Hợp đồng đặt cọc

Nhằm giúp bạn đọc soạn thảo được các hợp đồng đặt cọc theo đúng quy định của pháp luật, eLib xin chia sẻ đến các bạn chuyên mục Hợp đồng đặt cọc dưới đây với những hướng dẫn cách viết cũng như những lưu ý cần biết khi ký hợp đồng. Hy vọng với chuyên mục này sẽ giúp các bạn có được bản hợp đồng như mong muốn. Mời các bạn tham khảo!

1. Hợp đồng đặt cọc là gì?

Hợp đồng đặt cọc là thỏa thuận của các bên xác lập việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo cho một hợp đồng, thỏa thuận sẽ thực hiện.

Việc đặt cọc có thể giao kết riêng thành một hợp đồng đặt cọc độc lập, hoặc các bên có quyền thỏa thuận ghi nhận điều khoản đặt cọc vào hợp đồng đã ký kết. Dù xác lập dưới hình thức nào thì giá trị pháp lý của thỏa thuận đặt cọc được hiểu là như nhau, việc lập hợp đồng đặt cọc riêng chỉ giúp các bên có điều kiện thỏa thuận chi tiết hơn, rõ ràng hơn về đặt cọc và các nghĩa vụ phát sinh xoay quanh khoản tiền đặt cọc.

2. Tài sản sử dụng để đặt cọc

Tài sản đặt cọc không chỉ là tiền mà còn có thể là những tài sản có giá trị khác, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như ô tô, mô tô, tàu bay, tàu biển… và đây cũng là những tài sản có giá trị lớn nên khi dùng để đặt cọc cần thiết phải bằng văn bản có công chứng, chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc phải được đăng ký giao dịch bảo đảm nếu các đối tượng bảo đảm bắt buộc phải được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Giá trị tài sản đặt cọc nhỏ hơn hoặc bằng giá trị bảo đảm.

3. Một số vấn đề liên quan tới đặt cọc

Việc đặt cọc có phải lập thành văn bản không? Hợp đồng đặt cọc có cần công chứng không?

Trước đây việc đặt cọc theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 bắt buộc lập thành văn bản tuy nhiên Bộ luật dân sự 2015 thì không bắt buộc. Nếu đặt cọc bằng văn bản cũng không bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên nếu lập thành văn bản và công chứng thì sẽ dễ dàng hơn khi xảy ra tranh chấp

Phân biệt đặt cọc và trả tiền trước

Điều 29 nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định: Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước. Việc phân biệt đặt cọc hay trả tiền trước là rất quan trọng vì hậu quả pháp lí của chúng là khác nhau, là phạt cọc hay xử lý tiền trả trước. Do bản chất của đặt cọc là thỏa thuận dân sự giữa các bên nên các bên có thể thỏa thuận phạt cọc gấp 2 đến nhiều lần giá trị tài sản đặt cọc và thỏa thuận phạt cọc này phải ghi trong hợp đồng.

4. Điều kiện phát sinh hiệu lực trong hợp đồng đặt cọc

Thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng đặt cọc là thời điểm ký hợp đồng hoặc một thời điểm khác nếu trong hợp đồng có thỏa thuận.

Hợp đồng đặt cọc có hiệu lực khi tuân thủ các quy định sau: (i) Hình thức hợp đồng đúng luật; (ii) Người giao kết có đủ hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự; (iii) Nội dung công việc được đặt cọc không trái luật, trái đạo đức xã hội và không thuộc đối tượng không thể thực hiện; (iv) Các bên ký kết hợp đồng đặt cọc hoàn toàn tự nguyện không bị nhầm lẫn, lừa dối, ép buộc.

Khi không đáp ứng được các điều kiện nói trên hợp đồng đặt cọc có thể bị tuyên vô hiệu, từ đó không phát sinh nghĩa vụ giữa các bên trong thỏa thuận hợp đồng, các bên chỉ phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.

5. Nội dung của hợp đồng đặt cọc

 Hợp đồng đặt cọc gồm những nội dung cụ thể như:

Thông tin các bên

Tài sản đặt cọc

Mục đích đặt cọc

Thời hạn đặt cọc

Quyền và nghĩa vụ của các bên 

Các thông tin trên được thỏa thuận càng chi tiết thì càng giảm thiểu những rủi ro, tranh chấp phát sinh sau này.

6. Mẫu hợp đồng đặt cọc tham khảo

Mẫu hợp đồng đặt cọc

Việc soạn thảo hợp đồng đặt cọc là cần thiết, bởi nó chứng minh cho cơ quan, tổ chức thấy thỏa thuận mua bán giữa hai bên, để đối chứng nếu có việc gian lận trong hợp đồng. Hiểu được điều đó, eLib chia sẻ đến bạn chuyên mục Hợp đồng đặt cọc với những hướng dẫn cụ thể về việc lập Hợp đồng đặt cọc nhà đất, Hợp đồng đặt cọc thuê đất,... Hi vọng đây sẽ là tư liệu hữu ích hỗ trợ cho quá trình mua bán, giao dịch của bạn nhằm hạn chế các tranh chấp về sau. Mời các bạn cùng tham khảo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM