức tín dụng nhưng được phép thực hiện một số hoạt động thuộc lĩnh vực ngân hàng.

2.3 Phương pháp điều chỉnh của Luật Ngân hàng

Về phương pháp điều chỉnh, luật ngân hàng sử dụng hai phương thức chủ yếu để tác động vào các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của mình là: phương pháp mệnh lệnh phục tùng và phương pháp bình đẳng thỏa thuận.

  • Phương pháp mệnh lệnh phục tùng: Phương pháp này chủ yếu được áp dụng trong các quan hệ xã hội có sự tham gia của ngân hàng nhà nước Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Lưu ý là, trong một số trường hợp, nếu ngân hàng nhà nước Việt Nam tham gia vào những mối quan hệ mang tính chất nghiệp vụ, không thể hiện chức năng quản lý nhà nước, phương pháp mệnh lệnh phục tùng sẽ không được áp dụng.
  • Phương pháp bình đẳng, thỏa thuận: Bình đẳng, thỏa thuận là phương pháp điều chỉnh của luật ngân hàng áp dụng chủ yếu đối với nhóm quan hệ diễn ra liên quan đến giao dịch tiền tệ tín dụng, ngân hàng được thiết lập trên cơ sở bình đẳng giữa các chủ thể là ngân hàng, kể cả mối quan hệ giữa ngân hàng trung ương với vai trò là trung tâm thanh toán, luân chuyển tiền tệ, làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

2.4 Nguồn của Luật Ngân hàng

Nguồn của Luật Ngân hàng bao gồm:

  • Hiến pháp;
  • Các đạo luật (Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các Tổ chức tín dụng);
  • Bộ luật Dân sự;
  • Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư;
  • Luật Tổ chức chính phủ;
  • Các Nghị định, thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

3. Nghị định về Tài chính - Ngân hàng

3.1 Khái niệm Nghị định

Nghị định là loại văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Theo đó, Nghị định là văn bản do chính phủ ban hành dùng để hướng dẫn luật hoặc quy định những việc phát sinh mà chưa có luật hoặc pháp lệnh nào điều chỉnh. Chính phủ ban hành nghị định để quy định những quyền lợi và nghĩa vụ của người dân theo Hiến pháp và Luật do Quốc hội ban hành.

Chính phủ ban hành nghị định để quy định:

  • Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết củaỦy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
  • Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ;
  • Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh, tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3.2 Nghị định Tài chính - Ngân hàng mới nhất

  • Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
  • Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
  • Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
  • Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
  • Nghị định 103/2018/NĐ-CP quy định về cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ
  • Nghị định 16/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Nghị định 122/2017/NĐ-CP quy định đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam
  • Nghị định 93/2017/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước
  • ...

4. Quyết định về Tài chính - Ngân hàng

4.1 Khái niệm Quyết định

Quyết định là một loại văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Quyết định là việc công bố hay công nhận một vấn đề đối với tổ chức hay cá nhân nào đó có tính thực thi bắt buộc.

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, tùy từng chủ thể ban hành mà có các loại quyết định sau:

Quyết định của Chủ tịch nước

  • Chủ tịch nước ban hành quyết định để quy định
  • Tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được;
  • Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để quy định:

  • Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
  • Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước

Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quyết định để quy định chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán.

Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định để quy định:

  • Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;
  • Biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương;
  • Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.

Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

 Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.

4.2 Quyết định Tài chính - Ngân hàng mới nhất

  • Quyết định 1350/QĐ-NHNN năm 2020 về mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Quyết định 1309/QĐ-NHNN năm 2020 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
  • Quyết định 1232/QĐ-TTg năm 2020 về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
  • Quyết định 1108/QĐ-BTC năm 2020 về công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Bộ Tài chính ban hành
  • Quyết định 38/2020/QĐ-UBND quy định về chế độ báo cáo định kỳ lĩnh vực tài chính trên địa bàn tỉnh Bình Định
  • Quyết định 15/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
  • Quyết định 13/2020/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 21/2018/QĐ-UBND quy định về cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
  • ....

5. Thông tư về Tài chính - Ngân hàng

5.1 Khái niệm Thông tư

Thông tư là văn bản giải thích, hướng dẫn thực hiện những văn bản của nhà nước ban hành, thuộc phạm vi quản lí của một ngành nhất định. Thông tư do Bộ hay cơ quan ngang Bộ ban hành, thường do Bộ trưởng hay chủ tịch ký. Ngoài ra, thông tư cũng có thể do nhiều Bộ ngành có liên quan cùng ban hành để áp dụng trong phạm vi liên quan tới các cơ quan đó.

Theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Thông tư bao gồm:

Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:

  • Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành thông tư để thực hiện việc quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức và những vấn đề khác được Luật tổ chức Tòa án nhân dân và luật khác có liên quan giao.
  • Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư để quy định, những vấn đề được Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và luật khác có liên quan giao.
  • Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư để quy định:

  • Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
  • Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình.
  • Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng.

Việc xây dựng, ban hành Thông tư của của các cơ quan nhà nước được quy định cụ thể tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

5.2 Thông tư Tài chính - Ngân hàng mới nhất

  • Thông tư 73/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 134/2017/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư 71/2020/TT-BTC về hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2021-2023 do Bộ Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư 67/2020/TT-BTC về Quy chế mẫu kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư 33/2020/TT-BTC quy định về mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư 28/2020/TT-BTC bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm và tài chính ngân hàng do Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư 06/2020/TT-NHNN quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Thông tư 05/2020/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
  • Thông tư 03/2020/TT-NHNN quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • ...

Trên đây là những thông tin bạn cần nắm rõ về Luật Tài chính, Luật Ngân hàng, Nghị định, Quyết định, Thông tư về Tài chính - Ngân hàng. Bên cạnh đó, eLib còn giới thiệu đến bạn các thông tư, nghị định, quyết định mới nhất trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng mới nhất hiện nay, mời các bạn cùng tham khảo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM