Dự thảo thông tư quy định về hoạt động của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục

 Thông tư này áp dụng với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mời các bạn cùng eLib tìm hiểu thêm nhé!

Mục lục nội dung

Chương I. Quy định chung 

Chương II. Hoạt động thể thao 

Chương III. Hoạt động văn hóa 

Chương IV. Tổ chức thực hiện 

Dự thảo thông tư quy định về hoạt động của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Dự thảo thông tư quy định về hoạt động của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số:        /2017/TT-LĐTBXH Hà Nội, ngày       tháng      năm 2017

DỰ THẢO 02
ngày 19/6/2017

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG THỂ THAO, VĂN HÓA, VĂN NGHỆ HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Thể dục, Thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

Căn cứ Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường;

Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;

Căn cứ Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu;

Căn cứ Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư Quy định về hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tổ chức hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

2. Thông tư này không áp dụng với các trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và các trường trung cấp, cao đẳng đào tạo chuyên ngành năng khiếu về thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động thể thao học sinh, sinh viên là hoạt động tự nguyện của học sinh, sinh viên, được tổ chức theo hình thức ngoại khóa phù hợp với sở thích, giới tính, lứa tuổi và sức khỏe.

2. Hoạt động văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên là hoạt động liên hoan văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi học sinh, sinh viên thanh lịch, thi người đẹp, thi người mẫu theo quy định của pháp luật và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác được tổ chức cho học sinh, sinh viên.

Điều 4. Mục đích tổ chức hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên

1. Thực hiện chủ trương giáo dục toàn diện và phát triển nguồn nhân lực chất lượng.

2. Phát triển phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục thể chất và nếp sống, phong cách ứng xử văn hóa; tạo sân chơi cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên

1. Thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Thi đấu thể thao, liên hoan văn nghệ quần chúng và các cuộc thi khác tổ chức cho học sinh, sinh viên phải đảm bảo yêu cầu và nguyên tắc theo quy định của pháp luật; thực hiện chủ trương xã hội hóa; thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí, hình thức.

Chương II

HOẠT ĐỘNG THỂ THAO HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 6. Nội dung và hình thức hoạt động thể thao học sinh, sinh viên

1. Hướng dẫn luyện tập các môn thể dục, thể thao, trò chơi vận động, trò chơi trí tuệ, võ cổ truyền thông qua hình thức luyện tập và giao lưu thể thao theo câu lạc bộ, lớp, nhóm hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

3. Tổ chức thi đấu thể thao học sinh, sinh viên (gọi chung là Hội thao) theo quy định của pháp luật.

4. Đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên.

5. Phối hợp tổ chức cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp tham gia thi đấu thể thao tại các cuộc thi khu vực ASEAN và thế giới.

Điều 7. Hội thao các cấp

1. Hội thao cấp cơ sở do cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức trong phạm vi đơn vị mình và được tổ chức định kỳ hàng năm.

2. Hội thao cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội thao cấp tỉnh tổ chức định kỳ hai năm một lần.

3. Hội thao cấp khu vực, cấp toàn quốc học sinh, sinh viên ngành giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức định kỳ ba năm một lần.

4. Hội thao cấp Bộ, ngành chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các Hội thao khác không quy định tại Khoản 1,2,3 Điều này do Bộ, ngành phát động, tổ chức theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

Điều 8. Quy định tổ chức Hội thao

1. Cơ quan, đơn vị tổ chức Hội thao xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thành lập Ban tổ chức Hội thao và xây dựng Điều lệ Hội thao theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức giải thể thao quần chúng.

3. Điều lệ Hội thao cấp cơ sở phải được ban hành trước thời điểm khai mạc Hội thao ít nhất 20 ngày; Điều lệ Hội thao cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp toàn quốc phải được ban hành trước thời điểm khai mạc Hội thao ít nhất 45 ngày; Điều lệ Hội thao được thông báo công khai tới các bên tham gia.

4. Vận động tài trợ (nếu có).

5. Tổ chức Hội thao theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

6. Báo cáo hoạt động và kết quả Hội thao cho cơ quan có thẩm quyền.

7. Chế độ chi tiêu tài chính đối với Hội thao thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan tài chính có thẩm quyền.

Chương III

HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, VĂN NGHỆ HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Điều 9. Nội dung và hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ

1. Giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua việc tổ chức học sinh, sinh viên tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc.

2. Tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên.

3. Tổ chức các cuộc thi: liên hoan văn nghệ quần chúng học sinh, sinh viên, thi học sinh, sinh viên thanh lịch, thi người đẹp, người mẫu,... (gọi chung là Hội thi).

Điều 10. Hội thi các cấp

1. Hội thi cấp cơ sở do cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức trong phạm vi đơn vị mình và được tổ chức định kỳ hàng năm.

2. Hội thi cấp tỉnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội thi cấp tỉnh tổ chức định kỳ hai năm một lần.

3. Hội thi cấp khu vực, cấp toàn quốc do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức định kỳ ba năm một lần.

4. Hội thi cấp Bộ, ngành chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các Hội thi khác không quy định tại Khoản 1,2,3 Điều này do Bộ, ngành phát động, tổ chức theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

Điều 11. Quy định tổ chức Hội thi

1. Cơ quan, đơn vị tổ chức Hội thi xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thành lập Ban tổ chức Hội thi, xây dựng Quy chế Hội thi theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT -BVHTTDL ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức thi, liên hoan văn nghệ quần chúng.

3. Quy chế Hội thi cấp cơ sở phải được ban hành trước thời điểm khai mạc Hội thi ít nhất 20 ngày; Quy chế Hội thi cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp toàn quốc phải được ban hành trước thời điểm khai mạc Hội thi ít nhất 45 ngày; Quy chế Hội thi được thông báo công khai tới các bên tham gia.

4. Vận động tài trợ (nếu có).

5. Báo cáo hoạt động và kết quả Hội thi cho cơ quan có thẩm quyền.

6. Chế độ chi tiêu tài chính đối với Hội thi thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan tài chính có thẩm quyền.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Kinh phí tổ chức Hội thao, Hội thi học sinh, sinh viên

1. Kinh phí tổ chức Hội thao, Hội thi cấp cơ sở do cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự cân đối, bố trí.

2. Kinh phí tổ chức Hội thao, Hội thi cấp tỉnh được bố trí trong dự toán chi ngân sách năm của tỉnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3.  Kinh phí tổ chức Hội thao, Hội thi cấp khu vực và cấp toàn quốc được bố trí trong dự toán chi ngân sách năm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt.

4. Ngoài các nguồn chi từ ngân sách, Hội thao, Hội thi có thể huy động các nguồn xã hội hóa và nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tài trợ theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Căn cứ kết quả tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên, thủ trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thủ trưởng cơ quan quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thao, Hội thi hoặc có đóng góp tích cực, hiệu quả việc tổ chức Hội thao, Hội thi và các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên.

2. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về tổ chức Hội thao, Hội thi và các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định tùy theo mức độ vi phạm.

Điều 14. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

1. Hướng dẫn tổ chức triển khai các hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

2. Kiểm tra việc tổ chức Hội thao, Hội thi học sinh, sinh viên cấp cơ sở và cấp tỉnh.

3. Tổ chức Hội thao, Hội thi cấp khu vực, cấp toàn quốc theo kế hoạch được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt.

4. Trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các giải thi đấu thể thao khu vực ASEAN và thế giới (nếu có).

5. Tổng hợp các báo cáo về hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Chủ trì xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí tổ chức Hội thao, Hội thi cấp tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện; tổ chức đoàn học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Hội thao, Hội thi cấp khu vực, cấp toàn quốc.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên theo quy định.

2. Khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ các cấp.

3. Hàng năm, tổng hợp tình hình tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ học sinh, sinh viên tại cơ sở trong báo cáo tổng kết gửi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày      tháng     năm 2017.

2. Các Thông tư số 15/2013/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 8 năm 2013 và Thông tư số 16/2013/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 8 năm 2013 hết hiệu lực kể từ ngày      tháng     năm 2017.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ;

- Ban Tuyên giáo TW;

- Các Bộ và cơ quan ngang bộ;

- TW Đoàn TNCSHCM, Hội SVVN;

- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);

- Công báo, Website Bộ LĐTBXH, Website TCGDNN;

- Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Lưu VT, TCGDNN.

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung
Ngày:09/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM