Nghị luận về câu nói Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống
Bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em có thêm động lực để thực hiện lí tưởng sống của bản thân, đồng thời các em sẽ có cơ hội làm phong phú thêm vốn từ của bản thân, có kĩ năng viết một bài văn nghị luận tư tưởng, đạo lí tốt. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Lập dàn ý cho bài văn nghị luận về câu nói của nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”
- Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề tư tưởng, đạo lí cần nghị luận.
+ Ví dụ mở bài: Sống trên đời này ai cũng có cho riêng mình một lí tưởng, cho dù đó chỉ là lí tưởng bé nhỏ hay vĩ đại. Vì thế Lép Tôn-xtôi – nhà văn vĩ đại của nước Nga đã từng nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Câu nói đó vừa khẳng định tầm quan trọng của lí tưởng, vừa như là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho những ai không có lí tưởng sống.
- Thân bài:
+ Giải thích và bàn luận về ý nghĩa câu nói của Lep Tôn-xtôi:
- “Lí tưởng” là cái đích để con người hướng tới.
- “Cuộc sống” ở trong câu nói của Lep Tôn-xtôi là chỉ giá trị sống trên cõi đời của mỗi người.
- “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường”: Không có lí tưởng thì hành động của con người không có phương hướng. Lí tưởng giúp cho con người không đi lạc đường. Khả năng lạc đường trước cuộc đời là rất lớn nếu không có lí tưởng tốt đẹp.
- “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”: Sống không có mục đích, không có lí tưởng, cuộc sống trở nên vô nghĩa. Có lí tưởng, con người có động lực thúc đẩy, có nghị lực để vượt qua thử thách, hướng tới mục đích sống rõ ràng, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn.
+ Phân tích, chứng minh:
- Suy nghĩ về vai trò của lí tưởng đối với cuộc sống của mỗi người quan trọng như thế nào.
- Lý tưởng sống tầm thường, nhỏ bé, ích kỉ có thể làm hại cuộc đời của một người và nhiều người.
- Lý tưởng sống đẹp đẽ kích thích những hành động đẹp, tạo nên niềm say mê sáng tạo, tạo niềm vui trong cuộc sống.
+ Đánh giá, mở rộng: Suy nghĩ của bản thân về ý kiến của Lep Tôn-xtôi:
- Con người sống phải biết lựa chọn lí tưởng và có hướng phấn đấu thực hiện lí tưởng.
- Vấn đề bức thiết đặt ra cho mỗi học sinh tốt nghiệp THPT là chọn ngành nghề, một ngưỡng cửa để bước vào thực hiện lý tưởng.
+ Bài học rút ra cho bản thân:
- Về nhận thức: Cần có lí tưởng sống để cuộc sống có ý nghĩa, không sống hoài, sống phí.
- Về hành động: Tập trung xây dựng lí tưởng bằng cách rèn luyện bản thân, nâng cao những kiến thức cho bản thân nhằm hướng đến thực hiện lí tưởng sống.
c. Kết bài: Khái quát lại vấn đề.
+ Ví dụ kết bài: Là học sinh, chính chúng ta phải tự xác định cho mình mục đích học tập, và lấy đó để làm bệ phóng ước mơ, giúp ta đạt được lí tưởng sống sau này. Nếu không chắc chắn mục tiêu học tập, ta dễ buông xuôi, từ bỏ khi va chạm với thử thách. Còn về gia đình, nhà trường và xã hội, phải giúp học sinh định hướng đúng về mục đích học tập, phê phán những tấm gương chưa tốt và ca ngợi những tấm gương tốt để giúp học sinh định hướng tốt hơn nữa. Có lẽ bây giờ chúng ta đã thấm thía được câu nói của Lép Tôn-xtôi. Bạn, tôi, chúng ta và nhất là những người đã và đang sống thiếu lí tưởng, ngay bây giờ hãy xác định cho mình một lí tưởng sống, không nhất thiết đó là một lí tưởng vĩ đại. Hãy để lí tưởng của chính mình dẫn lối, để tất cả đều là những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hộI.
2. Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của bản thân về câu nói “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”
Để thấy được tầm quan trọng của lí tưởng, trước hết ta phải hiểu được câu nói của Lép Tôn-xtôi. Lí tưởng là mục đích cao nhất mà mỗi con người muốn hướng tới, là lí do, sự khao khát mà mỗi người mong mỏi đạt được. Hiểu theo nghĩa đen, nó là “ngọn đèn” được dùng để thắp sáng vào ban đêm, để ta thấy được đường đi và những vật xung quanh. Nhưng trong câu nói, hình ảnh “ngọn đèn” không chỉ được dùng để nói một sự vật cụ thể, mà để tôn lên ý nghĩa của “lí tưởng”, cho rằng, lí tưởng là thứ giúp ta thấy rõ được đường đi, ngay cả trong những phút giây đen tối. “Phương hướng kiên định” là mục tiêu, là đường lối xác định được đề ra dựa trên sự quyết tâm giữ vững lập trường. Nếu chỉ hiểu "cuộc sống" là cuộc đời mỗi người, ta chưa thể hiểu được câu nói của Lép Tôn-xtôi. “Cuộc sống” ở đây phải được hiểu sâu hơn là cuộc đời có ý nghĩa, khi mà con người, theo như những ca từ bất hủ của Michael Jackson, là sống thực sự chứ không phải chỉ tồn tại. Câu nói mang ý nghĩa rõ ràng: Lí tưởng rất quan trọng. Và sống trên đời, mỗi người cần có một lí tưởng sống, vì sống mà không có lí tưởng thì sẽ không thể xác định những việc nên làm, dẫn đến việc chúng ta sống một cuộc đời thừa, không có giá trị. Ta thấy câu nói của Lép Tôn-xtôi rất đúng đắn. Qua các phương tiện truyền thông, ta có thể thấy rõ được đằng sau thành công của những con người thành đạt, là lí tưởng sống của họ như hiện ra, quấn vào từng lời nói hành động của họ. Họ có lí tưởng rõ ràng, có hành động phục vụ cho lí tưởng, và họ đạt được mục đích cuối cùng. Tấm gương đại diện cho lí tưởng cao đẹp, sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam, không ai khác ngoài Bác Hồ kính yêu. Ngày 5/6/1911, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Tuy với hai bàn tay trắng, lại ở xứ lạ xa quê nhưng trong con tim, Bác vẫn nuôi lí tưởng tìm ra con đường giải phóng dân tộc, quyết vì dân tộc Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Vì thế, cuối cùng Bác cũng đã tìm ra được đường lối giải phóng dân tộc, đem lại ấm no, hành phúc cho tất cả những đứa con, đứa cháu thân yêu của Bác. Thế nhưng trong cuộc sống, không phải ai cũng ý thức được ý nghĩa của việc có riêng cho mình một lí tưởng sống, chưa nói đến đó là lí tưởng cao đẹp hay chỉ là lí tưởng bé nhỏ đời thường. Những con người đó suốt ngày ăn chơi lêu lổng, không chú tâm vào tu dưỡng kiến thức, đạo đức. Và họ thường kết thúc cuộc đời của mình trong tình trạng không nhà cửa, không bạn bè thân thích, hay nghiêm trọng hơn là trong góc tối nhà tù, trở thành gánh nặng của gia đình, gánh nợ của xã hội. Vì vậy, mỗi cá nhân chúng ta nên hướng đến những lí tưởng sống có ý nghĩa, để không sống hoài, sống phí những năm tháng qua đi.
3. Viết bài văn nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”
Cuộc đời là hàng ngàn, hàng vạn những ngã rẽ cắt chéo, chồng chất lên nhau mà đòi hỏi mỗi người khi đi trên con đường đời của chính mình phải chọn lựa. Tôi như bạn bè cùng trang lứa đang phân vân đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, chúng tôi biết rằng mỗi ngã rẽ sẽ dẫn chúng tôi đi trên một con đường để tới một điểm đến cuối cùng và chúng tôi tự hỏi: “Làm thế nào để chọn đúng?”. Rồi cuối cùng chúng tôi biết rằng, “lý tưởng” là thứ chúng tôi cần. Nhà văn Nga nổi tiếng L.Tôi-xtôi đã nói: “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”.
Có những lúc tôi chỉ ngồi một chỗ để suy nghĩ về câu hỏi “Lí tưởng là gì?”. Ở đâu đó tôi và bạn vẫn thường nghe thấy người ta hỏi nhau rằng: Người yêu lý tưởng của bạn là gì?, nghề nghiệp lý tưởng của bạn là gì? Hay ngôi trường đại học lý tưởng của bạn là gì? Và câu trả lời có lẽ mỗi người một khác nhưng giữa chúng luôn có một điểm chung, là mọi thứ lý tưởng đều rất tốt đẹp và đáng mơ ước. Lý tưởng hiểu đơn giản chính là quan niệm sống tốt đẹp, mục đích sống cao đẹp nhất mà mỗi con người hướng tới trong cuộc sống này.
Sống mà không có lý tưởng khác nào đã chết. Sống không đơn thuần chỉ là việc hít vào thở ra, sống sao cho đúng nghĩa là phải sống thật hạnh phúc, vui vẻ, sống sao cho ý nghĩa, sống sao để người khác biết đến sự tồn tại của mình, để người ta tôn trọng, đừng để mình sống chỉ như một loại vi khuẩn kí sinh vật vờ ngoài lề xã hội. Nikolai Ostrovsky trong “thép đã tôi thế đấy” đã nói rằng: “Cái quí giá nhất của con người là cuộc sống. Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa vì những năm tháng sống hoài sống phí.”
Và lý tưởng sẽ là kim chỉ nam dẫn chúng ta đến cuộc sống đích thực. Có lý tưởng chúng ta như cầm trong tay ngọn đèn chỉ đường dẫn lối trong bóng đêm bao phủ đã che lấp mọi lối đi. Trong chúng ta chắc hẳn ai cũng biết đến ngọn hải đăng sừng sững giữa biển khơi, chiếu sáng rực cả một vùng biển cho dù mưa giông gió bão.
Đã có bao con người lênh đênh trên biển được cứu sống bởi ngọn hải đăng ấy? Ngọn hải đăng như một người khổng lồ tốt bụng cầm trên tay một ánh dương lớn sẵn sàng chỉ đường cho những con người tội nghiệp lạc lối. Những con người không tìm được ngọn hải đăng của mình, lênh đênh bơ vơ giữa những con sóng gào thét dữ dội và ắt hẳn bị những con sóng ấy xô đẩy trôi dạt đến nơi nào đó và mãi mãi không đến được nơi mà mình muốn đến.
Lý tưởng như ngọn đèn chỉ đường, soi tỏ cho ta hay những điều tốt và những điều xấu, luôn nhắc nhở ta rằng hãy làm những điều ấy đi, nó tốt cho bạn đấy, nó sẽ dẫn bạn đạt được những gì bạn muốn, đừng làm những điều kia, nó không tốt cho bạn đâu. Lý tưởng soi rõ cho ta thấy cái đích mà ta đạt được nếu như cố gắng hết sức. Lý tưởng giống như một người bạn thông thái nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc.
Khi ta vấp ngã trên con đường đua maraton cuộc đời, lý tưởng luôn đứng ở gần đích và ngoái lại nhìn ta mà nói rằng “hãy đứng dậy và chạy tiếp đi. Nếu không bạn sẽ chẳng bao giờ bắt kịp tôi đâu”. Những khi ta mệt mỏi với những thất bại, những lúc ta yếu đuối muốn buông xuôi tất cả, lý tưởng sẽ đến bên ta mà thủ thỉ rằng “Hãy cố lên nào. Tôi luôn ở bên bạn mà. Bạn đừng có bỏ rơi tôi chứ.”
Sẽ thật tẻ nhạt làm sao nếu như chúng ta không có lí tưởng sống, như vậy thì cuộc sống này chẳng còn ý nghĩa gì nữa. “Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”. Vương Dương Minh - nhà triết lý, chính trị, tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh cũng nói: “Người không chí như thuyền không lái, như ngựa không cương”. Không có người bạn lí tưởng chúng ta chẳng có gì. Trong cuộc sống, cho dù là trước đây, bây giờ hay mai sau, thứ quyết định tương lai của chúng ta không phải là gia thế, tiền bạc hay vẻ ngoài hào nhoáng mà chính là ý chí vững trãi, là lý tưởng cao đẹp và sự cố gắng tột cùng để đạt được lý tưởng ấy.
Trong lịch sử của loài người, lý tưởng đã soi sáng con đường đi của bao con người vĩ đại. Đó là lý tưởng chủ nghĩa cộng sản của CacMac Anghen, là con đường cứu nước của chàng trai trẻ Nguyễn Ái Quốc, và rồi dẫn lối cho hàng nghìn phát minh của hàng trăm nhà khoa học tên tuổi như Issac Newton, Nobel với khát vọng tìm hiểu thế giới, đưa con người tiến lên những bước chân lịch sử. Không chỉ là lịch sử, ngày nay biết bao con người với những lý tưởng cao đẹp và nghị lực của mình đã để lại dấu ấn của mình, đó là nhà toán học Gs.Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields danh giá. Không lớn lao như thế, lý tưởng tồn tại đôi khi chỉ rất đơn giản như một công việc phù hợp, một gia đình hạnh phúc nhưng nó cũng đủ để khiễn con người ta vượt qua khó khăn, tìm đến được giá trị đích thực của cuộc sống.
Trong cuộc sống xã hội lắm bộn bề lo toan, nhiều éo le trắc trở, mỗi ngày ra đường lại bắt gặp cảnh những người trẻ ăn chơi xa đọa, rượu bia thuốc lắc, đua xe, nghiện hút,… chúng ta ngỡ như lý tưởng ở xã hội hiện đại đã không còn và mất dần đi, chúng ta e sợ một ngày đất nước ta với một bộ phận tương lai bị tha hóa sẽ đi vào diệt vong. Những lúc ấy thì ở đâu đó chúng ta sẽ bắt gặp những tấm gương sáng ngời le lói giữa màn bụi mù mịt, đó là tấm gương những con người vượt khó, chúng ta thấy hi vọng lóe lên ở chàng sinh viên khiếm thị Nguyễn Văn Duy: “Khi tất cả đã mất đi, thì tương lai vẫn còn, chúng ta còn sống thì còn cống hiến cho xã hội…”.
Ở cô gái nhà nghèo Hồ Phương Uyên đã vượt qua 50 ngàn thí sinh để giành học bổng du học Anh: “Em muốn trở thành người thành đạt để không phụ lòng cha mẹ. Em nghĩ mình làm người thành đạt không phải là làm nhiều tiền cho mình, mà còn cho nhiều người khác nữa”.
Lý tưởng là mục đích, là quan niệm sống đẹp nhất nhưng nó không phải là một thứ kim cương sáng lấp lánh thu hút ước vọng chiếm đoạt của con người. “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường” dẫn ta tới một cuộc sống tốt đẹp mà mỗi chúng ta luôn hướng tới. Bạn có lý tưởng của riêng mình và tôi cũng có một lý tưởng của riêng tôi. Lý tưởng có thể rất to lớn, vĩ đại những cũng có thể rất giản đơn, gần gũi.
Tôi thận trọng thắp lên cho mình một ngọn đèn lý tưởng, nâng niu gìn giữ ngọn lửa bé nhỏ và để nó ngày càng cháy lên mạnh mẽ, sáng rực rỡ như khát khao đạt tới ước mơ, tới lý tưởng đang hừng hực trong tôi. Ánh sáng từ ngọn lửa ấy đang dẫn tôi bước đi từng bước trên con đường đầy chông gai phía trước, giúp tôi vững tin vào con đường mà mình đã chọn, hơi ấm từ ngọn lửa ấy cho tôi một cảm giác thân quen lạ lùng cho dù tôi đang bước một mình trên con đường này.
Tham khảo thêm
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói Học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào
- docx Viết bài văn nghị luận về câu nói Lòng đố kỵ như một hòn than nóng ném vào người khác nhưng chính mình lại bị thương
- docx Nghị luận về câu nói Có ba cách để tự làm giàu cho mình chính là mỉm cười, cho đi và tha thứ
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói Đời phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố
- docx Nghị luận tư tưởng về đạo lý Uống nước nhớ nguồn
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói Hạnh phúc là đấu tranh
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói tình thương là hạnh phúc của con người
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói của nhà thơ Tố Hữu: Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động, ý kiến của M. Xi - xê - rông
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về nhận định của UNESCO Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về quan điểm Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lý về câu nói Sống sao cho khỏi xót xa ân hận
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lý về câu nói Thành công của người này là thất bại của người khác của nhà văn Ursula K. Le Guin
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói của Democrite Ai không có một người bạn chân chính thì người đó không xứng đáng được sống
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lí về một câu triết học Mỗi con vật sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người....
- docx Nghị luận về tư tưởng đạo lí Sống đẹp đâu phải là những từ trống rỗng
- pdf Nghị luận tư tưởng đạo lí về ý nghĩa tình yêu và trách nhiệm giá trị của tuổi trẻ
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lí Đừng sống bằng những thói quen hãy sống bằng trải nghiệm
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lí về thói vô trách nhiệm
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lí Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi thế giới - M. Mandela
- docx Nghị luận tư tưởng đạo lí Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai