Bài học Hóa 12

Với mong muốn giúp các em học sinh có thêm tài liệu học tập thật tốt môn Hóa học lớp 12 và chuẩn bị hành trang vững chãi cho kì thi THPT quan trọng, eLib xin giới thiệu đến thầy cô và các em học sinh bộ nội dung bài giảng chi tiết từ bài 1 đến bài 45. Ở mỗi bài giảng sẽ tóm tắt lý thuyết trọng tâm của nội dung bài học, bên cạnh đó là những bài tập minh họa được phân theo từng dạng có hướng dẫn giải cụ thể và một số bài luyện tập trắc nghiệm và tự luận để các em có thể tự ôn luyện kiến thức. Mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo!

1. Giới thiệu bài học Hóa học 12

Hóa học 12 tiếp nối chương trình hóa học 11, xây dựng hoàn thiện phần Hóa học hữu cơ nhóm chức. Trong chương trình, học sinh sẽ tìm hiểu thêm hai nhóm chức: este (−COO-) và amin (−NH2, -NH-…). Ngoài ra, học sinh còn được giới thiệu về các hợp chất khác, đó là sự kết hợp các nhóm chức đã học, tạo thành hợp chất tạp chức gồm các aminoaxit, cacbohiđrat. Nhiều phân tử hữu cơ có thể liên kết với nhau tạo thành các hợp chất cao phân tử (polime). Các polime này tồn tại rất nhiều trong cuộc sống con người.

Kết thúc hóa hữu cơ, học sinh sẽ được nghiên cứu về kim loại, các nguyên tố trong từng nhóm và hợp chất của chúng. Dãy điện hóa là phần quan trọng khi tìm hiểu về kim loại. Học tốt chương trình Hóa học 12, học sinh có thể vận dụng đượcnhững kiến thức cơ bản về các chất và hợp chất vô cơ; các định luật và thuyết cơ bản vào việc giải các bài tập liên quan.

Với mong muốn đem đến cho các em học sinh lớp 12 có thêm nhiều tài liệu học tập môn Hóa và ôn thi THPT Quốc gia, eLib xin giới thiệu đến các em hệ thống bài giảng chương trình SGK môn Hóa học 12 bao gồm 9 chương với 45 bài bên dưới. Nội dung của các bài học được biên tập đầy đủ, bám sát với nội dung SGK, bố cục rõ ràng, thuận tiện để các em có thể tham khảo từng bài giảng chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Hướng dẫn học hiệu quả môn Hóa học lớp 12

2.1. Cách học Hóa tốt nhất là xây dựng niềm say mê với nó

Trong bất kỳ môn học nào, nếu các em không có niềm say mê và yêu thích thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể vượt qua nó. Hóa học cũng vậy, khi mang một tâm lý chắn ghét, sợ hãi thì sẽ không thể nào học tốt được. Vì thế, xây dựng lòng say mê cũng là một bí quyết học môn hóa hiệu quả.

2.2. Nên đọc trước bài học và chuẩn bị bài thật kỹ trước khi đến lớp

Việc chuẩn bị bài vở trước khi đến lớp cũng hết sức quan trọng. Thay vì thụ động học theo sự dẫn dắt của giáo viên thì các em nên tìm hiểu qua một chút những bài học sẽ chuẩn bị học trên lớp. Đánh dấu lại những chỗ mà các em không hiểu để có thể trao đổi và thảo luận trực tiếp với thầy cô, bạn bè trong tiết học. Phương pháp học tập chủ động như vậy sẽ giúp các em ghi nhớ tốt hơn về lý thuyến và vận dụng dễ dàng vào các bài tập.

2.3. Tập trung lắng nghe giáo viên

Đừng bao giờ làm việc riêng trong giờ học, đó cũng là một kinh nghiệm học tập môn Hóa. “Giờ nào việc đó”, không chỉ riêng môn Hóa mà các em nên lưu ý vấn đề này khi học bất kỳ môn học nào. Phải tập trung lắng nghe sự giảng dạy của giáo viên, đồng thời cần phải đặt ra câu hỏi đối với những vấn đề mình chưa hiểu. Các em nên rèn luyện thái độ học tập tích cực bằng cách thường xuyên trao đổi, thảo luận để cho tiết học thêm sinh động, bớt nhàm chán. Nhờ đó, tinh thần của các em cũng thấy thoải mái, bớt cẳng thảng hơn và học tập hiệu quả hơn.

2.4. Tự học ở nhà

Tự học vẫn là cách học tập hiệu quả nhất. Giáo viên chỉ là người truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời giải quyết giúp các em những vướng mắc khi cảm thấy khó khăn. Bản thân các em chính là sự quyết định. Vì vậy, ngoài việc xem bài kỹ trước khi đến lớp thì sau những tiết học các em cũng phải học và áp dụng vào làm bài tập ngay sau khi về nhà.

Trước hết, phải ghi nhớ kỹ lý thuyết sau đó vận dụng vào bài tập. Chăm chỉ làm đi làm lại những dạng bài tập trong sách giáo khoa cũng như nghiên cứu thêm những sách tham khảo các em sẽ rút ra được cách làm cũng như các bước giải bài tập hóa. Từ đó, việc giải một bài tập sẽ trở nên đơn giản hơn. Vì kiến thức về môn hóa rất nhiều và khó nhớ, nên các em phải làm sao để hệ thống lại một cách gọn gàng, biến những kiến thức của thầy cô và sách vở thành kiến thức của chính mình.

2.5. Thành lập các nhóm học tập

Việc học theo nhóm có thể tạo ra một môi trường học tập hiệu quả. Nếu như một mình, các em phải rất đau đầu khi phải làm những dạng bài tập khó thì khi có nhiều người, mỗi người đều có sự nhạy bén riêng sẽ gợi ý cho nhau được nhiều cách làm bài và nhiều hướng giải bài tập.

Tuy nhiên, mặt trái của phương pháp học này là nếu một trong những thành viên trong nhóm không có sự quyết tâm, không có tính tự giác thì việc học tập sẽ đi theo chiều hướng ngược lại.

Có rất nhiều phương pháp học tập môn Hóa để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng và quyết tâm của mỗi cá nhân học sinh. Nếu các em đã xác định hướng đi cho mình trong tương lai thì hãy ra sức học tập ngay từ hôm nay. Đừng bỏ qua bất kỳ một bài học nào, dù khó hay dễ.  Siêng năng học và làm bài tập mỗi ngày. Bên cạnh đó, các em nên trang bị cho mình những phương tiện học tập hữu ích như sách tham khảo, máy tính có mạng internet,… để có thể mở rộng hơn tầm nhìn và tham khảo những lời khuyên và kinh nghiệm hữu ích từ những người đi trước.

Để học giỏi môn Hóa học trong nhà trường, các em cần có phương pháp học tập sao cho khoa học, hợp lý. Kiến thức bộ môn Hóa học rất rộng và sâu, nên ngoài việc làm tất cả các bài tập trong Sách giáo khoa và Sách bài tập, bài viết dưới đây sẽ giúp các em hình dung và dễ dàng tóm tắt những ý chính, nội dung cũng như chủ để để ôn tập và luyện thi đại học trong thời gian sắp tới.

3. Tổng quan về cấu trúc đề thi môn Hóa học

Theo đề thi tham khảo môn Hóa học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta thấy rằng cấu trúc đề thi môn Hóa học gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút với bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, nội dung phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (80%-90%), đề tham khảo thi THPT quốc gia môn Hoá học đã được xây dựng hợp lý phù hợp nội dung chương trình mới được Bộ GDĐT tinh giản. Theo đó, những kiến thức đã được tinh giản hoàn toàn không xuất hiện trong đề tham khảo này. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình dạy, học bị gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, giúp giáo viên, học sinh yên tâm học tập, ôn luyện. Những kiến thức các em cần tập trung ôn luyện bao gồm:

+ 90% nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 12, đã tinh giản, còn lại khoảng 10% tập trung vào phần kiến thức lớp 11, câu hỏi vận dụng và vận dụng cao được ra trong đề phần lớn thuộc phạm vi kiến thức học kỳ 1 lớp 12. 

+ 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết - thông hiểu phục vụ mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm đặc biệt ở phần kiến thức này có chứa câu hỏi có nội dung liên quan giữa lớp 11 với lớp 12. Phần kiến thức này khá đơn giản.

+ 15% câu trong đề thuộc mức độ vận dụng thuộc các chuyên đề este-lipit, tổng hợp kiến thức hóa học vô cơ, tổng hợp kiến thức hóa học hữu cơ, 1 câu liên quan đến kiến thức hóa học 11 với hóa học 12.

+ 10% câu hỏi (chiếm 4/40 câu) thuộc mức độ vận dụng cao thuộc các chuyên đề este-lipit, amin-amino axit-peptit.

+ Trong đề có 4 câu hỏi cực khó, các câu hỏi này không có điểm khác biệt đặc biệt so với đề tham khảo lần 1 đều thuộc kiến thức học kì I của lớp 12 (đặc biệt là phần este-lipit, amin-amino axit-peptit) và chứa câu hỏi thuộc phần thực hành thí nghiệm.

Điểm “sáng” của đề tham khảo môn Hoá học năm nay, cũng như đề thi chính thức thi THPT quốc gia một vài năm gần đây, là đã chú trọng nhiều hơn việc kiểm tra về bản chất hóa học.

Ngoài ra, đề thi có nhiều câu hỏi gắn liền lý thuyết với thực tế (ví dụ câu số 43, 50, 53, 62, 63); có các câu hỏi gắn với thí nghiệm thực hành để đánh giá được năng lực thực hành thí nghiệm của học sinh trong quá trình học tập (ví dụ câu số 57, 77).

Phần còn lại của đề thi cũng phân loại rất tốt, giúp đánh giá được học sinh khá- giỏi vào các trường đại học, cao đẳng. Với đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020, học sinh trung bình có thể đạt được 5-6 điểm; học sinh xuất sắc mới đạt mức 9-9.5 điểm.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, kiến thức đề thi môn Hóa năm 2020 vẫn nằm chủ yếu ở các chuyên đề lớp 12. Tuy nhiên, các câu hỏi có sự móc nối và liên quan đến nhau. Các thí sinh cần nắm chắc nền tảng lý thuyết từ các lớp dưới để có thể vận dụng và làm bài tập nhanh chóng hiệu quả hơn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM