Hóa học 12 Bài 8: Thực hành điều chế, tính chất hóa học của Este và Cacbohiđrat

Bài học tổng kết lại kiến thức trọng tâm của Este và Cacbohidrat cũng như một số kĩ năng tiến hành thí nghiệm. Nội dung minh họa trình bày các trình tự, kinh nghiệm tiến hành thí nghiệm, cách sử dụng các dụng cụ phòng thí nghiệm như đun ống nghiệm, gạn, lọc,...và giải thích hiện tượng hóa học xảy ra dựa vào tính chất hóa học của Este và Cacbohidrat.

Hóa học 12 Bài 8: Thực hành điều chế, tính chất hóa học của Este và Cacbohiđrat

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Mục đích thí nghiệm

-  Điều chế được etyl axetat

- Tìm hiểu về các phản ứng xảy ra với Glucozo, saccarozo và phản ứng xà phòng hóa

1.2. Kỹ năng thí nghiệm

- Chú ý khi đun ống nghiệm trên ngọn lửa đèn cồn cần đun nóng toàn bộ ống nghiệm sơ qua trước sau đó mới tập trung đun ở phần dung dịch chứa trong ống nghiệm. Bởi vì ống nghiệm được làm bằng thủy tinh, sự chênh lệch nhiệt độ sẽ làm cho ống nghiệm bị vỡ.

- Khi sử dụng axit đặc, cần đeo bao tay, cẩn thận vì axit đặc rơi vào da gây bỏng nặng.

- Khi đun ống nghiệm có sử dụng kẹp thì nên kẹp ở 2/3 thân ống nghiệm tính từ đáy. Bởi vì trong phòng thí nghiệm thường sử dụng kẹp gỗ (dễ cháy), kẹp kim loại (truyền nhiệt làm bỏng tay)

1.3. Cơ sở lý thuyết

a. Phản ứng điều chế etyl axetat từ ancol etylic và axit axetic

CH3COOH + C2H5OH ⇔ CH3COOC2H5 + H2O  (đk: H2SO4, 140oC)

- Điều kiện: Nhiệt độ: 1400C ; Xúc tác: H2SOđặc

b. Phản ứng xà phòng hóa

(R-COO)3C3H5 + 3NaOH → 3R-COONa + C3H5(OH)3

- Điều kiện: Nhiệt độ thích hợp

c. Phản ứng của Glucozơ với Cu(OH)2

CuSO+ 2NaOH → Cu(OH)2 + Na2SO(1)

C6H12O+ Cu(OH)2 → (C6H11O6)2Cu + 2H2O  (2)

C5H11O5CHO + 2Cu(OH)2 + NaOH → C5H11O5COONa + Cu2O + 3H2O  (3)

- Điều kiện: Nhiệt độ thích hợp

d. Phản ứng của hồ tinh bột với Iot

Hồ tinh bột hấp phụ Iot tạo màu xanh tím ở nhiệt độ thường. Khi đun nóng mất màu xanh tím.

1.4. Dụng cụ thí nghiệm, Hóa chất

a. Dụng cụ thí nghiệm

- Ống nghiệm, pipet

- Kẹp gỗ, bát sứ

- Đèn cồn

b. Hóa chất

- Dung dịch C2H5OH, CH3COOH, H2SO4 đặc, H2SO4 loãng

- Dung dịch NaCl bão hòa, CuSO4 5%

- Dung dịch Glucozo, mỡ động vật, hồ tinh bột, iot

- Tinh thể NaHCO3

1.5. Các bước tiến hành thí nghiệm

a. Thí nghiệm 1: Điều chế etyl axetat

- Bước 1: Cho lần lượt vào ống nghiệm:

1. 1ml C2H5OH

2. 1ml CH3COOH

3. 1 giọt H2SO4 đặc. Sau đó, lắc đều…

- Bước 2: Đun nhẹ trên ngọn lửa đèn cồn (không đun sôi).

- Bước 3: Làm lạnh rồi rót thêm vào ống nghiệm 2ml dung dịch NaCl bão hòa. Quan sát hiện tượng, giải thích và viết phương trình.

b. Thí nghiệm 2: Phản ứng xà phòng hóa

- Bước 1: Cho vào bát sứ 1g mỡ (hoặc dầu thực vật) và 2-2,5ml dd NaOH 40%.

- Bước 2: Đun sôi nhẹ và khuấy đều, thêm vài giọt nước cất

- Bước 3: Sau 8 phút, rót thêm vào hỗn hợp 4-5ml dd NaCl bão hòa nóng, khuấy nhẹ.

- Bước 4: Để nguội, quan sát hiện tượng.

c. Thí nghiệm 3: Phản ứng của glucozơ với Cu(OH)2

Điều chế Cu(OH)2:

- Bước 1: Cho lần lượt

1. 2–3 giọt CuSO4 5%

2. 1ml NaOH 10%

Lắc nhẹ, giữ lại kết tủa.

- Bước 2: Cho vào ống nghiệm trên 2ml dung dịch glucozơ 1%. Lắc nhe, quan sát, nhận xét hiện tượng.

- Bước 3: Đun nóng hỗn hợp, để nguội. Nhận xét hiện tượng và giải thích.

d. Thí nghiệm 4: Phản ứng của hồ tinh bột với iot

Cho vào lần lượt:

1. 2ml dd hồ tinh bột 2%;

2. Vài giọt dd iot 0,05% lắc nhẹ.

Quan sát hiện tượng, rồi đun nóng dung dịch có màu trên rồi để nguội. Quan sát hiện tượng.

2. Báo cáo thực hành

2.1. Thí nghiệm 1: Phản ứng điều chế etyl axetat từ ancol etilic và axit axetic

a. Hiện tượng

- Khí có mùi thơm thoát ra.

- Sau khi làm lạnh và rót NaCl bão hòa vào thì xuất hiện sự phân lớp.

b. Giải thích hiện tượng

- Đun có khí mùi thơm (etyl axetat) bay lên (phản ứng este hóa).

- Làm lạnh rót NaCl vào do este ít tan trong nước, nhẹ hơn nước nên dung dịch phân thành 2 lớp.

- Phương trình phản ứng: 

CH3COOH + C2H5OH ⇔ CH3COOC2H5 + H2O  (đk: H2SO4, 140oC)

2.2. Thí nghiệm 2: Phản ứng xà phòng hóa

a. Hiện tượng

Dung dịch ở dạng keo

b. Giải thích hiện tượng

- Phản ứng tạo hỗn hợp các muối Natri của các axit béo ở trạng thái keo.

- Phương trình tổng quát:

(R-COO)3C3H5 + 3NaOH → 3R-COONa + C3H5(OH)3

2.3. Thí nghiệm 3: Phản ứng của Glucozơ với Cu(OH)2

a. Hiện tượng

Khi cho glucozơ vào tác dụng với Cu(OH)2 thấy dung dịch có màu xanh lam đặc trưng, đun nóng tạo kết tủa màu đỏ gạch.

b. Giải thích hiện tượng

- Khi cho glucozơ vào tác dụng với Cu(OH)2 tạo phức đồng-glucozơ màu xanh lam, đun nóng tạo kết tủa màu đỏ gạch Cu2O.

- Phương trình phản ứng:

CuSO+ 2NaOH → Cu(OH)+ Na2SO4 (1)

C6H12O6 + Cu(OH)2 → (C6H11O6)2Cu + 2H2O  (2)

C5H11O5CHO + 2Cu(OH)2 + NaOH → C5H11O5COONa + Cu2O + 3H2O  (3)

2.4. Thí nghiệm 4: Phản ứng của hồ tinh bột với iot

a. Hiện tượng

Khi nhỏ một ít dung dịch Iot vào hồ tinh bột thấy dung dịch có màu xanh tím. Khi đun nóng dung dịch mất màu xanh tím. Để nguội, màu xanh tím lại xuất hiện.

b. Giải thích hiện tượng

Phân tử tinh bột hấp phụ iot tạo màu xanh tím ở nhiệt độ thường. Khi đun nóng, iot bị giải phóng ra khỏi phân tử tinh bột làm mất màu xanh tím đó. Khi để nguội, iot bị hấp phụ trở lại làm dung dịch có màu xanh tím. Phản ứng này được dùng để nhật ra tinh bột bằng iot và ngược lại.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Cho 1 ml ancol etylic, 1 ml axit axetic và 1 giọt axit sunfuric đặc vào ống nghiệm. Lắc đều và đun nhẹ trên ngọn lửa đèn cồn, sau đó làm lạnh rồi thêm vào ống nghiệm 2 ml dung dịch NaCl bão hoà. Hiện tượng quan sát được là?

Câu 2: Cho vào bát sứ 1 ml dầu ăn và 2 ml dung dịch NaOH 40%, đun hỗn họp sôi nhẹ và khuấy đều, thỉnh thoảng thêm vài giọt nước để thể tích dung dịch không đổi. Sau 10 phút, rót thêm 5 ml dung dịch NaCl bão hoà nóng, khuấy nhẹ. Hiện tượng quan sát được là?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Cho 5 giọt CuSO4 5% và 1 ml dung dịch NaOH 10% vào ống nghiệm, lắc nhẹ. Gạn bỏ lóp dung dịch, sau đó thêm vào 2 ml glucozơ 1% lắc nhẹ. Hiện tượng quan sát được là

A. có kết tủa đỏ gạch.

B. Cu(OH)2 tan tạo dung dịch, màu xanh,

C Cu(OH)2 bị khử tạo Cu màu đỏ.

D. Cu(OH)2 tan tạo dung dịch trong suốt.

Câu 2: Cho vài giọt iot vào ống nghiệm đựng sẵn 1 - 2 ml hồ tinh bột, đun nóng một lát, sau để nguội. Hiện tượng quan sát được là

A. xuất hiện màu tím xanh, sau đó mất màu, để nguội màu xanh lại xuất hiện.

B. xuất hiện màu tím xanh, khi đun nóng chuyển sang màu đỏ gạch. 

C. xuất hiện màu tím xanh, đun nóng thấy màu xanh đậm dần.

D. xuất hiện màu đen, sau đó chuyển màu tím, để nguội màu xanh lại xuất hiện.

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm:

  • Một số kĩ năng tiến hành thí nghiệm
  • Nội dung minh họa trình bày các trình tự, kinh nghiệm tiến hành thí nghiệm
  • Cách sử dụng các dụng cụ phòng thí nghiệm như đun ống nghiệm, gạn, lọc…
  • Giải thích hiện tượng hóa học xảy ra dựa vào tính chất hóa học của Este và Cacbohidrat.

 

Ngày:08/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM