Sinh học 12 Bài 36: Quần thể sinh vật và mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể

Trong bài học này, các em sẽ được học các kiến thức như: định nghĩa quần thể, quá trình hình thành quần thể,các mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể: quan hệ hỗ trợ, quan hệ cạnh tranh. Làm rõ quan hệ giữa các cá thể trong quần thể có vai trò trong việc giữ ổn định trong quần thể, giữ cân bằng sinh thái

Sinh học 12 Bài 36: Quần thể sinh vật và mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Quần thể sinh vật và quá trình hình thành quần thể

- Khái niệm quần thể

+ Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể trong cùng một loài, cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời điểm nhất định. Các cá thể trong quần thể có khả năng giao phối tự do với nhau để sinh sản tạo thành những thế hệ mới.

+ Ví dụ: Các tập hợp cá thể sau đây là quần thể:

  • Trâu ở khu bảo tồn Yokđôn​

Quần thể trâu ở khu bảo tồn Yokđôn

  • Sen trong đầm

Quần thể sen trong đầm

  • Quần thể ngựa vằn

Quần thể ngựa vằn

- Quá trình hình thành quần thể

  • Đầu tiên những cá thể cùng loài đến môi trường sống mới; những cá thể nào không thích nghi với điều kiện sống mới sẽ bị tiêu diệt hay di cư đến nơi khác.
  • Những cá thể còn lại sẽ gắn bó chặt chẽ với nhau thông qua các mối quan hệ sinh thái, dần dần thành quần thể ổn định, thích nghi với điều kiện ngoại cảnh.

1.2. Các mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể

a. Quan hệ hỗ trợ 

- Là mối quan hệ giữa các cá thể cùng loài hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động sống như: tìm thức ăn, chống kẻ thù, sinh sản… đảm bảo cho quần thể thích nghi với môi trường sống.

- Quan hệ hỗ trợ đảm bảo cho quần thể tồn tại ổn định, khai thác tối đa nguồn sống của môi trường, tăng khả năng sống sót và sinh sản của cá thể.

- Ví dụ:

  • Báo hỗ trợ nhau săn mồi​

Quan hệ hỗ trợ

  • Hỗ trợ cùng loài ở thực vật

Hỗ trợ cùng loài ở thực vật

b. Quan hệ cạnh tranh

- Xuất hiện khi các cá thể tranh giành nhau thức ăn, nơi ở, ánh sáng và các nguồn sống khác, con đực tranh giành con cái… Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố của các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của quần thể.

- Ví dụ:

  • Cạnh tranh thức ăn

Cạnh tranh thức ăn

  • Cạnh tranh ánh sáng ở thực vật

Cạnh tranh ánh sáng ở thực vật

c. Ý nghĩa của các mối quan hệ trong quần thể

  • Quan hệ hỗ trợ và cạnh tranh trong quần thể là các đặc điểm thích nghi của sinh vật với môi trường sống, đảm bảo sự tồn tại và phát triển hưng thịnh :
  • Quan hệ hỗ trợ mang lại lợi ích cho các cá thể, các cá thể khai thác được tố ưu nguồn sống của môi trường, các con non được bố mẹ chăm sóc tốt hơn, chống chọi với điều kiện bất lợi của tự nhiên và tự vệ tránh kẻ thù tốt hơn,... Nhờ đó mà khả năng sống sót và sinh sản của những cá thể tốt hơn.
  • Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố của các cá thể trong quần thể duy trì ở mức độ phù hợp giúp cho loài phát triển ổn định. Cạnh tranh giữa các cá thể dẫn tới sự thắng thế của các cá thể khỏe và đào thải các cá thể yếu, nên thúc đẩy quá trình chọn lọc tự nhiên.

2. Bài tập minh họa

Các tập hợp cá thể sau đây: Cá trắm cỏ trong ao, Cá rô phi đơn tính trong hồ, Voi ở khu bảo tồn Yokđôn, Bèo trên mặt ao, Chuột trong vườn, Sen trong đầm, Sim trên đồi, Ốc bưu vàng ở ruộng lúa, Các cây ven hồ, Chim ở lũy tra làng. Tập hợp nào được gọi là quần thể?

Hướng dẫn giải

- Các tập hợp cá thể sau đây là quần thể:

1. Cá trắm cỏ trong ao

2. Voi ở khu bảo tồn Yokđôn

3. Ốc bưu vàng ở ruộng lúa

4. Sen trong đầm

5. Sim trên đồi

- Tập hơp các cá thể sau đây không phải là quần thể:                     

1. Cá rô phi đơn tính trong hồ

2. Bèo trên mặt ao

3. Các cây ven hồ

4. Chuột trong vườn

5. Chim ở lũy tra làng

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Lấy 2 ví dụ về quần thể sinh vật và 2 ví dụ không phải là quần thể sinh vật?

Câu 2: Quan sát các hình 36.2, 36.3 và 36.4 kết hợp với những nội dung đã học, hãy nêu những biểu hiện và ý nghĩa của quan hệ hỗ trợ giữa các cá thể trong quần thể ?

Câu 3: Có những hình thức cạnh tranh nào phổ biến? Nêu nguyên nhân và hiệu quả của các hình thức cạnh tranh đó?

Câu 4: Hãy nêu nguyên nhân của hiện tượng tự tỉa thưa ở thực vật. Nguyên nhân và hiệu quả của việc phát tán cá thể động vật ra khỏi đàn là gì? Nêu ví dụ?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Quần thể là một tập hợp cá thể có

A. cùng loài, sống trong 1 khoảng không gian xác định, có khả năng sinh sản tạo thế hệ mới

B. khác loài, sống trong 1 khoảng không gian xác định, vào 1 thời điểm xác định

C. cùng loài, cùng sống trong 1 khoảng không gian xác định, vào 1 thời điểm xác định

D. cùng loài, cùng sống trong 1 khoảng không gian xác định, vào 1 thời điểm xác định, có khả năng sinh sản tạo thế hệ mới

Câu 2: Những con voi trong vườn bách thú là

A. quần thể

B. tập hợp cá thể voi

C. quần xã

D. hệ sinh thái

Câu 3: Cạnh tranh giữa các cá thể cùng loài không có vai trò nào sau đây?

A. Làm tăng số lượng các cá thể của quần thể, tăng kích thước quần thể

B. Tạo động lực thúc đẩy sự hình thành các đặc điểm thích nghi mới

C. Làm mở rộng ổ sinh thái của loài, tạo điều kiện để loài phân li thành các loài mới

D. Duy trì số lượng và sự phân bố cá thể ở mức phù hợp

Câu 4: Ý nghĩa sinh thái của quan hệ cạnh tranh cùng loài là ảnh hưởng đến số lượng, sự phân bố

A. ổ sinh thái

B. tỉ lệ đực – cái, tỉ lệ nhóm tuổi

C. ổ sinh thái, hình thái

D. hình thái, tỉ lệ đực – cái

Câu 5: Trong quần thể, các cá thể luôn gắn bó với nhau thông qua mối quan hệ

A. hỗ trợ

B. cạnh tranh

C. hỗ trợ hoặc cạnh tranh

D. không có mối quan hệ

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Trình bày được thế nào là một quần thể sinh vật, lấy ví dụ minh hoạ về quần thể.
  • Nêu được các quan hệ hỗ trợ, quan hệ cạnh tranh trong quần thể, lấy được ví dụ minh họa và nêu được nguyên nhân, ý nghĩa sinh thái của các mối quan hệ đó. 
Ngày:04/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM