Giải bài tập SGK Lịch Sử 11 Bài 19: Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp
Giải bài tập SGK Lịch sử 11 bài 19: Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp xâm lược (Từ năm 1858 đến trước năm 1873) được eLib sưu tầm và đăng tải, tổng hợp lý thuyết. Đây là lời giải hay cho các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn Sử lớp 11. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các em học sinh.
1. Giải bài 1 trang 115 SGK Lịch sử 11
Quan sát lược đồ (hình 52), xác định địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Định và tường thuật ngắn gọn diễn biến của cuộc khởi nghĩa này.
Phương pháp giải
Dựa vào nội dung chính về cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Kì sau hiệp ước 1862 được trình bày chi tiết ở SGK Lịch sử 11 trang 112, 113 và lược đồ (hình 52) để xác định địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trương Định và tóm tắt diễn biến của cuộc khởi nghĩa
Gợi ý trả lời
* Địa bàn hoạt động:
- Nghĩa quân Trương Định hoạt động ở Gò Công (huyện Tân Hoà, Gia Định). Sau đó, mở rộng địa bàn hoạt động ra vùng Gia Định, lan rộng ra cả hai bên nhánh sông Vàm cỏ, từ Biển Đông lên tới vùng biên giới Cam-pu-chia.
* Diễn biến:
- Sau Hiệp ước 1862, triều đình yêu cầu bãi binh nhưng ông đã chống lệnh triều đình, quyết tâm ở lại cùng nhân dân kháng chiến chống Pháp.
- Ngày 16-12-1862, Trương Định ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động.
- Ngày 28-3-1863, Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ trung tâm ở Tân Hoà. Nghĩa quân chiến đấu anh dũng, sau đó rút lui để bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ mới ở Tân Phước.
- Ngày 20-8-1864, thực dân Pháp lại mở cuộc tập kích bất ngờ vào căn cứ Tân Phước. Nghĩa quân chống trả quyết liệt. Trương Định hi sinh.
→ Khởi nghĩa kết thúc. Nghĩa quân cùa Trương Định một số rút về vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục hoạt động, số còn lại gia nhập vào các toán nghĩa quân khác.
2. Giải bài 2 trang 115 SGK Lịch sử 11
Thông qua bài học, hãy nêu nhận xét về tinh thần chống Pháp của vua quan triều đình nhà Nguyễn.
Phương pháp giải
Dựa vào kiến thức đã học về phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 đến trước năm 1873 để nhận xét, đánh giá.
Gợi ý trả lời
- Ban đầu:
+ Nhà Nguyễn có ý thức cùng nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm: cử Nguyễn Tri Phương ra đốc quân chống giặc, cử Hoàng Diệu làm tổng đốc Hà nội để giữ lấy Bắc Kì,...
+ Tuy nhiên, nhà Nguyễn lại bỏ lỡ nhiều cơ hội đánh thắng giặc do thi hành đường lối kháng chiến sai lầm (chỉ lo thủ hiểm).
- Về sau: trước ưu thế về sức mạnh quân sự của kẻ thù, triều đình nhà Nguyễn không kiên quyết cùng nhân dân chống giặc, đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, tỏ ra bạc nhược, yếu kém để thực dân Pháp lấn tới. Triều Nguyễn đã vì quyền lợi ích kỉ của dòng họ đã bán rẻ quyền lợi dân tộc (thông qua việc kí hàng loạt các hiệp ước bất bình đẳng với Pháp)