TCVN 11041-7:2018 Nông nghiệp hữu cơ

TCVN 11041-7:2018 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3/SC1 Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Mời các bạn tham khảo!

TCVN 11041-7:2018 Nông nghiệp hữu cơ

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 11041-7:2018

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ - PHẦN 7: SỮA HỮU CƠ

Organic agriculture - Part 7: Organic milk

Lời nói đầu

TCVN 11041-7:2018 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3/SC1 Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố;

Bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ gồm các phần sau đây:

- TCVN 11041-1:2017, Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ,

- TCVN 11041-2:2017, Phần 2: Trồng trọt hữu cơ,

- TCVN 11041-3:2017, Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ,

- TCVN 11041-5:2018, Phần 5: Gạo hữu cơ,

- TCVN 11041 -6:2018, Phần 6: Chè hữu cơ,

- TCVN 11041-7:2018, Phần 7: Sữa hữu cơ,

- TCVN 11041-8:2018, Phần 8: Tôm hữu cơ.

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ - PHẦN 7: SỮA HỮU CƠ

Organic agriculture - Part 7: Organic milk

1  Phạm vi áp dụng

  • Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với chăn nuôi gia súc cho sữa hữu cơ, thu nhận, bảo quản, chế biến sữa hữu cơ.
  • Tiêu chuẩn này được áp dụng đồng thời với TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041-3:2017.

2  Tài liệu viện dẫn

- Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

  • TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
  • TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 2: Trồng trọt hữu cơ
  • TCVN 11041-3:2017 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ

3  Thuật ngữ và định nghĩa

- Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 11041-1:2017 cùng với các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:

3.1

  • Sữa tươi nguyên liệu hữu cơ (organic raw milk)
  • Sữa thu được từ một hoặc nhiều lần vắt từ tuyến vú của gia súc cho sữa được nuôi theo phương thức hữu cơ, không bổ sung hoặc tách bớt các thành phần của sữa, chưa qua xử lý ở nhiệt độ cao hơn 40 °C hoặc các biện pháp xử lý tương đương khác, dùng để tiêu thụ ở dạng sữa lỏng hoặc để chế biến tiếp theo.

3.2

  • Sản phẩm sữa hữu cơ (organic milk products)
  • Sản phẩm thu được từ quá trình chế biến sữa tươi nguyên liệu hữu cơ (3.1), có thể bổ sung phụ gia thực phẩm và các thành phần khác cần cho quá trình chế biến.

4  Nguyên tắc

  • Chăn nuôi gia súc cho sữa, thu nhận sữa hữu cơ, bảo quản, chế biến sữa hữu cơ tuân thủ các nguyên tắc chung theo Điều 4 của TCVN 11041-1:2017 và Điều 4 của TCVN 11041-3:2017.

5  Các yêu cầu

5.1  Chăn nuôi

5.1.1  Khu vực chăn nuôi

  • Theo 5.1.1 của TCVN 11041-3:2017.

5.1.2  Chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ

  • Theo 5.1.2 của TCVN 11041-3:2017.

5.1.3  Duy trì sản xuất hữu cơ

  • Theo 5.1.3 của TCVN 11041-1:2017.

5.1.4  Sản xuất song song và sản xuất riêng rẽ

  • Theo 5.1.4 của TCVN 11041-1:2017.

5.1.5  Quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học

  • Theo 5.1.5 của TCVN 11041-1:2017.

5.1.6  Giống vật nuôi

  • Theo 5.1.3 của TCVN 11041-3:2017.

5.1.7  Thức ăn chăn nuôi

  • Theo 5.1.4 của TCVN 11041-3:2017.
  • Thức ăn hữu cơ và thức ăn không hữu cơ phải được bảo quản riêng rẽ và được nhận diện.

5.1.8  Quản lý sức khỏe vật nuôi

- Theo 5.1.5 của TCVN 11041-3:2017 và yêu cầu cụ thể sau đây:

  • Trừ trường hợp sử dụng vắc xin và điều trị ký sinh trùng, nếu gia súc được điều trị nhiều hơn ba đợt bằng thuốc thú y tổng hợp hóa học trong vòng 12 tháng thì sữa của những gia súc này không được công bố là sữa hữu cơ và gia súc phải trải qua thời kỳ chuyển đổi quy định tại 5.1.2.
  • Danh mục thuốc thú y và các chất hỗ trợ được phép sử dụng đối với gia súc cho sữa trong chăn nuôi hữu cơ được nêu trong Bảng A.1 của tiêu chuẩn này.
  • Không được sử dụng hoạt chất strychnine trong chăn nuôi hữu cơ.

5.1.9  Quản lý cơ sở chăn nuôi

- Theo 5.1.6 của TCVN 11041-3:2017 và các yêu cầu bổ sung sau đây:

5.1.9.1  Tại các khu vực có điều kiện khí hậu thích hợp để chăn thả gia súc ngoài trời, không nhất thiết sử dụng chuồng nuôi nhốt.

5.1.9.2  Nếu sử dụng chuồng nuôi nhốt, phải đảm bảo gia súc có thể tự do ra vào khu vận động ngoài trời, trừ trường hợp gia súc được chăn thả ngoài trời tối thiểu hai lần mỗi tuần.

5.1.9.3  Đối với đồng cỏ và khu vận động ngoài trời:

a) Cơ sở phải có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm chất cấm từ các khu vực xung quanh.

b) Không được gieo trồng hạt giống và vật liệu nhân giống có nguồn gốc từ công nghệ tái tổ hợp ADN.

c) Phải có cây xanh hoặc phương tiện tránh các điều kiện thời tiết (ví dụ: mưa, gió, ánh sáng, nhiệt độ) không thích hợp, khi gia súc không thể tự do ra vào chuồng.

d) Phải có biện pháp kiểm soát động vật và thực vật có độc.

5.1.9.4  Việc nuôi nhốt gia súc tạm thời được phép áp dụng để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của gia súc trong các trường hợp sau:

a) gia súc từ khi sinh đến hai tháng tuổi; riêng đối với bê, nghé: trong vòng 7 ngày sau khi cai sữa và không ít hơn hai tháng tuổi.

b) trâu, bò cái mang thai từ tháng thứ 8 đến khi sinh.

c) trong điều kiện thời tiết xấu hoặc xảy ra thảm họa thiên nhiên.

d) trong thời gian mà nếu vận động ngoài trời có thể gây nguy hiểm cho việc cứu hộ gia súc khi có dịch bệnh hoặc thảm họa.

e) trong thời gian mà việc gặm cỏ hoặc việc di chuyển của gia súc gây tổn hại đến đồng cỏ và khu vận động ngoài trời.

5.1.9.5  Bê, nghé có thể được giữ trong chuồng riêng, đến ba tháng tuổi, với điều kiện:

a) không được buộc cố định bê, nghé và phải có đủ không gian để bê, nghé nằm, đứng, quay đầu, tự liếm lông và nghỉ ngơi.

b) chuồng phải được thiết kế để mỗi con bê, nghé có thể nhìn thấy, ngửi và nghe thấy những con khác cùng loài; mỗi chuồng có diện tích tối thiểu 2,5 m2 và chiều rộng tối thiểu 1,5 m.

5.1.10  Quản lý phân và chất thải

  • Theo 5.1.7 của TCVN 11041-3:2017.

5.2  Vắt sữa và thu gom sữa tươi nguyên liệu

5.2.1  Khu vắt sữa

a) Cơ sở phải giảm thiểu thời gian chờ của gia súc khi chúng di chuyển từ khu vực nuôi giữ đến khu vắt sữa và khi gia súc từ khu vắt sữa trở về chuồng hoặc ra đồng cỏ hoặc khu vận động ngoài trời.

b) Không được sử dụng cửa điện.

c) Phải có biện pháp bảo vệ không cho các động vật không mong muốn như lợn, gia cầm và các loài khác tiếp cận khu vắt sữa vì chúng có thể làm ô nhiễm sữa.

d) Đối với gia súc mang bệnh, sữa phải được vắt ở khu riêng biệt.

e) Nền chuồng ở khu vực nuôi giữ và lối đi không được trơn trượt.

f) Khu vắt sữa phải:

  • Dễ dàng làm sạch;
  • Mặt sàn phải được thiết kế không được trơn trượt, dễ thoát nước, có biện pháp để thu gom và xử lý chất thải;
  • Có hệ thống thông gió và chiếu sáng thích hợp;
  • Có nguồn cung cấp nước đầy đủ và thích hợp, có chất lượng phù hợp để sử dụng khi vắt sữa, khi vệ sinh bầu vú và vệ sinh các thiết bị vắt sữa;
  • Có những khu vực riêng biệt hiệu quả để ngăn cách các nguồn ô nhiễm như phòng vệ sinh (nếu sử dụng) và các chất thải;
  • Có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả côn trùng và động vật gặm nhấm.

g) Thiết bị, dụng cụ vắt sữa phải được thiết kế, lắp đặt, bố trí, bảo dưỡng và sử dụng sao cho chúng có thể được làm sạch và không tạo ra nguồn ô nhiễm sữa. Chỉ sử dụng các chất làm sạch, khử trùng thiết bị, dụng cụ vắt sữa nêu trong Phụ lục C của TCVN 11041-3:2017.

h) Quy trình vắt sữa phải được thực hiện trong các điều kiện vệ sinh, gồm:

  • Vệ sinh cá nhân tốt của nhân viên vắt sữa;
  • Vệ sinh sạch núm vú, bầu vú, phần hông và phần bụng của gia súc;
  • Làm sạch và khử trùng các thiết bị/thùng dùng để vắt sữa;
  • Tránh làm thương tổn các mô của đầu vú và bầu vú;
  • Tránh nhiễm chéo.

i) Các thao tác vắt sữa phải giảm thiểu được việc xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm và các tạp chất lạ từ môi trường vắt sữa và từ da của gia súc cũng như các dư lượng hóa chất do quy trình làm sạch và khử trùng hàng ngày.

5.2.2  Thu gom sữa tươi nguyên liệu

a) Trong mọi điều kiện, phải bảo quản sữa để tránh các chất ô nhiễm sữa và giảm thiểu sự phát triển của vi sinh vật. Dụng cụ dùng để bảo quản và vận chuyển sữa phải được thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng và sử dụng sao cho tránh ô nhiễm và giảm thiểu sự phát triển của vi sinh vật trong sữa:

  • Thùng và can bảo quản sữa phải được thiết kế sao cho bảo đảm thoát nước triệt để và được lắp đặt để tránh ô nhiễm sữa từ bên trong;
  • Thiết bị bảo quản sữa phải được lắp đặt, bảo trì và kiểm tra để bảo đảm thiết bị này có chức năng hoạt động phù hợp;
  • Bề mặt của thùng, can đựng sữa và các thiết bị tiếp xúc với sữa phải dễ làm vệ sinh và khử trùng, bề mặt này phải chống ăn mòn và không thôi nhiễm vào sữa các chất với lượng có thể gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng;
  • Thùng và can đựng sữa phải được vệ sinh và khử trùng thường xuyên và với tần suất đủ để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa ô nhiễm sữa;
  • Cần có quy trình kiểm tra định kỳ để bảo đảm thiết bị bảo quản sữa được bảo dưỡng thích hợp và ở trong điều kiện làm việc tốt.

b) Sữa phải được thu gom, vận chuyển và giao đến cơ sở chế biến càng sớm càng tốt và theo cách thức sao cho tránh ô nhiễm sữa, giảm thiểu sự phát triển của vi sinh vật trong sữa.

- Nếu không chế biến sữa trong vòng 2 h sau khi vắt thì phải làm lạnh sữa đến nhiệt độ:

  • Không lớn hơn 6 °C khi sữa được thu gom hàng ngày;
  • Không lớn hơn 4 °C khi sữa không được thu gom hàng ngày.

- Trong quá trình vận chuyển sữa tươi nguyên liệu, phải đảm bảo nhiệt độ của sữa không lớn hơn 8 °C.

- Phải có biện pháp kiểm soát nhiệt độ của sữa và thời gian thực hiện công đoạn thu gom, vận chuyển và giao sữa đến cơ sở chế biến.

c) Sữa từ gia súc được điều trị bằng thuốc thú y không được pha trộn với sữa hữu cơ và không được vận chuyển cùng với sữa hữu cơ.

d) Khi vận chuyển, sữa hữu cơ phải được nhận diện rõ ràng để tránh bị ô nhiễm hoặc bị trộn lẫn với sữa không hữu cơ.

5.3  Chế biến các sản phẩm sữa

- Theo 5.3 của TCVN 11041-1:2017 và các yêu cầu cụ thể sau đây:

a) Phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến: theo danh mục nêu trong Bảng B.1 và Bảng B.2 của tiêu chuẩn này.

b) Hương liệu: chỉ được phép sử dụng các chất tạo hương tự nhiên.

c) Nước: phải sử dụng nước uống được.

d) Muối: phải sử dụng muối dùng cho thực phẩm.

e) Các chế phẩm vi sinh vật và enzym được sử dụng phải đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng chế phẩm chứa vi sinh vật biến đổi gen hoặc enzym có nguồn gốc từ công nghệ gen.

f) Các chất khoáng (bao gồm cả nguyên tố vi lượng), vitamin, axit béo thiết yếu, axit amin thiết yếu và các vi chất dinh dưỡng khác được sử dụng phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

5.4  Bao gói

  • Theo 5.4 của TCVN 11041-1:2017.

5.5  Ghi nhãn

  • Theo 5.5 của TCVN 11041-1:2017.

5.6  Bảo quản và vận chuyển các sản phẩm sữa

  • Theo 5.6 của TCVN 11041-1:2017.

5.7  Kế hoạch sản xuất hữu cơ

  • Theo 5.7 của TCVN 11041-1:2017.

5.8  Ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm

  • Theo 5.8 của TCVN 11041-1:2017.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của TCVN 11041-7:2018 ----

Ngày:11/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM