Giải bài tập SGK Sinh học 8 Bài 25: Tiêu hóa ở khoang miệng
Hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 8 Tiêu hóa ở khoang miệng giúp học sinh nắm được quá trình tiêu hóa thức ăn ở khoang miệng. Sự biến đổi vật lí, hóa học của thức ăn ở khoang miệng. Đồng thời giúp các em có thể hoàn thành bài tập giải thích các quá trình đó.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1 trang 83 SGK Sinh học 8
Thực chất biến đổi lí học của thức ăn trong khoang miệng là gì?
Phương pháp giải
Xem lại quá trình biến đổi thức ăn ở khoang miệng, từ đó nắm được bản chất trả lời câu hỏi.
Hướng dẫn giải
Thực chất sự biến đổi lí học của thức ăn trong khoang miệng là sự cắt nhỏ, nghiền cho mềm nhuyễn và đảo trộn cho thức ăn thấm đẫm nước bọt.
2. Giải bài 2 trang 83 SGK Sinh học 8
Hãy giải thích nghĩa đen về mặt sinh học của câu thành ngữ "Nhai kĩ no lâu".
Phương pháp giải
Ở khoang miệng có sự tiêu hóa vật lí và hóa học.
Hướng dẫn giải
Nghĩa đen về mặt sinh học của câu thành ngữ “Nhai kĩ no lâu” là khi nhai càng kĩ thì thức ăn được nghiền nhỏ, trộn đều dịch tiêu hóa, hiệu suất tiêu hóa càng cao, cơ thể hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn nên no lâu hơn.
3. Giải bài 3 trang 83 SGK Sinh học 8
Với khẩu phần ăn đầy đủ các chất, sau tiêu hóa ở khoang miệng và thực quản thì còn những loại chất nào trong thức ăn cần được tiêu hóa tiếp?
Phương pháp giải
Biến đổi hóa học ở khoang miệng: hoạt động của enzim amilaza trong hóa học: biến đổi một phần tinh bột (chín) trong thức ăn thành đường mantozo
Hướng dẫn giải
Với khẩu phần ăn đầy đủ các chất, sau tiêu hóa ở khoang miệng và thực quản thì những chất trong thức ăn vẫn cần được tiêu hóa tiếp là: gluxit, lipit, prôtêin.
4. Giải bài 4 trang 83 SGK Sinh học 8
Khi ta ăn cháo hay uống sữa, các loại thức ăn này có thể được biến đổi trong khoang miệng như thế nào?
Phương pháp giải
Khoang miệng có biến đổi vật lý và biến đổi hóa học: biến đổi một phần tinh bột (chín) trong thức ăn thành đường mantozo.
Hướng dẫn giải
Khi ta ăn cháo hay uống sữa, sự biến đổi các loại thức ăn này trong khoang miệng bao gồm:
- Với cháo: thấm một ít nước bọt, một phần tinh bột trong cháo bị men amilaza phân giải thành đường mantôzơ.
- Với sữa: thấm một ít nước bọt, sự tiêu hóa hóa học không diễn ra ờ khoang miệng do thành phần hóa học của sữa là prôtêin và đường đôi hoặc đường đơn.