Giải bài tập SBT Vật lý 8 Bài 12: Sự nổi

Để giúp các em có thể củng cố các kiến thức về Sự nổi eLib xin giới thiệu tài liệu Giải bài tập SBT Vật lý 8 Bài 12. Mời các em cùng tham khảo!

Giải bài tập SBT Vật lý 8 Bài 12: Sự nổi

1. Giải bài 12.1 trang 34 SBT Vật lý 8

Khi vật nổi trên chất lỏng thì lực đẩy Ác – si – mét có cường độ

A. Bằng trọng lượng của phần vật chìm trong nước.

B. Bằng trọng lượng của phần nước bị vật chiếm chỗ.

C. Bằng trọng lượng vật.

D. Bằng trọng lượng riêng của nước nhân với thể tích của vật.

Phương pháp giải

Để chọn đáp án đúng cần ghi nhớ: Khi vật nổi trên chất lỏng thì lực đẩy Ác – si – mét có cường độ bằng trọng lượng của phần nước bị vật chiếm chỗ.

Hướng dẫn giải

Chọn B

Khi vật nổi trên chất lỏng thì lực đẩy Ác – si – mét có cường độ bằng trọng lượng của phần nước bị vật chiếm chỗ.

2. Giải bài 12.2 trang 34 SBT Vật lý 8

Cùng một vật, nổi trong hai chất lỏng khác nhau (H.12.1). Hãy so sánh lực đẩy Ác – si – mét trong hai trường hợp đó. Trọng lượng riêng của chất lỏng nào lớn hơn? Tại sao?

Phương pháp giải

Từ công thức tính lực đẩy Ác-si-mét:  \({F_A} = d.V\) để giải thích:

- Khi vật nổi thì lực đẩy Ác – si – mét cân bằng với trọng lượng của vật nên FA1 = FA2

- V1 > V2 suy ra d1 < d2

Hướng dẫn giải

Khi vật nổi trên chất lỏng thì lực đẩy Ác – si – mét cân bằng với trọng lượng của vật nên lực đẩy Ác – si –mét trong hai trường hợp đó bằng nhau (bằng trọng lượng của vật).

+ Trường hợp thứ nhất: FA1 = d1.V1 (V1 là phần ngập trong chất lỏng d1 của vật)

+ Trường hợp thứ hai: FA2 = d2.V2 (V2 là phần ngập trong chất lỏng d2 của vật)

Mà FA1 = FA2 và V1 > V2 (theo hình vẽ ta nhận thấy V1 > V2)

Do đó, d1 < d2. Vậy trọng lượng riêng của chất lỏng thứ hai lớn hơn trọng lượng riêng của chất lỏng thứ nhất.

3. Giải bài 12.3 trang 34 SBT Vật lý 8

Tại sao một lá thiếc mỏng, vo tròn lại rồi thả xuống nước thì chìm, còn gấp thành thuyền thả xuống nước lại nổi?

Phương pháp giải

Vận dụng công thức tính lực đẩy Ác-si-mét:  \({F_A} = d.V\) để giải thích:

- Lá thiếc mỏng được vo tròn nên có V giảm, do đó d tăng, d > dnước

- Lá thiếc mỏng đó được gấp thành thuyền: dthuyền < dnước

Hướng dẫn giải

Lá thiếc mỏng và thuyền gấp bằng lá thiếc có cùng trọng lượng P.

- Lá thiếc mỏng được vo tròn nên có thể tích giảm, do đó trọng lượng riêng tăng. Khi thả xuống nước thì chìm vì trọng lượng riêng của chiếc lá thiếc lớn hơn trọng lượng riêng của nước.

- Lá thiếc mỏng đó được gấp thành thuyền thả xuống nước lại nổi vì trọng lượng riêng của thuyền nhỏ hơn trọng lượng riêng của nước (thể tích của thuyền lớn hơn rất nhiều thể tích của lá thiếc vo tròn nên dthuyền < dnước)

4. Giải bài 12.4 trang 34 SBT Vật lý 8

Hình 12.2 vẽ hai vật giống nhau về hình dạng và kích thước nổi trên nước. Một làm bằng li-e (khối lượng riêng 200 kg/m3) và một làm bằng gỗ khô (khối lượng riêng 600 kg/m3). Vật nào là li-e? Vật nào là gỗ khô? Giải thích.

Phương pháp giải

Để xác định vật nào là li-e, vật nào là gỗ khô ta cần ghi nhớ: Khối lượng riêng của vật càng nhỏ hơn so với khối lượng riêng của chất lỏng thì phần vật chìm trong chất lỏng sẽ càng nhỏ

Hướng dẫn giải

Khi vật nổi trên chất lỏng nghĩa là trọng lượng của vật cân bằng với lực đẩy Ác – si – mét. Nhưng lực Ác – si – mét bằng trọng lượng của phần thể tích chất lỏng bị vật chiếm chỗ. Khối lượng riêng của vật càng nhỏ hơn so với khối lượng riêng của chất lỏng thì phần vật chìm trong chất lỏng sẽ càng nhỏ. Như vậy mẫu thứ nhất là li–e, mẫu thứ hai là gỗ.

5. Giải bài 12.5 trang 34 SBT Vật lý 8

Gắn một quả cầu bằng chì vào giữa mặt đang nổi trên nước của một miếng gỗ (H.12.3). Nếu quay ngược lại miếng gỗ cho quả cầu nằm trong nước thì mực nước có thay đổi không? Tại sao?

Phương pháp giải

Để giải thích ta vận dụng lí thuyết: Khi vật nổi trên mặt thoáng của chất lỏng thì lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên vật có độ lớn bằng trọng lượng của vật 

Hướng dẫn giải

Mực nước trong bình không thay đổi do lực đẩy Ác – si –mét trong cả hai trường hợp có độ lớn bằng trọng lượng của miếng gỗ và quả cầu (thể tích nước bị chiếm chỗ trong cả hai trường hợp đó cũng bằng nhau).

6. Giải bài 12.6 trang 34 SBT Vật lý 8

Một chiếc sà lan có dạng hình hộp dài 4m, rộng 2m. Xác định trọng lượng của sà lan biết sà lan ngập sâu trong nước 0,5m. Trọng lượng riêng của nước là 10000N/m3

Phương pháp giải

- Tính thể tích sà lan ngập trong nước

- Trọng lượng của sà lan bằng độ lớn của lực đẩy Ác – si –mét tác dụng lên sà lan: P = FA = d.V 

Hướng dẫn giải

Phần thể tích sà lan ngập trong nước là:

V = 4.2.0,5 = 4 m3

Trọng lượng của sà lan có độ lớn bằng độ lớn của lực đẩy Ác – si –mét tác dụng lên sà lan.

Khi đó: P = FA = d.V = 10000.4 = 40000N

7. Giải bài 12.7 trang 34 SBT Vật lý 8

Một vật có trọng lượng riêng là 26000 N/m3. Treo vật vào một lực kế rồi nhúng vật ngập trong nước thì lực kế chỉ 150N. Hỏi nếu treo vật ở ngoài không khí thì lực kế chỉ bao nhiêu? Cho biết trọng lượng riêng của nước là 10000 N/m3.

Phương pháp giải

- Lực đẩy Ác-si-mét: FA = P – Pn hay dn.V = d.V – Pn

- Suy ra \(\Rightarrow V=\dfrac{P_n}{d – d_n}\)

- Trọng lượng của vật ở ngoài không khí: 

\(P=Vd={\dfrac{P_n}{d – d_n}}d\\\)

Hướng dẫn giải

Nhúng chìm vật trong nước, vật chịu tác dụng của lực đẩy Ác-si-mét nên vật nhẹ hơn ngoài không khí.

Do lực đẩy Ác-si-mét chính là hiệu số giữa trọng lượng của vật ở ngoài không khí với trọng lượng của vật ở trong nước nên:

FA = P – Pn

Trong đó: P là trọng lượng của vật ở ngoài không khí

Pn là trọng lượng của vật ở trong nước

Hay dn.V = d.V – Pn

Trong đó: V là thể tích của vật; dn là trọng lượng riêng của nước

d là trọng lượng riêng của vật

Suy ra: d.V – dn.V = Pn ⇔ V.(d – dn) = Pn

\(\Rightarrow V=\dfrac{P_n}{d – d_n}\)

Trọng lượng của vật ở ngoài không khí là:

\(P=Vd={\dfrac{P_n}{d – d_n}}d\\={\dfrac{150}{26000 – 10000}}26000=243,75N\)

8. Giải bài 12.8 trang 34 SBT Vật lý 8

Nếu thả một chiếc nhẫn đặc bằng bạc (Ag) vào thủy ngân (Hg) thì:

A. nhẫn chìm vì dAg > dHg

B. nhẫn nổi vì dAg < dHg

C. nhẫn chìm vì dAg < dHg

D. nhẫn nổi vì dAg > dHg.

Phương pháp giải

Dựa vào so sánh trọng lượng riêng của bạc và thủy ngân để xác định nhãn chìm hay nổi:

- Nhẫn nổi khi dAg < dHg

- Nhẫn chìm khi dAg > dHg

Hướng dẫn giải

Chọn B

Ta có trọng lượng riêng dAg = 105000 N/m3 còn trọng lượng riêng của thủy ngân dHg = 136000 N/m3 nên nhẫn nổi vì dAg < dHg.

9. Giải bài 12.9 trang 35 SBT Vật lý 8

 Thả một vật đặc có trọng lượng riêng dv vào một bình đựng chất lỏng có trọng lượng riêng d1 thì

A. vật sẽ chìm xuống đáy rồi lại nổi lên lơ lửng trong chất lỏng khi dv > d1.

B. vật sẽ chìm xuống đáy rồi lại nổi lên một phần trên mặt chất lòng khi dv = d1.

C. vật sẽ chìm xuống đáy rồi nằm im tại đáy khi dv > d1.

D. vật sẽ chìm xuống đáy rồi lại nổi một nửa trên mặt chất lỏng khi dv = 2.d1.

Phương pháp giải

Để chọn đáp án đúng ta cần ghi nhớ: vật sẽ chìm xuống đáy rồi nằm im tại đáy khi dv > d1

Hướng dẫn giải

Chọn C.

Thả một vật đặc có trọng lượng riêng dv vào một bình đựng chất lỏng có trọng lượng riêng d1 thì vật sẽ chìm xuống đáy rồi nằm im tại đáy khi dv > d1.

10. Giải bài 12.10 trang 35 SBT Vật lý 8

Cùng một vật được thả vào bốn bình đựng bốn chất lỏng khác nhau (H.12.4). Hãy dựa vào hình vẽ để so sánh trọng lượng riêng của các chất lỏng.

A. d1 > d2 > d3 > d4

B. d4 > d1 > d2 > d3

C. d3 > d2 > d1 > d4

D. d4 > d1 > d3 > d2

Phương pháp giải

Vận dụng lí thuyết khi nào vật chìm, khi nào vật nổi và công thức F = d.V để so sánh trọng lượng riêng của các chất lỏng:

- Vật 1 chìm ở trong nước: F1 < P1

- Vật 2 lơ lửng ở trong nước: F2 = P2

Hướng dẫn giải

Chọn C

Khi vật chìm thì lực đẩy Ác - si – mét FA < P nên d4 < dv. Do đó trọng lượng riêng của chất lỏng d4 là nhỏ nhất. Khi vật lơ lửng trong chất lỏng thì lực đẩy Ác – si – mét FA = P nên dl = dv mà các vật đều giống nhau nên dv là như nhau nên d1 > d4.

Khi vật nổi trên chất lỏng thì lực đẩy Ác – si – mét cân bằng với trọng lượng của vật nên lực đẩy Ác – si – mét trong hai trường hợp đó bằng nhau (bằng trọng lượng của vật).

+ Trường hợp thứ hai: F2 = d2.V2

+ Trường hợp thứ ba: F3 = d3.V3

Mà F2 = F3 và V2 > V3 (V2, V3 là thể tích của phần chất lỏng bị vật chiếm chỗ). Do đó, trọng lượng riêng của chất lỏng thứ hai lớn hơn trọng lượng riêng của chất lỏng thứ nhất hay d2 < d3.

Từ trên ta có: d3 > d2 > d1 > d4

11. Giải bài 12.11 trang 35 SBT Vật lý 8

Hai vật 1 và 2 có cùng thể tích được thả vào một bình đựng nước. Vật 1 chìm xuống đáy bình, vật 2 lơ lửng trong nước. Nếu gọi P1 là trọng lượng của vật 1, F1 là lực đẩy Ác – si –mét tác dụng lên vật 1; P2 là trọng lượng của vật 2, F2 là lực đẩy Ác – si –mét tác dụng lên vật 2 thì

A. F1 = F2 và P1 > P2

B. F1 > F2 và P1 > P2

C. F1 = F2 và P1 = P2

D. F1 < F2 và P1 > P2

Phương pháp giải

- Khi vật cùng thể tích và được thả ngập vào cùng một bình nước thì: F1 = F2

- Sử dụng lí thuyết khi nào vật chìm, khi nào vật nổi: 

+ Vật 1 chìm ở trong nước: F1 < P1

+ Vật 2 lơ lửng ở trong nước: F2 = P2

Hướng dẫn giải

Chọn A

Khi vật cùng thể tích và được thả ngập vào cùng một bình nước thì lực đẩy Ác – si – mét tác dụng lên cả 2 vật là như nhau nên F1 = F2

Khi vật 1 chìm ở trong nước thì lực đẩy Ác – si – mét nhỏ hơn trọng lượng: F1 < P1

Khi vật 2 lơ lửng ở trong nước thì lực đẩy Ác – si – mét bằng với trọng lượng: F2 = P2

Do F1 = F2 nên P1 > P2.

12. Giải bài 12.12 trang 35 SBT Vật lý 8

Dùng tay ấn một quả cầu rỗng bằng kim loại xuống đáy một bình đựng nước. Khi bỏ tay ra, quả cầu từ từ nổi lên và nổi một phần trên mặt nước. Hiện tượng trên xảy ra vì

A. trọng lượng riêng của chất làm quả cầu nhỏ hơn trọng lượng riêng của nước

B. lực đẩy Ác-si-mét luôn bằng trọng lượng của quả cầu

C. lực đẩy Ác-si-mét mới đầu lớn hơn trọng lượng quả cầu, sau đó giảm dần tới bằng trọng lượng của quả cầu

D. lực đẩy Ác-si-mét mới đầu lớn hơn trọng lượng quả cầu, sau đi giảm dần tới nhỏ hơn trọng lượng của quả cầu

Phương pháp giải

Để giải thích vì sao hiện tượng trên xảy ra ta dựa vào yếu tố: lúc đầu lực đẩy Ác – si – mét mới đầu lớn hơn trọng lượng quả cầu, sau đó giảm dần tới bằng trọng lượng của quả cầu.

Hướng dẫn giải

Dùng tay ấn một quả cầu rỗng bằng kim loại xuống đáy một bình đựng nước. Khi bỏ tay ra, quả cầu từ từ nổi lên và nổi một phần trên mặt nước. Hiện tượng trên xảy ra vì lúc đầu lực đẩy Ác – si – mét mới đầu lớn hơn trọng lượng quả cầu, sau đó giảm dần tới bằng trọng lượng của quả cầu.

Chọn C

13. Giải bài 12.13 trang 35 SBT Vật lý 8

Một phao bơi có thể tích 25 dm3 và khối lượng 5kg. Hỏi lực nâng tác dụng vào phao khi dìm phao trong nước? Trọng lượng riêng của nước là 10000 N/m3.

Phương pháp giải

- Lực đẩy Ác – si – mét tác dụng lên phao: FA = d.V 

- Trọng lượng của phao là: P = 10.m 

- Lực nâng phao là: F = FA – P 

Hướng dẫn giải

Lực đẩy Ác – si – mét tác dụng lên phao là:

FA = d.V = 10000. 0,025 = 250N

Trọng lượng của phao là: P = 10.m = 10.5 = 50N

Vì lực đẩy FA và trọng lực P của phao cùng phương nhưng ngược chiều nhau nên lực nâng phao là: F = FA – P = 200N.

14. Giải bài 12.14 trang 36 SBT Vật lý 8

Một chai thủy tinh có thể tích 1,5 lít và khối lượng 250 g. Phải đổ vào chai ít nhất bao nhiêu nước để nó chìm trong nước? Trọng lượng riêng của nước là 10 000 N/m3.

Phương pháp giải

- Lực đẩy Ác – si – mét tác dụng lên chai: FA = V.dn 

- Trọng lượng của chai: P = 10.m 

- Tính trọng lượng tối thiểu: P’ = FA – P

- Thể tích nước cần đổ vào: \(V' = \dfrac{P'}{d_n} \)

Hướng dẫn giải

Lực đẩy Ác – si – mét tác dụng lên chai khi chai ngập trong nước là:

FA = V.dn = 0,0015.10000 = 15N.

Trọng lượng của chai: P = 10.m = 10.0,25 = 2,5N

Để chai chìm trong nước cần đổ vào chai một lượng nước có trọng lượng tối thiểu là:

P’ = FA – P = 12,5N.

Thể tích nước cần đổ vào chai là:

\(V' = \dfrac{P'}{d_n} =\dfrac{12,5}{10000}\\= 0,00125{m^3}= 1,25lit\)

15. Giải bài 12.15 trang 36 SBT Vật lý 8

Một sà lan có dạng hình hộp chữ nhật có kích thước là 10m × 4m × 2m. Khối lượng của sà lan và các thiết bị đặt trên xà lan bằng 50 tấn. Hỏi có thể đặt vào sà lan 2 kiện hàng, mỗi kiện hàng nặng 20 tấn không? Trọng lượng riêng của nước là 10 000 N/m3.

Phương pháp giải

- Lực đẩy Ác – si – mét lớn nhất tác dụng lên sà lan: FA = V.dn 

- Trọng lượng tổng cộng của sà lan và kiện hàng: P = 10.(m0 + 2.mh

- So sánh FA và P để trả lời

Hướng dẫn giải

Lực đẩy Ác – si – mét lớn nhất tác dụng lên sà lan là:

FA = V.dn = 10.4.2.10000 = 800000 N

Trọng lượng tổng cộng của sà lan và kiện hàng là:

P = 10.(m0 + 2.mh) = 10.(50000 + 2.20000) = 900000 N

Vì P > FA nên không thể đặt hai kiện hàng lên xà lan được.

16. Giải bài 12.16 trang 36 SBT Vật lý 8

Đố vui. Hàng năm có rất nhiều du khách đến thăm Biển Chết (nằm giữa I-xra-ren và Gioóc-đa-ni). Biển mang tên này, vì nước ở đây rất mặn, khiến các sinh vật biển không thế sinh sống được. 

Người ta đến thăm Biển Chết không phải chỉ vì phong cảnh mà còn vì một điều kì lạ là mọi người đều có thể nổi trên mặt biển dù không biết bơi. Em hãy giải thích tại sao?

Phương pháp giải

Để giải thích người có thể nổi trên mặt nước ở Biển Chết, ta dựa vào yếu tố: nước ở Biển Chết chứa nhiều muối nên trọng lượng riêng của nó lớn hơn trọng lượng riêng của cơ thể người

Hướng dẫn giải

Vì nước ở Biển Chết chứa nhiều muối nên trọng lượng riêng của nó lớn hơn trọng lượng riêng của cơ thể người, nhờ đó người có thể nổi trên mặt nước.

Ngày:03/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM