Hướng dẫn viết đề cương luận văn thạc sĩ
Đề cương luận văn thạc sĩ là một phần không thể thiếu trong khi làm luận văn. Tuy nhiên vẫn có nhiều sinh viên vẫn chưa hiểu hết được cách viết đề cương chi tiết này. Trong bài viết này eLib sẽ hướng dẫn các bạn "Hướng dẫn viết đề cương luận văn thạc sĩ" chuẩn nhất. Mời các bạn tham khảo!
Mục lục nội dung
Hướng dẫn viết đề cương luận văn thạc sĩ
1. Luận văn thạc sĩ là gì?
Luận văn thạc sĩ: Là chuyên khảo chuyên sâu về một vấn đề như quản lý, khoa học – công nghệ, kỹ thuật. Nhằm chứng tỏ người học đã có một lượng kiến thức lớn, nắm được các phương pháp nghiên cứu và đã có những kỹ năng thực tiễn về vấn đề cần nghiên cứu.
Luận văn thạc sĩ có hai dạng cơ bản:
-
Luận văn thạc sĩ định lượng
-
Luận văn thạc sĩ định tính
Cấu trúc cơ bản của Luận văn thạc sĩ được thống nhất chung cho tất cả các chuyên ngành đào tạo và tuân theo Quy chế đào tạo thạc sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục. Luận văn thạc sĩ được chia thành các phần và các chương. Số chương tùy thuộc vào mỗi ngành, chuyên ngành và đề tài cụ thể.
2. Quy định chung
2.1 Các nội dung bắt buộc
Họ và tên học viên
b) Cơ sở đào tạo
c) Tên đề tài, chuyên ngành, mã số đào tạo
d) Đặt vấn đề: Cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài
e) Mục tiêu của đề tài (các kết quả cần đạt được)
f) Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu
g) Dự kiến kết quả nghiên cứu
h) Dự kiến bàn luận
i) Kế hoạch thực hiện (đề tài được thực hiện trong khoảng thời gian từ 9 tháng đến 1 năm)
j) Kinh phí cho đề tài
k) Phụ lục: công cụ nghiên cứu
2.2 Hình thức trình bày
Hình thức thể hiện tổng quan bao gồm các phần sau:
- Các trang bìa, gồm:
+ Bìa mềm theo quy định của nhà trường (xem Phụ lục 1).
+ Trang phụ bìa (xem Phụ lục 2). - Mục lục: (xem Phụ lục 3).
- Danh mục các chữ viết tắt (nếu có).
- Danh mục các bảng, biểu, sơ đồ, hình vẽ.
- Đặt vấn đề (từ đây bắt đầu đánh số trang theo chữ số Ả rập: 1, 2, 3, .....).
- Chương 1: Tổng quan tài liệu.
- Chương 2: Đối tượng và phương pháp nghiên cứu.
- Chương 3: Dự kiến kết quả.
- Chương 4: Dự kiến bàn luận.
- Dự kiến Kết luận
- Kế hoạch thực hiện
- Danh mục tài liệu tham khảo.
- Phụ lục.
Về chi tiết trình bày:
Đề cương phải trình bày rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, không được tẩy xóa, các số liệu minh họa không trình bày nhiều lần để kéo dài trang đề cương; đề cương phải đánh số trang, đánh số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị.
- Soạn thảo văn bản: Đề cương luận văn sử dụng bảng mã Unicode, font chữ Times New Roman cỡ 13 hoặc 14 của hệ soạn thảo Winword hoặc tương đương; mật độ chữ bình thường, không được nén hoặc kéo dãn khoảng cách giữa các chữ; dãn dòng đặt ở chế độ 1,5 lines; lề trên 3,5cm; lề dưới 3,0cm; lề trái 3,5cm; lề phải 2cm. Số trang được đánh ở giữa, phía trên đầu mỗi trang, và đánh số trang từ phần đặt vấn đề theo chữ số Ả Rập (1,2,3...). Tối thiểu 25 trang khổ A4.
- Tiểu mục: Các tiểu mục của Đề cương được trình bày và đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất gồm bốn chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ: 4.1.2.1 chỉ tiểu mục 1 nhóm tiểu mục 2 mục 1 chương 4).
- Bảng biểu, hình vẽ, phương trình: Việc đánh số bảng biểu, hình vẽ, phương trình phải gắn với số chương; ví dụ Hình 3.4 có nghĩa là hình thứ 4 trong chương 3. Mọi đồ thị, bảng biểu lấy từ các nguồn khác phải được trích dẫn đầy đủ, ví dụ “Nguồn: Bộ Y tế - 2006”. Nguồn được trích dẫn phải được liệt kê chính xác trong Danh mục Tài liệu tham khảo. Tên của bảng ghi phía trên bảng và tên hình vẽ, sơ đồ, biểu đồ ghi phía dưới hình vẽ, sơ đồ, biểu đồ.
- Viết tắt: Hạn chế sử dụng chữ viết tắt trong luận văn. Chỉ viết tắt những từ, những cụm từ, thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong Đề cương hoặc có tính phổ biến. Nếu Đề cương phải sử dụng nhiều chữ viết tắt thì phải có bảng danh mục các từ viết tắt.
- Tài liệu tham khảo và cách trích dẫn: Theo quy định của nhà trường về trích lập tài liệu tham khỏa cho học viên sau đại học
- Phụ lục của Đề cương: Bộ câu hỏi...
2.3 Quy định về thủ tục
- Học viên phải nộp bản điện tử và 6 cuốn đề cương về phòng Đào tạo Sau đại học đúng thời gian quy định
- Phải có chữ ký xác nhận sự đồng ý của giáo viên hướng dẫn ( phần này để ngay sau bìa phụ)
- Chuẩn bị báo cáo đề cương bằng phần mềm powerpoint trong vòng 15 phút.
3. Quy định cụ thể
3.1 Quy mô của đề cương luận văn
Luận văn được trình bày tối thiểu là 25 trang (tính từ phần “Đặt vấn đề”, không kể các trang tài liệu tham khảo, và phụ lục kèm theo).
3.2 Cấu trúc của đề cương luận văn
Số chương của luận văn tùy thuộc vào đề tài cụ thể, nhưng thông thường bao gồm các nội dung sau:
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trình bày lý do chọn đề tài, mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học, thực tiễn của đề tài nghiên cứu và các giả thuyết khoa học. Nêu lý do vì sao tiến hành nghiên cứu, có thể bao gồm các thông tin:
1. Giới thiệu chung về vấn đề nghiên cứu
2. Thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của vấn đề, …
3. Nghiên cứu này nhằm giải quyết vấn đề gì hoặc trả lời câu hỏi nghiên cứu gì?
Lưu ý: viết ngắn gọn, tối đa là 2 trang
MỤC TIÊU
Mục tiêu nghiên cứu: Mục tiêu nghiên cứu bao gồm mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, không cần thiết phải có mục tiêu chung, nhưng bắt buộc phải có mục tiêu cụ thể, viết gọn trong 1 trang riêng.
Viết mục tiêu phải đảm bảo: đặc thù, đo lường được. Mục tiêu dùng động từ hành động, chỉ rõ nghiên cứu định làm gì, ở đâu, thời gian nào…
Mục tiêu phải đánh theo số thứ tự, không gạch đầu dòng.
Lưu ý rằng bên cạnh mục tiêu nghiên cứu, tác giả cũng có thể trình bày thêm câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu (chẳng hạn với các nghiên cứu bệnh-chứng).
Hy vọng tư liệu này giúp các bạn viết nội dung đề cương chi tiết luận văn thạc sĩ một cách hoàn chỉnh nhất. Chúc các bạn thành công!
Tham khảo thêm
- doc Hướng dẫn chi tiết cách viết luận văn thạc sĩ đầy đủ nhất
- doc Hướng dẫn trình bày nội dung luận văn thạc sĩ
- doc Cách viết tóm tắt luận văn thạc sĩ
- doc Các bước viết luận văn thạc sĩ đạt điểm cao
- doc Hướng dẫn trình bày luận văn thạc sĩ
- doc Cách tạo phụ lục và mục lục cho luận văn thạc sĩ
- doc Tìm hiểu cách đánh giá và nhận xét luận văn thạc sĩ
- doc Tổng hợp các phương pháp nghiên cứu trong luận văn thạc sĩ