Bài 6: Sự tiếp xúc giữa các nền văn minh
Mời các bạn cùng tham khảo bài giảng Bài 6: Sự tiếp xúc giữa các nền văn minh dưới đây để tìm hiểu về sự tiếp xúc văn minh giữa phương Đông và phương Tây từ thời cổ đại đến thời trung đại nhé!
Mục lục nội dung
1. Thời cổ đại
Thời cổ đại ở phương Đông và phương Tây đã xuất hiện những nền văn minh rất rực rỡ và ngay từ thời bấy giờ, đã diễn ra sự tiếp xúc văn minh giữa hai khu vực.
- Từ khoảng thế kỉ XI TCN, người Phênixi đã đi lại buôn bán khắp vùng Địa Trung Hải, đã chiếm được nhiều đất đai ở đây làm thuộc địa. Do sự tiếp xúc đó, vào khoảng thế kỉ IX, VIII TCN, người Hi Lạp đã học tập hệ thống chữ cái của Phênixi để đặt ra chừ Hi Lạp và về sau từ chữ Hi Lạp đã phát triển thành chữ Xlavơ và chữ Latinh. Thế kỉ VI TCN, một số nhà khoa học Hi Lạp cổ đại như Talét, Pitago đã đi du lịch Lưỡng Hà, Ai Cập, do đó đã tiếp thu được nhiều thành tựu toán học của những nước này, trên cơ sở đó đã phát triển thành định lí về quan hệ giữa ba cạnh của tam giác vuông. Thế kỉ V TCN, nhà sử học Hi Lạp Hêrôđốt cũng từng đi du lịch nhiều nơi ở phương Đông, do vậy đã biên soạn được một số tác phẩm về lịch sử của Atxiri, Babilon, Ai Cập. Những tư liệu lịch sử mà Hêrôđốt ghi lại được như việc xây dựng Kim tự tháp ở Ai Cập cổ đại là vô cùng quý giá.
- Cuối thế kỉ IV TCN, Alếchxăngđrơ Makêđônia chinh phục phương Đông đến tận miền Tây Bắc Ấn Độ. Sự việc này đã để lại một hậu quả khách quan là đã thúc đẩy sự giao lưu về kinh tế văn hóa giữa hai khu vực. Sau khi đế quốc Makêđônia tan rã, trên đất đai mà Alếchxăngđrơ chinh phục được ở Tây Á và Đông Bắc châu Phi đã hình thành các quốc gia như Ai Cập của vương triều Ptôlêmê, Xini của vương triều Xêlơcút, Pécgammum, Páctia, Bắctơria mà lịch sử gọi là những nước Hi Lạp hóa và giai đoạn lịch sử từ khi Alếchxăngđrơ bắt đầu chinh phục phương Đông (năm 334 TCN) đến khi Ai Cập bị biến thành một tỉnh của La Mã (năm 30 TCN) gọi là thời kì Hi Lạp hóa.
Trong thời kì này, quan hệ buôn bán giữa phương Đông và phương Tây càng được đẩy mạnh. Trong quá trình chinh phục, Alếchxăngđrơ đã lập nhiều cứ điểm quân sự.
Về sau, một số trong đó đã phát triển thành những thành thị mà trước hết phải kể đến thành phố Alếchxăngđrơ ở Ai Cập.
- Alếchxăngđrơ là kinh đô của Ai Cập thời vương triều Ptôlêmê, đồng thời là một thương cảng quốc tế. Ở đây có hải cảng thiết bị tốt, đặc biệt có ngọn tháp hải đăng xây bằng đá hoa trắng cao 12m. Hải đăng thắp suốt đêm, ánh sáng chiếu xa 40 km. Tháp hải đăng này được coi là một trong 7 kì quan của thế giới cổ đại. Alếchxăngđrơ còn là một trung tâm văn hóa quan trọng, ở đây có một thư viện lớn có gần 500.000 quyển sách chép tay, nhiều học giả các nước đã tập trung về đây nghiên cứu giảng dạy, trong đó tiêu biểu là nhà toán học Ơclít. Ảnh hưởng của văn hóa Hi Lạp đối với phương Đông còn thể hiện rõ rệt ở mặt nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Thậm chí tại nước Ấn Độ xa xôi, các tượng Phật được tạo nên trong thời kì muộn hơn một ít cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt của nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp.
Ngược lại, phương Tây đã tiếp thu nhiều kiến thức về toán học và thiên văn học của phương Đông, đặc biệt là phép làm lịch.
- Sau khi ở Ai Cập về, năm 45 TCN, người đứng đầu nhà nước La Mã là Xêda (Caius Julius Ceasar) đã mời nhà toán học và thiên văn học Ai Cập là Xôdigien (Sosigène) dựa vào lịch Ai Cập để cải cách lịch của La Mã. Lịch mới của La Mã mang tên Xêda gọi là lịch Giuyliêng (Julien), mỗi năm có 365 ngày \(\frac{1}{4}\), cứ 4 năm nhuận 1 ngày. Lịch Giuyliêng được sử dụng phổ biến ở phương Tây trong nhiều thế kỉ. Tuy nhiên, mỗi năm lịch Giuyliêng dài hơn năm mặt trời 11 phút, do đó đến năm 1582, lịch chậm mất 10 ngày. Để chỉnh lại lịch, giáo hoàng Grêgônút XIII ra lệnh cho lịch nhảy 10 ngày: tiếp sau ngày thứ năm 4-10-1582 là ngày thứ sáu 15-10-1582. Lịch mới điều chỉnh này gọi là lịch Grêgôriêng (Grégorien). Đây là loại lịch thông dụng trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên lịch này nay cũng đã nhanh 3 ngày rồi.
Ngoài khu vực Tây Á và Bắc Phi, phương Tây còn tiếp xúc với văn minh Trung Hoa. Từ sớm, Trung Quốc đã dệt được nhiều loại lụa đẹp, được cư dân nhiều nước ưa chuộng, do vậy khoảng thế kỉ II TCN, đã hình thành một con đường thông thương xuất phát từ vùng Trường An, kinh đô của Trung Quốc, đi qua Trung Á và Tây Á rồi đến bờ Đông Địa Trung Hải, gọi là con đường tơ lụa. Từ đó, hàng hóa được tiếp tục chuyển sang phía Tây. Xêda thường mặc áo dài bằng lụa Trung Quốc và được coi là hết sức sang trọng.
2. Thời trung đại
Trong thời kì này, qua các hoạt động như buôn bán, du lịch, chiến tranh, đặc biệt là do phát triển địa lí, sự tiếp xúc văn minh giữa phương Đông và phương Tây càng phát triển.
- Vai trò của người Arập
Nước Arập bắt đầu thành lập từ thế kỉ VII, nhưng đến thế kỉ VIII, Arập trở thành một đế quốc rộng lớn có lãnh thổ bao gồm đất đai của ba châu Á, Phi, Âu trải dài từ lưu vực Sông Ấn đến Tây Ban Nha. Vị trí địa lí đó đã có vai trò quan trọng trong việc làm cho Arập trở thành một trung tâm văn minh quan trọng của thế giới thời trung đại, đồng thời làm cho Arập trở thành cái cầu nối liền giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Tây Âu.
Chính lái buôn Arập đã giữ vai trò chủ yếu trong việc đưa sang Tây Âu nhiều sản phẩm quý giá của phương Đông như vải, lụa, hương liệu v.v... Đặc biệt, người Arập cũng là kẻ đã truyền sang Tây Âu chữ số Ấn Độ và các phát minh về giấy, nghề in, thuốc súng và la bàn của Trung Quốc. Ngoài ra, lúc đầu, qua việc phiên dịch nhiều tác phẩm của các học giả Hi-La cổ đại, ngứời Arập đã học tập được nhiều thành tựu của văn minh phương Tây, nhưng về sau, Tây Âu đã tiếp thu nhiều kiến thức về đại số học, hóa học, sinh học, vật lí học, y học v.v... của người Arập. Đôn đầu thế kỉ XVIII tác phẩm Nghìn lẻ một đêm cũng được giới thiệu rộng rãi ở Tây Âu.
- Sự tiếp xúc văn minh qua phong trào viễn chinh của quân Thập tự
Do sự hô hào của giáo hoàng La Mã, từ đầu thế kỉ XI đến cuối thế kỉ XIII, các đoàn kị sĩ một số nước Tây Âu, với hình cây thánh giá khâu trên áo, đã tiến hành 8 cuộc viễn chinh sang phương Đông, lịch sử gọi là phong trào viễn chinh của quân Thập tự hoặc nói tắt là phong trào Thập tự chinh.
Những cuộc chiến tranh này đã đem lại rất nhiều thảm họa cho cư dân khu vực phía Đông Địa Trung Hải, nhưng cũng góp phần thúc đẩy sự tiếp xúc văn minh giữa hai bộ phận quan trọng của thế giới lúc bấy giờ.
Vào thời kì này, do sự suy thoái về văn hóa, phương Tây lạc hậu hơn phương Đông rất nhiều. Qua phong trào viễn chinh, người Tây Âu đã học tập được một số nghề mới như làm giấy, làm thủy tinh, làm thuốc súng, kĩ thuật tiên tiến trong nghề dệt, nghề luyện kim; học tập được cách trồng một số giống cây mới như lúa, kiều mạch, chanh, dưa hấu v.v... Việc truyền bá các thứ đó sang phương Tây một phần là do người Arập truyền qua Tây Ban Nha, một phần do quân Thập tự trực tiếp học kinh nghiệm và đưa từ phương Đông về.
Ngoài ra, qua tiếp xúc với phương Đông, giai cấp phong kiến Tây Âu đã học tập được nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống hàng ngày như các nghi thức ở cung đình, những cử chỉ tao nhã, cách giao tiếp lịch sự, cách để tóc để râu, cách tắm rửa v.v... Thức ăn, quần áo, vũ khí, đồ dùng... giờ đây cũng yêu cầu phải ngon lành, đẹp đẽ và cầu kì hơn. Ví dụ thức ăn phải có thêm đồ gia vị, kiếm thì phải khảm đồng và bao phải khảm vàng và ngà voi... Do vậy, đời sống văn hóa trong xã hội Tây Âu đã có một bước tiến rõ rệt.
- Sự tiếp xúc văn minh qua cuộc hành trinh của Máccô Pôlô (Marco Polo)
Máccô Pôlô (1254-1324) là con của một nhà buôn lớn ở Vênêxia. Năm 1275, ông đến Trung Quốc, được Hốt Tất Liệt phong làm quan 16 năm. Khi đi, ông đi bằng đường bộ xuyên qua đất đai của đế quốc Mông cổ, khi về ông đi đường biển qua Xumatơra. Sau khi về nước, ông gia nhập quân đội, bị bắt làm tù binh 2 năm. Trong thời gian này, ông đã kể lại cuộc hành trình của mình cho một người bạn tù ghi chép, về sau tác phẩm ấy được công bố dưới nhan đề Du kí của Máccô Pôlô.
Tuy có phần khoác lác, nhưng tác phẩm này đã cung cấp cho người Tây Âu một số hiểu biết về địa lí, con người, sản phẩm, của cải v.v... của các nước phương Đông.
Maccô Pôlô đã kể về sự giàu có của Nhật Bản như sau:
"... Vàng nhiều vô kể, mà không biết dùng để làm gì... Vua có một cung điện lớn, mái lợp bằng vàng ròng... Nền các phòng trong cung thì lát gạch bằng vàng để thay cho các tấm đá..."
Những cuộc phát kiến địa lí cuối thế kỉ XV - đầu thế kỉ XVI mở ra khả năng rộng lớn cho sự tiếp xúc văn hóa giữa các châu lục, hình thành thị trường thế giới và thúc đẩy sự phát triển công thương nghiệp.
Trên đây là nội dung bài giảng Bài 6: Sự tiếp xúc giữa các nền văn minh được eLib tổng hợp lại nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo. Hy vọng đây sẽ là tư liệu giúp các bạn nắm bắt nội dung bài học dễ dàng hơn.