Nghị luận tư tưởng, đạo lí về đức tính khiêm tốn
eLib xin gửi đến các em tài liệu dưới đây, hi vọng rằng bài văn mẫu này sẽ giúp các em hiểu về sự cần thiết phải có lòng khiêm tốn trong cuộc sống. Đồng thời, sẽ rèn luyện cho các em kĩ năng viết bài văn nghị luận tư tưởng, đạo lí tốt. Chúc các em học thật tốt!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý nghị luận tư tưởng, đạo lí về đức tính khiêm tốn
- Mở bài:
+ Có thể nói từ xưa đến nay đất nước của chúng ta luôn là đất nước đặt giá trị chuẩn mực đạo đức lên hàng đầu. Trong nhưng giá trị đó tính khiêm tốn luôn là quan trọng nhất, giống như một câu nói của Các Mác đã từng nói “khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ một chút tự kiêu cũng bằng thừa”.
+ Khiêm tốn chính là đức tính quan trọng cơ bản mà con người cần phải có để thành công.
- Thân bài:
+ Thế nào là lòng khiêm tốn? Khiêm tốn là luôn bị đặt mình ở đúng chỗ có cái nhìn đúng đắn về năng lực, vị trí, cũng như ngoại hình của mình.
+ Không được đặt cái “tôi” cá nhân lên trên một người để tự mãn và cho rằng mình giỏi giang hơn tất cả, hoặc coi thường người khác…
+ Biểu hiện của khiêm tốn thường thể hiện ra bằng hành động, lời nói, thái độ . Những người khiêm tốn là những người khi được khen không vỗ ngực ta đây giỏi, ta đây đẹp, hay giàu có….
+ Người khiêm tốn là người sẽ luôn thấy được người khác giỏi hơn mình, tài hơn mình và mình phải cố gắng học hỏi để tốt hơn, không bao giờ tự bằng lòng với chính mình trong bất kỳ lĩnh vực gì.
+ Tại sao con người cần khiên tốn bởi trong cuộc sống vốn nhiều biến động khôn lường nó giống như một nói: "Cuộc đời là biển cả ai không bơi sẽ chìm” vì vậy muốn bơi tốt bạn cần có lòng kiêm tốn. Khiêm tốn giúp bạn được mọi người yêu thương quý mên, dễ hòa nhập. Khiêm tốn còn giúp bạn thấy được năng lực của mình thấy người khác cao hơn mình để mà cố gắng vượt khó để tiến tới thành công.
+ Ngược lại với khiêm tốn là tự cao, thiêu khiêm tốn sẽ khiến con người bị cộng đồng xa lánh, ghét bỏ, ít hòa nhập…Thiếu khiêm tốn sẽ khiến bạn không biết mình đang ở vị trí nào luôn vỗ ngực ta đây không biết được ngoài xã hội sẽ có nhiều người tài giỏi, xinh đẹp hơn bạn sẽ khiến bạn dễ bị thất bại.
+ Ví dụ như chú Dế Mèn trong tác phẩm “Dế Mền phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Chú đã phải nhận nhiều bài học đau đớn vì tính tự cao thiếu khiêm tốn của mình.
- Kết bài:
+ Khẳng định lại vấn đề đã nghị luận.
+ Nêu cảm nghĩ của bản thân về đức tính khiêm tốn và rút ra bài học cho bản thân mình, vận dụng với đời sống.
2. Viết bài văn nghị luận tư tưởng, đạo lí về đức tính khiêm tốn
Louisa May Alcott đã từng nói: “Sự kiêu căng làm hỏng cả những thiên tài tốt đẹp nhất. Không nhiều mối nguy hiểm rằng tài năng hay những điều tốt đẹp thật sự sẽ không được chú ý; và thậm chí ngay cả trong trường hợp đó, nhận thức được mình có nó và sử dụng tốt nó nên thỏa mãn được ta, và sự quyến rũ lớn nhất của mọi quyền năng là tính khiêm tốn”. Đúng là như vậy, sự quyến rũ lớn nhất của con người chính là lòng khiếm tốn, đó là thứ nâng tầm con người lên và đức tính quyết định sự vĩ đại của con người.
Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng đức tính khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng thượng, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng nêu cao óc học hỏi. Hoài bão trọng đại của cá nhân là tiến mãi không ngừng, chủ đích là không khoe khoang, không tự đề cao cá nhân mình với người khác.
Người có đức tính khiêm tốn luôn tự đánh giá bản thân kém cỏi, còn phải tiến thêm nữa và càng phải trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa. Người có sẵn tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình tầm thường không đáng kể, luôn luôn tìm đủ mọi phương diện để học hỏi thêm lên.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cần có lòng khiêm tốn trong cuộc sống? Trong cuộc đời rộng lớn, vũ trụ bao la, mỗi con người chỉ là một phần vô cùng nhỏ và vô cùng bình thường như những hạt cát trên sa mạc. Nếu xét về tài năng, chúng ta có xuất phát điểm giống nhau và đều mang trong mình những tài năng khác nhau cùng khả năng chưa bao giờ bộc lộ hết, mỗi chúng ta đều có một con người phi thường đang say ngủ. Tuy vậy, chúng ta không phải là thiên tài duy nhất của vũ trụ, giống như cha ông ta vẫn nói: “núi cao còn có núi cao hơn, người tài còn có người tài hơn”. Cho dù là là người tài năng đến mấy thì cũng không phải là duy nhất. Trước ta, đã có bao nhiêu người đi trước, ngay trong cuộc sống của ta đã có biết bao nhiêu người tài giỏi hơn ta gấp nhiều lần chỉ là ta chưa từng biết đến, sau ta sẽ còn nhiều còn người vĩ đại hơn. Vậy thì ta có lí do gì để tin rằng ta được quyền tự hào thái quá về tài năng của mình khi mà ta chẳng qua chỉ là một phần nhỏ bé trong rất nhiều con người tài giỏi và chắc gì ta thực sự đã có tài đến mức được tôn vinh. Ta có thể tài năng ở một lĩnh vực này nhưng có thể không biết gì về một lĩnh vực khác, một chuyên viên máy tính tài giỏi chưa chắc có thể tự hào về tài nghệ nấu ăn của anh ta. Đó là lí do để ta phải tin rằng tài năng của mình hiện có không phải là vĩ đại. Còn xét về vật chất của cải hay những điều ta may mắn có được hơn người khác như là ngoại hình, sắc đẹp, thì càng có lí do để ta trở thành những con người khiêm tốn thay vì tự phụ Bởi những điều phù phiếm như vật chất hay sắc đẹp chỉ là phù du, có thể phai mờ theo năm tháng và thậm chí mất bất cứ lúc nào. Ta phải hiểu quy luật đó và hiểu rằng những điều ta có không phải là vĩnh cửa, đừng lấy những điều đó để tự cho mình được quyền hơn người khác, làm người phải hiểu mình là ai và biết khiêm tốn đúng mực. Mặt khác, con người phải biết sống khiêm tốn mới là một con người hòa đồng, dễ gần và gây thiện cảm cùng sự yêu mến từ mọi người. Người khiêm tốn sẽ không chê bai người khác và khiến họ tổn thương về sự thiếu sót của bản thân mình. Điều này không chỉ có ý nghĩa cho chính người đó mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Thử tưởng tượng một xã hội toàn là sự tự phụ của những kẻ phù phiếm thì đó nhất định là một xã hội ngột ngạt đáng chê.
Tôi không chối cãi với bạn, là con người khi tự tạo cho mình một tài năng cao siêu, quán chúng, một địa vị lẫy lừng, một tiếng tăm vang dội, tạo được cho mình một đời sống sung túc ấm no ai lại không lấy đó làm mừng. Nhưng, thưa bạn, đối với chính cá nhân con người là như thế, song bạn có dám quả quyết là những tài ba ấy, những kinh nghiệm ấy, những khôn ngoan ấy có thể là một định luật bất di bất dịch đối với tất cả mọi người không? Bạn có đủ tự tin tưởng rằng với những thứ mình đã thực hiện được trên đời không ai có không.
Đức tính khiêm tốn sẽ không giúp bạn thành công hoặc thành những con người vĩ đại nhưng nếu không có khiêm tốn, mãi mãi bạn sẽ không thể thành công và không thể vĩ đại được. Lòng khiêm tốn khiến cho người ta không chỉ được yêu quý mà còn được tôn trọng bởi xã hội công nhận lòng khiêm tốn như là một trình độ văn hóa học thức cao siêu. Giống như Ngạn Ngữ Anh có câu: “Tri thức làm ta khiêm tốn, ngu si làm ta kiêu ngạo”. Chỉ những người có trình độ mới có thể tỏ ra khiêm tốn đúng mực khi được người khác rất mực ca ngợi. Đặc biệt hơn, những người khiêm tốn luôn có tư tưởng muốn tiếp tục phấn đấu để được trở nên hoàn thiện hơn vì với họ, mọi điều vẫn là chưa đủ tốt, họ biết mình chưa hoàn hảo và cần tiếp tục bồi đắp. Nếu một xã hội toàn những con người như vậy thì sẽ là một xã hội liên tục phát triển và đi lên.
Các bạn cần biết rằng sự khiêm tốn thật sự bắt buộc phải xuất phát từ sự chân thành tự trong tim, không phải là vỏ bọc bên ngoài cho sự khoe khoang về trình độ hay sự kiêu căng. Đồng thời, mọi người cũng cần phân biệt rõ ràng khiêm tốn và tự ti, khiêm tốn là sự khiêm nhường biết mình biết ta còn tự ti chỉ là sự hèn nhát, yếu đuối và không thể hiểu rõ về bản thân mình.
3. Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của bản thân về đức tính khiêm tốn
Người ta thường nói rằng: "Người biết ít thì nói nhiều, người biết nhiều thì nói ít". Có thể nói, khiêm tốn là chiến thắng đầu tiên trong giao tiếp. Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân và người khác, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ, luôn nhún nhường trước người khác. Người có đức tính khiêm tốn thường giao tiếp điềm đạm, nhỏ nhẹ, luôn biết nhường nhịn người khác, không khoe mẽ về bản thân, tôn trọng và lịch thiệp trong giao tiếp. Người khiêm tốn cũng không bao giờ biểu lộ sự tự mãn về những gì mình có, mình biết, nhờ vậy dễ tạo được sự đồng cảm và mối quan hệ thân thiện với người khác trong giao tiếp, nên kết giao được với nhiều người. Khiêm tốn là một thái độ sống tích cực, một cách làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiêm của bản thân từ cuộc sống. Thái độ khiêm tốn thể hiện qua từng lời nói, hành động và cử chỉ một cách thật tâm đối với mọi người. Ai cũng cần có lòng khiêm tốn. Chính sự khiêm tốn gắn kết con người lại với nhau, tạo nên một xã hội văn minh, tiến bộ và hạnh phúc. Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng còn tính cách trưởng thành trong bão tố. Kẻ sống không có lòng khiêm tốn, thích khoe khoang, hợm hĩnh, kiêu ngạo quá mức sẽ bị mọi người khinh ghét, xa lánh, nhất định sẽ thất bại trong cuộc sống này.
Tham khảo thêm
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về lời dạy của Đức Phật Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói Cái khó bó cái khôn
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về ý kiến Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí về sức mạnh của lời nói
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí bàn về bản lĩnh trong cuộc sống
- docx Nghị luận tư tưởng, đạo lí bàn về khát vọng trong cuộc sống