Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế đối với Thành phố Hà Nội

Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội do quốc hội ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2020. Mời các bạn tham khảo!

Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế đối với Thành phố Hà Nội

QUỐC HỘI
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
Nghị quyết số: 115/2020/QH14 Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội.

2. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Quản lý thu ngân sách nhà nước

1. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố Hà Nội như sau:

a) Phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí;

b) Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.

2. Việc thí điểm thực hiện chính sách thu phí trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định tại khoản 1 Điều này phải theo nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025, trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố Hà Nội; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành, nghề ưu đãi đầu tư;

b) Bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; chính sách điều tiết phải hợp lý, phù hợp với sự phát triển của thành phố Hà Nội và thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội;

c) Công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước, bao gồm cả cải cách hành chính quản lý phí, lệ phí.

3. Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí quy định tại khoản 1 Điều này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội.

4. Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.

5. Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Điều 4. Quản lý chi ngân sách nhà nước

1. Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực tế của thành phố Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

2. Thành phố Hà Nội thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố Hà Nội bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội.

3. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

a) Sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu bao gồm: phòng cháy, chữa cháy, thu gom, xử lý rác, cấp nước, thoát nước, điện, thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào trong cơ sở đã có của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do thành phố Hà Nội quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trường hợp đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu có giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án hoặc có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật kèm theo báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trước khi phân bổ dự toán và phải thực hiện đấu thầu, quản lý như dự án đầu tư công;

b) Sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước, cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Điều 5. Mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính

1. Mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp. Thu ngân sách thành phố Hà Nội được xác định trên cơ sở dự toán thu ngân sách thành phố Hà Nội được Quốc hội quyết định của năm dự toán. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố Hà Nội hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã có quyết định phê duyệt dự án và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Đầu tư công và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng này tại một thời điểm không quá 50% số dư Quỹ dự trữ tài chính của thành phố Hà Nội đến ngày 31 tháng 12 năm trước, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lập, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định bố trí dự toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hằng năm cho các dự án trên để thu hồi vốn tạm ứng, hoàn trả Quỹ dự trữ tài chính theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2020 và được thực hiện trong 05 năm.

Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định.

2. Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết này; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội;

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sơ kết việc thực hiện Nghị quyết này để báo cáo Quốc hội tại kỳ hợp cuối năm 2022, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này để báo cáo Quốc hội tại kỳ hợp cuối năm 2025 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.

3. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ hợp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2020.

  CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày:08/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM