Nghị luận hiện tượng, đời sống về Tình trạng hiện nay ở nước ta có nhiều gia đình, tổ chức cá nhân thu nhận trẻ em cơ nhỡ

eLib xin giới thiệu đến các em một số bài văn mẫu nghị luận về tình trạng hiện nay ở nước ta có nhiều gia đình, tổ chức cá nhân thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống. Mời các em tham khảo ba bài văn mẫu dưới đây, hi vọng đây sẽ là tài liệu bổ ích để các em tham khảo. Chúc các em học tập tốt.

Nghị luận hiện tượng, đời sống về Tình trạng hiện nay ở nước ta có nhiều gia đình, tổ chức cá nhân thu nhận trẻ em cơ nhỡ

1. Lập dàn ý nghị luận về tình trạng hiện nay ở nước ta có nhiều gia đình và tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống

a. Mở bài.

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cỡ nhỡ là trách nhiệm của toàn xó hội.

b. Thân bài

Thực trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ:

- Theo số liệu của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, năm 2003 cả nước có trên 21.000 trẻ em lang thang cơ nhỡ, đông nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh với 8.500 em. Năm 2008, mặc dù đó được các cá nhân, tổ chức thu nhận về những mái ấm tình thương để nuôi dạy nhưng hiện vẫn còn trên 10.000 trẻ em không nơi nương tựa. Con số này không ngừng gia tăng.

- Trẻ em đường phố đối diện với nguy cơ thất học cao và dễ rơi vào tệ nạn xã hội.

- Trẻ em đường phố có nguy cơ phạm tội ngày càng cao; nạn xin ăn tràn lan ảnh hưởng tới văn minh đô thị.

- Trẻ em đang bị bóc lột sức lao động và nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao.

Nguyên nhân:

- Do đói nghèo: Trẻ đường phố thường xuất thân từ các gia đình nông dân nghèo hoặc gia đình mà bố mẹ không có việc làm, khó khăn về kinh tế và đông con.

- Do tổn thương tình cảm như: bị gia đình ruồng bỏ, từ chối hoặc đánh đập.

- Còn lại là do mồ côi hoặc các trường hợp bố mẹ li hôn.

Về những mái ấm tình thương:

- Hiện nay, ở nước ta, những mái ấm tình thương đang xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

- Ý nghĩa: Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cơ nhỡ là trách nhiệm không chỉ của cá nhân mà còn là của toàn xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là giúp cho các em hướng thiện, đưa các em đi đúng với quỹ đạo phát triển tích cực của xã hội. Đây là tình cảm tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách... biểu hiện của truyền thống nhân đạo ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Các tổ chức cá nhân tiêu biểu:

- Tổ chức: Làng trẻ em SOS; Làng trẻ em Hòa Bình (Từ Dữ); Cô nhi viện Thánh An (Giáo phận Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định); Chùa Kì Quang II (Gò Vấp); Chùa Bồ Đề (Huế)...

- Cá nhân: Mẹ Phạm Ngọc Oanh (Hà Nội) với 800 đứa con tình thương: Anh Phạm Việt Tuấn với mái ấm KOTO (Hà Nội); Thầy Koyama với mái ấm tình thương 37, Nguyễn Trãi, Huế....

* Thái độ trước hiện tượng đó:

- Có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, từ đó nâng cao tình cảm và trách nhiệm đối với hiện tượng ấy. Lên án và kịp thời phát hiện, tố cáo những kẻ bóc lột sức lao động và xâm hại trẻ em.

- Khuyến khích, biểu dương các tổ chức cá nhân tiêu biểu đồng thời lên án, ngăn chặn, xử lí kịp thời những kẻ núp bóng từ thiện để làm việc xấu.

- Nhân rộng: Dùng biện pháp tuyên truyền, kêu gọi các cá nhân, tổ chức, lập đội thanh niên tình nguyện.

c. Kết bài:

- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của phong trào.

- Liên hệ bản thân.

2. Bàn luận về tình trạng hiện nay ở nước ta có nhiều gia đình và tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống

Một trong những bài toán gây đau đầu nhất của xã hội Việt Nam hiện nay là vấn đề trẻ em lang thang. Lời giải đã được đưa ra không ít, nhưng có lẽ, đây là bài văn có quá nhiều nghiệm số. Tuy nhiên, điều đáng mừng là lực lượng tham gia tìm đáp án chưa khi nào ngừng gia tăng. Hiện nay nước ta càng ngày càng có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh.

Trẻ em lang thang không chỉ là vấn đề xã hội của riêng quốc gia Việt Nam mà còn là vấn nạn của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngay cả những nước phát triển như Mĩ, Pháp, Anh... số lượng này cũng không hề ít. Ở Việt Nam, hàng năm uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em quốc gia luôn có thống kê chính xác về số lượng này. Đến thời điểm tháng 8 năm 2003, có hơn 10.000 em. Năm 2005, tính đến tháng 6, cả nước có khoảng 9.000 trẻ em lang thang. Theo Vietnamnet, năm 2008, Việt Nam còn 3-302 trẻ em lang thang. Số lượng này phần lớn tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2003, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 8,507 em, con số này ở Hà Nội là 1.556. ở các tỉnh lẻ, trẻ em lang thang tập trung nhiều ở thị xã, thị trấn. Trẻ em lang thang, cơ nhỡ hầu hết có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Có em mồ côi cha mẹ, có em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại bị tâm thần hoặc ốm đau, bệnh tật... Có em bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Cũng có những em do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá eo hẹp nên phải sớm lăn lộn ra ngoài xã hội... Trẻ em lang thang, cơ nhỡ tất nhiên không có điều kiện học hành tử tế. Tâm hồn, tình cảm các em cũng rất dễ bị tổn thương, chấn động. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các em. Điều đáng buồn là số lượng trẻ lang thang ở Việt Nam vẫn còn rất cao. Hiện trạng này bắt nguồn từ đâu?.

Bất cứ một hiện tượng xã hội nào cũng thường khởi phát từ điều kiện kinh tế. Hiện tượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ không nằm ngoài quy luật đó. Sự túng thiếu, nghèo đói ở các gia đình là nguyên nhân khiến phần lớn các em phải bỏ học đi làm thuê ở những thành phố, thị xã, thị trấn. Cha mẹ các em, hoặc vì không còn, hoặc vì ốm đau, bệnh tật không đủ khả năng nuôi nấng, dạy dỗ cho con cái mình.

Cũng có những bậc cha mẹ vô trách nhiệm, không chăm lo cho con, thậm chí bỏ rơi khi con mới lọt lòng. Cũng không ít em, do ương bướng, muốn vùng vẫy, thoát khỏi vòng kiểm soát của gia đình nên đã trốn nhà đi. Các em bước chân khỏi làng quê, những tưởng sẽ tìm được cuộc sống tự do tốt đẹp, nhưng nào đã đủ kinh nghiệm để có thể trụ vững trước cuộc đời đầy sóng gió? Em nào may mắn sẽ tìm được việc làm thích hợp, hoặc được thu nhận và các trung tâm bảo trợ trẻ em, mái ấm tình thương, Nhưng cũng không ít em phải lang thang “đầu đường xó chợ”, vất vưởng sống qua ngày.

Trẻ em là tế bào nhạy cảm nhất trong xã hội. Làm thế nào để các em được sống sung sướng, hạnh phúc, đó là câu hỏi đặt ra không để riêng ai trả lời mà cho mọi thành viên trong xã hội này. Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều tổ chức cá nhân đã vào cuộc để giải quyết thực trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Các em hoặc được thu nhận về các trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm tình thương, được các gia đình nhận làm con nuôi, hoặc được đưa trả về địa phương- nơi các em đã ra đi. Đến bất kì tỉnh, thành phố nào của Việt Nam, chúng ta cũng sẽ bắt gặp các mái ấm tình thương.

Các mái ấm do chính quyền địa phương tổ chức, quản lí nhưng cũng nhiều mái ấm do các doanh nghiệp tư nhân, các ngôi chùa, các nhà hảo tâm, đứng lên xây dựng. Các thị xã, thị trấn ở các tỉnh lẻ có trung tâm bảo trợ trẻ em. Còn các thành phố lớn nhu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi nơi có đến hàng chục nhà tình thương, nhà mở là các cơ sở bảo trợ xã hội khác. Những Tổ bán báo xa mẹ, Câu lạc bộ Trái tim tình nguyện (Hà Nội), mái ấm tình thương Tre Xanh, Diệu Giác (Thành phố Hồ Chí Minh), mái ấm tình thương Kim Chi (Long An)... hàng năm đã đón nhận và chăm sóc thêm chục, thậm chí hàng trăm trẻ lang thang, cơ nhỡ. Chúng ta có thể tìm hiểu thông tin về những mái ấm tình thương này trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trên các báo, đài và dễ dàng hơn cả là trên internet.

Những cá nhân, tập thể tham gia công tác từ thiện này có cùng điểm chung là lòng nhiệt tình và tình cảm yêu thương chân thành dành cho những em bé cơ nhỡ. Từ những người đẹp, hoa hậu nổi tiếng như Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Huyền, Mai phương Thuý... đến những người dân bình thường khác, từ lòng nhân ái sẵn có, họ sẵn sàng chia sẻ với các em từng miếng cơm, manh áo. Những ngày cuối năm 2007, khi thời khắc giao thừa sắp đến, cô hoa hậu cao nhất Việt Nam vẫn hối hả với những chuyến bay đi làm từ thiện. Hình ảnh các em ở mái ấm Nasa (Thủ Đức), Mai Tâm (Phú Nhuận) hân hoan đón những phần quà nhỏ bé từ Mai Phương Thuý mang lại không khí ấm áp của mùa xuân mới. Rồi câu chuyện hai vợ chồng anh chị Phùng Quang Nghinh và Trần Mai Anh đã đón nhận bé Thiện Nhân (em bé hai tuổi ở Quảng Nam bị chính mẹ đẻ của mình bỏ trong rừng) làm xúc động bao người. Mới đây, khi Đài Truyền hình Việt Nam đưa hình ảnh em bé khoẻ mạnh, sống hạnh phúc bên gia đình mới của mình, mỗi chúng ta đã thấy lòng ấm lại bởi đã bớt đi một em nhỏ không nơi nương tựa. Còn biết bao gia đình, biết bao con người Việt Nam mang trái tim nhân hậu như thế nữa? Lời đáp cho câu hỏi ấy là: “Rất nhiều”. Những tấm lòng vàng như vậy đã, đang và sẽ còn nhiều hơn nữa trong xã hội này

Sống trong ngôi nhà mới của mình, các em cũng phần nào nguôi ngoai bao kí ức đau buồn. Các mẹ, các cô sẽ chăm sóc, giáo dục những điều các em cần thiết và hằng mong muốn. Làm việc không ngơi tay, chốc chốc tay bế đứa này lên cho uống sữa, quay sang tranh thủ thay tã lót cho đứa kia hoặc vội vàng rút quần áo đang phơi ngoài sân vì trời sắp đổ mưa... là hình ảnh tất tả chăm lo cho đàn con bằng những đôi bàn tay nhỏ nhắn của các bà mẹ trong mái ấm Diệu Giác, phường Bình An, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Những người mẹ ở đây đang làm hết mình để đàn con của họ được vui chơi, chạy nhảy. Nếu xem ảnh các em ở mái ấm tình thương Kim Chí (Long An) tham dự trại hè, chúng ta sẽ khó tìm thấy nét ưu tư nào trên những gương mặt hớn hở cười đùa đó... Những em nhỏ trong các mái ấm tình thương không chỉ được chăm sóc, dạy dỗ mà còn được hướng nghiệp, đào tạo nghề, thu xếp việc làm ổn định. Nhiều em trưởng hành, có việc làm, có gia đình riêng, sung túc, hạnh phúc... Có những em được trở lại đoàn tụ cùng gia đình mình.

Tính đến tháng 8 năm 2008, mái ấm tình thương Tre Xanh (Thành phố Hồ Chí Minh) đã giúp mười lăm em tìm được việc làm và mười hai em trở lại với gia đình. . Tất cả những gì các mái ấm tình thương, các gia đình hảo tâm đã mang lại cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ thật quý giá. Tri thức, vốn sống và quan trọng hơn cả là tình cảm yêu thương chân thành là món quà vô giá mà mỗi tổ chức, cá nhân luôn cố gắng trao tặng cho mỗi em. Họ đã, đang cổ ươm lại những mầm sống sớm bị quăng quật trong gió bão, đang cố mang lại cho các em cuộc sống bình thường mà lẽ ra các em phải có.

Nhìn vào con số thống kê hai năm 2003 và 2005, chúng ta thấy số lượng trẻ em lang thang có chiều hướng giảm đi. Đó là một tin vui. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy, hiện tượng trẻ em sau khi được tạo điều kiện hồi gia vẫn tái lang thang và trẻ em lang thang mới phát sinh còn rất cao. Đại diện Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh rất bức xúc khi nhiều em vừa được đưa về gia đình hôm trước, hôm sau cán bộ xã hội đã thấy có mặt ở thành phố. Bên cạnh đó, hiện tượng trẻ em lang thang vi phạm pháp luật cũng không phải là hiếm... Các hiện tượng này vẫn đang là vấn nạn nhức nhối của xã hội. Đảng và Nhà nước ta tiếp tục có những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu sự gia tăng số lượng trẻ em lang thang.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội nước ngoài (uỷ ban Châu Âu, đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam...), những nhóm hảo tâm người nước ngoài... các dự án hỗ trợ trẻ em lang thang vẫn đang được triển khai và thực hiện. Trong hai năm (2004 - 2005), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được bốn mươi bảy tỉ đồng để hỗ trợ cho nhiều hoạt động vì trẻ em lang thang, trong đó có các dự án dạy nghề và giải quyết việc làm mang lại nhiều hiệu quả. Dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang ở Huế đã góp phần giảm thiểu phần nào tình trạng trẻ em lang thang, đeo bám khách du lịch...

Thực tế cho thấy, giải pháp cho thực trạng trẻ em lang thang ra sao, không phải là vấn đề một sớm một chiều. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và từng cá nhân đối với hiện tượng này. Trong phạm vi gia đình, các bậc cha mẹ lúc nào cũng cần nhận thức rõ tình thương và trách nhiệm của mình đối với con cái, để có thể chăm sóc, giáo dục con thật tốt. Trẻ em luôn rất nhạy cảm với cách cư xử của bố mẹ đối với chúng. Chỉ một sơ suất nhỏ của cha mẹ cũng làm con cái tổn thương. Đấy là chúng ta chưa nói đến trường hợp nhiều bậc cha mẹ trốn tránh trách nhiệm của mình... Bên cạnh sự quan tâm, dạy dỗ của cha mẹ phải là sự phối kết hợp của nhà trường và các tổ chức đoàn thể xã hội khác. Cả xã hội phải chung vai góp sức xây đắp tương lai cho các trẻ em, như khẩu hiệu mà uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em Việt Nam luôn giương cao: “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”. Thiết nghĩ, nếu sự kết hợp giữa gia đình, cộng đồng và các cá nhân càng chặt chẽ thì số lượng trẻ em lang thang sẽ còn giảm hơn nữa. Đồng thời, vấn đề trẻ em lang thang, cơ nhỡ sẽ được giải quyết ổn thoả trên diện rộng chứ không chỉ là triển khai dự án trên một số tỉnh, thành phố hay một số huyện thị.

Sinh thời, Hồ Chí Minh rất yêu trẻ nhỏ. Chính người đã từng nói: "Trẻ em như búp trên cành..”. Phải làm sao để những búp non ấy được khoẻ mạnh, vươn mình trong ánh sáng của cuộc sống- đó là tâm nguyện của Người và cũng là ước nguyện của muôn vàn người dân Việt Nam, đặc biệt là những người vẫn đang ngày đêm chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho những em bé lang thang, cơ nhỡ.

3. Nghị luận về tình trạng hiện nay ở nước ta có nhiều gia đình và tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống

"Trong đêm, một bàn chân bước, bé xíu lang thang trên đường, ánh mắt buồn mệt nhoài của em, em rất buồn vì em không biết đi về đâu, về đâu…”

Đây chính là thực trạng xã hội hiện nay ở nước ta, tình trạng trẻ em lang thang ngày càng tăng và là một vấn nạn cần được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhà nước ta đã rất cố gắng hết mình, nhưng không dễ gì có thể xóa đi vân nạn này một cách nhanh chóng do nhà nưóc ta không có đủ điều kiện. Vì thế trong xã hội đã xuất hiện một lực lượng mới, một lực lượng cảm thông với tình trạng hiện nay của các em, một lực lượng giàu tâm huyết và đầy tình thương, đó chính là nhiều cá nhân, gia đình và tổ chức có lòng hảo tâm đã thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang, kiếm sống trong thành phố thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh tốt đẹp.

Số phận của những đứa trẻ lang thang, khác với các bạn bè cùng trang lứa lẽ ra giờ này chúng phải đang được yêu thương, được nâng niu chăm sóc bởi gia đình, cha mẹ; thì giờ đây những đứa trẻ ấy phải lang thang kiếm sống dưới những tiêu cực của xã hội, những lừa lọc, áp bức, xâm hại tới bản thân, nhưng quan trọng nhất là xâm hại tới tinh thần, tới tư tưởng. Vì thế các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước đã cùng chung tay lập nên những Mái ấm tình thương, những gia đình không cùng chung huyết thống nhưng lại có chung một tấm lòng, để chăm lo và dạy bảo cho trẻ em lang thang, những mảnh đời bất hạnh có được một cuộc sống hạnh phúc, một tuổi thơ vui tươi và một tương lai tươi sáng.

Tiêu biểu về các tổ chức nhân đạo ở Việt Nam là: Làng trẻ em SOS, một gia đình lớn của trẻ em lang thang. Nhưng trong số những nhà hảo tâm có đầy đủ điều kiện về vật chất lẫn tâm lòng thì cũng có không ít người không có điều kiện vật chất nhưng lại có tấm lòng như Cổ tích ''bà bụt sinh viên" đăng trên tờ Tuổi trẻ số ra ngày 26-9-2008 về nữ sinh viên Nguyễn Hoàng Oanh đảm đang, vững vàng với vai trò là chị, là mẹ của 3 em "nuôi" nhỏ mù lòa. Dù chỉ là viên, lo tiền học của bản thân còn không đủ, nhưng Oanh vẫn gắng chăm cho các em, lo cho các em có được một cuộc sống no đủ, được vui chơi, được học hành bằng những mối làm thêm đến tận khuya để có tiền cho các em. Thật đúng là một câu chuyện "cổ tích" giữa đời thường.

Nhưng do đâu mà trẻ em lang thang trong xã hội ngày một đông? Trẻ em lang thang do nhiều lí do, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do những người mang tiếng là bậc sinh thành, nhưng lại thiếu trách nhiệm, đang tâm bỏ con giữa một xã hội đen tốì, không nơi nương tựa, để chúng bị lợi dung, lầm đường lạc lối. Thật đáng trách cho những kẻ đã quyết định sinh con ra đời thì ít nhất cũng phải mang đến cho chúng một cuộc sống hạnh phúc cho dù là không no đủ.

Nguyên nhân thứ hai có thể do bọn trẻ mồ côi từ nhỏ, không nơi nương tựa, chúng phải sống dựa vào những đứa trẻ lang thang lớn hơn, những băng nhóm đường phố học theo thói xấu, làm việc xấu để mưu sinh. Và nguyên nhân thứ 3 chính là những kẻ có tâm địa độc ác, xấu xa đã lừa gia đình các em, dụ dỗ các em, xem các em như một món hàng đem lại lợi nhuận cho chúng.

Trong cuộc sông có kẻ xấu, người tốt, cũng như có những nhà hảo tâm thì song song đó cũng có những kẻ gian, lừa đảo, chăn dắt các em gọi là "mẹ mìn". Những người "mẹ" này đã lợi dụng các em, bóc lột sức lao động của các em, bắt các em làm việc quá sức: xin ăn, bán vé số, thậm chí là ăn cắp để kiếm tiền nuôi chúng. Nếu các em không kiếm đủ tiền, thì bị "mẹ" đánh đập dã nan, bắt các em nhịn đói. Những kẻ nhẫn tâm hơn nữa thì đánh gãy tay, gãy chân, thậm chí là chặt ngón tay, ngón chân của các em để việc ăn xin đạt "hiệu quả" cao hơn. Những đứa trẻ bị lợi dụng chăn dắt thường xuất thân ở các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa, bị những kẻ chăn dắt lường gạt đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc kiếm tiền.

Một thực trạng đau lòng khác là nhiều vụ việc khi phát hiện, lại do chính cha, mẹ ruột đẩy các em theo những kẻ chăn dắt để kiêm tiền. Như trường hợp em Hoa (khoảng 6 tuổi) trên báo Phụ nữ, quê ở Nghệ An, mẹ bệnh mất sớm từ lúc hai tuổi. Nhà có bốn chị em, thu nhập hàng ngày trông vào hai công đất trồng sắn và công việc phụ hồ hàng ngày của ba. "Khoảng giữa năm 2008, bác Năm ờ Thành phố Hồ Chí Minh ra quê đưa nhà em ba triệu đồng bảo ba cho con vào Thành phố Hồ Chí Minh phụ bác Năm bán hàng. Bác sẽ cho ăn học đến nơi đến chốn. Khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, bác Năm Bắt con gọi bằng “mẹ". Khi đi bán phải mặc đổng phục học sinh để người ta thấy tội nghiệp, mới bán được nhiều. Mỗi ngày làm việc, "mẹ" sẽ giữ dùm 10.000đ, cuối năm sẽ đưa con gửi về quê" - Hoa nói. Thật đáng xâu hổ khi một người lớn khỏe mạnh lại sống bằng số tiền ít ỏi kiếm được của một đứa trẻ, mà không biết tự lao động để nuôi sống bản thân, chỉ biết bóc lột sức lao động của các em. Những kẻ có hành vi này cần phải bị xử phạt thật nghiêm minh, để làm gương cho bọn xấu còn lại.

Việc làm của những nhà hảo tâm đối với các em lang thang thật là tuyệt vọng. Đó là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp mà xã hội đang rất cần có ở mỗi công dân. Là một thanh niên sống trong xã hội, chúng ta phải có thái độ tích cực ngàn chặn những hành vi sai phạm của bọn xấu, đồng thời chung tay góp sức giúp các em có một cuộc sống tươi đẹp. Vì trẻ em chính là tương lai của đất nước, là tương lai của chính chúng ta. "Trẻ em hôm nay, đất nước ngày mai", hãy để trẻ được sống trong ấm no hạnh phúc, có thế thì tương lai do chúng xây dựng mới có thể tốt đẹp được.

Giúp đỡ người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ cần có sự chung tay của nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức từ thiện và các cấp, các ngành và cả chính bản thân chúng ta nữa. Chúng ta hãy cùng nhau vận động mọi người xây nên những mái ấm, những gia đình thật lớn, để xã hội không còn cảnh trẻ em lang thang nữa. Hãy để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Ngày:30/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM