Dự thảo về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả;thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt theo từng chức danh, chức vụ đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Mời các bạn cùng tham khảo 

Dự thảo về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

CHÍNH PHỦ
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:         /2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày      tháng       năm 2020

DỰ THẢO
Ngày 20/3/2020

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả;thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt theo từng chức danh, chức vụ đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:

a) Cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục thường xuyên; trường trung cấp và trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên; cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ;

b) Trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; phân hiệu của cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở giáo dục thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và tổ chức là pháp nhân không phải cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viên; đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và tổ chức thực hiện dịch vụ gắn với hoạt động giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục);

d) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

3. Nghị định này không áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

Điều 3. Mức phạt tiền

1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, với tổ chức là 100.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng  đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ mức phạt tiền quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 11, khoản 1 và các điểm a, b, c, d và e khoản 3 Điều 14, điểm d khoản 3 Điều 20, khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 28 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân.Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.

Điều 4. Biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau:

1. Buộc giải thể cơ sở giáo dục, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục.

2. Buộc hủy bỏ văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật.

3. Buộc hủy bỏ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học.

4. Buộc tổ chức kiểm tra, đánh giá lại kết quả của người học.

5. Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh đối với hành vi làm mất bài thi.

6. Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được.

7. Buộc trả lại hồ sơ, giấy tờ của người học.

8. Buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại; trường hợp không thể trả lại được thì nộp về ngân sách nhà nước số tiền do hành vi vi phạm mà có.

9. Buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển vượt.

10. Buộc hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ.

11. Buộc huỷ bỏ văn bằng, chứng chỉ.

12. Buộc hủy bỏ bản sao văn bằng, chứng chỉ.

13.Buộc hủy bỏ kết quả công nhận đánh giá hoặc kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

14. Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy tờ, văn bản đã cấp.

15. Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoặc đăng ký hoạt động giáo dục.

16. Buộc bổ sung nội dung môn học hoặc chương trình đào tạo còn thiếu, tổ chức bảo vệ lại luận văn, luận án theo quy định.

17. Buộc đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học.

18. Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học.

19. Buộc công khai các khoản thu, chi tài chính.

20. Buộc thu hồi số tiền đã chi sai nộp vào ngân sách nhà nước.

21. Buộc bồi hoàn cho người học mọi chi phí đào tạo trong thời gian du học ở nước ngoài.

22. Buộc công khai đầy đủ các nội dung theo quy định.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1. CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP; SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, GIẢI THỂ; CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH  CƠ SỞ GIÁO DỤC, TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỊCH VỤ GIÁO DỤC

Điều 5. Vi phạm quy định về thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục hoặc thành lập tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối vớihành vi sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung:

a)Quyết định thành lập,quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục;

b) Quyết định thành lập,quyết định cho phép thành lập, quyết định giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối vớihành vi thành lập hoặc cho phép thành lập; giải thể tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc cho phép thành lập không đúng thẩm quyền.

3. Phạt tiền đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phéphoặc không đúng thẩm quyền theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;

b) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên;

c) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm;

d) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu quyết định thành lập,quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu quyết định thành lập,quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục không đúng thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này.

c) Tịch thu quyết định thành lập,quyết định cho phép thành lập tổ chức dịch vụ giáo dục không đúng thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này sau khi đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc giải thể cơ sở giáo dục, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phéphoặc không đúng thẩm quyền vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 6. Vi phạm quy định về cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động nghề nghiệp, đăng ký hoặc công nhận thực hiện dịch vụ giáo dục

1. Phạt tiền đối với hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động nghề nghiệp, đăng ký hoặc công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông,cơ sở giáo dục thường xuyên, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường trung cấp,trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục ngoài địa điểm được cấp phép, đăng ký hoặc công nhận theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường trung cấp,trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung trong quyết định cho phép hoạt động giáo dục hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoặc quyết định công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục hoặc quyết định công nhận hoạt động.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; đăng ký hoạt động nghề nghiệp, đăng ký hoặc công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục.

5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cho phép hoạt động, chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc chưa được công nhận hoạt động theo các mức phạt sau:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;

b) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông,cơ sở giáo dục thường xuyên, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục;

c) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường trung cấp,trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

d) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục từ 6tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu quyết định cho phép hoạt động giáo dục; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoặc quyết định công nhận thực hiện tổ chức dịch vụ giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5Điều này sau khi đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoặc đăng ký hoạt động giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tạikhoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này;

c) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoặc quyết định công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 7. Vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định;

b) Thực hiện không đầy đủ hoặc đúng hạn báo cáo định kỳ,báo cáo đột xuất theo quy định;

c) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất có nội dung không chính xác;

d) Cơ sở giáo dục sử dụng tên không đúng trong quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập;

đ) Không thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo quy định.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Ban hành không đầy đủ văn bản thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật;

b) Công khai không chính xác các nội dung theo quy định;

c) Không thực hiện công khaitheo quy định;

d) Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳhoặc đột xuất theo quy định;

đ) Không thực hiện gửi thông báo, quyết định của cơ sở giáo dục đại học đến Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi ban hành văn bản trái thẩm quyền hoặc văn bản có nội dung trái pháp luật.

4. Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi không tiến hành thành lập hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học theo quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ tuyển sinh từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc công khai đầy đủ các nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Buộc hủy bỏ văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Mục 2. CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TUYỂN SINH

Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định;

b)Thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào;

b) Thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này sau khi đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 9. Vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh

1. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng ở cấp trung học phổ thông theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 đến dưới 30 người học;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên.

2. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viênsai đối tượng theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 đến dưới 30 người học;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên.

3. Xử phạt đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ trình độ đại học sai đối tượng theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 đến dưới 30 người học;

c) Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên.

4. Xử phạt đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai đến dưới 5 người học;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 5 đến dưới 10 người học;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học trở lên.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy trình quy định trong quy chế tuyển sinh.

7. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ tuyển sinh 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy bỏ quyết định trúng tuyển; buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại quyết định trúng tuyển và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định trúng tuyển đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 10. Vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh

1. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viên vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 5% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

2. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 5% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

3. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 5% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển vượt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Mục 3. CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH, ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG, LIÊN KẾT

Điều 11. Vi phạm quy định về thời lượng, nội dung, chương trình giáo dục

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ hồ sơ, sổ sách theo quy định hoặc không sử dụng thiết bị dạy học đã được trang bị theo quy định.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không dạy đủ số tiết hoặc khối lượng học tập trong chương trình đào tạo của một học phần hoặc môn học theo các mức phạt sau đây:

a) Phạt cảnh cáo đối với vi phạm dưới 5 tiết;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với vi phạm từ 5 tiết đến dưới 10 tiết;

c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 10 tiết đến dưới 15 tiết;

d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với vi phạm từ 15 tiết trở lên.

3. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không bố trí dạy đủ số tiết hoặc khối lượng học tập trong chương trình đào tạo theo các mức phạt sau đây:

a) Phạt cảnh cáo đối với vi phạm dưới 5 tiết;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 5 tiết đến dưới 10 tiết;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 10 tiết đến dưới 15 tiết;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 15 tiết trở lên.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không tổ chức bảo vệ luận văn, đồ án đã quy định trong chương trình giáo dục.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tổ chức đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ khi người học chưa hoàn thành chương trình học theo quy định;

b) Thành viên hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ không đúng quy định.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động giáo dục không đúng thời gian đào tạo hoặc hình thức đào tạo đối với chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài.

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi giảng dạy chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài không đúng theo chương trình trong hồ sơ cấp phép;

8. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ đào tạo từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung nội dung môn học hoặc chương trình đào tạo còn thiếu, tổ chức bảo vệ lại luận văn, luận án đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3, 4 và điểm a khoản 5 Điều này;

b) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này.

Điều 12. Vi phạm quy định về mở ngành, chuyên ngành đào tạo

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tự chủ mở ngành, chuyên ngành đào tạo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong hành vi vi phạm sau:

a) Tự chủ mở ngành, chuyên ngành đào tạo khi chưa đủ một trong các điều kiện theo quy định đối với một ngành, chuyên ngành;

b) Gian lậnđể được cho phép mở đối với một ngành, chuyên ngành đào tạo.

c) Không đảm bảo một trong các điều kiện để mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:Đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành, chuyên ngành từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được do hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định cho phép mở ngành đào tạo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 13. Vi phạm quy định về đào tạo liên thông, liên kết

1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm các quy định về đào tạo liên thông theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo; không công khai hoặc công khai không đầy đủ các nội dung về đào tạo liên thông trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học theo quy định;

b) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tự chủ tổ chức đào tạo liên thông không đủ các điều kiện theo quy định.

2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về liên kết đào tạo theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đối với hành vi ký hợp đồng liên kết đào tạo không đầy đủ nội dung thông tin về đối tác liên kết, địa điểm tổ chức đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian đào tạo, mức thu học phí, kinh phí đào tạo và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo;

b) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo;

c) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo cấp bằng chính quy;

d) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định;

đ) Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tự chủ liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1; hành vi tự chủ liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoạt động giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này;

b) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều này.

Mục 4. CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THI, KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP

Điều 14. Vi phạm quy định về thi

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.

3. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy chế thi theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;

c) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định;

d) Từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi;

đ) Từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định;

e) Từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.

4. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi làm mất bài thi.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

b) Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học không đúng quy chế theo các mức phạt sau đây:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm ở cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm ở trường trung cấp, trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm ở cơ sở giáo dục đại học.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tổ chức kiểm tra, đánh giá lại kết quả của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của Dự thảo ----

Ngày:04/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM