Nghị luận tư tưởng, đạo lí về sức mạnh của lời nói

Bài văn mẫu dưới đây sẽ cung cấp cho các em cách viết một bài văn nghị luận tư tưởng, đạo lí. Đồng thời, tài liệu này còn giúp các em hiểu hơn về lời nói có sức mạnh như thế nào? Từ đó, các em biết cách sử dụng lời nói cho đúng mực hơn khi giao tiếp. Chúc các em học tập thật tốt!

Nghị luận tư tưởng, đạo lí về sức mạnh của lời nói

1. Dàn ý nghị luận về sức mạnh của lời nói

a. Mở bài:

- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận:

+ Trên mặt đất này, con người chính là loài thông minh nhất, thống trị muôn loài.

+ Con người có vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ sắc sảo.

+ Họ còn có phương tiện giao tiếp quý giá là lời ăn tiếng nói.

- Ví dụ mở bài: Người xưa từng khuyên rằng: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời nói tuy vô hình nhưng lại có tác động to lớn đối với chúng ta. Sức mạnh Của lời nói vượt xa những gì ta có thể nghĩ tới được. Bằng lời nói, ta có thể người khác thấy vui vẻ và hạnh phúc. Cũng bằng lời nói, ta có thể khiến người khác căm ghét và hận thù.

b. Thân bài:

- Lời nói là gì?

+ Là phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ của con người, thể hiện ở dạng nói và dạng viết.

+ Lời nói là sự diễn đạt bằng ngôn ngữ nói tạo thành một ý hoặc một văn bản hoàn chỉnh nhằm thực hiện một mục đích giao tiếp nào đó.

+ Trong lời nói, ngoài giá trị về mặt ngữ nghĩa còn có thái độ giao tiếp và hàm ý của nó. Bởi thế, xét đoán một lời nói trọn vẹn không phải là điều dễ dàng.

- Giá trị, ý nghĩa của lời nói:

+ Giúp con người hiểu nhau.

+ Đem lại sự giúp đỡ, gắn bó, giúp con người làm việc, học tập, sáng tạo đạt hiệu quả.

+ Lời nói có sức mạnh lớn lao trong mọi hoàn cảnh.

- Bài học cho mỗi người:

+ Phải học tập và am hiểu về cách sử dụng ngôn ngữ.

+ Rèn luyện nhân cách, phẩm chất tốt đề có cách ứng xử khéo léo, đặc biệt là khi dùng lời nói để giao tiếp.

c. Kết bài:

- Khẳng định giá trị và ý nghĩa lời nói.

- Phát huy giá trị của tiếng Việt.

- Ví dụ kết bài: Mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Một lời động viên đúng lúc có thể giúp cho những người đang trong cơn bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn. Nhưng cũng có những lời nói có thể giết chết một người đang trong cơn tuyệt vọng. Hãy biết nói lời dễ nghe, đúng đắn và chân thành để bản thân được vui vẻ và gây được điều vui vẻ ở người khác. Cuộc sống ngắn ngủi, cớ gì phải gây cho nhau những tổn thương không nên có. Lời nói chẳng mất tiền mua và luôn sẵn có trên môi. Thế nên, hãy biết lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

2. Viết bài văn nghị luận về sức mạnh của lời nói

Trong cuộc sống vốn vội vã, đôi khi người ta không có thời gian để nghĩ về những câu nói của bản thân với người khác. “Lời nói chân thành, đúng lúc chẳng khác gì phép màu, làm tái sinh sự sống trong một tâm hồn vốn đã héo khô". Câu nói ấy là sự giải thích rõ ràng nhất về ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống, như vậy, vì sao lời nói lại có sức ảnh hưởng to lớn đến con người như thế?

Chúng ta có thể hiểu rằng lời nói đơn giản chỉ là sự diễn đạt bằng ngôn ngữ ra ngoài để tạo thành một ý hoặc một văn bản hoàn chỉnh nhằm thực hiện một mục đích giao tiếp nào đó. Trong lời nói, ngoài giá trị về mặt ngữ nghĩa, lời nói còn thể hiện thái độ, hàm ý của chủ thể tạo ra nó. Bởi thế, xét đoán một lời nói trọn vẹn không phải là điều dễ dàng và để hiểu rõ mục đích giao tiếp mà người đối diện đang nhắc đến có lẽ cũng không phải điều gì quá ư dễ dàng, nhất là những câu nói mang đầy hàm ý.

Để tránh những câu nói làm tổn thương người khác thì bản thân chúng ta phải biết lựa lời nói cho đúng mực và phù hợp. Có những lời nói đã lựa lời uốn lưỡi nhưng cũng có lúc buột miệng nói ra trong lúc đang có một cảm xúc tiêu cực nào đó khiến người ta buồn, người ta thất vọng và sợ nhất là người ta mãi mãi hiểu lầm về nó. Thế mới biết giá trị của con người có khi chỉ được quyết định và đóng đinh trong vòng hai giây. Có những lời đùa cợt tưởng như vô hại, nhưng người nói nào ngờ một hai từ trong câu nói vui ấy rất vô tình đã chạm vào một nỗi đau thầm kín của người nghe. Lại có những lời châm chọc mỉa mai cố ý làm đau lòng người khác cho bỏ tức hay bỏ ghét, quả thực có tác dụng như vũ khí sát thương tâm hồn.

Có thể nhận thấy rằng lời nói và nụ cười là hai thứ dễ cho đi và hiệu quả nhanh nhất. Một câu nói nhẹ nhàng và ngọt ngào sẽ như một làn gió mát thổi vào lòng ai đó trong một ngày oi ả. Có người nói mà ta nghe từ cách xa qua điện thoại hay tiếp nhận lời bằng email vẫn có thể tưởng như nghe thấy tiếng cười hay nhìn thấy nụ cười trên môi mắt họ. Trong khi đó một câu nói nặng nề chua cay có thể khiến người nghe đau lòng và buồn bã không chỉ một ngày mà có khi “đau nặng từng lời nói” nhiều ngày bởi không phải ai cũng dễ buông bỏ và hỷ xả. Cuộc sống con người rất mong manh trong cõi trần gian vô thường. Còn nhìn thấy nhau, gặp nhau sao không nói với nhau những lời tử tế, chân thật. Để rồi khi xa nhau hay phải chia lìa ta sẽ không thấy ân hận, dằn vặt và ray rứt nghĩ lại khi còn gần nhau, khi người ta còn sống mình không nói được lời yêu thương.

Sức mạnh của lời nói là rất lớn, nếu chúng ta đủ nhận thức về vai trò của nó, chẳng hạn như khi người khác buồn phiền, một lời động viên đúng lúc có thể khiến họ vui lên, vơi bớt nỗi buồn đau. Họ cảm thấy được đồng cảm sẻ chia. Từ đó, tăng cường ở họ sức mạnh vươn lên và niềm tin vào cuộc sống. Khi người khác buồn phiền, đừng quay lưng lại với họ. Cũng không cần bạn phải làm gì lớn lao. Hãy kiên nhẫn nghe họ tỏ bày và có lời khuyên đúng đắn. Lời nói chân thành, đúng lúc chẳng khác gì phép màu, làm tái sinh sự sống trong một tinh thần vốn đã héo khô.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đặc biệt, đôi khi bản thân chúng ta cũng buộc phải nói dối. Dẫu biết rằng nói dối là xấu, đi ngược lại với đạo đức và chuẩn mực làm người. Nhưng, trong một hoàn cảnh nào đó, ta phải buộc lòng nói dối để bảo vệ chân lí, bảo vệ con người. Bởi vậy, không nên cố chấp rằng người tốt nhất quyết không nói lời sai trái. Nếu lời nói dối có thể đem đến lợi ích lớn hơn lời nói thật thì đó lại là lời nói chân thành từ trái tim, lời nói của lương tri, thật đáng trân trọng.

Chúng ta trước khi muốn nói gì đó thì cần phải suy nghĩ thận trọng trước khi nói ra, để tránh làm tổn thương người khác. Mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Hãy biết nói lời dễ nghe, đúng đắn và chân thành để bản thân được vui vẻ và nhận lại sự tôn trọng ở người khác. Cuộc sống ngắn ngủi, cớ gì phải gây cho nhau những tổn thương không nên có?

3. Sưu tầm những câu chuyện mang ý nghĩa về sức mạnh của lời nói

Gia Cát Lượng mắng chết dũng tướng

"Không những giỏi về binh thư, mưu lược, bày binh bố trên như thần, Khổng Minh gia Cát Lượng còn sử dụng lời nói như một sức mạnh để chiến thắng. Trước lời lên án, chế giễu của Vương Lãng, Gia Cát Lượng mạnh lời đã vạch trần bản chất nhút nhát, phản bội, vô sỉ khiến cho Vương Lãng uất ức ngã ngựa mà chết.

Sau trận thua nặng nề ở Tà Cốc, Tào Chân bị ốm, nằm mê man. biết Vậy, Gia Cát Lượng viết một bức thư rồi cho người gửi đến doanh trại. Trong thư, Gia Cát Lượng chê Tào Chân là dũng tướng mà vô học, không biết dùng binh, liên tiếp thất trận, làm tổn hại xương máu binh sĩ. Như thế còn mặt mũi nào mà đứng ở đời, làm sao dám còn về gặp lại dân chúng, còn tu cách nào để thăng đường nghị sự. Tào Chân đọc xong thư liền ngất xỉu. Ngay đêm đó cũng đi luôn".

Đức phật và người thợ săn

"Hay câu chuyện của đức Phật và người thợ săn đem lại cho ta nhiều suy nghĩ. Chuyện cũng kể rằng, một hôm đang dạo bộ trong rừng, đức Phật nhìn thấy một con hươu chạy đến, rồi rẽ hướng vào rừng. Một bên đùi có mũi tên cắm sâu, máu chảy rất nhiều. Lát sau, có một người thợ săn chạy đến, gặp đức Phật hỏi người có thấy con hươu nào chạy qua không. Đức Phật bình thản chỉ về hướng khác: “Ở hướng đó”. Người thợ săn cảm ơn đức Phật rồi hối hả chạy theo hướng tay người chỉ.

Không nói dối là một trong năm giới cấm mà đức Phật luôn tâm niệm thực hiện trì giới. Nhưng ngay trong tình thế này, phật đã buộc phải phạm giới để cứu lấy con hươu. Lúc cần cứu vật, đúng sai không cần phân biệt nữa. Nói dối mà cứu được vật, thiện căn lớn hơn là nói thật mà phạm tội sát sinh. Tránh được cái tội này nhưng lại phạm vào cái tội khác lớn hơn, nghiêm trọng hơn".

Edison và bức thư của thầy giáo

"Câu chuyện cuộc đời của nhà bác học vĩ đại Edison lại càng cho ta thấy sức mạnh của lời nói và tấm lòng của người mẹ. Từ nhỏ, Edison là một cậu bé kém cỏi. Cậu học rất kém và có những câu hỏi ngớ ngẩn khiến thầy giáo của cậu rất phiền lòng. Một hôm, thầy giáo của cậu gợi mẹ cậu đến dẫn cậu về và gửi cho bà một bức thư. Về đến nhà, bà mở bức thư ra xem và sửng sốt. Thấy mẹ lo lắng, Edison đã hỏi thầy giáo đã viết gì trong bức thư ấy. Rất nhanh chóng, mẹ Edison đọc bức thư: “Con trai bà là một thiên tài. Chúng tôi không đủ sức dạy cậu bé. Bà hãy đưa cậu bé về nhà và để cậu ấy tự nghiên cứu”.

Thực tế là Edison bị đuổi học. Người mẹ đã giấu điều đó suốt bao nhiêu năm và âm thầm khích lệ ông tự học ở nhà. Khi đã trở thành một nhà khoa học nổi tiếng, người mẹ cũng qua đời từ lâu, trong một lần dọn dẹp ngôi nhà, Edison đã phát hiện ra sự thật ấy. Ông đã khóc rất nhiều sau đó".

Ngày:28/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM