Bệnh Peyronie - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh Peyronie (dương vật cong) gây ra mô sẹo tích tụ trong màng bao trắng bên trong dương vật hoặc tinh hoàn dẫn đến dương vật bị cong hoặc lệch đi. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh Peyronie  - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu về bệnh Peyronie

Bệnh Peyronie, hay bệnh cong dương vật, là bệnh gây ra mô sẹo bên trong dương vật và tinh hoàn. Mô sẹo tích tụ trong màng bao trắng, thường thấy nhất là ở đầu và gốc dương vật. Do mô sẹo ngày càng dày, dương vật khi đó sẽ bị cong hoặc lệch đi.

Dương vật cong hoặc lệch có thể làm bạn đau khi quan hệ, thậm chí không thể quan hệ tình dục. Triệu chứng sưng và viêm dương vật của bệnh Peyronie có nguy cơ để lại sẹo cứng vĩnh viễn trên dương vật.

Mô sẹo của bệnh Peyronie không giống như mô phát triển bất thường trong động mạch (gây hẹp động mạch) mà chỉ là mô dạng xơ nang lành tính (không phải ung thư). Bệnh Peyronie không phải bệnh truyền nhiễm và không lây qua đường tình dục. Nhiều người đàn ông khi cương cứng thì dương vật hơi cong. Bệnh Peyronie làm cho tình trạng cong (lệch) nặng hơn. Sự kích thích ở dương vật dẫn đến việc hình thành mô sẹo xơ làm dương vật cong, cản trở sự thâm nhập khi quan hệ.

2. Triệu chứng bệnh Peyronie

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cong dương vật có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển từ từ. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

Mô sẹo: các mô sẹo (plaques) có thể được cảm nhận dưới da của dương vật như cục u phẳng hoặc một dải mô cứng; Dương vật uốn cong đáng kể: dương vật có thể bị cong lên, xuống hoặc bị sang một bên; Vấn đề cương cứng: bệnh Peyronie có thể gây rối loạn chức năng cương dương; Dương vật bị rút ngắn: dương vật của bạn có thể trở nên ngắn hơn do hậu quả của bệnh Peyronie’ Đau: bạn có thể bị đau dương vật và gặp khó khăn khi cương cứng.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đến bác sĩ nếu bạn cảm thấy đau hoặc bị cong dương vật gây cản trở đến hoạt động tình dục hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân gây bệnh Peyronie

Nguyên nhân của bệnh Peyronie hiện nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu cho rằng bệnh có thể là kết quả từ các chấn thương lặp đi lặp lại. Ví dụ như dương vật có thể bị tổn thương trong quá trình quan hệ tình dục, hoạt động thể thao hoặc do gặp tai nạn. Trong quá trình các chấn thương hồi phục, mô sẹo cũng có thể hình thành một cách vô tổ chức gây phát triển độ cong ở dương vật.

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng bệnh Peyronie có thể do một số bệnh tự miễn gây ra. Thông thường, hệ thống miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi bị nhiễm trùng bằng cách xác định và tiêu diệt các vi khuẩn, virus và các chất lạ có thể gây hại khác khi chúng xâm nhập. Khi mắc bệnh tự miễn dịch, hệ miễn dịch có thể nhầm lẫn và tấn công các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, do đó bệnh Peyronie có thể phát triển nến tế bào trong dương vật bị tấn công và gây ra tình trạng viêm và sẹo.

4. Nguy cơ mắc phải bệnh Peyronie

Nam giới trẻ tuổi, đặc biệt là những người có nguy cơ chấn thương dương vật cao, chẳng hạn như vận động viên thể thao thường mắc bệnh cong dương vật. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết về tình trạng của bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh Peyronie (dương vật cong)?

Các chấn thương nhỏ ở dương vật không phải lúc nào cũng dẫn đến bệnh dương vật cong. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác nhau có thể góp phần làm tích tụ mô sẹo trong quá trình có thể tự chữa lành vết thương như:

Yếu tố di truyền: nếu cha hoặc anh em đang có bệnh dương vật cong, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh; Rối loạn mô liên kết: những bệnh nhân bị rối loạn mô liên kết có nguy cơ cao mắc bệnh dương vật cong; Tuổi tác: tỷ lệ mắc bệnh cong dương vật cũng tăng theo độ tuổi. Những thay đổi liên quan đến tuổi có thể khiến họ dễ mắc hơn và khó lành bệnh hơn.

Các yếu tố khác bao gồm cả điều kiện về sức khỏe, hút thuốc lá và một số loại phẫu thuật tuyến tiền liệt cũng có thể liên quan đến bệnh dương vật cong.

5. Điều trị hiệu quả bệnh Peyronie

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh Peyronie (dương vật cong)?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán và tìm nguyên nhân gây bệnh Peyronie bằng các cách sau:

Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ kiểm tra dương vật của bạn khi nó không cương để xác định vị trí và số lượng mô sẹo. Nếu tình trạng này tiếp tục xấu đi, các chẩn đoán ban đầu này sẽ giúp xác định xem dương vật đã bị rút ngắn chưa; Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xem hình ảnh của dương vật cương cứng, xác định mức độ cong, vị trí của mô sẹo hoặc các chi tiết khác; Các xét nghiệm khác: siêu âm khi cương cứng là xét nghiệm thường được sử dụng. Xét nghiệm này có thể cho thấy sự hiện diện của các vết sẹo, lưu lượng máu đến dương vật và các bất thường khác.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh Peyronie (dương vật cong)?

Bác sĩ có thể yêu cầu theo dõi diến tiến bệnh mà chưa cần điều trị nếu:

Độ cong dương vật của bạn không nghiêm trọng; Không đau khi quan hệ tình dục; Chỉ đau nhẹ khi cương cứng; Vẫn có thể cương cứng bình thường.

Nếu các triệu chứng nặng hoặc xấu đi, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

Thuốc:

Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giúp làm giảm độ cong, kích thước sẹo và tình trạng viêm ở dương vật. Các loại thuốc này có thể uống hoăc tiêm trực tiếp vào phần sẹo ở dương vật.

Các loại thuốc uống bao gồm:

Vitamin E; Potassium para-aminobenzoate (Potaba); Tamoxifen; Colchicine; Acetyl-L-carnitine.

Các loại thuốc tiêm bao gồm:

Verapamil; Interferon alpha 2b; Steroid; Collagenase (Xiaflex).

Phẫu thuật:

Bác sĩ thường chỉ đề nghị phương pháp phẫu thuật khi sự biến dạng ở dương vật quá nghiêm trọng, đặc biệt khó chịu hoặc khiến bạn không thể quan hệ tình dục. Ngoài ra, phẫu thuật thường không được khuyến cáo cho đến khi độ cong của dương vật của bạn ngừng tăng. Có 3 phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh: khâu gấp nếp vật hang, rạch/cắt mảng xơ và vá che phủ, đặt vật hang nhân tạo.

Một số phương pháp khác:

Liệu pháp ion hóa sử dụng một dòng điện yếu để đưa một verapamil và dexamethasone qua da; Sử dụng sóng âm thanh cường độ cao để phá vỡ các mô sẹo (điều trị sóng xung kích); Sử dụng các thiết bị để kéo dài dương vật (điều trị kéo dương vật); Sử dụng các thiết bị chân không.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp cho người bị bệnh Peyronie

Bạn nên duy trì lối sống lành mạnh bằng các hoạt động thể thao phù hợp, hạn chế đồ uống có cồn, thuốc lá và cách chất kích thích… Bên cạnh đó, bạn cũng nên cải thiện mối quan hệ với bạn đời, sinh hoạt tình dục lành mạnh và khám sức khỏe để phòng ngừa và chữa trị kịp thời.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Peyronie (dương vật cong), hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:06/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM