GDCD 7 Bài 15: Bảo vệ di sản văn hóa

Bài học dưới đây giúp các em tự hào hơn về sự đa dạng di sản văn hóa của đất nước ta. Qua đó các em phải có trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp đáng quý đó.

GDCD 7 Bài 15: Bảo vệ di sản văn hóa

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Quan sát ảnh

- Di sản văn hóa: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn…

- Di tích lịch sử và cách mạng: Bến nhà Rồng, bảo tàng Hồ Chí Minh, Côn Đảo, hang Pắc Bó…

- Danh lam thắng cảnh: Vịnh Hạ Long, ngũ hành sơn…

- Những di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận:

  • Vật thể: Cố dô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, phong nha kẻ bàng
  • Phi vật thể: Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, hát Xoan, hát quan họ…

⇒ Ý nghĩa: Ở nước ta di sản văn hóa rất phong phú và đa dạng, tồn tại với nhiều hình thức từ vật thể đến phi vật thể mang lại giá trị du lịch cao. Các di sản văn hóa góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Di sản văn hóa là tài sản của dân tộc, nói lên truyền thống của dân tộc, thể hiện công đức của các thế hệ tổ tiên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thể hiện kinh nghiệm của dân tộc ta trên các lĩnh vực. Vì vậy, chúng ta cần phải biết giữ gìn và bảo vệ các di sản đó.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

- Di sản văn hóa là sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Có 2 loại di sản văn hóa, đó là:

- Di sản văn hóa phi vật thể: là những sản phẩm tinh thần có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác.

- Di sản văn hóa vật thể: là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, bao gồm các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, các di vật cổ vật, bảo vật quốc gia.

  • Di tích lịch sử văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.
  • Danh lam thắng cảnh: là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị Lịch sử thẩm mĩ, khoa học.

b. Ý nghĩa

  • Di sản văn hóa là cảnh đẹp của đất nước, là tài sản của dân tộc.
  • Di sản văn hóa thể hiện truyền thống, công sức, kinh nhgiệm sống của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
  • Bảo vệ di sản văn hóa để làm cơ sở cho thế hệ sau phát huy và phát triển.
  • Phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa thế giới.

c. Những qui định của pháp luật

  • Cấm chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa.
  • Cấm huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản.
  • Cấm xây dựng lấn chiếm, đào bới đất thuộc di sản văn hóa.
  • Cấm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái pháp các di vật, cổ vật.
  • Cấm lợi dụng di sản để làm những việc trái pháp luật.

2. Luyện tập

Câu a. Trong những hành vi dưới đây, hành vi nào là góp phần giữ gìn, bảo vệ, hoặc phá hoại di sản văn hoá ?

(1) Đập phá các di sản văn hoá;

(2) Di chuyển cổ vật, bảo vật quốc gia bất hợp pháp;

(3) Phát hiện cổ vật đem nộp cho cơ quan có trách nhiệm;

(4) Lấy cắp cổ vật về nhà;

(5) Buôn bán cổ vật không có giấy phép;

(6) Vứt rác bừa bãi xung quanh di tích;

(7) Giữ gìn sạch đẹp di tích, danh lam thắng cảnh;

(8) Nhắc nhở mọi người giữ gìn, bảo vệ di sản văn hoá;

(9) Tổ chức tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử;

(10) Cất giấu cổ vật cho bọn buôn lậu;

(11) Giúp các cơ quan chuyên môn sưu tầm cổ vật;

(12) Giúp các cơ quan có trách nhiệm ngăn chặn những người phá hoại di sản văn hoá;

(13) Lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất của các di tích đã được xếp hạng.

Gợi ý trả lời

Hành vi góp phần giữ gìn, bảo vệ di sản văn hoá: 3, 7, 8, 9, 11, 12

Hành vi phá hoại di sản văn hoá: 1, 2, 4, 5, 6, 10, 13 

Câu b. Trong một lần đi tham quan thắng cảnh Vịnh Hạ Long, thấy trên vách các hang động có những chữ khắc hoặc viết chằng chịt tên, ngày tháng của những người đến thăm, bạn Dung bày tỏ thái độ phê phán, không hài lòng về những việc làm đó. Ngược lại, có một số bạn lại đồng tình, vì theo họ thì việc khắc chữ trên vách đá là một kỉ niệm của du khách để cho hậu thế biết: nơi đây đã có người đến thăm vào thời gian nào.

Em đồng tình với quan điểm nào? Vì sao?

Gợi ý trả lời

Em đồng tình với ý kiến của bạn Dung vì: hằng ngày có biết bao khách du lịch đến tham quan, nếu người nào cũng khắc, cũng kí tên lên vách đá, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, thì việc khắc tên, kí tên lên vách đá không còn có ý nghĩa.

Việc kí tên, khắc tên lên trên vách đá gây nguy cơ huỷ hoại danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long.

Câu c. Hãy sưu tầm tranh ảnh, tư liệu có nội dung về di sản văn hoá của Việt Nam và thế giới để trưng bày tại lớp vào giờ học Giáo dục công dân tuần sau.

Gợi ý trả lời

Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới

Phong Nha - Kẻ Bàng - Di sản thiên nhiên thế giới

Công viên quốc gia Tongariro, New Zealand

Di tích lịch sử Mtskheta, Georgia

Câu d. Em hãy tìm hiểu và trình bày tóm tắt về một vài loại di sản văn hoá vật thể hoặc di sản văn hoá phi vật thể của địa phương, của đất nước mà em biết.

Gợi ý trả lời

Ví dụ 1: Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo vì nó chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng; nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí. Năm 1994, UNESCO đã chính thức công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị ngoại hạng về mặt cảnh quan. Năm 2000, vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ hai là Di sản địa chất thế giới vì những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo.

Ví dụ 2: Quần thể Tràng An

Tọa lạc tại phía Nam của Lưu vực sông Hồng, Quần thể danh thắng Tràng An là một quần thể thắng cảnh gồm các núi đá vôi địa hình cacxtơ xen kẽ các thung lũng và các vách đá dốc. Các cuộc khám phá đã chỉ ra rằng nơi đây xuất hiện chứng tích khảo cổ của loài người cách đây hơn 30.000 năm. Quần thể còn bao gồm chùa, đền thờ, ruộng lúa và các làng nhỏ.

Câu đ. Hãy tìm hiểu một vài việc làm của những người xung quanh mà em cho đó là những hành vi bảo vệ hoặc xâm hại đến di sản văn hoá.

Gợi ý trả lời

- Hành vi bảo vệ di sản văn hóa:

  • Không đập phá di sản văn hóa.
  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khu di sản văn hóa.
  • Có ý thức bảo vệ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

- Hành vi phá hoại di sản văn hóa:

  • Đập phá di sản văn hóa không có ý thức bảo vệ.
  • Vứt rác bữa bãi tại các khu di sản văn hóa lịch sử.

câu e. Hãy xây dựng kế hoạch một buổi tham gia dọn vệ sinh tại các di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh ở địa phương.

Gợi ý trả lời

Kế hoạch một buổi tham gia dọn vệ sinh tại một ngôi chùa cổ ở địa phương là:
I. Chuẩn bị:
- Mỗi tổ chuẩn bị 1 thùng rác.
- Mỗi thành viên trong lớp mang 1 cái chổi, 1 giẻ lau, 1 xô nước, 1 túi ni-lông sạch để đựng rác, 1 khẩu trang và 1 cái mũ đề phòng trời nắng. 
II. Kế hoạch: 
- Buổi sáng: Vệ sinh khu trong cùng của chùa, như:quét sân, lau tượng, chăm sóc cây,...
- Buổi trưa:
  • Ăn cơm trưa cùng nhà chùa.
  • Nghỉ ngơi.
- Buổi chiều:
  • Vệ sinh tất cả sân gạch trong chùa.
  • Vệ sinh các khu còn lại.
  • Tham quan chùa.
  • Trở về trường và kết thúc buổi tham gia dọn vệ sinh.

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần hiểu, phân biệt các khái niệm về di sản văn hoá, bao gồm: Di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể, sự giống nhau và khác nhau giữa chúng;

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM